Dự án bauxit ở Đắk Nông và kinh nghiệm Tây Nguyên

Trong dự án to lớn: khai thác bauxit ở Đắk Nông, nếu có những chỗ cần cân nhắc thì điều cần cân nhắc nhất có thể chưa hẳn là chuyện môi trường mà trước hết và quan trọng hơn cả là chuyện xã hội – văn hóa, hoặc nói đúng hơn, chuyện môi trường, xã hội – văn hóa liên quan khắng khít với nhau. Và đấy chính là một đặc điểm của xã hội Tây Nguyên, phải hết sức chú ý khi tính toán, giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nhỏ nào ở vùng này.

Là người từng hoạt động ở Tây Nguyên và gắn bó với vùng đất và người này hơn nửa thế kỷ qua, tôi hết sức băn khoăn với dự án này, rất sợ rằng những toan tính vội vã và hời hợt của chúng ta sẽ dẫn đến những hậu quả hết sức nặng nề. Và sẽ rất kỳ lạ nếu chúng ta làm chuyện quá ư to lớn này ở đây mà không hề nghĩ, không hề nhớ đến những gì đã diễn ra trong 30 năm qua, những bài học lớn, sâu và cay đắng 30 năm ấy còn để lại, sờ sờ ra đấy, rất có thể lại còn dạy ta lần nữa, nhiều lần nữa, và thường vẫn vậy, lần sau bao giờ cũng nghiêm khắc hơn lần trước.

 

Bài học lớn ở Tây Nguyên hơn 30 năm qua là gì?

Có thể nói vắn tắt và đơn giản thế này: sau năm 1975, chúng ta đã chủ trương và tiến hành những việc rất lớn ở Tây Nguyên: Xây dựng Tây Nguyên thành một vùng vững chắc về an ninh và quốc phòng; Xây dựng Tây Nguyên thành một vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước – và để thực hiện hai chủ trương chiến lược đó, đã tổ chức một cuộc đại di dân chưa từng có từ đồng bằng lên Tây Nguyên. Chủ trương chiến lược đối với Tây Nguyên như vậy là đúng, nhưng biện pháp để thực hiện chủ trương đó, tăng cường lực lượng lao động cho Tây Nguyên bằng một cuộc đại di dân từ đồng bằng lên, với cường độ và tốc độ rất lớn, như đến nay đã chứng tỏ, chắc chắn là sai lầm lớn, thậm chí là sai lầm chiến lược như có người đã cảnh báo ngay từ lúc bấy giờ,  nhưng hoàn toàn không được nghe.

