Đường ‘lưỡi bò’ là cơ sở cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc?
Không đòi hỏi phải có kiến thức luật pháp, cũng không cần phải đo đạc chi tiết, bất cứ người bình thường nào không quá hời hợt trong suy nghĩ đều thấy rõ đường ‘lưỡi bò’ (còn được gọi là đường chữ U, đường 9 vạch / đoạn / điểm – cửu đoạn tuyến) khó có thể là đường biên giới trên biển của Trung Quốc (TQ) vì sự vô lí hiển nhiên của nó.
Trong “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển”3 giữa TQ và Việt Nam mới kí ngày 11/10/2011, điều 2 có nêu rằng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên sẽ là căn cứ để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Nếu tuân thủ theo điều này thì ĐLB của TQ hoàn toàn không có cơ sở pháp lí vì vượt quá trung tuyến, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng theo quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, điều 2 lại mở đầu với ý “xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử …”. Ngoài ra, tuy kí kết UNCLOS nhưng TQ lại đưa ra những bảo lưu trong đó có các quyền lịch sử4. Thêm vào đó, một số học giả TQ như Vương Hàn Lĩnh (Wang Hanling) lại cho rằng đường lưỡi bò có từ năm 1947, trong khi UNCLOS chỉ mới có từ năm 1982, nên không thể áp dụng cho tranh chấp Biển Đông5. Điều này tạo ra mối quan ngại TQ sẽ dùng đường lưỡi bò làm cơ sở để biện giải yêu sách chủ quyền của họ trong các tranh chấp. Bài viết này là một nỗ lực nhằm góp phần làm sáng tỏ điều này dựa trên các thông tin trên truyền thông quốc tế.
Trước hết, xin được điểm qua đôi nét về gốc gác của bản đồ có ĐLB này.
Theo hai tác giả Lí Kim Minh và Lí Đức Hà, Đại học Hạ Môn, Phúc Kiến6 thì tiền thân bản đồ ‘lưỡi bò’ hiện nay là Bản đồ vị trí của các đảo Biển Đông (南海诸岛位置图 – Nanhai zhudao weizhi tu – Nam hải chư đảo vị trí đồ) kèm theo Bản đồ hành chính khu vực Trung Hoa Dân Quốc (中 華 民 國 行 政 區 域 圖 – Zhonghua minguo xingzheng quyu tu – Trung hoa dân quốc hành chánh khu vực đồ) do Cục Địa lí Bộ Nội Chính Trung Hoa Dân Quốc (THDQ) chính thức công bố vào tháng 2 năm1948. Các bản đồ này do Phó Giác Kim (Fu Jiaojin) hiệu đính và do Vương Tích Quang (Wang Xiguang) cùng những người khác biên soạn. Riêng bản đồ vị trí đính kèm này đã được Cục Địa lí Bộ Nội Chính in vào năm 1947, trong đó có sử dụng đường 11 vạch giới hạn các đảo ở Biển Đông. Sau đó chính phủ Tưởng Giới Thạch bị lật đổ và nước Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) được thành lập vào năm 1949, chính phủ mới vẫn dùng bản đồ cũ với đường 11 vạch. Đến năm 1953, Thủ tướng Chu Ân Lai phê duyệt bỏ đi phần hai vạch của đường này trong Vịnh Bắc Bộ. Từ đó trở đi, bản đồ với đường 9 vạch trong Biển Đông được TQ sử dụng cho tới bây giờ.
Còn theo giáo sư Vũ Kiên Hồng Peter (Peter Kien-Hong Yu), Đại học Minh Truyền (Ming Chuan), Đài Loan7 thì ĐLB được một người làm bản đồ tên là Hồ Tấn Tiếp (Hu Jinjie) phác hoạ đầu tiên vào năm 1914 sau khi Trung Hoa chiếm lại Pratas từ tay Nhật vào năm 1909. Cũng lưu ý rằng ĐLB của Hồ Tấn Tiếp là một đường liên tục chạy từ biên giới đất liền của TQ và VN vòng xuống bao lấy Hoàng Sa (với điểm tận cùng phía Nam khoảng 15°, 16° vĩ bắc) sau đó vòng lên bọc lấy Pratas, chạy xuyên qua eo biển Đài Loan và cuối cùng kết thúc ở đường ranh giữa biển Hoa Đông và Hoàng Hải.8 Như vậy, ĐLB của Hồ Tấn Tiếp không chứa Đài Loan (lúc đó còn trong tay Nhật) và Trường Sa. Các bản đồ có liên quan sau đó đều dựa theo bản đồ của Hồ Tấn Tiếp9. Đến tháng 12 năm 1947 ĐLB mới được một viên chức của chính phủ THDQ tên Bạch Mi Sơ (Bai Meichu) chính thức vẽ vào vùng Biển Đông nhưng tác giả không nêu rõ trong bản đồ nào. Lí do để viên chức họ Bạch vẽ đường này cũng chưa thật rõ ràng10, tuy nhiên ông này đã từng hiệu đính bản đồ có ĐLB tương tự trong tập Bản đồ Kiến thiết Trung Hoa mới (中 國 建 設 新 地 圖 – Zhongguo Jianshe xin ditu – Trung quốc kiến thiết tân địa đồ) in vào giữa những năm 193011. Chính trong bản đồ này ĐLB lại mở rộng thêm lần nữa tới tận 4° vĩ bắc, bao luôn cả bãi cạn James (xem tài liệu ở chú thích 10).
