Đừng vơ đũa cả nắm

“Tia Sáng” đã từng phân tích sâu sắc về lương giáo viên, vấn đề bất hợp lý kéo dài, gây nên những tiêu cực, đẩy tới sự xuống cấp của giáo dục và đào tạo “chìa khóa của phát triển”! Vừa rồi, trong tranh luận nguyên nhân của những tiêu cực trong ngành giáo dục mà báo cáo của Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nêu lên, đã có những lý lẽ đanh thép không đồng ý với lập luận của báo cáo cho rằng vấn đề lương của giáo viên chưa hợp lý là một nguyên nhân đẩy tới những tiêu cực trong ngành mà hiện nay đang có cuộc vận động mạnh mẽ “nói không” với chúng.


Phán bảo rằng đồng lương và thu nhập của người thầy giáo đã là cao, không thể cho đó là nguyên nhân của tiêu cực trong ngành giáo dục, nghe ra thì có vẻ sang trọng và cao đạo. Và có người cho là có lý. Cũng có thể. Đó là cái lý của người nắm tiền nhà nước, tóm lấy những bằng chứng về những người thầy đang có điều kiện dạy thêm và nhất là kiếm thêm nhờ cái tệ buôn bằng, bán điểm do chính những khuyết tật của chính cái cơ chế tuyển chọn cán bộ và trọng dụng nhân tài , để quy cho những “tiêu cực” trong giáo dục chỉ là do đạo đức và phẩm hạnh của người thầy giáo.
Nhưng, xin gợi ra một câu hỏi: những ai cần và có điều kiện vung tiền ra mua bằng? Có cầu thì có cung. Tóm ngay cái nhu cầu bức xúc muốn chiếm ngay những cái ghế lớn nhỏ của quyền lực để cung ứng kịp thời, đúng là có những người thầy biết khai thác triệt để thói hám quyền và tệ “chạy ghế” này. Một số người hành nghề “buôn bằng, bán điểm” quả là đã phất lên thật. Thực trạng đau lòng và đáng xấu hổ này là sản phẩm của cái gì? Đâu phải là sản phẩm của riêng ngành giáo dục đào tạo!
Dạy thêm và học thêm” mới là sản phẩm riêng của ngành giáo dục. Ấy thế nhưng, chuyện dạy thêm của thầy và học thêm của trò, xét đến cùng, cũng là chuyện “chẳng đặng đừng”. Tất nhiên, không thiếu những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng vơ đũa cả nắm, vì con sâu mà hất bỏ nồi canh, làm mất đi vẻ đẹp cao quý của người thầy giáo, thì chính là xã hội tự cứa vào vết thương đau, làm chảy máu thêm cơ thể của chính mình, tự xỉ vả chính mình.
Có gia đình nào mà lại không trực tiếp hàng ngày gắn bó, nuôi dưỡng hạnh phúc và ký thác niềm hy vọng vào người thầy có mặt trên khắp đất nước, ở chốn phồn hoa đô hội cũng như nơi thôn cùng xóm vắng, tít tắp ở các bản làng hẻo lánh, vùng sâu vùng xa heo hút nghèo khổ. Liệu đã có ai làm một khảo sát nghiêm cẩn để đưa ra con số chính xác về lương, về thu nhậpmức sống của những cô giáo thầy giáo đang âm thầm, nhẫn nại dạy học trên cả nước? Có bao nhiêu trong họ sống ung dung, sung túc và bao nhiêu đang gieo neo, cùng cực? Có bao nhiêu “con sâu”, và bao nhiêu những “con người” đang âm thầm lặng lẽ sống cuộc sống thanh bạch trong cái nghề mà họ biết không thể giàu, chỉ may lắm là đủ sống và được xã hội kính trọng. Tỷ lệ là bao nhiêu giữa “sâu” và “người”, giữa người sống đủ, sống được với người sống gieo neo, vất vả?
Hãy đặt những tiêu cực của ngành giáo dục bên cạnh những ngành nắm tiền, nắm quyền, những thứ quyền đẻ ra tiền, và tiền vung ra mua được quyền, mà là quyền sinh, quyền sát, thì sẽ thấy cần phải ứng xử như thế nào với những người “thấp cổ bé họng” nhưng lại đang gánh cái gánh rất nặng ươm mầm và nuôi dạy con trẻ nên người, đào luyện họ trở thành hiền tài, hun đúc, bồi bổ “nguyên khí quốc gia”. “Nhân bất học bất tri lý”, càng hiểu rõ những bất cập mà chúng ta đang phải đương đầu, càng thấm thía sự đúc kết đó.
