GS. Hoàng Xuân Hãn với Khảo cứu Quần đảo Hoàng Sa

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, từ năm 1951 đã sang định cư tại Pháp. Tuy sống xa tổ quốc nhưng ông luôn hướng về quê hương, theo dõi sát những biến động của tình hình đất nước. Vì vậy, khi tập san Sử Địa Sài Gòn do một nhóm giáo sư và sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn sáng lập, quyết định ấn hành một chuyên khảo về Hoàng Sa, Trường Sa, ông đã gửi cho tập san này bài Khảo cứu Quần đảo Hoàng Sa. Với một tư duy uyên bác, uyển chuyển về lập luận trong khoa học, một sự nghiêm túc và cẩn trọng, Khảo cứu Quần đảo Hoàng Sa đã  góp thêm tiếng nói khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Đầu năm 1975, đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa của tập san Sử Địa Sài Gòn được ấn hành tập hợp được 15 bài viết của các tác giả thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau và một thư mục chú giải tổng hợp về Hoàng Sa. Bài viết của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn với tiêu đề “Quần đảo Hoàng Sa” cùng một đoạn trích trong bài viết “Đúng ba trăm năm trước” của ông đã được đưa lên những trang đầu tiên của đặc khảo này.
Trong số 15 bài viết của đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, ngoại trừ những bài viết tập trung khảo cứu về nguồn lợi tự nhiên cũng như công cuộc khai thác các nguồn lợi tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì còn 10 bài nghiên cứu trực tiếp đề cập đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những bài viết này thuộc hai xu hướng chính: Một là đưa ra những bằng chứng nhằm chứng minh cho chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; hai là dùng lý lẽ và bằng chứng phản biện lại những luận cứ mà Trung Quốc đã đưa ra về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Khảo cứu Quần đảo Hoàng Sa của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn thuộc xu hướng nghiên cứu thứ nhất, cùng với đó là Những sử liệu Tây phương minh chứng chủ quyền của Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời Pháp thuộc của Thái Văn Kiểm, Những sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua nhiều thế kỷ của Hãn Nguyên, Hoàng Sa qua tài liệu văn khố của Hội Truyền giáo Ba Lê của Nguyễn Nhã…
Trong những nghiên cứu đầu tiên về Hoàng Sa, Trường Sa này, Hoàng Xuân Hãn đã chứng tỏ một thái độ nghiêm túc, cẩn trọng khi tiếp cận với các nguồn sử liệu cũng như phương pháp tư duy tổng hợp, biện chứng sâu sác. Nếu như những nhà nghiên cứu khác chỉ tập trung vào một loại hình tư liệu, như: Thái Văn Kiểm với tư liệu phương Tây (chủ yếu là chữ Pháp, chữ Anh), Hãn Nguyên với tư liệu chữ Hán, Nguyễn Nhã với ghi chép của Hội truyền giáo Hà Lan, ông bà Trần Đăng Đại khảo cứu các văn kiện của Nhà nước từ thời Pháp thuộc đến năm 1974… thì Hoàng Xuân Hãn lại sử dụng tổng hợp nhiều loại hình tư liệu khác nhau.

Sau khi khai thác các tư liệu từ chính sử để bước đầu khẳng định về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Hoàng Xuân Hãn tập trung khai thác loại hình tài liệu thứ hai, đó là các loại bản đồ, bản vẽ. Ông đã đối chiếu các bản đồ trong Toàn tập thiên nam lộ đồ vẽ năm 1741, Hồng Đức bản đồ vẽ địa hình nước ta cuối thời Lê, Thuận Hóa Quảng Nam địa đồ nhật trình, đồng thời đối chiếu với các sách về địa chí của đất nước, bằng những lập luận xác đáng, ông khẳng định: Về các bản đồ trước đời Gia Long khẳng định, bãi Tràng sa hoặc bãi Cát vàng được coi là phần quan trọng của đất Việt.

