Hiến pháp và văn hóa bản địa

Bài học quan trọng nhất mà văn hóa Hiến pháp Mỹ có thể đem lại cho Việt Nam là: khác với Coca-Cola, KFC, Rock&Roll, thể chế không phải là một thứ mà người ta có thể dễ dàng nhập khẩu và thưởng thức. Bài viết khẳng định rằng các vấn đề hiến pháp cần phải được bối cảnh hóa trong điều kiện văn hóa bản địa, mặc dù không phủ nhận khả năng tiếp nhận các giá trị hiến pháp nước ngoài.

Trong một bài viết bàn về sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam, GS Tương Lai dẫn lại nhận xét của William Ewart Gladstone, Thủ tướng nước Anh (1809 – 1898) về Hiến pháp Mỹ như là “tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người”.

Giáo sư không quên chú thích thêm rằng Hiến pháp Mỹ là “bản hiến pháp lâu đời nhất và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử. Từ khi có hiệu lực năm 1789, bản Hiến pháp này đã là mô hình tham khảo để xây dựng hiến pháp của nhiều quốc gia phương Tây khác.”(1)  Thực sự trong việc sửa đổi Hiến pháp, Việt Nam có thể học được gì từ văn hóa Hiến pháp Mỹ?

Bài viết này trả lời rằng bài học quan trọng nhất mà văn hóa Hiến pháp Mỹ có thể đem lại cho Việt Nam là: khác với Coca-Cola, KFC, Rock&Roll, thể chế không phải là một thứ mà người ta có thể dễ dàng nhập khẩu và thưởng thức. Bài viết khẳng định rằng các vấn đề hiến pháp cần phải được bối cảnh hóa trong điều kiện văn hóa bản địa, mặc dù không phủ nhận khả năng tiếp nhận các giá trị hiến pháp nước ngoài.

Hiến pháp hay là lòng mộ đạo?

Thomas Jefferson, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, viết năm 1861 rằng: “Một số người nhìn hiến pháp với một lòng mộ đạo quá mức.” (2) Tinh thần mộ đạo đối với hiến pháp không chỉ giới hạn ở một số người mà trở thành đặc trưng chung của văn hóa hiến pháp của người dân Mỹ. GS Satanford Levinson ở ĐH Texas khái quát rằng “sự tôn kính” đối với Hiến pháp trở thành khía cạnh trung tâm của truyền thống chính trị Mỹ. Bản Hiến pháp, cùng với Quốc kỳ và Tuyên ngôn độc lập được coi là “bộ ba thánh thần” của “tôn giáo dân sự” của nước Mỹ (3).  GS Thomas C. Grey ở ĐH Stanford cũng nhận định: “Ngay từ thời điểm nó được phê chuẩn, người Mỹ đã coi Hiến pháp của Hợp chúng quốc không chỉ là một phương tiện pháp lý mà còn là một biểu tượng có tính chất thần thánh. Cùng với Quốc kỳ, nó là vật tổ của chúng ta.” (4)

2/3 dân số trên thế giới sống dưới các chính quyền hợp hiến không ít thì nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hợp hiến tự do phương Tây mà chủ nghĩa hợp hiến phương Tây đến lượt nó lại chịu sự chi phối của chủ nghĩa hợp hiến Mỹ.

Khi người ta sùng bái một vật thể, vật thể đó tất có tính chất quyết định đối với cuộc sống của người ta. Cũng tương tự như vậy, việc sùng bái Hiến pháp của người Mỹ được lý giải từ một thực tế là Hiến pháp có tính chất quyết định đối với cuộc sống của người dân. Mọi người dân Mỹ đều có thể xác định cương vị của mình bằng ngôn ngữ Hiến pháp; nói cách khác, người dân dựa vào hiến pháp để định vị thân phận của họ. Từ việc đi xe buýt, chào cờ ở các trường tiểu học đến vấn đề nạo phá thai, hôn nhân đồng giới, hình phạt tử hình, và nói chung những vấn đề chính trị quan trọng của quốc gia, cuối cùng rồi người ta cũng viện dẫn đến Hiến pháp để giải quyết. Các vấn đề luật pháp Mỹ chẳng chóng thì chầy sẽ trở thành các vấn đề Hiến pháp.