Chỉ trên quan điểm “trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là của quý không gì có thể thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá” mới có điểm tựa để mà bàn thảo, phân tích, nhận định về sự xuống cấp của hệ thống giáo dục nhằm đưa ra quyết sách chấn hưng. Giáo dục là sản phẩm tiêu biểu của một chế độ, không là sản phẩm cho riêng nó.
Trút toàn bộ sai lầm cho riêng ngành giáo dục, còn lại thì vô can, là sự thiển cận và vô trách nhiệm. Dù nói gì thì nói, người thầy vẫn là, cần là và phải là nhân vật xã hội được kính trọng, không được tùy tiện xúc phạm cái nghề đáng kính này. Chính vì càng tôn kính người thầy nên càng dễ nặng lòng với nghề thầy cao quý đôi lúc bị làm hoen ố nên có khi nặng lời với họ. Vì những sai lầm của một số trong họ đã xúc phạm đến nơi sâu thẳm của đạo lý dân tộc, trực tiếp làm xói mòn nhân cách và niềm tin của lớp trẻ.
Trong sâu thẳm đạo lý dân tộc, có hai nhân vật được xã hội tôn vinh làm “thầy”: thầy giáothầy thuốc. Đạo lý ấy được hun đúc và trường tồn trong đời sống của một dân tộc “vốn xưng văn hiến đã lâu”. “Văn hiến”, văn hóa và hiền tài là nhân tố đầu tiên làm nên nét đặc trưng nổi bật của sự phân định vị thế của một quốc gia độc lập, tiếp đó mới đến lãnh thổ, phong tụctriều đại như Nguyễn Trãi đã từng khẳng định. Trong thang bậc giá trị, ông cha ta còn đặt “thầy” trước cả cha. Đặt trước, là biểu thị sự coi trọng tính người của con người. Công sinh thành, đức dưỡng dục của cha mẹ đương nhiên bao hàm cả việc hun đúc nên tính người ấy, nhưng sứ mệnh thiêng liêng của người thầy giáo được tập trung riêng cho chức năng cao cả đó. Tôn sư là vì trọng đạo. Đạo lý làm người.
Một chế độ biết tôn trọng con người, biết lấy con người làm trung tâm của mọi cương lĩnh, chiến lược, chủ trương, đường lối là một chế độ ưu việt và bền vững. Cứ nhìn vào số lượng và chất lượng của người thầy ấy, xem cung cách ứng xử và đãi ngộ của nhà nước và xã hội đối với họ, mà người ta hiểu ra tính ưu việt hay không của một chế độ. “Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”, nghề thầy. Khi mà đồng lương của người thầy không đủ cho họ và vợ con họ sống, buộc họ phải đi dạy thêm, làm thêm để có thể tiếp tục theo đuổi cái nghề cao quý của họ, thì nên được xem là nỗi đau của cả xã hội , nỗi nhục của nhà nước, nỗi day dứt của người có trọng trách đối với dân, chứ không chỉ và không thể là nỗi đau riêng của người thầy. Xin kết thúc bài viết bằng một mẩu chuyện nhỏ.
Cách  đây quãng 7 năm, trong một chuyến công tác ở Hà Giang, trên đoạn đường đèo đổ dốc từ Cổng Trời về Mèo Vạc, trong nắng chiều đã tắt, tôi thấy một tốp các cháu nhỏ ngồi sưởi quanh một đống lửa bên vệ đường. Dừng xe, tôi tiến về phía các cháu, bốn bé trai và một bé gái. Cho bò tranh thủ gặm nốt vạt cỏ bên đường, các cháu ngồi lại bên đống lửa mới nhen.
Các cháu học lớp mấy, chăn bò từ chiều hay từ sáng”, tôi ngồi xuống hỏi. “Lớp ba cả, chỉ nó lớp bốn”, một bé trai chỉ vào cháu gái đang tủm tỉm cười, trả lời tôi. “Học buổi sáng, buổi chiều chăn bò”. “Thế ai học giỏi nhất nào”, tôi hỏi. Vẫn bé trai ấy: “Nó đấy, nó giỏi lắm, vừa được cô giáo thưởng cho quyển vở đấy”. Bé gái có đôi mắt rất sáng, e thẹn cúi đầu: “Không phải đâu, không phải đâu”. “Đúng nó đấy, quyển vở còn trong cặp sách nó đấy”. Cũng vẫn bé trai nói to: “Cô giáo yêu nó lắm, cô ở dưới xuôi lên mà, cô ở nhà nó mà, dưới kia kìa”.
Nhìn xuống thung lũng mờ sương, dòng sông Nho Quế chỉ còn là một nét mờ uốn lượn, khi ánh chiều đã tắt. “Cô giáo dưới xuôi” quý yêu của các cháu ở đấy, bên bếp lửa nhà sàn cũng bập bùng như ánh lửa các cháu đốt lên ở đây, ánh lửa của tình người, ánh lửa của trí tuệ.
 Không được che mờ ánh lửa ấy bằng sự vơ đũa cả nắm bất cận nhân tình.

Chú thích ảnh: Ánh mắt và nụ cười- Nguyễn Đạt

Tương Lai

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)