Hiến pháp, dân chủ, và chủ quyền toàn dân

“Trò chuyện về tân hiến pháp” (1947) được soạn ra để giúp người dân Nhật Bản lĩnh hội được nội dung của hiến pháp mới, thay thế cho Hiến pháp Đại đế quốc Nhật Bản ban bố dưới thời Minh Trị. Tia Sáng xin trích đăng một phần nội dung của cuốn sách đã có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình dân chủ hóa nước Nhật và khai sáng quốc dân Nhật.

1. Hiến pháp

Chào các bạn, Hiến pháp mới đã hoàn thành. Từ ngày 3 tháng 5 năm Showa thứ 22 (năm 1947-ND), quốc dân Nhật Bản chúng ta sẽ phải tuân thủ hiến pháp này. Để có được bản Hiến pháp này, rất nhiều người đã lao tâm khổ tứ.  Nhân tiện đây, các bạn có biết hiến pháp là thứ như thế nào không? Có ai nghĩ nó giống như là thứ không có liên quan gì đến mình không? Giả sử có, thì đó là một sai lầm lớn.

Việc nước không thể một ngày ngơi nghỉ. Thêm nữa, cách tiến hành công việc trị nước cần phải được quyết định rõ ràng. Để làm được điều đó cần đến rất nhiều quy tắc. Các quy tắc này có rất nhiều nhưng trong đó quy tắc quan trọng nhất là Hiến pháp.

Quy tắc cơ bản nhất quyết định trị nước như thế nào, tiến hành việc nước như thế nào là Hiến pháp. Nếu như nhà của các bạn bị mất cột thì sẽ thế nào? Ngôi nhà sẽ đổ sập ngay lập tức. Nếu ví đất nước như ngôi nhà thì cây cột chính là Hiến pháp. Nếu như không có Hiến pháp, thì cho dù trong nước có bao nhiêu người đi chăng nữa cũng không hiểu được phải trị nước như thế nào. Vì vậy cho dù là ở nước nào, Hiến pháp với tư cách là quy tắc quan trọng nhất cũng được tuân thủ chặt chẽ. Quy tắc quan trọng nhất của đất nước nói một cách khác cũng là quy tắc có vị trí cao nhất vì thế  Hiến pháp còn được gọi là “quy tắc tối cao” của đất nước.

Tuy nhiên trong Hiến pháp này, giống như vừa trình bày, bên cạnh cách tiến hành việc nước còn viết về một điều quan trọng nữa. Đó là quyền lợi của quốc dân. Quyền lợi này sẽ được nói chi tiết ở phần sau vì thế ở đây chỉ xin được nói về việc tại sao nó lại quan trọng giống như là quy tắc quyết định cách  tiến hành việc nước.

Các bạn là một thành viên trong quốc dân Nhật Bản. Nếu như từng quốc dân không trở nên thông minh và mạnh mẽ thì toàn thể quốc dân không thể nào trở nên thông minh và mạnh mẽ được. Nguồn gốc của sức mạnh đất nước là nằm ở mỗi người dân. Vì thế mà nhà nước thừa nhận năng lực của từng người dân và bảo vệ nó chu đáo. Để làm được điều đó, Hiến pháp đã quy định  rất nhiều quyền lợi của từng người dân. Quyền lợi quan trọng này của người dân được gọi là “các quyền cơ bản của con người”. Quyền lợi này cũng được ghi trong Hiến pháp.

Vì vậy, một lần nữa tôi lại muốn nói xem Hiến pháp là gì. Hiến pháp là quy tắc quan trọng nhất của đất nước tức là “Pháp quy tối cao” vì vậy ở trong đó có ghi hai việc quan trọng. Thứ nhất là quy tắc quyết định cách trị nước, cách tiến hành việc nước. Thứ hai là quy tắc quy định những quyền quan trọng nhất của quốc dân tức là những “quyền con người cơ bản”. Bên cạnh đó hiến pháp cũng quy định nhiều việc cần thiết khác. Như sẽ được trình bày ở phần sau, Hiến pháp lần này cũng quy định một việc vô cùng quan trọng là không tiến hành chiến tranh.

Hiến pháp có từ trước đến nay là hiến pháp ra đời vào năm Minh Trị thứ 22 (tức năm 1889-ND), là hiến pháp do Thiên hoàng Minh Trị tạo ra và áp dụng cho người dân. Tuy nhiên Hiến pháp mới lần này là do chính bản thân quốc dân tạo ra, là thứ được lập ra một cách tự do bằng ý kiến của toàn thể quốc dân Nhật Bản. Để biết được ý kiến của toàn thể quốc dân, cuộc tổng tuyển cử đã diễn ra vào ngày 10 tháng 4 năm Showa thứ 21 (năm 1946-ND), các đại biểu mới của quốc dân được bầu và những người này đã tạo ra Hiến pháp. Vì vậy Hiến pháp mới là do toàn thể quốc dân lập nên.

