Đường lối cách mạng của Cụ Phan xứ Nghệ

Cụ Phan xứ Nghệ (Phan Bội Châu) và cụ Phan xứ Quảng (Phan Châu Trinh) là hai nhân vật sáng danh nhất trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. Sử sách từng nhận định: đường lối của cụ Phan xứ Nghệ là bạo động và như thế là cách mạng, tiến bộ hơn đường lối của cụ Phan xứ Quảng là cải lương, không bạo động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thì quý trọng hai cụ như nhau. Nên có chuyện trước kia Bảo tàng Cách mạng Việt Nam treo ảnh cụ Phan xứ Nghệ trên hàng ảnh cụ Phan xứ Quảng và một số chí sĩ khác. Nhưng khi đến xem Bảo tàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo chuyển ảnh cụ Phan xứ Quảng lên ngang ảnh cụ Phan xứ Nghệ. Dù vậy thì trong sách vở cũng như trong suy nghĩ nhiều người, cách đặt cụ Phan xứ Quảng sau cụ Phan xứ Nghệ vẫn hầu như không thay đổi. Nhưng gần đây, hoặc trên sách báo hoặc ở các cuộc nói chuyện, xuất hiện khuynh hướng đặt cụ Phan xứ Quảng lên trên hết – không chỉ của giai đoạn đầu thế kỷ XX – mà còn như là người mở đường đi vào tương lai cho lịch sử.

Đúng là mỗi giai đoạn lịch sử có một yêu cầu. Từ yêu cầu vũ trang chống Mỹ trước đây mà người ta đề cao cụ Phan xứ Nghệ hơn. Từ yêu cầu phát triển dân chủ hôm nay mà đề cao cụ Phan xứ Quảng hơn. Quy luật nhận thức thông thường vẫn có điều đó.

Tuy nhiên đáng tiếc là trong khi đề cao cụ Phan xứ Quảng lại có sự hiểu chưa đúng về cụ Phan xứ Nghệ, do đó vô tình hay hữu ý hạ thấp cụ Phan xứ Nghệ một cách phi lý. Sự hiểu chưa đúng là ở chỗ đã đơn thuần hóa, tuyệt đối hóa cái gọi là đường lối cách mạng bạo động của cụ Phan xứ Nghệ, coi Cụ như là người chỉ có bạo động và bạo động, chẳng dính dáng gì đến duy tân, đến dân chủ.

Quả là cụ Phan xứ Nghệ đã chủ trương bạo động để cứu nước. Hịch Bình Tây thu Bắc Cụ viết năm 17 tuổi đã thể hiện tư tưởng đó.

Năm 1901, âm mưu đánh chiếm thành Vinh mà thất bại là hành động đầu tiên thể hiện tư tưởng bạo động của Cụ. Nhưng vào khoảng 1897, trong dịp vào kinh đô Huế, thì Cụ đã được cụ Nguyễn Thượng Hiền cho mượn nhiều tân thư để đọc và chính Cụ đã nói là nhờ đó mà mình được sáng mắt. Rồi đến năm 1903, trong khi cụ Phan xứ Quảng đang tại chức thì Cụ viết Lưu cầu huyết lệ tân thư mà nội dung chính được nêu là: 1) Mở trí khôn cho dân (khai dân trí); 2) Chấn hưng khí dân (chấn dân khí); 3) Vun trồng nhân tài (thực nhân tài). Trước khi Đông du, Cụ cũng đã đọc các “tân thư” như Mậu Tuất chính biến, Trung Quốc hồn của Lương Khải Siêu và Tân Dân tùng báo.

Năm 1904, Cụ vào Quảng Nam gặp cụ Nguyễn Thành để liên kết lực lượng, bàn chuyện Đông du cầu viện Nhật Bản mà sau đó được đặt tên là Duy Tân hội thì chính Nguyễn Thành nói với Cụ: “Duy nước Nhật Bản là một nước tân tiến ở trong nòi giống vàng mới đánh được nước Nga mà dã tâm đang hăng lắm… Qua tới đó, đem hết lợi hại tỏ với nó tất nó ứng viện cho ta… Vậy nên chúng ta muốn đứng khóc sân Tần(1) không chi bằng Nhật Bản”. Năm 1905, Cụ sang Nhật, tiếp xúc với Lương Khải Siêu và được góp ý: chỉ nhờ Nhật viện trợ thanh thế, ngoại giao, chứ để quân Nhật đã một lần vào thì quyết không có lý do gì đuổi nó ra được. Không khéo thì muốn tồn được nước mà làm cho mất nước mà thôi… Thực lực phải là dân trí, dân khí, dân tài… không lo có cơ hội độc lập. Chỉ lo không có nhân tài. Kế đó, tiếp xúc với chính khách Nhật Bản thì Bá Ôi bá tước cũng nói với Cụ, “nếu lấy binh lực giúp thì chưa được vì thế thì Nhật phải tuyên chiến với Pháp”. “Bây giờ là cần cổ động xuất dương, khiến cho lỗ tai con mắt mới mẻ một lần… thay được không khí hô hấp, tinh thần không mắc lấy cái khổ chết nghẹt. Đó là việc khẩn cấp ở trong đường cứu vong vậy”. Như thế là Cụ quả có tư tưởng bạo động trong chủ trương Đông du, nhưng thực tế lại chỉ làm công cuộc đào tạo nhân tài để phục quốc.