Tài liệu của tác giả họ Vũ không có kèm bản đồ, còn tài liệu của hai tác giả họ Lí có đưa vào bản đồ 9 vạch nhưng không phải từ bản đồ gốc năm1947 hay 1953 mà lấy nguồn từ nước ngoài (Hasjim Djalal, “Conflicting Territorial and Jurisdictional Claims in South China Sea,” The Indonesian Quarterly, vol. 7, no. 1 (1979), 36 at 52). Nguồn từ trang mạng www.nansha.org.cn cũng có đưa ra bản đồ 11 vạch năm 1947 (hình 2) với tên bản đồ này là “Nam hải chư đảo vị trí lược đồ” (南海诸岛位置略图), tuy nhiên tên trên bản đồ (có vẻ mới dán chồng lên) chỉ là “Nam hải chư đảo vị trí đồ”, không có từ “lược” (南海诸岛位置图 – Nanhai zhudao weizhi tu)12 giống như hai tác giả họ Lí trình bày. Bài ‘Bản đồ chữ U : nguồn gốc và địa vị pháp lí’ (Nam hải “cửu đoạn tuyến” đích lịch sử do lai hòa pháp luật địa vị – 南海“九段線”的歷史由來和法律地位)13 trên trang mạng Hoàn cầu của nhà nước TQ cũng ghi là “Nam hải chư đảo vị trí lược đồ”.
Hình 1: Bản đồ ĐLB 9 vạch đính kèm theo công hàm TQ gửi Liên Hiệp Quốc năm 2009 |
Hình 2:Bản đồ ĐLB 11 vạch “ Nam hải chư đảo vị trí đồ” 1947 trên www.nansha.org.cn |
Gần đây, các tác giả TQ khi viết bài gửi đăng trên các tạp chí quốc tế như Journal of Geographical Sciences (Tháng tám 2010),Nature (Tháng chín 2010), Science (Tháng bảy 2011), Waste Management (Tháng tám 2011), and Journal of Petroleum Science and Engineering(Tháng tám 2011)… cũng kèm theo bản đồ ĐLB. Chẳng hạn, ĐLB kèm theo bài báo của nhóm Jun Tai, Weiqian Zhang, Yue Che, Di Feng đăng trên tập san Waste Management gồm 11 vạch bao luôn quần đảo Đài Loan (hình 3). Trên bản đồ Google, phiên bản tiếng Anh, có lẽ lấy nguồn từ TQ, cũng có bản đồ ‘lưỡi bò’ 10 vạch (hình 4). Bản đồ này có vẻ suy từ bản đồ 9 vạch 2009 bằng cách thêm 1 vạch phía quần đảo Đài Loan.
Nhân đây cũng lưu ý thêm rằng, khó có thể nói là vô tình khi chính quyền TQ đã để các tổ chức và công dân TQ nguỵ tạo ra các bản đồ, như trên trang mạng www.spratlys.org có phổ biến các bản đồ đời Minh, Nguyên, Tống… và thậm chí trước nữa. Ở góc mỗi bản đồ này đều có đính bản đồ ‘lưỡi bò’ nhỏ ra vẻ như ĐLB đã có từ các thời xa xưa đó14 trong khi theo các nghiên cứu chính thức đã nêu thì bản đồ này chỉ có từ 1947.
Hình 3: Bản đồ ĐLB 11 vạch của học giả TQ đăng trên tạp chí Waste Management |
Hình 4: Bản đồ ĐLB 10 vạch trên google maps – phiên bản tiếng Trung |
Mặc dù nguồn gốc của ĐLB theo các tư liệu trên có một số chi tiết chưa thật rõ ràng và chưa nhất quán nhưng phần trình bày trên có thể cho thấy khá rõ mấy điều sau đây:
(i) TQ chỉ chính thức công bố với thế giới bản đồ ĐLB 9 vạch vào tháng 5/2009 khi họ kèm bản đồ này vào công hàm gửi LHQ. Bản đồ này có thể là một bản sao của bản đồ Chu Ân Lai duyệt vào năm 1953. Tất cả các bản đồ có ĐLB trước đó đều chỉ công bố trong nước và các bản đồ có ĐLB khác (10 vạch, 11 vạch, gần liền nét …) do đó, đều không chính thức về mặt ngoại giao nên chỉ có tính tham khảo.
(ii) Bản đồ ĐLB 11 vạch có sớm nhất là vào năm 1947 và sau khi qua phê duyệt của Chu Ân Lai năm 1953, ĐLB trong các bản đồ sau đó chỉ còn 9 vạch.
(iii) Đường ‘lưỡi bò’ không phải là chủ trươngchính thức của các chính phủ Trung Quốc, ít nhất là ngay từ lúc xuất hiện mà có nhiều khả năng chỉ xuất phát từ quan điểm cá nhân (Hồ Tấn Tiếp, Bạch Mi Sơ, Vương Tích Quang… ) hoặc một tập thể nhỏ (Cục Địa lí Bộ Nội Chính THDQ). Việc mời Bạch Mi Sơ về Bắc Kinh năm 1990 để tìm hiểu lí do cho việc vẽ đường này15 là một minh chứng hùng hồn cho thấy TQ không có hồ sơ lịch sử nào của nhà nước về đường này.
