Góp phần thảo luận về chính sách ngoại giao của Việt Nam với giới học thuật quốc tế

Sau gần mười năm nghiên cứu, cụm công trình về “Quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam” được công bố ở các tạp chí quốc tế uy tín của GS.TS Phạm Quang Minh (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thực sự góp phần quan trọng trong việc để giới học thuật quốc tế thảo luận về chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa mạnh mẽ các quan hệ đối ngoại của việt Nam.


GS. TS Phạm Quang Minh

Dù tiếp xúc với GS.TS Phạm Quang Minh nhiều lần, nhưng bao giờ cuộc nói chuyện của chúng tôi với ông cũng đều dẫn tới chủ đề làm sao để nền khoa học xã hội Việt Nam thể hiện được tiếng nói trước giới học thuật quốc tế. Cũng qua những lần gặp ấy, chúng tôi hiểu rằng, nỗi niềm canh cánh ấy bắt đầu ngay từ khi ông bỡ ngỡ bước chân ra khỏi đất nước Việt Nam thời chưa mở cửa để học cử nhân ở Đại học Tổng hợp Kuban, Liên Xô cho đến Tiến sỹ tại Đại học Tổng hợp Humboldt, Berlin, CHLB Đức, hay ở bất cứ giảng đường nào khi ông đi thỉnh giảng tại nhiều đại học lớn trên thế giới.

Những phân tích mới về chính sách ngoại giao Việt Nam

Có lẽ chính vì nỗi trăn trở trước câu hỏi đó, nên “khi nghiên cứu, tôi đều đặt mục tiêu là phải công bố để thảo luận với giới học thuật trong nước và quốc tế”, GS. Minh chia sẻ. Với tinh thần đó, sau một chặng đường dài gần mười năm tìm tòi, khảo cứu tài liệu về ngoại giao Việt Nam, ông đã lần lượt công bố các bài viết của cụm công trình “Quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam” ở nhiều tạp chí quốc tế.

Cụm công trình mười một công bố quốc tế về chủ đề “Quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam” (2010-2014) của GS.TS Phạm Quang Minh đã đạt Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2010-2014. Phần lớn các bài viết trong cụm này đều được công bố ở nhiều tạp chí, nhà xuất bản hàng đầu thế giới như McMillan, Routledge, Spinger…

Cụm công trình này tập trung vào khẳng định, chính sách ngoại giao của Việt Nam đã chuyển đổi từ mô hình ảnh hưởng bởi yếu tố hệ tư tưởng sang mô hình lấy lợi ích quốc gia làm trọng tâm. Khi chuyển đổi mô hình, ngoại giao Việt Nam cũng thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa mạnh mẽ các quan hệ đối ngoại để thích ứng với bối cảnh thế giới đang thay đổi. GS. Minh cũng chỉ ra nguyên nhân Việt Nam chuyển đổi chính sách ngoại giao một cách khá nhanh chóng và cởi mở, đó là nhờ vào những bài học lịch sử trong hai cuộc chiến tranh và giai đoạn trước đổi mới. “Nhiều bài học về ngoại giao dẫn tới những mâu thuẫn, xung đột đến nay vẫn còn nguyên giá trị, chẳng hạn như bài học từ cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Chính vì thế, chính sách ngoại giao của mình vẫn đặt ra tiêu chí ‘ba không’ cho tới tận ngày nay”, ông nói. “Tuy nhiên, trong các công bố quốc tế mới đây của mình, tôi chỉ ra rằng, do tình hình quốc tế đã có nhiều thay đổi, Việt Nam cần làm cho thế giới hiểu rõ hơn về nội hàm “ba không” của chính sách này và nó cũng nên được điều chỉnh linh hoạt trong những trường hợp đặc biệt”, ông nói thêm.

Điểm nhấn thứ hai trong cụm công trình này là những đánh giá về vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tầm quan trọng của việc Việt Nam gia nhập ASEAN. GS. Minh cho biết: “Nhiều ý kiến từ các học giả trong nước và quốc tế cho rằng ASEAN chỉ là một talkshow, và Việt Nam tham gia vào talkshow này thực ra không có nhiều ý nghĩa. Nhưng tôi lập luận ngược lại rằng đây là một tổ chức khu vực có vai trò rất quan trọng và đang ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ trong khu vực. Động thái gia nhập ASEAN của Việt Nam cũng cho thấy sự thay đổi, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng bản sắc, để chuyển đổi tư tưởng mạnh mẽ – từ quan điểm là một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa sang một quan điểm ngoại giao đa chiều. Mặt khác, tất cả những hoạt động ngoại giao cởi mở đó có mối quan hệ chặt chẽ với sự đổi mới từ chính trị, kinh tế, xã hội trong nước”.