Các bạn cũng là một trong số quốc dân Nhật Bản. Nếu vậy Hiến pháp này là do các bạn tạo ra. Các bạn sẽ coi trọng thứ mà bản thân mình tạo ra phải không nào. Nếu như Hiến pháp lần này là thứ được tạo ra từ toàn thể quốc dân bao gồm các bạn và là quy tắc quan trọng nhất của đất nước thì các bạn với tư cách là một thành viên của quốc dân phải bảo vệ cho được Hiến pháp. Để làm được điều đó thì trước hết các bạn phải biết rõ những nội dung nào được viết trong hiến pháp này.

Khi quyết định quy tắc cho trò chơi nào đó các bạn cùng nhau viết và đặt kí hiệu cho nó  phải không nào. Quy tắc của quốc gia cũng thế, nó được viết phân theo từng nội dung và có thêm vào kí hiệu như điều số mấy. Hiến pháp lần này có từ điều 1 đến điều 103. Bên cạnh đó  còn có phần viết ở đầu tiên. Đây được gọi là “Lời nói đầu”.

Ở phần “Lời nói đầu” này có ghi những việc như ai tạo ra Hiến pháp này, quy tắc của Hiến pháp này được tạo ra từ tư duy nào… Lời nói đầu nhắm đến hai mục đích. Thứ nhất là khi mọi người đọc Hiến pháp và muốn biết ý nghĩa của nó thì đây là đầu mối. Tóm lại, Hiến pháp lần này là thứ được tạo ra từ tư duy được ghi ở lời nói đầu vì vậy không được nghĩ khác với tư duy có ở Lời nói đầu. Tác dụng thứ hai là từ giờ trở đi khi thay đổi Hiến pháp không được trái với tư duy đã được ghi trong Lời nói đầu.

Vậy thì tư duy của Lời nói đầu là như thế nào. Tư duy quan trọng nhất có ba điều. Đó là “dân chủ chủ nghĩa”, “chủ nghĩa hòa bình quốc tế” và “chủ nghĩa chủ quyền thuộc về quốc dân”. Khi sử dụng từ “chủ nghĩa” thì nghe có vẻ khó nhưng nếu nghĩ thì chẳng có gì là khó. Tôi nghĩ rằng chủ nghĩa là cách suy nghĩ về sự vật. Do vậy các bạn cần phải biết về ba nội dung này. Trước hết hãy bắt đầu từ  “Dân chủ chủ nghĩa”

2. Dân chủ là gì

Tư duy số một trở thành nền tảng của Hiến pháp lần này là dân chủ. Vậy tóm lại dân chủ là gì? Các bạn đại thể đã nghe thấy từ này phải không nào? Nếu nói đây là thứ tạo nên nền tảng của Hiến pháp mới thì các bạn cần phải biết rõ về điều này. Thêm nữa cần phải hiểu biết đúng đắn về nó.

Các bạn hãy thử nghĩ đến việc đông đảo mọi người tập trung lại để cùng làm điều gì đó. Mọi chuyện sẽ được quyết định bằng ý kiến của ai? Nếu như ý kiến của mọi người đều giống nhau  thì sẽ không có chuyện gì. Giả sử như khi ý kiến khác nhau thì làm thế nào? Quyết định bằng ý kiến của một người? Quyết định bằng ý kiến của hai người? Hay là quyết định bằng ý kiến của số đông? Cái nào tốt hơn đây? Cũng có trường hợp ý kiến của một người đúng đắn và ưu việt trong khi ý kiến của nhiều người lại sai. Tuy nhiên phần lớn là ngược lại. Khi đó, việc mọi người thảo luận về suy nghĩ của bản thân sau đó quyết định theo ý kiến của số đông là điều hoàn toàn đúng đắn. Và những người còn lại nên tuân theo ý kiến của số đông mọi người. Việc quyết định mọi việc theo ý kiến của số đông mọi người là cách làm dân chủ.

Việc trị nước cũng giống như thế. Việc trị nước theo ý kiến của một số ít người là điều không tốt. Trị nước theo ý kiến của đông đảo quốc dân là tốt nhất. Tóm lại đông đảo quốc dân tiến hành trị nước là cách trị nước dân chủ.

Tuy nhiên đất nước khác với lớp học. Toàn thể quốc dân không thể tập trung lại một chỗ để thảo luận được. Việc đi đến từng nơi lắng nghe ý kiến của từng người cũng không thể làm được. Vì vậy cần phải có người thay mặt cho mọi người quyết định cách trị nước. Đó là quốc hội.

Việc quốc dân bầu cử nên nghị viên quốc hội cũng chính là việc họ lựa chọn ra người thay mặt mình trị nước. Vì vậy ở quốc hội công việc sẽ được quyết định bởi ý kiến của các nghị viên thay mặt quốc dân. Các nghị viên khác sẽ phải tuân theo điều này. Đó là việc quyết định công việc theo ý kiến của toàn thể quốc dân. Đây là dân chủ. Vì vậy dân chủ là toàn dân trị nước. Việc quyết định mọi việc theo ý kiến của mọi người sẽ ít sai sót nhất. Vì vậy nếu trị nước bằng dân chủ thì mọi người sẽ hạnh phúc và đất nước sẽ phồn vinh.