Chúng ta đã hành động ở Tây Nguyên rất thản nhiên, không hề quan tâm đến chỗ đây là một vùng đất và người rất đặc biệt về nhiều mặt, thậm chí đặc biệt nhất trong cả nước, không giống bất cứ vùng nào khác, kể cả các vùng dân tộc phía Bắc và phía Nam. Thậm chí có thể nói không quá lời, chúng ta đã làm mọi việc ở Tây Nguyên mà không hề quan tâm đến những điều cơ bản và sơ đẳng nhất của vùng đất và người rất đặc trưng này. Không hề quan tâm đến lịch sử rất đặc biệt của Tây Nguyên (chẳng hạn có ai biết Tây Nguyên chính thức thuộc về Việt Nam từ khi nào? Các dân tộc Tây Nguyên đã đến và gắn bó với cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ bao giờ, bằng những con đường nào, có những điểm nào trên con đường đó để lại ảnh hưởng sâu xa trong sự gắn bó ấy? Từng dân tộc ở Tây Nguyên, như dân tộc Mơ Nông ở Đắk Nông đây, có những đặc điểm gì về lịch sử, về truyền thống, về tính cách, v.v…). Rồi tổ chức xã hội cổ truyền của Tây Nguyên ra sao đã khiến cho Tây Nguyên tồn tại bền vững qua mọi thử thách hàng nghìn năm nay, kể cả thử thách vô cùng khắc nghiệt của hai cuộc chiến tranh trong thời hiện đại, và còn ảnh hưởng rất sâu đậm cho đến tận ngày nay; những việc làm của chúng ta hiện nay tác động tốt xấu như thế nào đến cơ cấu tổ chức xã hội đã từng tỏ ra rất hiệu lực đó. Đặc điểm của các dân tộc và từng dân tộc ở Tây Nguyên, mối quan hệ giữa họ với nhau và với các dân tộc bên cạnh. Có đại biểu đã nêu rõ rằng những vấn đề tự nhiên và môi trường ở Tây Nguyên, ở Đắk Nông, là có tính chất “liên quốc gia”, rất đúng như vậy. Tôi xin nói thêm: vấn đề dân tộc ở đây cũng có tính chất liên quốc gia, hẳn chúng ta đều biết quá rõ và chắc chắn không thể coi thường khía cạnh rất nhạy cảm này. Và vấn đề cốt tử hàng đầu của mọi xã hội nông nghiệp là vấn đề đất đai, quyền sở hữu đất đai; có ai đã để tâm nghiên cứu vấn đề đất đai và quyền sở hữu đất đai ở Tây Nguyên xưa và nay ra sao? Trong những năm qua đã biến đổi như thế nào? Đang để lại những bài toán nào khiến chúng ta còn phải rất đau đầu tìm cách giải quyết (mà hầu như chưa thật sự có đường ra). Có một số tác giả đã có những công trình công phu và rất có trách nhiệm về đề tài vừa cơ bản vừa nóng hổi này, nhưng theo chỗ tôi được biết các công trình đó đều bị xếp kín vào tủ, chẳng được mấy người có trách nhiệm từ cấp cao đến người thực hiện cụ thể ở cơ sở tại Tây Nguyên quan tâm, thậm chí liếc mắt nhìn qua. Tôi xin được nói rõ lại một số điều chính các tác giả ấy đã nói rồi mà bị bỏ ngoài tai.

Ở Tây Nguyên đất tức là rừng, và từ xưa, ở Tây Nguyên không có đất và rừng vô chủ. Rừng núi mênh mông vậy nhưng đều có chủ rất rõ rệt và cụ thể. Người chủ tuyệt đối đó là các làng, từng làng, đất và rừng của từng làng có ranh giới hết sức rành mạch, là thiêng liêng, của tổ tiên ngàn đời trao lại, của “Thần linh” ban cho làng, được ghi rất chặt chẽ trong luật tục, không ai được xâm phạm hay làm ô uế. Các nhà khoa học gọi đây là “quyền sở hữu tập thể của cộng đồng làng đối với đất và rừng”. Quyền sở hữu đó là cơ sở, là nền tảng vật chất và kinh tế của tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên là làng. Làng và rừng của làng, từng làng, là “không gian xã hội” hay “không gian sinh tồn” của con người ở đây, nghĩa là khi không gian ấy bị xâm phạm, bị biến dạng, bị mất đi, thì con người không còn sinh tồn, nói nôm na là không còn sống được nữa. Mất nền tảng ấy thì làng tan, văn hóa tan, con người trở nên bơ vơ, lạc lõng, tha hóa, bởi văn hóa Tây Nguyên là văn hóa làng, văn hóa rừng, con người Tây Nguyên là con người của làng, của rừng. Và như thế xã hội tất rối loạn…

 

30 năm qua chúng ta đã xử trí như thế nào đối với đất và rừng ở Tây Nguyên?

Chúng ta coi đấy là đất và rừng giữa trời, vô chủ, lấy đi hàng triệu hecta đất và rừng của các làng, từng làng giao cho các đơn vị bộ đội, các Liên hiệp xí nghiệp nông lâm công nghiệp, rồi các nông trường, lâm trường và cho hàng triệu người di cư từ nơi khác đến, là những tác nhân phá rừng kinh khủng (rồi ta lại đổ cho đồng bào dân tộc tại chỗ làm rẫy phá rừng, điều nếu quả họ đã làm thì họ đã bị tiêu diệt mất hàng vạn năm nay rồi!).