(iv) Bản đồ ĐLB ban đầu không phải là bản đồ để phân ranh chủ quyền các đảo và càng không phải phân ranh các vùng nước trong biển Đông: Tên của bản đồ là “Nam hải chư đảo vị trí đồ” cho thấy nó chỉ là bản đồ cho biết vị trí các đảo (chư đảo) trong Biển Đông (Nam hải) không phải là bản đồ chính trị mặc dù được kèm theo Bản đồ hành chánh khu vực THDQ tháng 2/1948.
Với nguồn gốc ấy, bản đồ 9 vạch 2009 không thể nào là một cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của TQ đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Xin đơn cử các phân tích sau đây:
1. Giả định rằng bản đồ 9 vạch 2009 là bản sao của bản đồ 9 vạch 1953, vốn có tiền thân là bản đồ 11 vạch 1947. Chúng ta có thể bắt đầu phân tích từ bản đồ cũ này. Như nêu ở (iv), bản đồ 11 vạch năm 1947 chỉ là bản đồ cho biết vị trí các đảo ở Biển Đông (như tên của nó), chưa kể đây chỉ là lược đồ (theo hai tác giả họ Lí và bài trên trang mạng Hoàn cầu đã dẫn) chứ không phải là bản đồ chi tiết (tinh đồ). Lưu ý rằng việc định vị các đảo trên biển không nhất thiết là một hành động thể hiện chủ quyền vì bất cứ tổ chức hay cá nhân cũng có thể làm điều đó theo các mục đích riêng của mình (đi lại, giao dịch, phổ biến kiến thức…). Ví dụ, các nhà hàng hải Hà Lan, Tây Ban Nha đã từng vẽ bản đồ Biển Đông và chú thích các đảo của Trường Sa, [Hoàng Sa] là của VN16. (chứ không ghi là của Hà Lan hoặc là của Tây Ban Nha).
Bản đồ 11 vạch này kèm theo bản đồ hành chính khu vực của THDQ tháng 2 năm 1948 với ý đồ gia tăng tính chính thức hơn nhưng tên gọi vẫn không đổi và không có thêm chi tiết nào chứng tỏ các đảo hay vùng nước trong ĐLB đó thuộc một đơn vị hành chánh nào đó của THDQ. Do vậy, giá trị nó vẫn như cũ. Một số học giả và tác giả bài ‘Bản đồ chữ U: nguồn gốc và địa vị pháp lí’ lập luận rằng TQ đã từng đặt tên và đổi tên các đảo từ những năm 1930 coi như hành động thực hiện chủ quyền. Đây cũng chỉ là một lập luận không vững chắc vì việc đặt/thay tên không nhất thiết là một hành động thể hiện chủ quyền, chẳng hạn năm 1843 tàu săn cá voi Anh the Cyrus “khám phá” đảo Trường Sa, Bộ Hải quân Anh lấy tên thuyền trường tàu này để đặt tên cho nó là “Spratly Island”17, nhưng Trường Sa đang dưới sự quản lí của triều đình VN lúc đó và cũng đã có tên. Còn bản đồ 1953 thực chất là bản đồ 1947 bỏ bớt 2 vạch và bản đồ 2009 chỉ kèm theo công hàm mà không có giải thích gì thêm về 9 vạch chèn vào nên cũng không làm sáng tỏ gì hơn về mặt chủ quyền.
2. Như nêu ở (i), các bản đồ này chỉ dùng trong nội bộ TQ chưa bao giờ công bố cho thế giới hoặc ít ra là các nước liên quan (láng giềng, các nước đi biển…) một cách chính thức cho tới tháng 5 năm2009. Với tư cách là một thành viên sáng lập chủ chốt Liên Hiệp Quốc (LHQ) từ năm 1945, nếu muốn giành lấy gần trọn Biển Đông theo bản đồ này thì THDQ phải công bố nó ít ra là cho các thành viên LHQ khác biết sau khi nó được vẽ ra một thời gian ngắn sau đó. Hơn nữa, TQ nói chung (THDQ trước 1971 và CHNDTH sau đó) còn là thành viên thường Hội đồng bảo an LHQ thì họ càng phải làm điều này sớm hơn, không phải đến tháng 5 năm 2009. Đây là một điều khó chấp nhận cho một quốc gia, huống hồ quốc gia đó lại còn là thành viên thường trực HĐBA LHQ. Cách hành xử của một quốc gia lớn trên thế giới lại kém xa một cá nhân, chẳng hạn như Tomás Cloma của Philippines. Khi muốn sở hữu một số đảo và vùng biển của Trường Sa mà theo ông là vô chủ, Tomás Cloma đã thông báo rõ ràng cho thế giới biết với “Tuyên Ngôn cho toàn thế giới” (Proclamation to the Whole World) vào ngày 15/5/1956 nêu rõ đòi hỏi của mình18. Một cá nhân hành xử dù ngay trên đất thuộc quyền sở hữu của mình mà có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt của láng giềng vẫn cần thông báo cho xung quanh biết. Huống hồ đây là một vùng biển chung của hơn 10 nước và xa hơn là của toàn thế giới19, nhưng TQ mập mờ tuyên bố như là vùng biển của riêng mình ngoài sự nhận biết của cả thế giới. Nếu TQ đòi hỏi các nước phải công nhận những bản đồ, tài liệu do TQ đưa ra mà không công bố cho thế giới, TQ cũng phải công nhận các bản đồ, tải liệu của tất cả các nước, trong đó có các bản đồ cổ của VN nêu rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của VN!
