Dự thảo Luật Dân số: Giảm nhẹ gánh nặng gia đình?

Không ai tưởng tượng từ chỗ phải kiềm chế mức sinh, đến một thời điểm thì mức sinh ở một số khu vực của Việt Nam đã tiến tới gần như Nhật Bản và 21 tỉnh không đạt được mức sinh thay thế. Do đó, dự thảo luật Dân số đang đề xuất thưởng tiền, khen thưởng để phụ nữ sinh thêm con. Liệu điều đó sẽ giúp đảo ngược tình thế?

Nếu vào cuối thập niên 1980, chương trình kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam được ban hành nhằm kiềm chế mức sinh với các biện pháp hành chính, phạt các trường hợp “nhỡ kế hoạch” thì trong thời gian gần đây, các nhà làm chính sách dân số bắt đầu lo lắng. Khung cửa sổ vàng về dân số mang lại nguồn lao động dồi dào là động lực tăng trưởng cho Việt Nam sắp đóng lại. Điều đó đòi hỏi phải có chính sách khuyến sinh dần dần từ bây giờ để tránh bị rơi vào cảnh mức sinh giảm trong một thời gian dài nếu tới ngưỡng duy trì mức sinh thấp hoặc cực thấp sẽ không thể vực dậy được. Hai nước gần Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản thường được mang ra là tấm gương báo động khi Nhật chỉ đạt mức sinh khoảng 1,3-1,4. Đặc biệt, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có mức sinh 0,98 – mức thấp chưa từng có trên thế giới, nghĩa là trung bình mỗi phụ nữ tại Hàn Quốc chưa sinh đến 1 con, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn nhiều hơn cả trẻ em sinh ra. Nếu tiếp tục duy trì như hiện nay thì đến khoảng giữa thế kỷ này thì Hàn Quốc chỉ còn 2/3 dân so với hiện nay.

Trong các địa phương, nỗi lo TP. HCM về việc phụ nữ nơi này không chịu sinh con đã kéo dài trong suốt mấy nhiệm kỳ gần đây. Nhiều lần, các nhà quản lý của thành phố phát biểu trước công chúng về việc phụ nữ không chịu sinh con, khiến TP.HCM cũng không đạt mức sinh thay thế suốt 20 năm nay, giờ chỉ có mức sinh là 1,39 con, bằng với Nhật Bản hiện nay. Còn Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay cũng có mức sinh thấp dưới mức thay thế, lần lượt là 1,56 và 1,8.

Những nỗi lo ấy đã được chuyển tải vào trong nhiều chính sách khuyến sinh khác nhau. Trước Dự thảo Luật Dân số đang đề xuất thưởng tiền cho phụ nữ sinh con, cao nhất lên tới 9 triệu đồng ở 21 tỉnh có mức sinh thấp, chúng ta cũng mới có “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” đề cập tới chính sách tuyên truyền vận động, khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật, Thông tư 01/2021/TT-BYT hướng dẫn các địa phương khen thưởng trong việc kiểm soát hoặc khuyến khích mức sinh.

Không chỉ là chuyện cá nhân

Nhưng thưởng trực tiếp như vậy sẽ không có tác dụng vì điều kiện kinh tế, giáo dục, phúc lợi để nuôi dạy được một đứa trẻ thật tốt đẹp mới là điều mà các gia đình cân nhắc sẽ sinh tiếp hay không. Như vậy, mặc dù chúng ta lo lắng chyện sinh con của từng cá nhân là vấn đề xã hội, mang tính vĩ mô ảnh hưởng tới sự thịnh vượng của tương lai dân tộc nhưng chính sách khuyến sinh mới chỉ nhắm vào từng cá nhân bằng việc thưởng tiền thay vì xem xét việc phát triển dân số một cách bền vững trong một tổng thể lớn hơn, với rất nhiều khía cạnh khác gồm an sinh xã hội, chính sách giáo dục y tế, giáo dục, chính sách lao động, môi trường. “Giải pháp về các mức thưởng nhắm tới từng cá nhân này mới chỉ là phần ngọn của vấn đề, vì có thưởng cỡ nào đi nữa thì gánh nặng lên gia đình và đặc biệt là người phụ nữ vẫn rất lớn”, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, cho biết.

