Giúp châu Phi trồng lúa, được nhiều hơn mất

Đọc bài Sang châu Phi đầu tư trồng lúa đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 4/8/2011, có ý kiến cho rằng Việt Nam không được lợi gì khi đầu tư trồng lúa ở châu Phi, mặt khác việc phát triển cây lúa ở châu Phi có thể ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Trong khung cảnh hội nhập toàn cầu, Việt Nam đưa người đi giúp các nước trồng lúa là đúng đạo lý. Nhìn lại lịch sử phát triển nông nghiệp của Việt Nam, có biết bao giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác… được chuyển giao từ nhiều nước. Nhiều chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam được đào tạo, trưởng thành từ nước ngoài. Tinh thần cạnh tranh mà các nước phát triển đang áp dụng là làm sao tiến bộ hơn đối thủ để chiếm thị trường và lợi nhuận, chứ không phải chèn ép, mong đối thủ kém đi để mình có ưu thế! Trong thời đại hiện nay, khi mất an ninh lương thực ở bất cứ nơi đâu thì sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới.

Là người trong cuộc, từng đi khảo sát thực tế ở Sierra Leone cùng với GS.TS Võ Tòng Xuân – người chủ trì chương trình “An toàn lương thực Tây Phi châu – Sierra Leone” người viết bài này xin được trình bày rõ hơn.

Năm 2005, TS Sama Monde – bộ trưởng bộ Nông nghiệp và an ninh lương thực Sierra Leone – đã đến thăm và nhờ đại học An Giang sang giúp xây dựng chương trình an ninh lương thực cho Sierra Leone. Năm 2006, GS.TS Võ Tòng Xuân – hiệu trưởng trường đại học An Giang – đã đến Sierra Leone làm việc với phó Tổng thống Solomon Berawa và bộ trưởng Sama Monde. Sau khi khảo sát, hai bên thống nhất lựa chọn vùng Mange Bureh thuộc huyện Port Loko làm khu thí điểm trồng lúa.

Từ chương trình thí điểm ở Sierra Leone, GS.TS Võ Tòng Xuân và các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục sang giúp Nigeria, Mozambique, Cộng hoà Hồi giáo Mauritania… với mục đích giúp họ “cái cần câu hơn cho xâu cá” cùng với tinh thần truyền bá “văn minh lúa Việt”, để xây dựng hình ảnh Việt Nam có trách nhiệm với xã hội loài người và nâng cao uy tín của Việt Nam trước thế giới.

Mạn phép trích dẫn thư của GS Võ Tòng Xuân: “Tôi chỉ ủng hộ các chương trình mà tôi thấy rõ là chúng ta giúp nông dân Phi trực tiếp để giúp họ xoá đói giảm nghèo. Nếu chương trình liên doanh để làm giàu trên đầu trên cổ nông dân thì tôi không bao giờ tham gia”.

Thông tin về hàng triệu người dân châu Phi đang chết đói, cảnh trẻ em gầy giơ xương đang cố bíu lấy bầu vú mẹ… lại làm chúng ta nhớ đến cảnh đói năm Ất Dậu 1945 ở Việt Nam mà lòng quặn đau. Thiển nghĩ ý kiến của GS Võ Tòng Xuân cũng chính là văn hoá của người Việt, phải biết thi ân bất cầu báo.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)