Năm 1906, Cụ về nước, gặp cụ Đặng Nguyên Cẩn bấy giờ đang cùng các cụ Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá… thuộc phái “minh xã” thành lập Triêu Dương thương quán tại thành phố Vinh, thì giữa các cụ là một sự hợp đồng tác chiến, không mảy may có chút bất đồng, khác trường hợp giữa Cụ với cụ Phan xứ Quảng trong cuộc hội kiến với nhau trên đất Nhật trước đó. Tác phẩm Hải ngoại huyết thư của Cụ viết ở Nhật cũng được gửi về trường Đông Kinh nghĩa thục và được cụ Lê Đại dịch nôm phổ biến. Quan hệ giữa Cụ – thuộc phái “ám xã” (bạo động cách mạng) – và phái “minh xã” (duy tân, cái cách) rõ ràng là hai mũi giáp công, hợp đồng tác chiến. Việc bất đồng với cụ Phan xứ Quảng chỉ là cá biệt. Nếu dựa vào ý kiến của cụ Phan xứ Quảng trong tác phẩm Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam viết trên đất Pháp vào khoảng 1913-14 dẫn đến thái độ ít nhiều coi rẻ cụ Phan xứ Nghệ là một việc làm phiến diện hoàn toàn so với thực tế. Cần thấy rằng việc cụ Phan xứ Quảng viết Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam để gửi cho hai tên trùm thực dân Pháp là Metsximi và Albert Sarraut trong đó tạo ra một sự đối lập cực đoan giữa mình với Phan Bội Châu bằng những lời có phần xúc phạm cụ Phan xứ Nghệ: “là người có chí khí, có nghị lực, nhẫn nhục, dám làm, có điều tin vào thì không chịu bỏ, dẫu có sấm sét cũng không chịu đổi. Nay sĩ phu khắp cả nước chưa ai có thể ví với ông ấy. Tiếc thay học thuật không rành, thời thế không rõ, thích dùng quyền thuật, tự dối mình dối người, ngoan cố không đổi”, “ngu”, “lầm lạc”, “ngoan cố”, “không chút động lòng”, “vì hỏng thi mà chạy sang Nhật ” [lời dịch của Nguyễn Văn Dương được in lại trong Phan Châu Trinh toàn tập – tập III, do Chương Thâu biên soạn, NXB Đà Nẵng – 2005, từ tr.66 đến tr.68]. Tự nhận mình thuộc đảng “cậy Pháp tự trị” còn đảng của Phan Bội Châu là “bài Pháp độc lập”, nên trước là “bạn” nay là “thù”(!) là một hiện tượng rất không bình thường và đầy mâu thuẫn. Phải thấy rằng tác phẩm này của cụ Phan xứ Quảng, với những gì còn lại hôm nay, thì đang là bản thảo và cũng chưa viết xong. Cho nên nếu hợp thức hóa, chính thức hóa nó để căn cứ vào đó mà nói thì vô tình đã gây bất lợi cho cụ Phan xứ Quảng.