3. Bàn về biên giới quốc gia (tự nhiên / nhân tạo), bao giờ đó cũng là một đường kín, liên tục và không hề có quan niệm ranh giới quốc gia là một đường mở. (Có thể dùng đường không liên tục để thể hiện đường ranh giới trên bản đồ, nhưng đường không liên tục đó có thể nối thành đường liên tục theo một cách không tranh cãi nhờ một hệ thống toạ độ tối thiểu nào đó.) Còn ‘ba biển’ như người TQ quan niệm [Hoàng Hải, Đông Hải, Nam Hải (Biển Đông)] chỉ là cách gọi để hình dung vị trí địa lí của các vùng biển này, nhưng khi nhìn tổng thể thì ba biển này chỉ là một vùng nước liền lạc thuộc Thái Bình Dương ở về phía Đông và Đông Nam lãnh thổ đất liền của TQ. Trên thực tế, Thái Bình Dương cũng là một vùng nước nằm trong một vùng nước liên thông lớn hơn của của trái đất – không kể các vùng nước nhỏ hơn như ao hồ và các biển kín trong các đại lục.
Do đó, ngay cả khi bỏ qua điều gây tranh cãi là làm sao nối các vạch này thành một đường liên tục20 (xem hình 5) cũng như giả định rằng vạch cuối cùng phía VN có thể nối một cách hợp lí vào biên giới trên đất liền của TQ và Việt Nam thì TQ cũng không thể nào thuyết phục rằng ĐLB đó là một đường biên giới biển của họ. Lí do đơn giản là TQ không có một tài liệu hay bản đồ nào khác cho thấy ĐLB này sẽ kéo dài tiếp tới biên giới đất liền của TQ với Bắc Triều Tiên (chỗ tiếp giáp với Hoàng Hải ở tỉnh Liêu Ninh, Mãn Châu) để tạo thành một đường biên giới biển kín và liên tục theo đúng nghĩa. Nếu có, chắc chắn họ đã đem ra để tranh cãi với Nhật trong việc tranh chấp quần đảo Senkaku (Tiêm Các/Điếu ngư).
Cũng lưu ý thêm rằng ngay cả khi TQ kéo dài ĐLB thành đường kín, liên tục và điều chỉnh nó đúng theo UNCLOS thì đường đó cũng không phải là đường biên giới theo nghĩa tuyệt đối như trên đất liền. Bởi vì đối vùng nước nằm giữa đường này và lãnh hải 12 hải lí, họ không được toàn quyền (và trách nhiệm) như với lãnh thổ trên đất hay lãnh hải, ví dụ tàu bè nước khác có thể qua lại vô hại, nghiên cứu khoa học…trong đó. Hơn nữa, nếu quy về năm 1947 thì quan niệm phổ biến về biên giới biển chỉ là ranh giới tự nhiên (bờ biển) hay đường biên của lãnh hải mà bề rộng theo luật quốc tế lúc đó không rộng quá 3 hải lí. Do đó, một ĐLB mù mờ với bề rộng cả ngàn hải lí lại in trên bản đồ vị trí các đảo (mà chủ quyền của họ đối với chúng cũng còn tranh cãi) thì không thể nào quan niệm đó là đường biên giới biển. Nếu TQ quan niệm khác thì phải công bố và giải thích rõ ràng cho cả thế giới chứ không phải chỉ in bản đồ phổ biến nội bộ rồi đòi hỏi các nước khác phải quan niệm và hiểu như mình.