Trước hết là những tư liệu chính thống của lịch sử nước nhà. Đó là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn; Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn; Đại Nam nhất thống chí; Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú; sách Đông hành thi thuyết thảo của Lý Văn Phức1. Các tài liệu này được sắp xếp theo trình tự thời gian, được chú giải cẩn trọng và tỉ mỉ2. Trong Phủ biên tạp lục, ông trích dẫn 2 đoạn, nói về vị trí địa lý (phía ngoài cù lao Ré có đảo Đại Trường Sa. Trước kia có nhiều hải vật và hóa vật của tài bị đắm, đã lập đội Hoàng Sa đến lấy), nguồn lợi (yến sào, ốc vân, hải ba, hải sâm, đồi mồi…) và những sự kiện lịch sử của Việt Nam gắn liền với Hoàng Sa (thuyền buôn bị bão, nhà Nguyễn đặt đội Bắc hải, thuyền của dân đi khai thác ở Hoàng Sa bị gió dạt vào cảng của Trung Quốc được giúp đỡ trở về…). Thông tin trong Đại Nam thực lục cũng có sự kiện cuối cùng, đồng thời xuất hiện địa danh Vạn lý Trường Sa. Tất cả các thông tin ông đưa ra được lồng ghép vào nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên những luận cứ xác đáng về hoạt động của người Việt trên quần đào Hoàng Sa muộn nhất là từ thế kỷ XVI.
Sau khi khai thác các tư liệu từ chính sử để bước đầu khẳng định về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Hoàng Xuân Hãn tập trung khai thác loại hình tài liệu thứ hai, đó là các loại bản đồ, bản vẽ. Ông đã đối chiếu các bản đồ trong Toàn tập thiên nam lộ đồ vẽ năm 1741, Hồng Đức bản đồ vẽ địa hình nước ta cuối thời Lê, Thuận Hóa Quảng Nam địa đồ nhật trình đồng thời đối chiếu với các sách về địa chí của đất nước, bằng những lập luận xác đáng, ông khẳng định: Về các bản đồ trước đời Gia Long khẳng định, bãi Tràng sa hoặc bãi Cát vàng được coi là phần quan trọng của đất Việt.
Nguồn tư liệu cuối cùng mà ông cũng đặc biệt quan tâm và biên dịch kỹ lưỡng là tư liệu tiếng nước ngoài, cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Đó là những ghi chép của các thương nhân, các nhà truyền giáo khi đến Việt Nam, có những nhận xét, đánh giá về quần đảo Hoàng Sa nói riêng và chủ quyền của người Việt đối với quần đảo này nói chung, như: Linh mục Tabert – một giám mục công giáo người Pháp và là tác giả nhiều sách về ngôn ngữ, phong tục địa lý Việt Nam – trong bài viết Note on the geography of Chochinchina đăng trên tờ báo Á châu hội của người Anh tại xứ Bengale (The Journal of The Asiatic Society of Bengal); Gutzlaff trong bài Geography of the Conchinchinese empire đăng trong tập san Journal of the Geographical Society of London năm 1849; J.B.Chaigneau trong bài Le mesmoire sur la Cochinchine đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hué số 2 năm 1923. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã cẩn trọng trích dẫn nguyên văn kèm theo phần biên dịch phía dưới, là những chứng cứ đầy sức thuyết phục về sự công nhận của người nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
Cuối cùng, quay trở lại với mục đích ban đầu của bài khảo cứu này là khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã đưa ra những minh chứng quyết liệt nhất. Sẽ là không đủ để xác định chủ quyền nếu như chỉ đưa ra những sự kiện chứng minh hoạt động của người Việt với Hoàng Sa (mà chủ yếu là khai thác). Sẽ là không đủ để xác định chủ quyền nếu như chỉ có những hình vẽ về Hoàng Sa trên bản đồ đất nước. Sẽ là không đủ để xác định chủ quyền nếu như chỉ có sự công nhận của người nước ngoài. Cần có những bằng chứng khẳng định về hoạt động chính thức của Nhà nước về việc xác lập chủ quyền trên quần đảo này. Những bằng chứng ấy đã được Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi lại trong Đại Nam thực lục. Đó là việc nhà Nguyễn đã có những chính sách thiết lập đơn vị hành chính, dựng miếu, lập bia thờ thần biển ở Hoàng Sa… Đây là những minh chứng đầy sức thuyết phục khẳng định những hoạt động mang tính Nhà nước về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, cũng là những viên gạch cuối cùng hoàn thành một công trình khảo cứu công phu của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn.
————–
* ThS.Khoa Lý luận Chính trị, ĐHBKHN
1 Lý Văn Phức) 1785-1849); Danh sĩ đời Gia Long, tự là Lân Chi, hiệu là Khắc Trai, quê làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Đông. Đỗ cử nhân năm 1819, làm Hàn Lâm Viện biên tu ở Quốc sử quán, Hiệp trấn Quảng Nam, Hữu thị lang Bộ Hộ. Được ít lâu bị cách chức rồi đi công cán ở Tân Gia Ba (Singapore), Trung Quốc, Indonesia… Ông mất năm 1849, còn để lại một số tác phẩm văn học có giá trị.
2 Muốn cho văn dịch rõ nghĩa, tôi có sửa chấm câu và thêm vào một vài chữ để trong hai dấu ngoặc “”, trích trong Quần đảo Hoàng Sa, tr.7

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)