Ai cũng biết Cụ Phan xứ Nghệ dù hơn năm tuổi vẫn gọi cụ Phan xứ Quảng là “tiên sinh.” (Hy Mã tiên sinh) trong tranh luận năm 1905. Và ngày cụ Phan xứ Quảng qua đời, Cụ Phan xứ Nghệ vẫn viết văn tế tiếc thương thống thiết: “Anh em ta đất rẽ đôi đường, tình chung một khối, gánh tồn vong ai cũng nặng nề, nghĩa chung thủy lòng càng bối rối…”. Đặc biệt là đến khoảng 1913- 1914, cụ Phan xứ Quảng mới viết Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam mà tân Việt Nam là gì thì văn bản còn lại chẳng có một chữ, còn trước đó gần chục năm, năm 1905, cụ Phan xứ Nghệ trên đất Nhật đã viết Tân Việt Nam. Nội dung gồm 10 điều sướng lớn và 6 điều mong lớn về một nước Việt Nam mới. Khuôn khổ bài viết này không cho phép nói nhiều về tác phẩm này. Nhưng chỉ đọc qua một đoạn sau đây cũng hình dung được thế nào là nước Việt Nam mới với chính thể quân chủ lập hiến trong đó có nội dung dân chủ dân quyền tưởng như chuyện của hôm nay đang phải phấn đấu mà cụ Phan xứ Nghệ đã phác họa lên là thế nào: “Cái nọc độc chuyên chế hại dân ấp ủ đã hàng ngàn năm nay từ bên Trung Quốc lây sang nước ta, đến nỗi một tên độc phu (vua) và vài vạn kẻ dung nhân (quan) làm cá làm thịt trăm họ dân ta… Sau khi duy tân rồi, dân trí sẽ mở mang, dân khí sẽ lớn mạnh, dân quyền sẽ phát đạt, vận mệnh nước ta do dân ta nắm giữ. Giữa đô thành nước ta đặt một tòa Nghị viện lớn. Bao nhiêu việc chính trị đều do công chúng quyết định. Thượng nghị viện phải đợi Trung nghị viện đồng ý. Trung nghị viện phải đợi Hạ nghị viện đồng ý mới được thi hành. Hạ nghị viện là nơi đa số công chúng có quyền tài phán việc của Trung nghị viện và Thượng nghị viện. Phàm nhân dân nước ta, không cứ là sang hèn, giàu nghèo, lớn bé đều có quyền bỏ phiếu bầu cử… Sau khi duy tân rồi thì uy quyền nước ta ta cầm, nhân đạo của ta ta giữ, nền văn minh thông suốt, cửa tự do mở rộng, báo chí tràn đường, tân thư đầy ngõ, đơn từ kiện cáo, bút lưỡi hùng đàm, luận bàn đủ các việc nội trị ngoại giao. Người viết văn rộng đường trước thuật…”.

Vậy cho nên ở đây, vấn đề ai là người tiên phong dân chủ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX: cụ Phan xứ Quảng hay cụ Phan xứ Nghệ cũng là chuyện không đơn giản. Riêng với cụ Phan xứ Nghệ, sau nhiều năm tháng đeo đuổi con đường bạo động không thành, đến năm 1918, cũng đã ngả sang con đường “đề huề” để một thời bị chê trách, thậm chí có người coi đó như là một vết đen trong cuộc đời cách mạng của Cụ. Nhưng qua thời gian, đã xuất hiện những cách nghĩ khác. Bởi cuộc sống vốn có qui luật độc lập nhưng còn có qui luật phụ thuộc lẫn nhau. Mà giành độc lập không chỉ bằng một phương thức là bạo động mà còn phương thức bất bạo động. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lãnh đạo công cuộc vũ trang cách mạng thành công nhưng cũng ký hiệp ước Fontainebleau tạm thời đặt đất nước trong khối Liên hiệp Pháp chẳng phải là theo qui luật phụ thuộc lẫn nhau đó ư.

Tóm lại, phải thấy công cuộc cứu nước của cụ Phan xứ Nghệ là ở thế đa dạng, đa chiều, vừa bạo động vừa duy tân, vừa lo chống Pháp vừa lo đấu tranh dân chủ. Trước cảnh ngộ đất nước lầm than thảm khốc nặng nề như thế thì không cứng nhắc một bề mà tương kế tựu kế, mà quyền biến, mà dĩ bất biến ứng vạn biến, thử phép này không được thử phép khác. Làm cách mạng với ý thức có “cách mạng văn minh” và “cách mạng dã man”. Cuộc đời của Cụ là từ văn hóa mà vào cách mạng. Vào cách mạng bằng cả sức mạnh văn hóa tới mức không ai hơn. Đến khi bị mất mùa cách mạng thì tranh thủ để được mùa văn hóa [trong 15 năm cuối đời phải an trí ở Huế, Cụ đã làm rất nhiều văn thơ yêu nước, trong đó có Việt Nam Quốc sử bình diễn ca]. Thử hỏi trong các chí sĩ cứu nước lừng danh ở đầu thế kỷ XX có ai như cụ Phan xứ Nghệ đó để được lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nguyễn Ái Quốc đã viết cho những lời này không: “Một bậc anh hùng, một vị thiên sứ được hai mươi triệu đồng bào sống trong vòng nô lệ tôn kính”. Sử sách từng coi cụ Phan xứ Nghệ là tấm gương phản chiếu trung thành nhất sự chuyển biến của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, từ đường lối cần vương sang quân chủ lập hiến, sang dân chủ tư sản và cuối cùng mon men đến trước ngưỡng cửa của dân chủ mới. Điều đó là hoàn toàn có căn cứ.
—-
 (1) Trung Quốc thời Xuân Thu, Thân Bao Tư khi nước Sở bị nước Ngô chiếm đã sang nước Tần đứng khóc bảy ngày để cầu cứu viện binh.   

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)