Nguồn: US Energy Information Administration
Nguồn: http://www.ellentordesillas.com
Hình 5: Dù ĐLB 1947 và 2009 có sai biệt lớn (xem hình 6) nhưng 2 ĐLB liên tục này sai biệt quá mức |
4. Đối với TQ chủ quyền đất nước bao giờ cũng là thiêng liêng, dù một tấc đất/biển cũng không từ bỏ. Do đó,ngay cả giả sử rằng TQ quả thật có một đường biên giới biển cho vùng “ba biển”( mở rộng của ĐLB 9 vạch) thì không thể không thắc mắc về câu trả lời của Bộ trưởng ngoại giao Tiền Kì Tham cho Indonesia hồi năm 1993 và thái độ của chính phủ TQ sau đó. Khi đó, Indonesia thắc mắc về việc “luật Lãnh hải và các vùng tiếp giáp” năm 1992 của TQ có đưa vào ĐLB và đường này có vẻ lấn vào quần đảo Natuna. Tiền Kì Tham nói rằng đảo Natuna đông dân cư và quan trọng về kinh tế sẽ không bị TQ đòi giành chủ quyền đâu (lí do không xác đáng theo quan điểm chủ quyền lãnh thổ nêu trên). Sau đó TQ chưa bao giờ xác nhận chính thức điều này21 (biên giới phải rõ ràng không thể mù mờ đến nỗi không thể trả lời ổn thoả cho láng giềng được). Cứ cho đây là một câu trả lời bị động thì cũng khó có thể giải thích việc thủ tướng TQ Chu Ân Lai loại bỏ hai vạch trong vịnh Bắc bộ vào năm 1953. ĐLB 11 vạch vốn không rõ ràng, bỏ đi hai vạch làm nó càng mù mờ hơn. Hãy thử so sánh, nếu như trên các bản đồ đất liền, Chu Ân Lai xoá đi một khoảng trên đường biên giới Trung – Xô rồi cho công bố thì liệu người TQ (và cả Liên Xô) có chấp nhận hay không. Ngoài ra, cũng không thể giải thích được sự im lặng quá lâu của TQ trong việc công bố đường này với thế giới. Lí do bận nội chiến (từ 1948 đến1949) hay củng cố nội bộ (từ 1949 đến 2009) khó có thể biện minh cho việc chậm công bố này. Chỉ có thể có một cách giải thích cho đường chữ U, đó chính là sự tùy tiện áp đặt của các nhà vẽ bản đồ Trung quốc khiến cho giới cầm quyền tranh thủ cơ hội mở rộng yêu sách mà thôi.
5. Khi so sánh các bản đồ ở hình 1, hình 2 (cho rằng bản này sao từ bản gốc), hình 3 và hình 4 ta dễ thấy có sự tuỳ tiện và ngày càng lấn tới hơn trong quá trình biên soạn. Các vạch của bản đồ 2009 không những không trùng với các vạch trong bản đồ 1947 mà còn có khuynh hướng làm cho mơ hồ hơn (các vạch ngắn hơn, thưa ra) và tham lam hơn (các vạch gần với bờ biển của các nước láng giểng hơn). Điển hình nhất cho sự tham lam và mơ hồ là việc bố trí lại các vạch ở đầu ‘lưỡi bò’ trong bản đồ 2009 so với bản đồ 1947. Vạch ngăn cách ‘lưỡi bò’ với quần đảo Natuna của Indonesia bị dời về phía Việt Nam và làm ngắn lại, còn vạch cạnh bờ biển Malaysia bị làm ngắn đi thành gần như đoạn thẳng (xem hình 5). Vì thề chúng trở nên mơ hồ hơn và từ đó TQ có thể tuỳ nghi giải thích ‘lưỡi bò này có ‘liếm’ trọn quần đảo Natuna hay không tuỳ theo cuồng vọng và sức mạnh của họ.
Bản đồ 3, mặc dù xuất hiện sau bản đồ 2 (bản đồ TQ công bố chính thức với thế giới) có vẻ quyết đoán hơn, có thêm haivạch nữa lên tới ngang Hạ Môn (Xiamen) ‘bao’ luôn cả Đài Loan. Hơn nữa, vị trí các vạch của bản đồ này có vẻ có nhiều khác biệt với 9 vạch trong bản đồ 2009 và cũng không giống 11 vạch của bản đồ 1947. Còn bản đồ 4 nhát gừng hơn, giảm bớt một vạch so với bản đồ 3 nên chỉ bao một phần đảo Đài Loan22. Cũng lưu ý thêm, có lẽ để tạo vẻ hợp lí nhằm mà mắt thế giới, 1 hay 2 vạch thêm này đã được vẽ khá gần Đài Loan. Điều này rõ ràng không nhất quán với sự tham lam về độ xa của 9 vạch gốc23 và logic của cách giải thích về biên giới biển của TQ24: 1 hay 2 vạch thêm này đáng lẽ phải cách xa Đài Loan hơn chứ không phải chỉ mấy chục hải lí như họ đã vẽ. (Đài Loan là đảo có nền kinh tế riêng nên theo UNCLOS được hưởng gần như mọi quy chế của đất liền.)
Ngoài ra, việc đưa ĐLB vào các bản đồ google, tài nguyên biển (như bản đồ của CNOOC ở hình 7)… hoặc chèn các bản đồ có ĐLB vào các công trình khoa học (chưa kể có phù hợp hay không) cho thấy TQ càng tuỳ tiện. Lòng tham chiếm trọn biển Đông làm TQ mờ mắt không nhớ rằng họ còn các vùng biển/đảo ở biển Hoa Đông và Hoàng Hải cũng cần phải thể hiện/giành phần (với Nhật và 2 nước Hàn) trên bản đồ. Hãy tưởng tượng nếu như Mĩ vẽ bản đồ tài nguyên biển hay bản đồ liên quan tới các công trình nghiên cứu cho toàn nước Mĩ mà chỉ đề cập đến phần biển ở vùng vịnh Mexico và ‘quên’ không đá động gì đến phần ở Đại Tây Dương (cũng như các phần ở Thái Bình Dương ngoài bờ biền phía California,Hawaii và Alaska và phần ở Bắc Băng Dương) thì sẽ phi lí dường nào.. Chỉ có một cách giải thích duy nhất cho việc này là lòng tham đối vời Biển Đông đã làm TQ quên mất những lẽ phải và logic thông thường. Như vậy rõ ràng rằng nếu ĐLB là một bộ phận của đường biên giới biển của TQ thì các vạch sẽ có toạ độ rõ ràng và do đó sẽ không có những tuỳ tiện/sai biệt quá đáng và các điều phi lí nêu trên.
