Gay cấn xung quanh luật chống tham nhũng ở Ấn Độ

Việc Chính phủ Ấn Độ nhượng bộ yêu cầu của ông Anna Hazare, người tuyệt thực từ cách đây hơn hai tuần để ủng hộ dự luật chống tham nhũng, đã thổi bùng niềm vui sướng khắp đất nước. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu của một chiến dịch lâu dài và không hề đơn giản.

Nhà hoạt động chống tham nhũng kỳ cựu Anna Hazare đã chấm dứt chuỗi ngày tuyệt thực vào sáng Chủ nhật, 28/8, sau khi Chính phủ Ấn Độ nhượng bộ yêu cầu của ông.

Chiều tối ngày 27/8, 12 ngày kể từ khi Hazare bắt đầu tuyệt thực, để ủng hộ dự luật chống tham nhũng (Lokpal), Quốc hội Ấn Độ đã nhất trí thông qua nghị quyết chấp thuận các yêu cầu của ông, thổi bùng niềm vui sướng khắp đất nước. Hàng ngàn người tụ tập để chứng kiến nhà hoạt động 74 tuổi nhấp từng ngụm nước dừa, kết thúc những ngày nhịn ăn. Giữa những người ủng hộ, Hazare phấn khởi khẳng định phong trào đấu tranh đã “tạo được niềm tin rằng đất nước này có thể thoát khỏi tham nhũng”.

Cuộc tuyệt thực của Hazare thu hút sự quan tâm đông đảo của hàng ngàn dân thường Ấn Độ, liên kết mọi người trong cuộc chiến ủng hộ một đạo luật. Lúc đầu, khi chính quyền bắt giữ Hazare thì cảm tình của công chúng dành cho ông lại càng gia tăng. Tuy nhiên, vào giờ đây khi những người ủng hộ Hazare vẫn đang ăn mừng thì người ta vẫn phải thừa nhận rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu của một chiến dịch hứa hẹn dài hơi và không hề đơn giản. “Có rất nhiều nhân tố cấu thành tham nhũng, do vậy đòi hỏi sự phối hợp kỹ lưỡng giữa các cấp trong việc giải quyết vấn đề,” Yogendra Yadav, học giả cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội, cho biết.

Thực tế, trong khi Chính phủ hứa hẹn một bộ luật trong vòng một tháng thì Bộ trưởng Tài chính liên bang Pranab Mukherjee thẳng thắn cho biết, mặc dù yêu cầu của Hazare là quan trọng, nhưng sẽ phải được cân nhắc giữa “tính thực tiễn, khả năng thực thi và hợp hiến” bởi một hội đồng của Quốc hội. Thành viên trong nhóm hoạt động ủng hộ Anna tỏ ra thận trọng với những quyết tâm kiểu này. “Chúng tôi không tin chắc lắm vào dự định của chính phủ. Chúng tôi hi vọng họ hiểu rằng đằng sau dự luật Lokpal là hậu thuẫn tình cảm to lớn của dư luận,” Prashant Bhushan – một trong những người khởi xướng phong trào và là cộng sự thân cận của Hazare, chia sẻ.

Nếu dự luật được thông qua, vấn đề sẽ được chuyển đến cấp bang, nơi áp lực công luận có khả năng căng thẳng không kém. “Bất kể bang nào thách thức bộ luật hoặc đi ngược lại lợi ích chung của xã hội sẽ nhiều khả năng phải đối mặt với sự chống đối, có khả năng đối mặt với xã hội dân sự, có khả năng đối mặt với phong trào của nhân dân”, Kiran Bedi, một cộng sự khác của Hazare, nêu quan điểm. “Bất kỳ một sự trì hoãn nào trong việc thực thi đương nhiên sẽ lại khuấy động người dân”. Những nhà quan sát như Yadav nói rằng cuộc tranh luận có thể làm lợi cho nền dân chủ Ấn Độ. “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị nhằm thể hiện họ muốn một dự luật mạnh mẽ hơn nữa và điều này thực sự là một cuộc cạnh tranh lành mạnh”.

Nhà hoạt động Aruna Roy, người có một phiên bản của dự luật chống tham nhũng khác cũng đang được Quốc hội xem xét, cho rằng bản dự luật của Hazare là “thiếu thực dụng và rắc rối”. Đồng thời, nhà hoạt động xã hội kiêm tác giả Arundhati Roy trong bài xã luận trên tờ Hindu gọi nó là “hà khắc”. Một số ý kiến khác chỉ ra rằng Ấn Độ hiện đã có bộ luật chống tham nhũng, cũng như một vài cơ quan chính phủ được trao trọng trách thực thi chúng. Cho dù vậy, để rũ sạch tham nhũng ra khỏi đất nước đâu chỉ cần một điều luật mới. “Chẳng có giải pháp đơn giản nào. Để tận diệt tham nhũng đòi hỏi nỗ lực dấn thân sâu sắc và cam kết lâu dài từ mỗi người chúng ta”, nhận định của Rahul Gandhi, người đứng đầu Quốc hội.

———–

(*) Giới quan chức nói rằng dự luật của Hazare (với nội dung đặt thủ tướng, các quan chức tư pháp và chính phủ dưới sự giám sát) là trái với Hiến pháp và qui cách thức này là hành động hăm dọa Quốc hội. Những người phản đối cho rằng dự luật hiện hành của chính phủ thực chất vô hiệu trong cuộc chiến chống tham nhũng.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)