Theo TS. Khuất Thu Hồng, dự thảo luật dân số giống như tài liệu hướng dẫn cho ngành y tế, với nhiều quy định về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, điều trị vô sinh hơn là tầm chiến lược của quốc gia tính đến những câu chuyện lớn lao hơn về hành vi sinh đẻ của người dân và mối quan hệ của nó với các yếu tố kinh tế – văn hoá – xã hội về những điều kiện cho một nền dân số phát triển bền vững.

Quyết định sinh con sẽ phụ thuộc vào các chính sách xã hội và vấn đề bình đẳng giới nên các quyết định thưởng tiền trực tiếp, dù có lên tới cả nghìn đô vẫn không hiệu quả.

Do đó, điều mà TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh là phải thay đổi “cách  làm chính sách” chuyển từ quan niệm  rằng chuyện sinh đẻ là hành vi của cá nhân, hay gia đình sang nhận thức rằng đó là vấn đề của xã hội. Việc phải làm là tạo ra một môi trường toàn diện nơi mỗi đứa trẻ được đón nhận không phải chỉ bởi cha mẹ và gia đình nó mà toàn xã hội. Có nghĩa là các điều kiện dinh dưỡng, học tập, chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao …phải sẵn sàng cho đứa trẻ khi mới chào đời và trong quá trình phát triển. Những điều kiện đó không một gia đình nào có thể tự tạo nên mà phải là xã hội với các chính sách vĩ mô đồng bộ trong nhiều lĩnh vực. Một việc cần làm ngay, đã được nêu ra từ mấy năm nay là đảm bảo sức khoẻ cho người mẹ trong quá trình mang thai, nuôi con 1.000 ngày đầu đời nhưng cho đến nay không phải nơi nào cũng làm được thì câu chuyện phát triển dân số bền vững vẫn còn xa vời.

Tuy thế, chúng ta muốn tăng cường chất lượng dân số chung cho toàn xã hội thì lại không dễ gì vượt qua được một thực tế hiện nay chi tiêu công cho các dịch vụ xã hội này đều ở mức thấp. Các báo cáo gần đây cho thấy cán cân chi tiêu cho các dịch vụ công về y tế, giáo dục đang quá lệch về phía hộ gia đình. Trong Hội thảo “Giáo dục đại học: Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế”, vào năm 2018, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đã đưa ra một thông tin gây bất ngờ cho nhiều người: Người học và hộ gia đình ở Việt Nam đang phải gánh chịu quá nhiều chi phí cho giáo dục – hơn 50% chi phí cho giáo dục đại học ở Việt Nam là do học viên, hộ gia đình đóng góp (so với trung bình ở các nước phát triển là 30%). Báo cáo “Vốn nhân lực Việt Nam: Thành tựu giáo dục và thách thức trong tương lai” do World Bank xuất bản tháng 8/2020 cho thấy, chi tiêu công cho giáo dục bậc cao ở Việt Nam thuộc mức thấp nhất so với các nước trong khu vực.

Không chỉ có chi tiêu cho giáo dục mang tính “đầu tư” cho tương lai, mà các chi tiêu công để hỗ trợ trực tiếp cho phụ nữ sinh đẻ hay chi tiêu công nói chung cho an sinh xã hội của chúng ta cũng là vấn đề còn nhiều hạn chế. Chính sách hỗ trợ sau sinh hiện nay dựa vào bảo hiểm chỉ hữu dụng với phụ nữ có công ăn việc làm trong khu vực chính thức, có hợp đồng lao động, 50% số còn lại trong thị trường lao động phi chính thức không có bất kỳ một hình thức hỗ trợ nào. Còn chính sách an sinh xã hội nói chung của chúng ta đều chưa bằng nhiều nước trong khu vực chứ chưa dám so sánh với các nước phát triển. Báo cáo “Tác động phân phối của chính sách tài khóa ứng phó COVID-19 đến các hộ gia đình, đặc biệt là ở thành phố Đà Nẵng” của World Bank mới công bố cho thấy, trong hơn một thập kỷ qua nhìn chung hệ thống trợ giúp xã hội của Việt Nam đã mở rộng được một số nhóm dễ bị tổn thương và các nhóm nghèo cùng cực nhưng mức chi của hệ thống còn tương đối ít, mức hỗ trợ còn thấp và phạm vi bao phủ còn hạn chế. Cho đến trước dịch COVID, Việt Nam có tỷ lệ dân số nhận trợ giúp xã hội ở mức 21.5% (trên tổng số dân), thấp hơn nhiều so với 63.5% ở Malaysia và 71% ở Thái Lan.