Hình 6: ĐLB 9 vạch mơ hồ và tham lam hơn ĐLB 11 vạch (tô thêm màu vàng) [Hình 6 được tạo bằng cách chồng bản đồ 2009 lên trên bản đồ 1947] |
Hình 7: “Tham quá mất khôn”, ĐLB trong bản đồ của CNOOC không dám giành dầu với Nhật và Hàn Quốc ở Đông Hải và Hoàng Hải |
6. Tuyên bố về lãnh hải của TQ năm 1958, TQ cho biết rằng giữa đất liền và các quần đảo ở Biển Đông có một số khu vực là các vùng biển quốc tế (high seas)25. Điều này có nghĩa là ‘bên trong’ có những phần không thuộc TQ do đó càng cho thấy ĐLB không thể là biên giới biển của TQ. Ngoài ra, luật về lãnh hải và thềm lục địa 1998 của TQ có quy định vẽ đường cơ sở cho quần đảo Hoàng Sa dựa theo UNCLOS (nhưng không vẽ cho Trường Sa). Vì thế, nếu nhà nước TQ đã coi đường lưỡi bò là biên giới biển thì việc vẽ đường cơ sở cho Hoàng Sa là thừa thãi và không cần thiết. Lập luận này được nhiều học giả quốc tế cũng như của chính TQ phân tích.26 Có tác giả, như Vũ Kiến Hồng Peter tìm cách chống chế rằng việc vẽ đường cơ sở cho Hoàng Sa là một hình thức bảo hiểm kép. Một khi có bảo hiểm kép tức là người tuyên bố đã không có một sự chính xác xác quyết về chân lý của mình! Nếu TQ không giành được sự ủng hộ về vùng nước lịch sử (‘bên trong’ ĐLB) thì họ vẫn còn đường cơ sở và có thể EEZ và thềm lục địa cho Hoàng Sa. Đây là một hình thức tự bộc lộ chân tướng, vì như đã nói ở trên chủ quyền là thiêng liêng không thể có việc nhân nhượng. Trong khi TQ rào đón trong ngoài đối với những đường tự nghĩ ra và cách biệt của bản vẽ mỗi lần mỗi gia tăng! Ngoài ra, nếu chấp nhận ĐLB là ranh giới ‘vùng biển lịch sử’ của TQ ở Biển Đông thì tại sao ở biển Hoa Đông, Hoàng Hải ngay ‘mặt tiền’ của TQ, hẳn là họ phải đi lại thường xuyên và lâu đời hơn lại không có ranh giới cho các ‘vùng biển lịch sử’27 dù chỉ một phần nhỏ diện tích của hai biển này Với sự vô lí như thế, ĐLB không thể nào tạo ra được một tiền lệ về ‘vùng biển lịch sử’ hay ‘quyền lịch sử’ ngoài lãnh hải, những khái niệm chỉ dành cho vùng biển gần bờ.
7. Như nêu ở (iii) TQ không có một chủ trương chính thức rõ ràng về ĐLB. Có thể vì thế mà TQ chưa bao giờ xác định rõ TQ đòi hỏi điều gì với ĐLB. Ngay cả khi TQ chính thức công bố ĐLB thì chỉ kèm vào công hàm một bản đồ thô không có bất cứ giải thích nào thêm. Lưu ý rằng, ngay sau khi TQ nộp bản đồ, Indonesia cũng đã chính thức gửi công hàm cho LHQ phản bác bản đồ này nhưng TQ vẫn không lên tiếng. Họ cũng không dám chấp nhận thách thức các nước cùng nhờ Toà án quốc tế phân giải. Cũng có chứng cớ cho thấy TQ có vẻ đã ép các học giả của họ đưa ĐLB vào các bài báo khoa học gửi đăng trên các tạp chí quốc tế28 với ý đồ lợi dụng uy tín của các tạp chí này nhằm chính thức hoá bản đồ không hợp lẽ này. Nếu thật sự họ có một biên giới biển thì các công trình khoa học tương ứng của nước họ phải bao gồm toàn bộ vùng lãnh thổ đất liền và lãnh thổ trên cả ‘ba biển’ của họ chứ không phải chỉ một cái ‘lưỡi bò’ hở, lơ lửng ở một mình Biển Đông như trong bản đồ hình 4. Tất cả điều này có thể vừa là hậu quả vừa là chứng cớ của sự thiếu thốn về chủ trương nói trên.
8. Những tuyên bố theo từng thời gian của TQ cũng cho thấy sự bất nhất của họ trong tuyên bố chủ quyền:
Vào năm 1947 luật quốc tế chỉ cho phép lãnh hải 3 HL, cho nên nếu ĐLB là nhằm để đòi biển thì đó là một đòi hỏi phi pháp và không có hiệu lực pháp lý.
Tuyên bố lãnh hải 1958 của TQ đòi lãnh hải 12 HL,và công nhận bên ngoài đó là biển quốc tế. Vậy thì hà cớ gì lại đòi thêm nữa? Có phải là vừa tùy tiện vừa bất nhất?