Điều đáng nói là sự sùng bái Hiến pháp Mỹ không chỉ giới hạn ở những người dân Mỹ: các quốc gia khác nhau trên thế giới cũng ngưỡng mộ bản Hiến pháp này. Một thực tế có tính chất toàn cầu là các chuẩn mực của chủ nghĩa hợp hiến phương Tây như phân quyền, pháp quyền, nhân quyền, tài phán hiến pháp đang chiếm ưu thế và được “cấy” vào những vùng khác nhau của thế giới. 2/3 dân số trên thế giới sống dưới các chính quyền hợp hiến không ít thì nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hợp hiến tự do phương Tây mà chủ nghĩa hợp hiến phương Tây đến lượt nó lại chịu sự chi phối của chủ nghĩa hợp hiến Mỹ.

Tuy nhiên, con đường vay mượn thể chế gian nan hơn rất nhiều việc trực chờ để được sở hữu phiên bản mới nhất của một sản phẩn công nghệ thông tin. Xây dựng thể chế về mặt hình thức là một chuyện, nhưng thực thi nó lại là chuyện khác.

Một học giả Mỹ cho rằng những văn bản hiến pháp được xây dựng nửa cuối thế kỷ 20 chỉ là những sự sao chép về mặt hình thức, còn thực tế chính trị lại khác xa. (5) Người ta có thể dễ dàng giải khóa các sản phẩm công nghệ có bản quyền, nhưng không dễ kích hoạt các thể chế Mỹ, dù rằng không có bản quyền, trong những môi trường khác. Lý do nằm ở chỗ các thể chế có điều kiện hoạt động của nó. Thể chế có thể hoạt động tốt ở nước này nhưng lại trục trặc ở nước khác do điều kiện bản địa khác nhau.

Người Mỹ đã “vay mượn hiến pháp” như thế nào?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các giá trị hiến pháp của một quốc gia được tiếp nhận và thực hiện ở các nền tài phán khác, các học giả quốc tế bàn nhiều hơn đến sự “vay mượn hiến pháp” (constitutional borrowing). Trong bối cảnh đó, Hiến pháp Mỹ được “vay mượn” ở nhiều khu vực khác nhau, và đâu đó người ta cho rằng Hiến pháp là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nước Mỹ. Tuy nhiên, bản thân Hiến pháp Mỹ cũng là một sự “vay mượn.” Các nhà lập hiến Mỹ đã vay mượn khá nhiều từ hệ thống hiến pháp của Anh (kể cả các tập quán chính trị lẫn các văn bản hiến pháp như Đại hiến chương Magna Carta, Luật dân quyền, Luật đình quyền giam giữ…)

Hơn một trăm năm trước đây, GS Christopher Tiedeman (1857-1903), một nhà hiến pháp học kinh điển của nước Mỹ, thuộc ĐH Missouri, đã cho rằng: “Hiến pháp của Liên bang cũng như các hiến pháp của tiểu bang ở Mỹ là sự phát triển tiếp theo một cách tự nhiên của Hiến pháp Anh, được điều chỉnh một số chi tiết và nguyên tắc bởi bối cảnh mới.” (6)

Thực vậy, không khó để chỉ ra những dấu ấn của Hiến pháp Anh trong Hiến pháp Mỹ: hệ thống phân chia quyền lực, những giới hạn của quyền lực hành pháp, chế độ lưỡng viện, hệ thống tư pháp độc lập… Nhà chính trị học Robert Lowry Clinton giúp chỉ ra rằng trong 21 khoản của 4 điều đầu tiên của Hiến pháp Mỹ (những điều khoản chính về cấu trúc lập pháp, hành pháp và tư pháp), ít nhất có 16 khoản có nguồn gốc từ các quy tắc Hiến pháp của Anh.