Thực ra Việt Nam đã từng có quan điểm nhà nước và xã hội gánh trách nhiệm nuôi nấng trẻ từ thời … bao cấp, khi nhà nước gánh các trách nhiệm xã hội mặc dù thời đó đất nước không có tiềm lực kinh tế như ngày nay. Việt Nam chuyển mình sang cơ chế thị trường thì những dịch vụ xã hội liên quan tới chăm sóc y tế, giáo dục đã được trả lại cho thị trường phần nhiều (trong khi chính các quốc gia tư bản lại cố gắng giải quyết vấn đề này). Khi xã hội chưa thể tăng đầu tư vào các dịch vụ công nhằm nâng cao mặt bằng chung chất lượng dân số hơn nữa thì chất lượng dân số sẽ phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện kinh tế hộ gia đình, với sự chênh lệnh rõ rệt giữa nhóm giàu và nghèo.

Tính kinh tế của bất bình đẳng giới

Một khía cạnh quan trọng ảnh hưởng tới việc tăng mức sinh mà đến nay thường bị bỏ qua là các mâu thuẫn liên quan đến bất bình đẳng giới và gánh nặng mà phụ nữ phải chịu đựng. “Xã hội vừa muốn phụ nữ sinh thêm con trong khi đó xã hội lại vẫn trông đợi người phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, đóng góp, trở thành người tạo ra của cải cho xã hội. Cùng một lúc xã hội có đòi hỏi người phụ nữ quá nhiều hay không? Chừng nào chính sách, quan niệm xã hội về sinh con còn chưa thay đổi thì tôi sợ là câu chuyện sinh đẻ vẫn là bài toán nan giải”, TS. Khuất Thu Hồng phân tích. Người dân và đất nước Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Trung Quốc đều khá giả hơn Việt Nam nhiều lần nhưng phụ nữ vẫn không muốn sinh đẻ nữa cũng do các mâu thuẫn liên quan đến bình đẳng giới, trách nhiệm của người phụ nữ trong việc chăm sóc con cái quá nặng nề. Trong khi phụ nữ ngày càng được trao quyền hơn và muốn được giải phóng hơn thì việc chăm sóc con cái khiến họ mất đi quá nhiều chi phí cơ hội.

Vì việc nuôi dạy con cái vẫn là trách nhiệm chính của cá nhân người phụ nữ nên việc sinh ít con là một tác nhân giúp phụ nữ tham gia thị trường lao động nhiều hơn. Một công bố mới đây của TS. Vũ Hoàng Linh (Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội), TS. Trần Quang Tuyến (Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS. Phùng Đức Tùng (Viện Nghiên cứu phát triển Mekong) cho thấy, việc Việt Nam đạt được mức 79% phụ nữ từ 15 đến 64 tuổi tham gia thị trường lao động – tuy thấp hơn so với mức 85% nam giới tham gia thị trường lao động nhưng cao hơn cả các nước OECD (74%), là có liên quan đến việc hạn chế sinh con. Cụ thể, với nhóm 21-35 tuổi, sinh thêm con làm giảm mức độ tham gia của người mẹ vào thị trường lao động giảm 10,2 điểm phần trăm. Đối với những người phụ nữ lớn tuổi hơn (36-50 tuổi), thường đã có việc làm thì việc sinh con không ảnh hưởng đến việc tham gia thị trường lao động nhưng làm giảm 1,8 giờ thời gian làm việc hằng tuần của người mẹ.

