Giải thiêng về tuổi già

Tăng trưởng dân số thế giới hiện nay đang cao ở mức khác thường so với lịch sử và sẽ không thể tiếp tục duy trì trong lâu dài. Nó gây ra những hậu quả to lớn với nhân loại: nạn nghèo đói gia tăng; những tài nguyên thiên nhiên thiết yếu cho sự sinh tồn của con người bị suy kiệt và ô nhiễm; xu hướng di cư từ các nước phía Nam lên các nước phương Bắc giàu có hơn.


Người già sửa chữa quần áo tại một trung tâm lao động dành cho người cao tuổi ở Tokyo, 18/12/2015. Ảnh: AFP.

Một số thực trạng

Tăng trưởng dân số thế giới1 hiện nay đang cao ở mức khác thường so với lịch sử và sẽ không thể tiếp tục duy trì trong lâu dài. Nó gây ra những hậu quả to lớn với nhân loại: nạn nghèo đói gia tăng; những tài nguyên thiên nhiên thiết yếu cho sự sinh tồn của con người bị suy kiệt và ô nhiễm; xu hướng di cư từ các nước phía Nam lên các nước phương Bắc giàu có hơn.

Theo những con số tuyệt đối, dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng theo quán tính trong một giai đoạn tương đối dài. Năm 2011 con số này đạt 7 tỷ người; theo Liên Hiệp Quốc, năm 2025 sẽ vượt 8 tỷ người, và vào khoảng năm 2045 sẽ tới ngưỡng 9 tỷ. Để đảm bảo tính bền vững, mức tăng trưởng dân số trong dài hạn, tức tỷ lệ sinh trừ đi tỷ lệ tử, chỉ nên xấp xỉ mức 0%.

Mức tăng trưởng nhân khẩu không đồng đều ở mọi nơi trên địa cầu. Châu Á có 4,2 tỷ người, tức 60% dân số thế giới. Hơn 1,3 tỷ người sống ở Trung Quốc và 1,2 tỷ người ở Ấn Độ, gộp lại chiếm hơn một phần ba dân số thế giới. Trong tương lai, tỷ trọng dân số châu Á sẽ giảm trong khi dân số châu Phi tăng mạnh, đạt 2,2 tỷ người vào năm 2050, bằng 24% dân số thế giới. Từ nay tới năm 2050, số người sống ở các nước đang phát triển sẽ tăng từ hơn 5,7 tỷ lên 8 tỷ.

Sự tăng trưởng dân số thế giới song hành với đô thị hóa toàn cầu: những năm 1950 chỉ dưới 30% dân số sống ở thành thị, ngày nay tỷ trọng này là trên 50% và tới năm 2050 sẽ đạt khoảng 66,7%. Trước năm 2007, trên thế giới, dân số nông thôn vẫn đông hơn ở thành thị, nay tương quan đã đảo ngược. Các đô thị khổng lồ xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, mức độ di cư từ nông thôn ra thành thị cao chưa từng thấy. Hậu quả là các khu ổ chuột sinh sôi tràn lan.

Mặc dù dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng xét theo con số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ tăng theo phần trăm đang giảm, hệ quả của ngày càng nhiều quốc gia trải qua giai đoạn chuyển tiếp, trong đó tỷ lệ sinh sản suy giảm. Ở châu Âu, từ vài thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ sinh sản – tức số trẻ em trung bình trên mỗi phụ nữ – thấp dưới mức cân bằng. Ở các nước đang phát triển, giai đoạn chuyển tiếp đó diễn ra một cách gay gắt và trên diện rộng hơn, do tỷ lệ sinh sản giảm khi vốn đang ở mức rất cao.

Tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sinh sản cùng giảm dẫn tới già hóa dân số. Tỷ trọng người già (trên 60 tuổi) trên thế giới tăng từ mức 9,2% năm 1990 lên 11,7% năm 2013 và sẽ đạt 21% năm 2050. Dự kiến lần đầu tiên trong lịch sử, số người già sẽ vượt số trẻ em vào năm 2047. Hiện tại, khoảng hai phần ba trẻ em trên thế giới sống ở các nước đang phát triển. Trẻ em sẽ ngày càng tập trung ở các nước kém phát triển, do dân số các nước đó tăng cao hơn các nơi khác.

Già hóa dân số gây ra hai hậu quả kinh tế – xã hội nghiêm trọng. Tỷ lệ trung bình số người trưởng thành trong độ tuổi lao động trên mỗi người già vốn đã thấp ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển, dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong những thập kỷ tới, tạo áp lực ngân sách dành cho hệ thống hỗ trợ, chăm sóc người già. Ở một số nước đang phát triển, tỷ lệ nghèo đói ở người già rơi vào mức cao, thậm chí cao hơn tỷ lệ nghèo của cả cộng đồng, đặc biệt với những nước nơi hệ thống an sinh xã hội còn hạn chế. Do đội ngũ lao động trong nước sụt giảm, chính phủ các nước vận động người dân làm việc lâu năm hơn, và khuyến khích nhập cư. Năm 2010, tỷ trọng lao động từ 65 tuổi trở lên chiếm 31% ở các nước kém phát triển, 8% ở các nước phát triển. Tuy tuổi thọ cao hơn, con người ngày càng phải chung sống với nhiều bệnh mãn tính như khớp, ung thư, tim mạch, các bệnh hô hấp và mất trí nhớ.