Về mặt lý luận, cụm công bố này đã góp phần vào cuộc thảo luận về mô hình thể chế nhà nước ở khu vực Đông Á. Về mặt văn hóa lịch sử, người dân ở Đông Á vốn khác nhiều khu vực khác trên thế giới ở chỗ, đã trải qua nhiều chế độ chuyên chế lâu dài và có nền văn hóa ảnh hưởng đậm nét bởi đạo Khổng. Những điều đó khiến người dân đặt niềm tin mạnh mẽ vào giới lãnh đạo. Với Việt Nam, mô hình thể chế hiện hành đã duy trì được sự ổn định tương đối từ trước đến nay, và trong thời gian tới, nếu nhà nước vẫn tạo ra được tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đặn, thì mô hình “dân chủ mềm” vẫn có thể chứng minh được sức sống.

Đánh giá về cụm công trình nghiên cứu của GS. Minh, một số nhà nghiên cứu lịch sử và quan hệ quốc tế như PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh, Đại học Sư phạm Hà Nội và PGS.TS Phạm Minh Sơn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng, cụm công trình của GS. Minh mang lại một xu hướng tiếp cận mới ở Việt Nam – xu hướng nghiên cứu lịch sử Việt Nam trên nền tảng khu vực học và quốc tế học. Đối với các thảo luận khoa học ở khu vực và quốc tế, đóng góp quan trọng nhất của các công bố này là cung cấp cho giới quốc tế tư liệu, quan điểm, góc tiếp cận của một nhà nghiên cứu Việt Nam về những vấn đề cấp thiết như: sự chuyển đổi trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, an ninh và hợp tác khu vực, hợp tác ở biển Đông. Điều này thực sự rất cần thiết trong bối cảnh, từ nhiều năm nay, xuất bản quốc tế về khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam còn quá “hiếm hoi”. Đồng thời, hiểu biết của các học giả thế giới thông qua các nghiên cứu của Việt Nam cũng không nhiều và có nhiều vấn đề được hiểu chưa đúng bởi sự thiếu hụt thông tin từ chính giới nghiên cứu Việt Nam. Do vậy, những công trình nghiên cứu như của GS Minh là vô cùng cần thiết để có thể cung cấp cho giới nghiên cứu quốc tế về quan điểm, cách nhìn của giới nghiên cứu Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế.

Để viết cụm công trình này, GS. Minh cho biết, ông đã gặp khá nhiều khó khăn trong tiếp cận với các nguồn sử liệu. Không phải lúc nào cũng có thể tìm tư liệu, đặc biệt là các văn bản chính sách về ngoại giao của Đảng, Nhà nước trong các trung tâm lưu trữ quốc gia. Nhiều tài liệu không còn được bảo quản, lưu trữ, và cũng có nhiều tài liệu vẫn còn được đóng dấu mật nên không thể đọc được. “Ví dụ, mười năm trước tôi không thể tìm được Nghị quyết số 13 về “nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” của Bộ Chính trị khóa VI. Ngoài ra, điều kiện nghiên cứu trong nước cũng rất thiếu tài liệu và vì vậy nhiều lần tôi phải nhờ các đồng nghiệp quốc tế gửi tài liệu hoặc các bài tạp chí, sách được xuất bản ở quốc tế để đọc tham khảo”, ông nói.

Ông luôn ao ước, những công trình nghiên cứu hay, kỹ lưỡng và được trích dẫn nhiều trên thế giới về lịch sử, văn hóa xã hội Việt Nam không phải là của các tác giả người nước ngoài, mà chính là của một tác giả “thuần Việt”. Điều này chỉ có thể thành hiện thực khi có sự nỗ lực của cá nhân các nhà khoa học, chủ trương của nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức nghiên cứu, đào tạo, sự tham gia của nhiều người hơn nữa.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)