Giã từ cuộc chơi hiện nay

Ngân hàng thương tín Thụy Sĩ quảng cáo thương hiệu lâu đời của mình bằng đoạn video rất ấn tượng. Một cụ già và đứa trẻ thả câu trên chiếc thuyền lênh đênh giữa dòng với phụ đề: “Some think two generations We think succession planning” Tạm dịch:                                                       Ai đó cho rằng họ là hai thế hệ Không, họ đang chuyển giao thế hệ  Nhà khoa học không có học trò, thế hệ sau không đông vui hơn thế hệ trước, thì hàng đống tiền của đổ ra sẽ không dựng nên nền khoa học cho đất nước này. Nghĩ thế nên cứ thấy đoạn video trên BBC, ông Già lại chạnh lòng.

Theo đuổi khoa học đã tròn nửa thế kỷ chẳng cốt vinh thân phì gia, về già chỉ mong sao truyền hết tri thức cho lớp trẻ mà không được. Tuy còn ngọ nguậy, giờ đây ông Già đã chính thức ra ngoài cuộc chơi. Nhìn vào sân chơi thấy lố nhố mấy anh học trò cũ. Nói thầy trò cho oai, nhưng đâu được như đám Tử Lộ, Nhan Hồi theo Khổng Tử thời xưa. Thời nay chẳng chạy đủ dự án đề tài để học trò còn có chút đỉnh, thì dù khoa học có hay mấy, xin đừng trách trò phải bye thầy.      

Nhớ có lần, một lãnh đạo bề trên muốn đưa ra chính sách đãi ngộ nhân tài khoa học, đã ân cần đến thăm ông Già: “Làm khoa học như anh, mỗi tháng cần chi tiêu bao nhiêu, liệu cả thảy 1500 USD có đủ không?”. Chưa kịp hình dung con số 1500 to ngần nào, ông Già bật đáp: “Xin hãy lo giùm cho học trò tớ trước đã!”.

Dần dà, một số học trò cũng kiếm được áo mũ chen chân vào cuộc chơi. Thông cảm, quan trường là con đường độc đạo, mấy ai tránh khỏi. Khoa học ngày một xa dần, song có đề tài dự án, tiền hô hậu ủng, đi nước ngoài nước trong, quả thật trông chúng bớt tệ hơn hồi làm quân của mình. Có điều, ngấp nghé ngũ tuần mà vẫn chưa “tri thiên mệnh”, áo mão không che nổi tâm tư ẩn giấu trong lòng. Thì ra, chốn quan trường đâu chỉ có vị ngọt. “Bọn em muốn mời xếp đi lai rai để giải bày tâm sự và nghe lời khuyên. Trước đây lúc còn là quân của xếp, mấy khi được ngồi bia bọt thế này, thấy xếp cứ cao vời vợi”.

“Cao với thấp mà làm gì, hãy gác chuyện cũ lại, nói chuyện mới đi”. Ông Già khẽ gật đầu rồi lơ đãng ngắm những giọt cà phê rịn ra từ chiếc phin, chốc chốc lại ngẩng lên, nhìn xa xăm.  

“Chuyện mối quan hệ trong cơ quan các cậu, mình chẳng giúp được gì. Có lẽ tiên trách kỷ, hậu trách nhân, làm theo lời dạy này của người xưa, biết đâu các cậu sẽ rũ bớt bụi phong trần”. Nói cho học trò mà ông lại chạm vào chính nỗi đau của mình. Ông vẫn thầm trách đám U50, U60 không chịu theo đuổi khoa học đến nơi đến chốn, nhưng trong chuyện này ông đâu phải vô can. Chẳng nài thêm được câu nào, đám học trò xin nâng ly ghi nhận.

Giờ đến lượt ông Già. Vẫn chứng nào tật ấy, ông thích cật vấn học trò như một thú vui nghề nghiệp. “Này, ngành ta xây dựng đã hơn 30 năm, giờ đây có cả thảy bao nhiêu người nhỉ?”. “Có lẽ đâu đó trên 500 cả trong Nam ngoài Bắc”. “Thế trong đám U50, U60 như các cậu, có bao nhiêu người đang làm khoa học thực thụ, có công bố quốc tế đều đặn mà không bị phân tâm vào việc khác?”.