TQ phê chuẩn UNCLOS, tức là chấp nhận bỏ những gì vi phạm UNCLOS. Đường lưỡi bò là một sản phẩm không có một lập luận nào liên quan UNCLOS cả.
Tóm lại, bản đồ ‘lưỡi bò’ vốn là sản phẩm của cá nhân được nhà nước TQ thổi phồng thành của quốc gia nên họ không thê có đủ chứng lí để thuyết phục thế giới. Chính vì vậy, TQ luôn luôn luôn mập mờ về bản đồ này, lời nói và hành đông của họ mâu thuẫn và thiếu nhất quán với nhau và thậm chí họ dùng cả các thủ đoạn ma mãnh, cách thức vô nhân đạo như cấm đánh bắt cá, giết hại và xâm phạm ngư cụ ngư dân, thao dượt quân sự, cắm cờ đáy biển… để cố làm bản đồ này thành chính thức như đã phân tích bên trên. Vì vậy, bản đố ĐLB, dù phiên bản nào cũng đều không chính danh, không thuận nghĩa, không hợp lẽ và nhất là không đúng lí để làm cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền của TQ. Chính TQ cũng đã thấy rõ sự vô lí của mình nên đã thú nhận và lơ lửng, lấp liếm trong bài trên mạng Hoàn cầu đã dẫn rằng “Mặc dù chính phủ Trung Quốc xưa nay chưa từng giải thích và thuyết minh gì về “đường 9 đoạn”, song đường này đã được các ban ngành của chính phủ Trung Quốc đề xuất và thẩm định, đã được đánh dấu trên bản đồ xuất bản chính thức, nên cần được coi là một lập trường và chủ trương nào đó của chính phủ Trung Quốc” (người viết nhấn mạnh). Và đặc biệt trong công hàm 14/4/2011phản đối lại công hàm của Philippines phản đối đường 9 vạch, họ không đề cập gì nữa đến đường này mà chủ yếu chỉ dùng những khái niệm có trong UNCLOS. Tổng hợp lại, có thể khẳng định với độ chắc chắn cao rằng ĐLB không thể là cơ sở lịch sử hay pháp lí cho tuyên bố chủ quyền của TQ tại Biển Đông!
Bài viết này được các ý kiến đóng góp quý báu của Dương Danh Huy
—
Chú thích:
1. “Lion’s share” theo ngụ ngôn Aesop
2. Xem Cát Quốc Hưng (Ji Guoxing), What China Exactly Claims in the South China Sea, Australian Royal Navy Sea Power Centre, April 2002 (TQ thực sự muốn gì trên Biển Đông): Vì các tuyên bố về đường chín vạch và vùng nước lịch sử không phù hợp với quy định của UNCLOS, dự kiến rằng TQ sẽ từ bỏ chúng trong những năm tới. Việc TQ bỏ các điều này sẽ có tác dụng như là một bước đột phá cho tiến trình dàn xếp tranh chấp.
3. Xem http://thongtinbiendong.blogspot.com/2011/10/thoa-thuan-viet-trung-ve-nhung-nguyen.html
4. Xem Marvin C. Ott Deep Danger: Competing Claims in the South China Sea, bản dịch tiếng Việt ở http://www.seasfoundation.org/articles/from-members/1434-yeu-sach-mau-thun–bin-ong-nhng-him-ha-khon-lng và tài liệu ờ chú thích 8.
5. Dĩ nhiên, đây chỉ là việc ‘cãi chày cãi cối’ như giáo sư Ngô Vĩnh Long nhận xét trong bài phỏng vấn ở http://www.viet-studies.info/kinhte/NgoVinhLong_VuongHanLinh_RFI.htm, vì một khi đã kí và phê chuẩn UNCLOS thì theo luật hiệp ước TQ phải điều chỉnh lại luật lệ và cách hành xử của mình cho phù hợp với hiệp ước.
6. Li Jinming & Li Dexia, The Dotted Line on the Chinese Map of the South China Sea: A Note, The School of Southeast Asian Studies Xiamen University Xiamen, Fujian, China, 2002.
7. Peter Kien-Hong Yu, The Chinese U-shaped line in the South China Sea: points, lines, and zones, Institute of Southeast Asian Studies (ISEAS), 2003
8. Xem Zou Keyuan, South China Sea Studies in China: Achievements, Constraints and Prospects, Singapore Year Book of International Law and Contributors, 2006.
9. Thật ra, sau khi Pháp thay mặt VN thực thi tiếp tục chủ quyền ở trên 9 đảo ở Trường Sa năm1933, TQ mở rộng lưỡi bò xuống tới giữa vĩ tuyến 7° và 9° bắc, xem tài liệu nói ở chú thích 10.
10. Theo Huang Yi and Wet Jingfen, “The Legal Status of the South China Sea,” in Taiwan on the Move, edited by Jeh-hang Lai and George T. Yu (Taiwan: National Central University, October 1998), p. 213. Hè năm 1990 Bạch Mi Sơ được mời tới Bắc Kinh để giải thích lí do vẽ đường lưỡi bò. Khi đó ông ta đã trên 80 nên vì tuổi già ông ta không nói được chính xác lí do cho hành động của mình lúc đó. Tuy nhiên, ông ta có nói “daoyu guishu Man [xian]” (岛 屿 归 属 线 – đảo dữ quy thuộc tuyến – các đảo quy vào trong đường đó [thuộcTQ]).