Do đất nước rộng lớn vì thế việc nước được giao phó cho các nghị viên quốc hội cho nên quốc hội thay mặt cho quốc dân. Sự “thay mặt” này được gọi là “đại diện”. Giống như trước đó tôi đã trình bày, dân chủ là toàn dân trị nước nên quốc hội sẽ thay mặt cho toàn thể quốc dân quyết định việc nước do đó người ta gọi đây là “dân chủ theo chế độ đại biểu”.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là không giao phó cho quốc hội mà quốc dân quyết định công việc theo ý kiến của bản thân mình. Trong hiến pháp lần này có giả sử nếu như có sửa đổi hiến pháp thì một mình quốc hội không thể quyết định được mà phải bỏ phiếu để biết từng người dân phản đối hay đồng ý. Khi đó, quốc dân trực tiếp quyết định việc nước vì vậy đây được gọi là cách làm “dân chủ trực tiếp”. Hiến pháp mới chọn hai cách trị nước là dân chủ theo chế độ đại biểu và dân chủ trực tiếp nhưng chủ yếu là dân chủ theo chế độ đại biểu, dân chủ trực tiếp chỉ giới hạn trong những việc quan trọng nhất. Vì vậy có thể nói Hiến pháp lần này đại thể là dân chủ theo chế độ đại biểu.

Các bạn là quốc dân Nhật Bản. Tuy nhiên vẫn  đang  còn là học sinh. Khi các bạn 20 tuổi lúc đó các bạn lần đầu tiên mới có thể quyết định được việc nước. Cả việc bầu nghị viên quốc hội hay bỏ phiếu liên quan đến việc nước khi các bạn đủ 20 tuổi các bạn mới có thể bắt đầu. Các bạn có anh trai, chị gái trên 20 tuổi phải không nào? Khi nhìn thấy anh, chị phân vân khi bỏ phiếu các bạn có tâm trạng thế nào? Bây giờ các bạn hãy học hành thật chăm chỉ, tìm hiểu thật kĩ về việc trị nước cũng như là Hiến pháp. Chẳng bao lâu nữa các bạn sẽ cùng anh, chị có thể tự mình quyết định việc nước. Việc trị nước sẽ được tiến hành bằng suy nghĩ của các bạn. Không có gì vui hơn việc các bạn hòa thuận và tự mình tiến hành việc nước. Đó là dân chủ.

3. Chủ nghĩa hòa bình quốc tế

[…]

4. Chủ quyền thuộc về quốc dân

Các bạn hãy thử tập trung lại và  chọn ra xem ai là người vĩ đại nhất. Tóm lại “vĩ đại nhất” tức là thế nào? Có phải là học giỏi không? Hay là người khỏe  mạnh? Thật là khó vì có rất nhiều cách quyết định.

Trong đất nước thì có thể nói ai là  người “vĩ đại nhất” đây? Giả sử như việc nước được quyết định bởi ý nghĩ của một người thì phải nói người đó là vĩ đại. Nếu như việc nước được quyết định bằng ý nghĩ của nhiều người thì mọi người sẽ trở nên vĩ đại. Nếu như toàn thể quốc dân quyết định thì người vĩ đại nhất là toàn thể quốc dân. Hiến pháp lần này là hiến pháp dân chủ nên việc trị nước được tiến hành bằng suy nghĩ của toàn thể quốc dân. Và như thế thì rõ ràng toàn thể quốc dân là vĩ đại nhất.
 
Sức mạnh trị nước được gọi là “chủ quyền” và nếu sức mạnh này nằm ở toàn thể quốc dân thì người ta gọi đó là “chủ quyền thuộc về quốc dân”. Hiến pháp lần này giống như tôi vừa trình bày, coi dân chủ là gốc vì vậy chủ quyền đương nhiên là thuộc về quốc dân Nhật Bản. Vì vậy ngay ở phần Lời nói đầu và  ở  Điều 1 của hiến pháp cũng ghi rõ ràng là “chủ quyền thuộc về quốc dân”. Chủ quyền thuộc về quốc dân được gọi là “chủ quyền tại dân”. Hiến pháp mới được tạo thành từ tư duy chủ quyền tại dân vì vậy nó là hiến pháp chủ nghĩa chủ quyền tại dân. Các bạn là một người dân Nhật Bản. Các bạn  sẽ là người nắm chủ quyền trong tay. Tuy nhiên chủ quyền lại nằm trong toàn thể quốc dân Nhật Bản. Nó không phải là thứ từng người riêng biệt nắm trong tay. Chuyện từng người nghĩ rằng mình là vĩ đại và tự ý tiến hành mọi việc chắc chắn không phải là điều tốt. Đó là điều không thích hợp với dân chủ. Các bạn vừa phải tự hào rằng mình là một người dân nắm chủ quyền trong tay vừa phải có tinh thần trách nhiệm. Vừa phải là học sinh tốt vừa phải là quốc dân tốt.

Người dịch: Nguyễn Quốc Vương (Khoa Lịch sử ĐH Sư phạm Hà Nội)

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)