Liếc nhìn nhau, một anh do dự: “Dạ, may ra chỉ có ĐTK, anh ta làm lý thuyết, có quan hệ với nước ngoài, một mình một ngựa. Xếp biết đấy, làm thực nghiệm trong điều kiện Việt Nam mệt lắm! Vả lại như chúng em, đâu còn thì giờ đọc sách nghiên cứu thêm, suốt ngày họp với hành, mà hành là chính”. “Họp lắm để làm gì?”, ông Già nheo mắt, “thảo nào gọi phone cứ thấy các cậu rón rén, trong phone nghe rõ tiếng ai đó đang thuyết trình oang oang”. Một anh thanh minh: “Rõ ràng, nhiều cuộc họp vô bổ, hội thảo mời chuyên gia nước ngoài cũng thế, tiêu tiền dự án là chính. Song chúng em không thể vắng mặt được, mất phần như chơi, Xếp ơi! Ngay chuyện chạy cho ra đề tài để có kinh phí hoạt động cũng mất hết thời gian rồi”.

Ông Già thở dài, ra vẻ như nghe một minh triết mới lạ. “Sao lại thế nhỉ? Bây giờ có máy tính nối Internet, làm khoa học sướng lắm! Này nhé, để tính đường đi các khối khí gió mùa từ Siberia đến Hà Nội, chỉ cần lên internet bấm chuột vào Cơ quan Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA), máy tính sẽ dựa trên bản đồ khí tượng toàn cầu tính ra ngay quỹ đạo và toàn bộ cơ sở dữ liệu kèm theo. Mười năm trước đây, nằm mơ cũng không thấy. Nhưng sướng nhất hiện nay là có nhiều tiền để làm khoa học. Như ngành mình, kinh phí giờ đây ngót mười lần so với 15 năm trước, ngành ta lại đang được ưu tiên, có chương trình hành động quốc gia, xin bao nhiêu tiền chả được. Có tiền, lại có tiên, làm khoa học giờ đây sướng lắm! Nên ngày càng có nhiều người làm khoa học đạt trình độ cao mới phải. Có lẽ các nơi khác tình hình không như ngành ta đâu”. Ông Già ra vẻ thắc mắc.

Mấy anh học trò cười mỉm nhìn nhau. “Không đâu Xếp ạ! Chúng em tham gia nhiều nơi khác, thấy kinh phí đề tài của họ có khi gấp hai ba lần mà nội dung cũng chỉ tầm tầm như vậy. Gần đây trong hội nghị về KHCN của Bộ NN&PTNT” có Phó Thủ Tướng thứ nhất tham dự, các Viện trưởng ở đó cũng kêu lên họ sắp hết người làm khoa học rồi”.

“Vậy phải chăng tiền càng nhiều, chất lượng và đội ngũ khoa học chuyên nghiệp càng ít”, ông Già gật gù. “Nhưng để kiểm chứng nghịch lý này, có lẽ thầy trò ta hãy cùng nhau làm một đề tài rất có ý nghĩa mà không phải cần xin ai một đồng kinh phí nào. Thế này nhé! Hãy tập hợp số liệu về kinh phí đề tài Nhà nước và cấp Bộ hoàn thành trong vòng từ 5 đến 10 năm về trước (1998-2002), rồi cho vào một cột, đặt trên trục X. Sau đó, lấy số bài báo quốc tế sản sinh ra từ từng đề tài trong 10 năm gần đây (1998-2007) cho vào cột thứ hai, đặt trên trục Y. Đưa hai cột vào EXCEL, rồi nhấp chuột vào phép hồi quy. Các cậu sẽ thấy ngay”.

Một anh nheo mắt: “Sao thời gian thực hiện đề tài và công bố quốc tế lại khác nhau nhỉ? Ờ mà em hiểu ra rồi. Xong đề tài mới chỉ là tiêu hết tiền, hợp thức các hóa đơn chứng từ … khống, báo cáo ra hội đồng nghiệm thu, được hội đồng gật, song phải sau một thời gian mới viết xong bài báo tiếng Anh, gửi đi đăng, đám phản biện hạch cho lên bờ xuống ruộng, đăng xong lại còn phải chờ đồng nghiệp khắp Năm châu đọc và trích dẫn mới biết bài báo có giá trị hay không …, mất năm năm là cái chắc. Xếp vẫn chính xác như ngày nào. Nhưng chắc Xếp đã thử giải bài toán này rồi, vậy kết quả thế nào?”. Ông Già lắc đầu: “Không, mình hỏi các cậu, bởi chính các cậu đang chơi cuộc chơi này.”.

“Theo em, tiền nhiều chưa chắc đã sản sinh ra nhiều bài báo quốc tế”, một anh lưỡng lự, “song ngược lại hay không, thì tầm chúng em rất khó biết. Chính Xếp từng làm chủ tịch nhiều hội đồng nghiệm thu, xét duyệt…”.