11. Bài viết của 2 tác giả họ Lí nêu chính xác năm xuất bản là 1936 và cho biết đường này có dạng như đường biên giới nằm trong Bản đồ biên giới biển mở rộng phía Nam của Trung Quốc (海 疆 南 展 后 之 中国 全 图 – Haijiang nan zhan hou zhi Zhongguo quantu – Hải cương nam triển hậu chi Trung Quốc toàn đồ) và là bản đồ thứ hai trong tập bản đồ kiến thiết nói trên.
13. Xem http://v.huanqiu.com/history/201107/20110701221442.shtml, bản dịch tiếng Việt “Nguyên do lịch sử và địa vị pháp lí của ‘đường 9 đoạn’”
14. Xem http://www.spratlys.org/maps/5.htm
15. Xem chú thích 12.
16. Xem Todd L. Kelly: Vietnam Claims to the Truong Sa Archipelago, University of Hawaii,1999. Bản dịch tiếng Việt ở http://seasfoundation.org/articles/from-members/1344-tuyen-b-ch-quyn-ca-vit-nam-i-vi-qun-o-trng-sa.
17. Xem Hydrographic Office, The Admiralti, The China Sea Directory, Vol. ii, [London: J. D. Potter, 1889], 83
18. Như chú thích 18.
19. Của các nước tiếp giáp với nó (Brunei, Indonesia, Malaya, Philippines, Việt Nam…) và của các nước thế giới từng có tàu bè qua lại trên đó (Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Mĩ, Nhật, Pháp…) từ lâu đời. Cũng xem Carlyle A. Thayer, South China Sea: A Commons for China Only?, YaleGlobal Online, 7 July 201, Bản dịch tiếng Việt: Biển Đông: Vùng biển chung dành riêng cho Trung Quốc!
20. Thật ra, Peter Kien-Hong Yu (chú thích 9) lại còn nêu ra quan điểm rằng các khoảng trống giữa các vạch của ‘lưỡi bò’ là các ‘khoảng trống để thở’ (breathing spaces) hay các ‘cổng vào’ (entrances) mà tàu bè có thể ra vào không cản trở, thậm chí còn đưa thêm ý tưởng đặt các trạm thu phí (toll booth) ở những chỗ đó nữa!
21. Xem Dana Dillon, Countering Beijing in The South China Sea, Policy Review, June-July 2011. Bản dịch tiếng Việt Đối phó với Bắc Kinh trong ở Biển Đông
22. Bản đồ các lô dầu của CNOOC (Công ti quốc gia dâu khí ngoài khơi TQ) năm 2010, 2011 cũng có vạch bao ngoài Đài Loan nửa vời gần giống bản đố của google, xem http://en.cnooc.com.cn/data/upload/month_201105/Coordinatesen_czxmgr.jpg và http://en.cnooc.com.cn/data/html/news/2010-05-07/english/301292.html
23. 9 vạch cũ có vạch cách đảo Hải Nam cả ngàn hải lí hoặc các đảo TQ tuyên bố có chủ quyền hàng trăm hải lí trong khi 2 vạch mới chỉ các Đài Loan vài chục hải lí.
24. TQ cho rằng họ không những có quyền về kinh tế mà cả quyền tài phán trên EEZ, thực tế là coi EEZ như lãnh hải của họ.
25. Điều 1 trong Tuyên bố lãnh hải của TQ 1958 có nêu “…và các đảo khác của TQ ngăn cách với đất liền bởi các vùng biển công.” Xem http://www.state.gov/documents/organization/58832.pdf.
26. Xem Cát Quốc Hưng (Ji Guoxing): “TQ thực sự muốn gì trên Biển Đông” hoặc M.. Taylor Fravel, “China‘s Behavior in Its Territorial Disputes: Past, Present, and Future” hoặc Zou Keyuan, “Chinese Traditional Martime Boundary Line in the South China Sea: Legal Implications for the Spratly Islands Dispute,” EAI Background Brief no. 14 (Singapore), 7 May 1998, p.2.
27. Thật ra, trong tuyên bố lãnh hải năm 1958, TQ cũng có nêu vịnh Bột Hải (gần như một vịnh kín vây bọc bởi bán đảo Liêu Đông ăn thông với Hoàng Hải bằng eo biển Bột Hải) và eo biển Quỳnh Châu (phần nằm giữa bờ nam bán đảo Lôi Châu của tỉnh Quảng Đông và bờ bắc đảo Hải Nam) là các vùng biển lịch sử của họ. Điều này hầu như không gây ra sự phản đối của cộng đồng quốc tế do vị trí tương đối hợp lí của chúng và trong UNCLOS cũng có khái niệm ‘vịnh lịch sử’ (historic bay).
28. Xem David Cyranoski http://www.nature.com/news/2011/111019/full/478293a.html (The Nature). Bản dịch tiếng Việt “Khi khoa học trở thành công cụ tuyên truyền”, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&CategoryID=36&News=452
29. Xem chú thích 15.