Không chỉ hiến pháp gốc, các tu chính án của Hiến pháp Mỹ cũng vay mượn nhiều từ nguồn Anh. Cũng theo Clinton, Luật dân quyền Anh đã cung cấp những quy tắc cho các nhà thảo hiến Mỹ trong những tu chính án liên quan đến dân quyền của nước Mỹ. Cụ thể, ít nhất 17 trong số 28 quy phạm ở 8 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mỹ có nguồn gốc từ hệ thống thông luật Anh (7).

Nói như vậy không có nghĩa Hiến pháp Mỹ không có bản sắc riêng. Kỳ thực, nhiều quy tắc của Hiến pháp Mỹ phản ánh những đòi hỏi của bối cảnh mới khi các thuộc địa mới dành được độc lập như như hệ thống liên bang, chế độ tổng thống, chủ quyền nhân dân thay cho chủ quyền nghị viện…

Dù vay mượn từ Hiến pháp Anh, Hiến pháp Mỹ đã hoạt động thành công và tạo nên sự ngưỡng mộ của thế giới. Lý do của sự thành công này là gì? Các thể chế của Hiến pháp Anh hoạt động thành công ở Mỹ thực chất là vì chủ nghĩa hợp hiến Mỹ là vì sự liên tiếp của văn minh Anglo-Saxons ở vùng đất mới bên bờ kia Đại Tây Dương. Tiedeman đã nhận xét: “Hiến pháp Anh và Mỹ hoạt động hiệu quả, tạo nên sự ngưỡng mộ của những người nghiên cứu chính trị không phải do sự xuất sắc trừu tượng cố hữu của chúng- vì không khó chỉ ra những khiếm khuyết rõ ràng, mà do chúng là sản phẩm tự nhiên của nền văn minh Mỹ-Anglo. Các đặc tính của văn minh Anglo-Saxons như yêu chuộng tự do, tuân thủ pháp luật, và tinh thần bảo thủ, dù không tìm thấy trong bản văn hiến pháp, nhưng là những yếu tố bảo đảm cho sự vững bền của chính phủ tự do ở nước Anh và nước Mỹ.” (8)

Với thực tế đó, chúng ta cần suy nghĩ lại nhận xét Thủ tướng Anh Ewart Gladstone về Hiến pháp Mỹ như là “tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người.” “Sự tuyệt vời” của tác phẩm không phải ở chỗ nó chứa đựng các định chế tân tiến mà chính là ở chỗ nó phản ánh một cách trung thành nhất sự liên tục tự nhiên của văn hóa. Nếu như vậy, nó không phải được sản sinh “bởi trí óc và mục đích của con người”. Nó giản đơn chỉ là sự phản chiếu tự nhiên của một nền văn minh được mở rộng.

Tóm lại, văn hóa hiến pháp Mỹ đem lại một bài học quý giá rằng các hiến pháp chỉ thành công khi được cấy rẽ vào nguồn của nền văn hóa bản địa. Sự vay mượn hiến pháp chỉ thành công khi được sự ủng hộ của bối cảnh bản địa.

Tiếp nhận hiến pháp ở Việt Nam: một ví dụ từ quy định bỏ phiếu tín nhiệm

Đầu năm 2001 Việt Nam cải cách hiến pháp và một số thể chế nước ngoài được tiếp nhận. Điển hình nhất là chế độ bỏ phiếu tín nhiệm, theo đó, Quốc hội được trang bị thêm thẩm quyền mới là “bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.” (khoản 7, Điều 84). Dễ nhận ra rằng đây là một sự tiếp nhận có điều chỉnh của chế độ bỏ phiếu bất tín nhiệm được áp dụng phổ biến trong các chế độ đại nghị ở Châu Âu.

Chế độ bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội Việt Nam là một sự tiếp nhận có điều chỉnh của chế độ bỏ phiếu bất tín nhiệm được áp dụng phổ biến trong các chế độ đại nghị ở Châu Âu nhưng đã được điều chỉnh cho phù hợp với môi trường chính trị Việt Nam: bỏ phiếu bất tín nhiệm được mềm hóa thành bỏ phiếu tín nhiệm; bỏ phiếu đối với cá nhân thay cho bỏ phiếu đối với tập thể.

