Hai lần gặp GS Nguyễn Văn Chiển

Lần đầu tiên tôi vinh dự được cùng ngồi uống cà phê buổi sáng với GS. Nguyễn Văn Chiển- người thầy của ngành địa chất VN tại khách sạn Hà Nội. Hôm đó, cũng là lần đầu tiên tôi được tiếp kiến hai người nữa tôi từng biết tên nhưng chưa có vinh dự gặp. Người thứ hai là bác Nguyễn Trung- nguyên cố vấn cao cấp của Thủ tướng, người thứ ba là GS TS Phạm Duy Hiển. Những người còn lại (nhà văn Nguyên Ngọc, GS. Khoa, TS. Hưng, TS. Thuận, anh Tú, chị Lành, anh Cương v.v.) tôi đã gặp từ trước tại cuộc hội thảo ở Đắk Nông. Buổi sáng đó, chúng tôi vừa uống cà phê, vừa bàn về bản dự thảo của một kiến nghị tập thể chúng tôi dự kiến sẽ gửi cho lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính Phủ về dự án bauxite trên Tây Nguyên.

Tôi biết bác Chiển đã từng phụ trách một chương trình quốc gia rất quan trọng về Tây Nguyên, đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh v.v. Tôi thầm nghĩ, bác Chiển và bác Nguyên Ngọc đều là những bậc thầy của tôi về Tây Nguyên. Khi nói về các học trò cũ, tôi thấy gương mặt gần 90 tuổi của bác Chiển cứ như trẻ lại. Giọng bác mạch lạc, truyền cảm. Nhưng khi nhắc đến bauxite trên Tây Nguyên, tôi thấy bác Chiển hơi lắc đầu, và giọng trùng xuống. Bác nói: “Nếu không cẩn thận thì hỏng hết, con cháu sẽ phán xét chúng ta. Động đến Tây Nguyên không phải trò đùa”, rồi Bác xót xa đặt câu hỏi:  “Tại sao người ta cứ thích đào bauxite lên để bán? Việt Nam làm gì có đủ điện để làm ra nhôm”. Tôi chợt nghĩ, nếu Luật sư quá cố Nguyễn Mạnh Tường nghe thấy những lời tâm sự của người học trò cưng này của mình chắc cũng yên lòng.

Lần thứ hai, đầu tháng 11/2008 tôi gặp bác Chiển tại nhà hàng trên bán đảo của hồ Thuyền Quang. Cuộc gặp mặt nhân dịp mừng thọ bác Chiển 90 tuổi do Viện COD đề xuất. Ngoài các thành phần cuộc gặp lần trước, lần này còn có nhiều người khác. Tôi nhớ, hôm đó bác Chiển ngồi trên nghế vì bác không thể giống như tất cả chúng tôi, những người còn lại, cùng ngồi bệt xuống sàn. Chúng tôi thận trọng thông qua lại lần cuối cùng từng câu chữ của Bản kiến nghị gửi các đ/c lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Quốc hội và Chính Phủ về bauxite Tây Nguyên. Bác Chiển góp rất nhiều ý và là người ký đầu tiên. Tất cả có 17 chữ ký. Sau đó, chúng tôi cùng dùng bữa cơm mừng thọ bác Chiển. Bữa đó, bác Chiển vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ, nhắc lại những kỷ niệm, hỏi thăm những người học trò cũ. Tôi thấy Bác mãn nguyện lắm. Chia tay chúng tôi, bác Chiển không quên nhắc anh Tú “Gửi càng sớm càng tốt”.

Lần thứ ba, tôi đã mừng hy vọng lại được gặp bác Chiển. Đó là dịp Văn phòng TW Đảng mời bác Chiển đến dự Toạ đàm về bauxite. Tôi đã báo cho anh Minh địa chỉ của bác Chiển trong khu Bách khoa để chuyển thư mời. Nhưng, hình như bác mệt, không dự được.

Gần đây, nhận được tin bác qua đời, chúng tôi rất thương tiếc, nhưng cũng thấy an ủi phần nào vì đã có dịp cùng mừng thọ bác lần cuối cùng và Bản kiến nghị có chữ ký của bác Chiển sau khi gửi đã có hồi âm.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)