Giải nút thắt cho vấn đề Biển Đông

Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho biết có bảy vấn đề lớn sẽ vẫn tồn tại ở khu vực này trong thời gian tới. Quan điểm của học giả này bao trùm toàn bộ khu vực (phần in nghiêng)[1]ư. Chúng ta thử tìm xem các cách cởi bỏ nút thắt này trên góc nhìn Việt Nam.

“Thứ nhất, chưa có triển vọng giải quyết các tranh chấp chủ quyền cơ bản và các quyền chủ quyền pháp lý về các đảo và các vùng ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa và Biển Đông khó thể giải quyết nhanh nhưng vẫn không hẳn đã bế tắc hoàn toàn mọi giải pháp cho vấn đề. Cụ thể là các nước liên quan trong tranh chấp có thể thống nhất coi các vùng biển liên quan đến hai vùng đảo này là vùng biển tranh chấp. Ngoài ra các vùng biển và các quyền liên quan khác phải được phân chia theo pháp luật và thông lệ được quốc tế chấp nhận. Mặt khác, nhân dân thế giới và cả nhân dân Trung Quốc (TQ) không thể phủ nhận TQ đã cưỡng chiếm Hoàng Sa (1956, 1974) và một phần Trường Sa (1988) bằng võ lực và Việt Nam (VN), như một quốc gia, sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền chính đáng này mọi lúc, mọi nơi. VN có sự đồng thuận cao đối với vấn đề này, tính chính đáng lịch sử và pháp luật cũng như sức mạnh đàm phán hòa bình. Triển vọng giải quyết tranh chấp nằm ở khuynh hướng giải quyết vấn đề bằng đàm phán sẽ luôn là khuynh hướng chủ đạo, dễ chấp nhận và được cộng đồng quốc tế ủng hộ hơn hết, bất chấp hiện trạng có thể có thay đổi.

“Thứ hai, chủ nghĩa dân tộc vẫn là một sức mạnh bên trong của cả Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Điều này khiến vấn đề thêm khó giải quyết.”

Chủ nghĩa dân tộc vẫn là một sức mạnh, song chủ nghĩa dân tộc cực đoan sẽ chỉ dẫn đến những kết cục không tốt đẹp cho cả những nhà dân tộc chủ nghĩa cực đoan và cả cộng đồng bị dẫn dắt đi vào con đường này. Sức mạnh của truyền thông hiện đại sẽ mở tầm mắt cho nhân dân các nước trên thế giới và ban cho họ sức mạnh nhận chân sự thật về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề mạnh hiếp yếu. VN có thể tận dụng loại hình sức mạnh này để bảo toàn chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.

“Thứ ba, các nước đang tranh chấp Biển Đông đều theo đuổi kế hoạch hợp tác với các công ty nước ngoài khai thác dầu tại vùng biển có tranh chấp.”

Để cởi nút thắt này, các chính phủ ASEAN và TQ có thể thỏa thuận lại khu vực nào là khu vực tranh chấp, tránh việc để cho một bên nào tranh chấp hóa vùng không tranh chấp. Từ đó, việc hợp tác khai thác dầu khí một cách hòa bình hoàn toàn có thể diễn ra.

“Thứ tư, khi nguồn thủy sản gần Trung Quốc và đảo Hải Nam đã bị vắt kiệt, ngư dân địa phương được khuyến khích mở rộng địa bàn về phía nam. Cả tàu hải giám Trung Quốc và các cơ quan hữu quan đã triển khai tàu tới khu vực này để bảo vệ.”

Nút thắt này có thể giải quyết được bằng cách thi hành, tôn trọng và kêu gọi tôn trọng luật quốc tế và hiệp ước các bên đã ký với nhau ví dụ Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ, Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, Hồ sơ chung Việt Nam – Malaysia liên quan diện tích nam Biển Đông.…Việc cạnh tranh khai thác thủy hải sản của ngư dân hoàn toàn có thể xảy ra và được quản lý một cách hòa bình trừ phi có những hành động quá khích từ phía nhà đương cục.

“Thứ năm, Trung Quốc tiếp tục thể hiện sự tùy tiện trong bất kỳ động thái phản đối hay lên án nào về tư cách của các cơ quan bán quân sự, dân sự ở Biển Đông. Trung Quốc duy trì sự cứng đầu – mọi lời lên án Trung Quốc đều bị coi là sai, hoặc hành động bị lên án đó chỉ được xem như việc thực thi pháp lý bình thường của các cơ quan Trung Quốc.

“Việc định vị rõ ASEAN và sức đoàn kết ở mức nào trong cuộc cờ Biển Đông và các vấn đề khác sẽ tốt hơn cho VN hơn là vỡ mộng gây hậu quả cho dân tộc về sau”.