Quyết định sinh con sẽ phụ thuộc vào các chính sách xã hội và vấn đề bình đẳng giới nên các quyết định thưởng tiền trực tiếp, dù có lên tới cả nghìn đô như Nhật Bản, Hàn Quốc thì cũng không hiệu quả. Còn các mô hình nhà nước phúc lợi và chú ý tới bình đẳng giới trong môi trường công việc (điển hình là cho cả nam và nữ đều được nghỉ sinh để phụ nữ không mất quá nhiều cơ hội việc làm) như Đan Mạch đã phục hồi được mức sinh, từ chỗ rất thấp trở về mức hơn 1.8, gần đạt mức sinh thay thế trong những năm gần đây.

Khả năng hấp thụ lực lượng lao động?

Không quá lo lắng về mức sinh, một số nhà kinh tế đặt câu hỏi về việc Việt Nam sẽ chuẩn bị gì để hấp thụ hết lực lượng lao động sẽ tiếp tục tăng lên. Chúng ta vẫn còn thời gian để đầu tư cho các chính sách an sinh và giáo dục, y tế đầu tư cho thế hệ tương lai của đất nước, vì trên thực tế chỉ có 21 tỉnh không đạt, các tỉnh còn lại vẫn đạt mức sinh thay thế và Việt Nam sẽ còn duy trì được mức sinh khoảng hai con trong cả nước trong một thời gian nữa chứ không đột ngột giảm trầm trọng ngay, theo PGS.TS Giang Thanh Long, Đại học Kinh tế Quốc dân. “Do đó, ngay bây giờ, vấn đề thứ nhất là các tỉnh đạt mức sinh thay thế sẽ di cư tới các vùng thiếu lao động, vậy thì chúng ta có chính sách gì để đảm bảo đời sống cho họ? Vấn đề thứ hai là chúng ta đang không hấp thụ được hết lực lượng lao động đang có của ngày hôm nay, vì hiện nay có đến 50% lao động ở Việt Nam là những lao động làm các công việc không bền vững, làm việc theo mùa vụ và không có hợp đồng lao động trong khu vực phi chính thức. Chỉ một cú sốc COVID là tất cả đều thấy lao động phi chính thức bấp bênh như thế nào và không thể mãi duy trì tình trạng này”, PGS.TS Giang Thanh Long nói.

Cùng chung nhận định này, TS Phùng Đức Tùng không lo ngại việc Việt Nam sẽ mất đi vị thế “cường quốc dân số” mà lo Việt Nam không thể tăng năng suất lao động để xã hội trở nên thịnh vượng hơn. Việt Nam hiện có số dân đứng thứ 15 trong 187 quốc gia, và cũng là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới (310 người/km2). Với tốc độ tăng hiện tại, dân số Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 120 triệu dân và đạt mức 380 người/km2 vào năm 2050, vẫn đứng trong nhóm có dân số và mật độ dân số cao nhất thế giới.

Nhưng trái với bức tranh dân số này, năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới. Theo số liệu Ngân hàng Thế giới năm 2019, năng suất lao động của lao động Việt Nam đứng thứ 140 trên 187 quốc gia, thấp hơn tất cả các nước trong khối ASEAN và chỉ bằng 31,6% mức trung bình của thế giới. Một trong những lý do là lao động Việt Nam hiện nay đang làm việc trong công đoạn thấp nhất của chuỗi giá trị.

Việt Nam mong muốn trở thành một quốc gia giàu có, có sức mạnh và tầm ảnh hưởng nhưng điều đó không chỉ phụ thuộc vào số lượng lao động, số lượng dân số, điều quan trọng hơn là một chất lượng dân số, chất lượng lao động với năng suất cao. Đối với mỗi cá nhân và gia đình, việc sinh con  phụ thuộc vào việc họ được hưởng an sinh xã hội tốt, các dịch vụ công, đặc biệt là y tế và giáo dục được tốt, một thị trường lao động dễ tìm việc làm chứ không phải là những chính sách thưởng/ phạt trực tiếp.□

—-

1Linh Hoang Vu, Tuyen Quang Tran, Tung Duc Phung, Children and female labor market outcomes in Vietnam, https://doi.org/10.1016/j.heliyon.2021.e07508

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)