Ông Già giật thót. “Ấy chết, đó là chuyên ngày trước, gần đây người ta nài lắm mình mới nhận lời, mà mỗi lần ngồi vào chiếc ghế chủ tịch hội đồng, mình phải thủ sẵn một viên thuốc cao huyết áp. Trở lại bài toán hồi quy. Theo cơ sở dữ liệu Thompson Scientific mà Trung tâm Thông tin Bộ KH&CN vừa mới mua quyền truy cập, thì đa số các công bố quốc tế gửi đi từ địa chỉ Việt Nam thuộc về Toán, Vật lý lý thuyết và Cơ lý thuyết. Các bác này xài không quá vài chục triệu một đề tài, nhưng công bố đều đều, thành tích các bác tạo thành một đám ở phía trên góc trái (xem hình). Trong khi đó, phần lớn đề tài dự án tiền tỷ, chục tỷ lại công bố rất ít, thậm chí zero, các bác này tụ lại thành đám phía dưới, góc phải. Kéo một đường hồi quy giữa hai đám trên hình ta thấy nó chốc ngược. Đúng là công bố quốc tế tỷ lệ nghịch với tiền đề tài rồi còn gì”.

Một anh lắc đầu: “Thế này thì ngân sách Nhà nước cứ tăng đều 2% cho KHCN sẽ đi đến đâu nhỉ? Theo em, Xếp nên công bố chuyện này ra làm bằng chứng để cơ quan quản lý biết”.

Ông Già thở dài. “Người ta mới chỉ chấp nhận công bố quốc tế là tiêu chí nghiên cứu cơ bản thôi, còn đại đa số các đề tài lại là dự án quản lý, nghiên cứu ứng dụng và công nghệ, loại này chỉ cần công bố trong nước là đủ. Mà hiện nay có tạp chí khoa học nào của nước mình được quốc tế nhìn nhận đâu. Thật ra ở ta cũng có một số nhà khoa học nghiêm túc, nghiên cứu ra hiệu quả kinh tế, nhưng không có công bố quốc tế. Song bên cạnh đó phần lớn đề tài ứng dụng không có sản phẩm gì đưa thị trường, nhiều sản phẩm khoa học chỉ tồn tại được vài năm rồi mất hút, có sản phẩm không phải do đề tài làm ra mà là mua hàng Tàu ngoài chợ, một số sản phẩm khác có thật, nhưng không do kinh phí nhà nước cấp. Cho nên chỉ có công bố quốc tế là tiêu chí định lượng trung thực nhất để đánh giá chất lượng hoạt động khoa học của một quốc gia. Mà có chất lượng khoa học mới có hiệu quả kinh tế. Cho nên các nước khác họ đều dùng tiêu chí này.

“Vậy theo Xếp cần có giải pháp gì?”. Ông Già nhấc cốc lên, dưới đáy chỉ còn một ít bia. “Có giải pháp đấy, nhưng lai rai đã lâu rồi, hẹn lần sau”. Một anh vớ lấy chai bia, ông Già vội đưa bàn tay ra che cốc lại. “Xếp vẫn giữ gìn quá! Chút xíu nữa thôi Xếp ơi!”, cả bọn nài nỉ. Ông Già phân trần: “Già rồi, còn giữ gìn làm gì, có điều sống gần hết đời mà vẫn chưa thấy bia ngon, thành không uống đó thôi!”.

***

Về đến nhà, thấy trên trang chủ Vietnamnet có cuộc giao lưu trực tuyến của Bộ trưởng Bộ KHCN với chủ đề:. “Chiến lược KHCN: Học từ cách đứng trên vai người khổng lồ”. Ông Già reo lên: “Thế này chắc sắp vui đây!” Nhưng rồi lại lo. Đứng trên vai người khổng lồ chính là cách duy nhất làm cho khoa học chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác để còn phát triển, còn tiến kịp trình độ thế giới. Chả thế mà trên trang chủ http://www.scholar.google.com, nơi ta có thể truy cập công trình và số lần trích dẫn của các nhà khoa học trên toàn thế giới, có câu “thần chú” Stand on the shoulders of giants.
Nhưng leo đứng trên vai người khác không dễ. Phải Học, như Bộ trưởng nói, và trước hết là cần biết cách sử dụng các nhà khoa học. Phải tập trung đầu tư xây dựng các tập thể nghiên cứu tiên tiến ở Viện và trường đại học ngang tầm thế giới. Họ là chủ thể, là hiện thân nền khoa học và đại học của đất nước. Mà muốn vậy, phải giã từ cuộc chơi hiện nay cùng với cơ chế hành chánh hóa đang làm cho nền khoa học và đại học nước nhà ngày càng tụt hậu. Liệu có chấp nhận một mô hình quản lý mới không?  

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)