Sự coi nhẹ pháp luật quốc tế của TQ, về một phương diện nào đó, lại gia tăng thêm thế và sức mạnh mềm cho các nước ASEAN trong quá trình đấu tranh pháp lý đối với TQ và tạo điều kiện để gia tăng thêm lực của các nước này. Thí dụ như Philippines và Việt Nam hiện nay rõ ràng thuận lợi hơn trong tranh thủ luật pháp và sự ủng hộ quốc tế so với năm 2009 trở về trước, đặc biệt sau khi ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Đông Nam Á tháng 7.2009 và tuyên bố Mỹ có “lợi ích quốc gia” tại Biển Đông tháng 6/2011[2].

“Thứ sáu, các nước tranh chấp đều tiếp tục mở rộng các cơ quan thực thi hàng hải và quan trọng hơn là hiện đại hóa không và thủy lực ở Biển Đông. Khi “bồn tắm” của Biển Đông trở nên chật chội, nguy cơ va chạm hàng hải sẽ tăng lên.”

Đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Nút thắt này có thể trở thành thế mạnh của VN vì với bờ biển dài vào loại bậc nhất trong khu vực, VN sẽ có thể chủ động chọn nhiều phương án giải quyết va chạm và hành xử bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, bảo vệ ngư dân Việt Nam và cả ngư dân các nước khác trước thiên tai- gia tăng uy tín và nâng cao hình ảnh. Xây dựng và thúc đẩy tôn trọng “luật giao thông”, UNCLOS, DOC và rồi COC… sẽ quan trọng hơn và sẽ giúp giải quyết được ưu tư về sự “chật chội, nguy cơ va chạm hàng hải”. Năng lực thi hành và tận dụng các điều luật sẽ góp phần hóa giải võ lực và làm rõ diện mạo của kẻ mạnh bất chấp luật pháp.

“Thứ bảy, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục bị chia rẽ về cách ứng xử với Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông. Đó không phải là viễn cảnh tốt cho việc thông qua một Bộ quy tắc ứng xử có tính thực thi và ràng buộc pháp lý để quy định cách ứng xử của mỗi nước, vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”

Các tổ chức quốc tế từ EU, NATO, OPEC và cả UN đều tuân theo những quy luật hợp rồi tan, riêng và chung, tính dân tộc và tính khu vực (như vấn đề đồng Euro hiện nay). ASEAN cũng không nằm ngoài những quy luật này. Không thể có một khối ASEAN đồng thuận tuyệt đối trong địa chính trị Biển Đông vì không phải tất cả các nước ASEAN đều bị ảnh hưởng hay được hưởng lợi như nhau trong cùng một vấn đề. Các nước sẽ dành ưu tiên và hành xử trên cơ sở lợi ích của đất nước họ. Vậy thì VN cũng ở trong thế trận bình đẳng với các nước ASEAN khác.

Cách ứng xử của VN chứ không phải toàn khối ASEAN sẽ quyết định cách nhìn của thế giới đối với VN, liệu đó là một VN đáng được ủng hộ hay không trong hồ sơ Biển Đông. Dĩ nhiên không thể phủ nhận vai trò của các hiệp ước quốc tế, song vẫn không thể tuyệt đối hóa việc thực thi pháp lý từ luật quốc tế đến các thỏa ước có ASEAN tham gia. Thực thi pháp lý, khi pháp luật bị bỏ qua, có lúc sẽ nhường chỗ cho thực hành công lý.

Ngoài ra, việc định vị rõ ASEAN và sức đoàn kết ở mức nào trong cuộc cờ Biển Đông và các vấn đề khác sẽ tốt hơn cho VN hơn là vỡ mộng gây hậu quả cho dân tộc về sau.

Tựu chung, bảy nút thắt ông Carlye Thayer đưa ra có tính khái quát cho ASEAN và VN có những cách gỡ nút riêng biệt không hạn chế ở số 7. Những đặc điểm khác có khi như cự ly địa lý VN – TQ, lịch sử đấu tranh v.v… trong góc nhìn của riêng Việt Nam cũng đáng lưu ý. Có lẽ, VN không thể bỏ qua xử lý quan hệ tình bạn ý thức hệ, tránh tình trạng tự cô lập trong cùng quần thể ASEAN và hạn chế việc phát triển sức mạnh tổng hợp của chính mình.

Sự vướng víu của tình bạn ý thức hệ VN – TQ khiến các loại thỏa thuận bị các nước khác e dè là kém hiệu lực hơn quan hệ này. Một nút thắt nữa là sự chênh lệch: TQ giàu mạnh và dễ có khuynh hướng áp đảo về kinh tế, dễ gây bất tương xứng cho những thỏa thuận hai bên, gây nghi ngờ cho các thỏa thuận đa phương trong ASEAN.

Giải quyết những nút thắt để bảo đảm công lý và hòa bình cho Biển Đông là công việc quan trọng của những nhà làm chính sách, những nhà ngoại giao VN hiện nay.


[1] http://xembaomoi.com/tin-tuc/quocphong/Thoi-cuoc/7-nut-that-giai-quyet-tranh-chap-tai-Bien-Dong-142824.html
[2] http://www.nytimes.com/2011/06/23/world/asia/23china.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)