Hoàn cảnh của sự bộc bạch

Sẽ ra sao khi đời sống ngày càng thiếu vắng những lời bộc bạch chân thực?

Câu hỏi đó không phải vô cớ được đưa ra trong tình hình hiện nay, khi mà sự dối trá cùng những thỏa hiệp có ý thức với sự dối trá đang diễn ra một cách thản nhiên, còn kẻ có hiểu biết thì có khuynh hướng cầu an, thụ động, thì những lời bộc bạch chân thực liệu có còn đủ sức lan truyền, lay động những trái tim, thức tỉnh những khối óc đang mù mờ trước sự dối trá?; hay là, ngay từ khi những ngôn từ ấy được thốt ra trên đầu môi, trên ngọn bút, trên lời ca, nét vẽ, thì lập tức bị diễn dịch méo mó, tệ hại hơn, bị hoài nghi, dè chừng, gán “nhãn đen” và rồi nhanh chóng bị triệt tiêu.

Đơn giản, sự dối trá đang dần thống trị cuộc sống, não trạng con người, biến thành tập quán sống. Tập quán của dối trá tìm cách chi phối mọi hành vi, lập luận, quan điểm và biến thành thứ quyền lực độc tôn, chống lại những nỗ lực phê phán hòng dò tìm manh mối hướng đến sự trung thực.

Sự dối trá đang dần thống trị cuộc sống, não trạng con người, biến thành tập quán sống. Tập quán của dối trá tìm cách chi phối mọi hành vi, lập luận, quan điểm và biến thành thứ quyền lực độc tôn, chống lại những nỗ lực phê phán hòng dò tìm manh mối hướng đến sự trung thực.

Đó là thứ quyền lực được sinh ra để giấu nhẹm, phủ bóng lên mọi khiếm khuyết mà sự dối trá gây ra, xô đẩy mọi biểu hiện manh nha chống lại nó về phía các phạm trù “bất cập”, “nhạy cảm” và bóp chết mọi niềm tin cải biến hiện thực. Một mặt, nó tạo ra ngụy tín, vung vít tô hồng cái hiện thực đầy nghịch cảnh, xóa sạch những tì vết phản tiến bộ mà nó tạo ra. Nó sẵn sàng làm tất cả, nguy hiểm nhất, là nhân rộng khả năng bạo lực, bất chấp pháp lý hay đạo lý.

Về mối quan hệ “ruột thịt” của bạo lực và dối trá, Alexander Solzhenitsyn, người được giải Nobel Văn học, đã viết thật chí lý trong một tiểu luận có tựa Không sống bằng dối trá: “Bạo lực sẽ không thể nào che giấu được móng vuốt của mình nếu không có dối trá, và dối trá chỉ có thể duy trì được sự tồn tại của mình nhờ bạo lực. Bạo lực không thể nào đặt bàn tay lông lá của nó vào mọi lúc trên tất cả mọi người được, nó đòi hỏi chúng ta phục tùng sự dối trá, tham gia vào mọi hành động dối trá như một nhu cầu sinh hoạt hằng ngày – lòng trung thành tuyệt đối được đặt vào đó” (Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga).

Điều đáng nói, sau những bộc bạch có tính phản biện và phản tỉnh này, cùng với thông điệp mạnh mẽ từ tác phẩm Quần đảo Gulag, nhà văn Solzhenitsyn bị Chính phủ Liên Xô trục xuất sang Đức, năm 1974. Điều này càng minh chứng về tính bạo lực của dối trá trong thời đại ông sống và lập ngôn.

Trở lại thực tế hôm nay, người ta có quá nhiều những bản kết luận cao đạo tấn công vào căn bệnh dối trá. Tiếc rằng đó chỉ là cuộc báo động giả của những kẻ đang từng ngày từng giờ, sống tự nguyện phụ thuộc vào sự dối trá để được có một chỗ đứng, vị trí, quyền lợi trong xã hội. Những kẻ ấy chưa bao giờ mảy may tự vấn lương tâm khi để mặc thứ bạo lực của sự dối trá đang ngăn chặn mọi nỗ lực làm cho xã hội tiến bộ. Thậm chí, trong những trường hợp rất điển hình, họ là những kẻ trung thành bao biện, sẵn sàng làm cánh tay đắc lực để bảo vệ cho thứ quyền lực dối trá đầy sốt sắng.

Trong xã hội mà những cá nhân không còn nhu cầu bộc bạch trung thực với nhau sẽ là đỉnh điểm thảm họa của cộng đồng, dân tộc.

Điều đáng lo ngại không dừng ở sự cứu rỗi đối với lương tâm của họ (vì trong tình cảnh này, chúng ta không cùng niềm tin vào một ngày phán xét công bằng cho tất cả) mà đáng ngại, là thứ di sản dối trá đã biến thành tâm tính cộng đồng, sự nhiễm độc của nó đang len lỏi ngấm sâu vào vô thức đám đông, làm hoang mạc hóa viễn cảnh tương lai. Một viễn cảnh, ở đó, dối trá, bạo lực trở thành một thứ tâm tính, triệt tiêu mọi sự khả năng thức tỉnh.
Có lý do để lo âu, khi mà ba động lực (cũng là triệu chứng) của bệnh liệt tâm (institutionalism)1: sống phụ thuộc, thụ động và thờ ơ đang trở nên thật sự phổ biến, không chỉ nơi những công dân lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm sống và học thức mà cả nơi những người trẻ, bài học vỡ lòng đối với lớp hậu sinh khả úy này là: để sinh tồn, hãy tự biết cách khéo léo chôn giấu những tiếng nói trung thực của mình. Cuộc sống là một trận chiến sinh tồn dai dẳng giữa chính con người sinh tồn và con người nội tâm. Một khi manh giáp của sự trung thực và lương tâm cứ nhiều phen bị xuyên thủng, sẽ phơi bày ra trước mắt những điển hình cá nhân tha hóa, vong thân.

Thì chẳng phải thực tế đã chứng minh có quá nhiều bài học đau xót đó sao!?

Thì chẳng phải bấy nhiêu đã đủ lý do để câm lặng như một sự cần thiết phải xây dựng một kinh nghiệm ươn hèn cho mưu cầu được an toàn, rồi sau đó sẽ tự biết cách vuốt ve rằng, một sự nhịn (kể cả nhịn nhục) sẽ thu về chín sự lành!?

Trong xã hội mà những cá nhân không còn nhu cầu bộc bạch trung thực với nhau sẽ là đỉnh điểm thảm họa của cộng đồng, dân tộc.

1  Liệt tâm (institutionalization): một thuật ngữ để mô tả những tác động tâm lý bất lợi đối với những cá nhân ở lâu trong các thiết chế, đặc biệt là sống dài ngày trong những thiết chế quy mô lớn, như các bệnh viện tâm thần hay nhà tù. Những tác động được đề cập đến nhiều nhất, mà nguyên nhân chính xác của chúng thì còn đang tranh cãi, là sự phụ thuộc, thụ động và thờ ơ. Những tác động này đôi khi được gọi là bệnh liệt tâm (institutionalism) (Theo Từ điển Xã hội học Oxford, Nhóm dịch giả Bùi Thế Cường, Đặng Thị Việt Phương, Trịnh Huy Hóa dịch, NXB ĐH Quốc gia HN)

Tác giả