Gỡ sao đây?

Năm ngoái, trong một bài báo nhỏ tôi có bày tỏ thắc mắc không hiểu sao chấm văn trong các kỳ thi lại có thể có đáp án. Ý tôi rất đơn giản: ai cũng biết đặc điểm quan trọng nhất của một văn bản văn chương là nó rất đa nghĩa, phải đa nghĩa, tác phẩm càng lớn thì càng đa nghĩa, hiểu mãi không hết, đời này qua đời khác.


Một tác phẩm văn chương mà chỉ hiểu được một nghĩa duy nhất, thì chỉ đáng vứt đi. Vậy thì đáp án theo nghĩa nào? Đáp án là buộc người đọc hiểu theo một nghĩa, theo cách hiểu duy nhất của người ra đề và làm đáp án. Như vậy những học sinh giỏi, có đầu óc độc lập và sáng tạo, không hiểu theo một nghĩa duy nhất đó, ắt sẽ bị điểm thấp nhất. (Nghe nói sắp đến lại còn định thi văn theo trắc nghiệm nữa. Tôi thấy các kiểu trò chơi đố ăn điểm trên tivi mà sợ quá!)… Bài báo mới ra được mấy hôm, liền có phản ứng của một người hình như ở một cơ quan rất quan trọng, phụ trách về chiến lược gì đó của ngành giáo dục. Anh ấy mắng: Lâu nay tôi nghĩ ông ấy là nhà văn nổi tiếng, sao bây giờ nói bậy thế?
Tôi buồn chứ không giận. Và suy đi nghĩ lại, thấy rất có thể anh ấy cũng có cái lý của anh ấy. Anh ấy ở trong ngành, làm ở một cơ quan có thể bao quát được tình hình, anh ấy biết rõ nếu thi văn không có đáp án thì phần lớn thầy đi chấm thi văn của chúng ta hiện nay quả thật không biết đường nào mà chấm. Họ không đủ sức thẩm định một cách độc lập một bài văn của học trò nếu không được hướng dẫn tỉ mỉ đến từng nửa điểm cho từng ý cần phải viết ra cho đúng y như người ra đáp án hiểu và ban bố làm chân lý…
Thôi thì chuyện đó cũng đã qua rồi, nhưng rồi nó không thể không gợi lên thật nhiều suy nghĩ, không chỉ về học văn, dạy văn, chấm văn, mà cả về nền giáo dục hiện nay của chúng ta. Thầy của ta như thế, là kết quả của nền giáo dục bao nhiêu chục năm nay, chẳng lẽ bỏ đi hết, đào tạo lại hết?… Và đây cũng chỉ là một chuyện trong bao nhiêu chuyện khác chẳng hề ít căng thẳng hơn của giáo dục. Tôi xin nói thật, theo tôi tình hình chung là gần như chưa thấy lối ra. Những sửa chữa vừa qua, hai không, rồi bốn không, rồi chắc chắn còn phải bao nhiêu không nữa… đều là rất cố gắng, rất thiện chí, rất tích cực. Nhưng cảm giác như ta đang đi vá một cái áo, vá chỗ này thì bục ra chỗ kia. Mà giáo dục là cái không thể xóa đi làm lại, nó liên quan đến hàng nhiều chục triệu con người, có thể gây chấn động toàn xã hội.
Vậy nên làm thế nào đây? Tôi xin thử nêu lên một ý kiến, ít ra cũng là để những người quan tâm tham khảo. Có lẽ nên làm thế này chăng: Cứ để một bộ phận tiếp tục điều hành bộ máy giáo dục đang chạy hiện nay, với những cố gắng sửa chữa dẫu biết là chắp vá, cố gắng được càng khá càng tốt. Trong khi đó, có một bộ phận, huy động trí tuệ tập trung nhất, chuẩn bị cho một cải cách cơ bản nền giáo dục của chúng ta. Tôi hình dung có thể cần một thời gian không ngắn, xây dựng lại từ gốc, rồi đến một lúc nào đó, thay thế hẳn cái đang có. Không thể góp nhiều sửa chữa nhỏ thành lớn để dần dần đi đến giải quyết được cơ bản tình hình, bởi như nhiều người đã nhiều lần nói, sai lầm của giáo dục ta là sai lầm thiết kế, ở những nền tảng cơ bản, chứ không phải bộ phận, chi tiết. Không thiết kế lại toàn bộ, trên những nền móng hoàn toàn mới, khác, thì vá mãi chỉ càng vá càng rách.
Những ngày gần đây trên báo chí bàn luận nhiều đến quan điểm của ngành GD-ĐT: tăng học phí thì mới tăng được chất lượng đào tạo… Trong khi đó ở Malaysia trong bài phát biểu ngày 7/9, Thủ tướng Malaysia A. Badawi tuyên bố, học phí hằng năm của của 5,7 triệu học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở sẽ được bãi bỏ. Sách giáo khoa cũng được cung cấp miễn phí cho tất cả học sinh, thay vì chỉ cho học sinh trong gia đình thu nhập thấp, dưới 1.000 RM (khoảng 7 triệu đồng VN). Để khuyến khích tham gia hoạt động tập thể, học sinh trong gia đình thu nhập thấp cũng sẽ được phát một bộ đồng phục miễn phí.
Vậy đó, phải thay đổi hoàn toàn, vậy cần tìm cách thay đổi hoàn toàn mà không phải xóa hết một lúc.


Nguyên Ngọc

Tác giả