Liên Hiệp Quốc đã công bố một số khuyến nghị nhằm ứng phó với già hóa dân số: các hệ thống y tế phải thích nghi để đáp ứng nhu cầu người già ngày càng đông; xóa đói giảm nghèo; tăng năng suất lao động và đảm bảo công ăn việc làm phù hợp; giảm bất bình đẳng ở/giữa các quốc gia; phát triển các đô thị và khu định cư an toàn, bền vững, cởi mở hơn.

Gia tăng tuổi thọ có phải là tiến bộ?

Như tôi trình bày vắn tắt trên đây, những tiến bộ y tế và vệ sinh đã giúp tuổi thọ trung bình của con người tăng đáng kể, kèm theo đó là bùng nổ dân số, dẫn tới những vấn đề cấp bách ở quy mô hành tinh: tài nguyên năng lượng, nước, lương thực – thực phẩm và sự phân phối, nạn ô nhiễm và biến đổi khí hậu, đô thị hóa, v.v, theo đó làm gia tăng đói nghèo, bất bình đẳng xã hội tới mức độ không thể chấp nhận.

Trên đây là hệ quả chung của việc gia tăng tuổi thọ trung bình, song bên cạnh hệ quả này còn có những ảnh hưởng khác tùy thuộc vào phương thức, cơ cấu gia tăng tuổi thọ trung bình. Để lý giải rõ hơn, tôi giả định một tình huống lý tưởng, khi tỷ lệ sinh tương đương tỷ lệ tử, nghĩa là dân số luôn không đổi, theo đó gánh nặng tiêu hao tài nguyên do con người gây ra cũng không đổi. Như vậy, chúng ta có thể gạt sang một bên vấn đề gia tăng quy mô dân số, chỉ tập trung vào so sánh ảnh hưởng từ những cách thức khác nhau dẫn tới gia tăng tuổi thọ trung bình. Về cơ bản có hai cách. Một là dịch chuyển các ca tử vong về phía nhóm người già, nghĩa là giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, cải thiện sức khỏe cho mọi nhóm lứa tuổi, và tiến tới kịch bản lý tưởng nơi mọi người cùng qua đời ở một độ tuổi. Cách thứ hai là tăng thêm tuổi thọ cho tất cả mọi người. Điều tôi muốn tranh luận ở đây là chỉ có cách thứ nhất mới có ý nghĩa tiến bộ đối với nhân loại, trái ngược với suy nghĩ lâu nay của chúng ta rằng mọi sự gia tăng tuổi thọ của con người đều có ý nghĩa tích cực.

Yếu tố nào cần xét đến ở đây? Như tôi đã đề cập, ở đây chúng ta không cần phải xét đến sự tiêu hao tài nguyên, bởi nó chỉ tỷ lệ theo quy mô dân số, vốn đã được giả định là không đổi. Điều chúng ta cần xét đến là những nhân tố như tuổi nghỉ hưu, độ tuổi mà một người không còn năng suất, độ tuổi khi phụ nữ không thể sinh sản, lượng thời gian cần thiết để giáo dưỡng một đứa trẻ, độ tuổi khi não người bắt đầu suy thoái, v.v. Đó là những nhân tố có thể giúp chúng ta xác định một tuổi thọ tối ưu cho đời người. Một số nhân tố trong đó có thể do chúng ta chi phối, ví dụ tuổi nghỉ hưu, còn lại các nhân tố khác nằm ngoài khả năng can thiệp của con người, ít ra là trong tương lai nhiều năm tới đây.

Để xác định điều gì là có lợi và điều gì có hại cho nhân loại, chúng ta cần một thang giá trị, một khung đạo đức mà mọi người có thể nhất trí. Trên thực tế, mỗi người có quan điểm riêng về những vấn đề như phòng tránh thai, phá thai, sự chết không đau đớn… Vì vậy, ở đây chúng ta cần nỗ lực tối đa để tiếp cận một kịch bản lý tưởng nơi mọi người có thể chia sẻ những giá trị đạo lý chung.

Cá nhân tôi tin rằng kéo dài sự sống trong cộng đồng là một điều tiến bộ nếu đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều người sống tới tuổi già trong tình trạng sức khỏe tốt, thay vì chúng ta chỉ đơn giản là cộng thêm tuổi thọ cho tất cả mọi cá nhân. Tiến bộ nghĩa là sống tốt hơn chứ không chỉ là lâu hơn; tiến bộ nghĩa là tăng thêm giá trị cuộc sống cho mỗi năm tháng chứ không phải là cộng thêm năm tháng vào cuộc sống.