Bỏ phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu bất tín nhiệm là thể chế được thiết kế để ngành lập pháp có thể bày tỏ thái độ không hài lòng và áp đặt trách nhiệm đối với ngành hành pháp. Thể chế được điều chỉnh cho phù hợp với môi trường chính trị Việt Nam: bỏ phiếu bất tín nhiệm được mềm hóa thành bỏ phiếu tín nhiệm; bỏ phiếu đối với cá nhân thay cho bỏ phiếu đối với tập thể. Mặc dù vậy, thể chế này, trong một thập kỷ qua chưa từng hoạt động. Cũng cần lưu ý rằng điều này không có nghĩa vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm chưa từng được đặt ra trước Quốc hội. Chúng ta có thể nhớ lại ấn tượng gần đây nhất về một vị đại biểu Quốc hội đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu ngành hành pháp nhân vụ Vinashin. Tuy nhiên, Quốc hội chưa từng bỏ phiếu tín nhiệm đối với ai kể từ khi thể chế này được xây dựng từ năm 2001.

Có lẽ có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là thể chế không nhận được sự ủng hộ của văn hóa bản địa. Liên quan đến những cọ xát giữa lập pháp và hành pháp, tinh thần bằng hữu hay văn hóa hài hòa có giá trị chi phối hơn là các thể chế chính thức. “Dĩ hòa vi quý” có lẽ không chỉ là một phương châm giải quyết tranh chấp dân sự để tránh con đường kiện tụng nơi tòa án mà còn trở thành quy tắc ứng xử mang tính chất bao quát hơn trong đời sống chính trị.

Vài lời kết

Hiến pháp cũng như luật pháp là một bộ phận của văn hóa. Các hiến pháp chân thực, không phải hiến pháp hình thức, bao giờ cũng là sự phản ánh trung thành văn hóa bản địa. Sự gắn kết với văn hóa bản địa là điều kiện để hiến pháp vận hành trên thực tiễn thay vì trở thành hữu danh vô thực. Nếu hiến pháp được xem như khế ước của một cộng đồng, nó phải được xây dựng và điều chỉnh trên nền tảng lối sống, cách nghĩ, những mong muốn chung, những xu hướng chung được một cộng đồng chấp nhận.

Bài viết này, trong khi không có ý dựa vào “chủ nghĩa liên quan văn hóa” để phủ nhận khả năng tiếp nhận thể chế ngoại sinh, đề nghị rằng học thuật trong nước cũng như các nhà xây dựng thể chế quốc gia cần xem xét nhiều hơn đến sự tương quan của văn hóa bản địa đối với việc thiết lập, điều chỉnh và vận hành thể chế.

1. Xem: Để dân trao quyền mà không mất quyền: http://tuanvietnam.net/2010-08-29-de-dan-trao-quyen-ma-khong-mat-quyen.

2. David N.Mayer. The Constitutional Thought of Thomas Jefferson (Virgina: University of Virgina Press, 1994), p 296.

 3. Satanford Levinson, Constitutional Faith (New Jersey: Princeton University Press, 1988), p11.

 4. Thomas C. Grey, “The Constitution as Scripture” 37 Stanford Law Review p 17

5. David T Butle Ritchie, “Critiquing Modern Constitutionalism” (2004) Vol 3: 37 Appalachian Journal of Law p 45.

6. Christopher Tiedeman, The Unwritten Constitution of the United States (New York: William S.Hein& Co., Inc, 1974), p 26.
 
7. Do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi không tiện chỉ ra nội dung cụ thể. Ban đọc quan tâm xin tham khảo: Robert Lowry Clinton, God and Man in Law: The Foundations of Anglo-American Constitutionalism (Lawrence, Kansas: University Press of Kansas, 1997), pp 96-98. Trong phần viết này, Clinton chỉ ra cụ thể điều khoản nào của Hiến pháp Mỹ có nguồn gốc từ văn bản nào trong hệ thống Hiến pháp nước Anh.

8. Christopher Tiedeman, tlđd, p 26.

 

Tác giả