Những điều chúng ta, những người chủ trương dự án, những nhà đầu tư và thực thi dự án hứa với đồng bào Mơ Nông, với các làng Mơ Nông, những làng từng sống chết ngàn đời ở đây, những lời hứa đó có bao nhiêu căn cứ? Bao nhiêu khả năng hiện thực? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu đó chỉ là lời hứa cho xong chuyện, cho được việc hôm nay, vì những quyền lợi cấp thời bây giờ? 

Những điều tôi nói trên đây là không có gì mới, chắc mỗi người trong chúng ta có nói thẳng ra hay không đều biết, hoặc ít ra đều cảm thấy rồi. Nhưng tôi muốn nói lại những điều đó ở đây để thử đặt lại câu hỏi: trên hơn 2/3 diện tích của tỉnh Đắk Nông mà ta sẽ chặt trụi, cạo sạch đi hết rừng, rồi đào bới lên để lấy bauxit, trên cái diện tích không hề nhỏ ấy vốn có bao nhiêu rừng và đất của bao nhiêu làng Mơ nông, sự tan vỡ của các làng Mơ nông ngàn đời ấy sẽ đưa lại hậu quả gì? Những điều chúng ta, những người chủ trương dự án, những nhà đầu tư và thực thi dự án hứa với đồng bào Mơ Nông, với các làng Mơ Nông, những làng từng sống chết ngàn đời ở đây, những lời hứa đó có bao nhiêu căn cứ? Bao nhiêu khả năng hiện thực? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu đó chỉ là lời hứa cho xong chuyện, cho được việc hôm nay, vì những quyền lợi cấp thời bây giờ?  

Tôi có nghe ý kiến nói rằng Tây Nguyên còn đến 2 triệu hecta rừng, rừng mất vì khai khoáng ở Đắk Nông là không đáng kể, và đấy cũng là vùng không có rừng, nên chẳng ảnh hưởng gì! Theo tôi con số 2 triệu hecta rừng là một con số ma. Trong chiến tranh chống Pháp tôi từng có hoạt động ở vùng Đăk Mil, chúng tôi tồn tại được thời bấy giờ là do được rừng đại ngàn che chỡ. Nay rừng đã bị phá rất nhiều, đến gần hết, chúng ta muốn tiếp tục sa mạc hóa hoàn toàn vùng này chăng? Cũng không thể không nói thật rằng cái gọi là kế hoạch hoàn thổ sau khi đã cạo sạch rừng, bóc đi từ 1 mét đến 1,5 mét đất cho đến quặng, rồi tiếp tục moi đến hàng chục mét nữa để vét hết quặng, rồi lấp lại, trồng rừng lên, lập lại làng, khôi phục lại cuộc sống cho dân … là một sự nói chơi, nói đùa cho vui, nếu không phải là nói bừa cho xong, cho được việc trước mắt, hoặc không phải là một sự lừa phỉnh trắng trợn. Mùa mưa rừng Tây Nguyên, ai từng ở đây hẳn đều biết, dữ dội như thế nào, lại trên đất Đắk Nông cao trên 800 mét và dốc đến 25°, hoàn thổ thế nào kịp trước mùa mưa? Sẽ là một cuộc cạo sạch vĩnh viễn và khai thác tàn phá có tịnh tiêu diệt không hơn không kém, chắc chắn sẽ để lại một hoang mạc, như nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, không chỉ ở đây, mà còn ở cả một vùng rộng lớn Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Tôi tán thành 3 kiến nghị sáng suốt và dũng cảm tại Hội thảo về dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên của tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn: Sớm chấm dứt vô điều kiện các dự án khai thác và chế biến bauxit ở Tây Nguyên; Tăng cường đầu tư cho cây công nghiệp ở Tây Nguyên (thực ra sức chịu đựng cây công nghiệp ở Tây Nguyên cũng là có hạn, không phải vô tận, tăng cường đầu tư ở đây hẳn nên chú trọng chất hơn lượng – cà phê của ta nhiều nhưng chế biến kém, giá thấp …). Thành lập Ủy ban Quốc gia về phát triển kinh tế ở Tây Nguyên.
Tôi đề nghị nên nói rõ thêm: Thành lập Ủy ban Quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội ở Tây Nguyên, thậm chí có thể đảo ngược thứ tự ưu tiên lại: Không phải Ủy ban Quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội, mà là Ủy ban Quốc gia về phát triển xã hội – kinh tế. Hơn ở đâu hết, ở Tây Nguyên vấn đề xã hội – văn hóa là vấn đề hàng đầu, các toan tính lớn nhỏ về kinh tế đều phải phụ thuộc vào những cân nhắc chặt chẽ, thận trọng nhất về văn hóa xã hội.
Chỉ như vậy mới giữ yên sự bền vững cho Đắk Nông, cho Tây Nguyên, và cho cả nước.   