Chúng ta nên tôn trọng những giá trị nhân văn và quyền bình đẳng, nhưng hãy cẩn trọng với sự giáo điều. Ví dụ, lập luận rằng sự sống phải được coi trọng một cách vô hạn, thậm chí thiêng liêng một cách vô hạn, tới mức không thể đong đếm bằng con số, theo tôi là điều không thể chấp nhận. Khi ta phải cân nhắc lựa chọn giữa cứu mạng hai đứa trẻ và cứu một đứa trẻ (ngoài ra không có thêm thông tin nào khác) thì rõ ràng ta phải quyết định lựa chọn thứ nhất. Tất nhiên, như vậy nghĩa là phải chấp nhận cái chết của một đứa trẻ.

Tương tự như vậy, tôi cho rằng mạng sống của một đứa trẻ có giá trị hơn của một người già. Nếu tôi chết đi ngày mai thì đó chỉ là mất đi vài năm tháng cuối đời; cha mẹ và nhiều bạn bè của tôi đã không còn, nên cái chết của tôi chẳng ảnh hưởng gì tới họ; tôi đã được hưởng phần của mình trong cuộc sống, những vui buồn và cơ hội hoàn thành giấc mơ cá nhân. Nhưng nếu một đứa trẻ ngày mai chết đi thì đó là mất mát nhiều thập kỷ đời người; cha mẹ và mọi người xung quanh em sẽ đau buồn sâu sắc; em sẽ không còn cơ hội hưởng thụ cuộc sống, thậm chí không có cơ hội mơ ước và phấn đấu; cái chết của em có thể coi là một bất công không thể chấp nhận, còn cái chết của tôi chỉ là một kết cục tự nhiên do số phận sớm muộn sẽ đến.

Xét rằng việc gia tăng tuổi thọ con người có thể mang đến không ít hệ lụy, chúng ta cần cân nhắc cái được/cái mất một cách nghiêm túc trước khi đưa ra những quyết định liên quan. Việc con người chấp nhận cái chết để bảo tồn tính nhân văn một cách tối đa trong điều kiện cho phép, theo tôi là điều chính đáng: Không nên có vùng cấm và sự giáo điều khi thảo luận điều này. Chúng ta nên thảo luận về cái chết không đau đớn và việc tự sát bằng lý trí khách quan; hãy lắng nghe một cách tôn trọng quan điểm của những kiến nghị cho phép những người đủ năng lực lý trí được thoát khỏi những đau đớn khôn cùng của những căn bệnh không thể điều trị, bằng cái chết tự nguyện dưới sự hỗ trợ của bác sỹ.

Thông điệp mà tôi muốn bày tỏ ở đây liên quan đến thế hệ chúng ta, những người già, chứ không nhằm vào xã hội hay các chính phủ. Chúng ta có quyền khi nói rằng mình chấp nhận cái chết, rằng thời khắc của mình đã đến, rằng sẽ tốt hơn cho những người thân xung quanh cũng như cho hình ảnh bản thân ta, cái còn lại trong ký ức họ.

Tôi không có hàm ý rằng chúng ta hãy bỏ ngoài tai khuyến nghị từ Liên Hiệp Quốc tới các chính phủ nhằm giảm nhẹ những khó khăn mà người già đang gặp phải, cho dù điều ấy làm tăng gánh nặng với xã hội. Điều tôi muốn nói đơn giản là chúng ta hãy thoát khỏi những tư duy giáo điều và những vùng cấm, suy nghĩ một cách lý trí thay cho cảm tính, hay tệ hơn là phi lý, và giải thiêng một cách tối đa những vấn đề liên quan tới tuổi già và cái chết.

 

Thanh Xuân dịch
———
1 Đa số các số liệu từ nghiên cứu của J. Van Bavel, The world population explosion: causes, backgrounds and projections for the future, Facts Views Vis Obgyn. 2013; 5(4): 281–291.
2T. Neuman et al., 2015, The Rising Cost of Living Longer: Analysis of Medicare Spending by Age for Beneficiaries in Traditional Medicare, http://kff.org/medicare/report/the-rising-cost-of-living-longer-analysis-of-medicare-spending-by-age-for-beneficiaries-in-traditional-medicare/

Hiện nay, nạn đói vẫn đang đe dọa mạng sống hàng trăm nghìn trẻ em ở Somalia, Ethiopia, Kenya hay South Sudan. Tổ chức nhân đạo Save the Children đưa ra ví dụ về chi phí để cứu các em: với 80 USD chúng ta có thể chu cấp cho một đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng tất cả những thuốc men, thực phẩm trị liệu, và các chi phí điều trị cần thiết khác tại một bệnh viện trong vòng một tháng. Năm 2011, trong một tháng, chi phí hỗ trợ y tế trung bình trên mỗi người già 80 tuổi ở Mỹ lên tới 1.000 USD, với người 96 tuổi là 1.350 USD2. Cũng trong một tháng, một giám đốc có thể hưởng lương 100.000 USD, một cầu thủ bóng đá ngoại hạng Anh hưởng lương 170.000 USD. 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk do Donald Trump ném xuống Syria hôm 6/4 vừa qua có chi phí 50 triệu USD.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)