Gần đây chúng ta nói đến tai họa Vedan. Tai họa do chất thải độc từ khai thác bauxit ở trên độ cao và dốc như Đắk Nông chắc chắn còn gấp trăm lần tai họa Vedan… Và rồi những người Mơ Nông bản địa bị thu hồi đất sẽ đi đâu, tái định cư như thế nào, làm gì ở vùng đất mới của họ, và họ đứng đâu, làm gì trong các nhà máy hiện đại của chúng ta? Kinh nghiệm suốt hơn 30 năm qua cho thấy, trong những dự án quy mô nhỏ hơn, ít hiện đại hơn nhiều, chưa đâu thành công trong việc đưa người bản địa trở thành những công nhân hiện đại trong các cơ sở kinh tế công nghiệp hiện đại. Hầu như chắc chắn họ chỉ còn hai con đường: lui vào rừng ngày càng sâu, ngày càng khốn khổ và bế tắc; hoặc ở lại và trở thành người làm thuê đơn giản cho những người nơi khác đến, tức người Kinh (và 26.000 cán bộ, công nhân kỹ thuật như kế hoạch dự kiến sẽ đưa lên đây) và cả những người nước ngoài mà chúng ta không hề mong muốn. Bị đẩy vào tình cảnh tất yếu đó, hoặc họ sẽ là một dân tộc bị suy tàn, mai một, hoặc họ sẽ có phản ứng không thể lường. Trong tình hình đó những cơ sở khai khoáng hoành tráng và những nhà máy huy hoàng của chúng ta có thể bảo đảm an toàn chăng?…

Các nhà khoa học đã phác ra bức tranh phải nói là khá đen tối về môi trường. Tôi xin thử hình dung bức tranh xã hội như vậy. Và muốn nói thêm rằng ở đây vấn đề môi trường cũng là vấn đề xã hội, là vấn đề dân tộc, và đã là vấn đề dân tộc thì chớ coi thường. Như chúng ta đều biết tôn giáo và dân tộc là hai vấn đề lâu dài nhất, khó nhất, thậm chí vĩnh viễn của thế giới, và cũng là của từng quốc gia.

Chúng ta đang đứng trước một vấn đề như vậy ở đây, hôm nay.

Quả thật nếu cứ một mực dấn tới, tôi không thấy có đường ra. Tôi là một người lính, từng trải qua chiến tranh. Tôi biết trong chiến tranh có một kinh nghiệm thoạt nghe hơi lạ: Quyết định nổ súng, mở đầu một trận đánh, một chiến dịch là rất khó. Đã chuẩn bị đầy đủ chưa? Đã rà soát chu đáo hết mọi chi tiết nhỏ nhất chưa? Còn sơ sót nào không, mà mỗi sơ sót nhỏ nhất đều là xương máu, thậm chí thất bại đau đớn? … Rất khó. Nhưng quyết định chấm dứt một trận đánh, một chiến dịch lại càng khó hơn. Trong khi tất cả đang hăng hái, hừng hực lao lên, mà dám sáng suốt nhận ra những bất lợi đang hé lộ chưa thật rõ, song có thể sẽ là chí tử, hiểu rằng nên dừng lại đi, lao lên thêm chút nữa là đang thắng có thể chuyển ngay thành bại, thảm hại, dám dũng cảm quyết đoán dừng lại, rút lui. Một sự anh minh và dũng cảm còn hơn cả khi quyết định nổ súng.

Tôi có cảm giác hiện nay chúng ta đang đứng trước một tình huống như vậy ở Đắk Nông này. 

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)