“Hội diễn” khoa học
Chủ đề vừa “vĩ mô” vừa “cấp thiết”, tổ chức đình đám, đại biểu tham dự có đầy học hàm học vị... Chỉ có chất lượng thảo luận là... nghèo nàn, nếu không muốn nói là vô bổ. Vì thế chỉ một lúc sau khai mạc “đông vui”, các đại biểu lần lượt lặng lẽ ra về... Hằng ngày, trên cả nước có không biết bao nhiêu hội nghị, hội thảo khoa học như vậy, mà cuộc hội thảo dưới đây chỉ là một ví dụ.
Tài liệu hội thảo là… tài liệu mật?
Cuộc hội thảo về kiểm soát lũ lụt và phòng hộ triều cường ở ĐBSCL diễn ra tại TP. Cần Thơ vào ngày 7-11, do VIPTAM (Viện khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển tài nguyên lãnh thổ dự phòng thiên tai và bảo vệ môi trường thuộc Hội hóa học Việt Nam) tổ chức.
Trước khi bước vào cuộc hội thảo chính, các đại biểu đã được mời tham dự dạ yến tiệc với chủ đề “Đồng hành cùng VIPTAM” tại TP.HCM và tiệc mừng “Nam Giao” tại TP. Cần Thơ. Theo lời một thành viên tham gia phục vụ, buổi tiệc chiêu đãi tại Cần Thơ rất thịnh soạn, uống toàn rượu Tây và bia đắt tiền. Đặc biệt, ban tổ chức đã mạnh tay chi… 17 triệu đồng mời các nghệ nhân đến phục vụ đờn ca tài tử nhằm giúp cho các đại biểu “hiểu rõ hơn về văn hóa của vùng sông nước Nam Bộ”.
Buổi hội thảo chính thức cũng được tổ chức rất long trọng, đầy hoa tươi. Đến khi kết thúc hội thảo vẫn còn dư hơn mười bó, không biết tặng cho ai. Một đội thiếu nhi với đầy đủ cờ, trống được “rước” đến tặng hoa chúc mừng. Ngoài ra, ban tổ chức cũng thuê cả một đội văn nghệ hơn chục người đến múa hát phục vụ.
Vài trang viết “đậm chất văn chương” trong báo cáo khoa học. |
Mặc dù tổ chức long trọng như thế, nhưng số người đến tham dự hội thảo khá thưa thớt. Trong khi lãnh đạo các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng của lũ như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Long An không ai đến dự thì trong thành phần đại biểu được giới thiệu, có tên của đại diện lãnh đạo một số tỉnh… miền Trung, không liên quan gì đến lũ lụt ở ĐBSCL. Thêm một điều đáng tiếc nữa là các nhà khoa học, các chuyên gia thủy lợi ở TP.HCM và khu vực ĐBSCL cũng không có ai đến dự.
Hoa dư thừa nhưng tài liệu hội thảo thì… không có! Một số nhà báo hỏi thì được ban tổ chức trả lời là “tài liệu… bí mật”, không cho được? Một người được thuê tổ chức sự kiện này cho biết: Họ thuê chúng tôi làm MC, nhưng khi hỏi xin chương trình hội thảo, họ bảo “bí mật”, khiến chúng tôi… bó tay, không thể tham gia giới thiệu chương trình?
Năm đại công trình kiểm soát lũ
Mở đầu buổi hội thảo, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng VIPTAM, cho rằng: chúng ta có thể kiểm soát lũ một cách triệt để thay vì để cho người dân phải chịu cảnh “sống chung với lũ”! Theo ông Thắng, muốn kiểm soát triệt để lũ ở ĐBSCLthì phải xây dựng năm công trình, gồm: Đê giao thông Bắc sông Tiền dài 300 km, từ sông Trà (tiếp nối với sông đào Chợ Gạo) đến Konpong Cham, cách biên giới Việt Nam- Campuchia 130 km; đê giao thông – cảng biển Nam sông Hậu; nâng cấp kinh đào Chợ Gạo thành sông đào Chợ Gạo rộng 200 mét, sâu 25 mét; nâng cấp kinh đào Vĩnh Tế thành sông đào, đập tràn và xây dựng hệ thống hồ âm dưới đáy sông Tiền, sông Hậu có sức chứa 70 tỉ m3 nước. Theo ước tính thì vốn đầu tư xây dựng các công trình này chỉ từ 1- 2 tỉ USD.
Những câu nói… thú vị
Nhà văn Lê Đình Bích (giảng viên trường Đại học Cần Thơ) tỏ ra rất bức xúc về năm công trình kiểm soát lũ này. Theo nhà văn, ĐBSCL không có lũ mà chỉ có chế độ nhật triều, nguyệt triều và niên triều, nghĩa là mỗi ngày có hai con nước là con nước lớn/con nước ròng; mỗi tháng có hai con nước là con nước rong/con nước kém và mỗi năm có một mùa nước nổi tràn ngập cánh đồng. Mùa nước nổi đã mang phù sa và cá tôm về cho đồng bằng thêm tốt tươi, trù phú. Những tổn thất về người hằng năm là do bất cẩn, có thể phòng tránh được. Do vậy, ông rất bất ngờ trước đề xuất xây dựng đê giao thông quốc tế Bắc sông Tiền, vì theo ông, việc này sẽ làm cản dòng phù sa, khiến cho hàng chục ngàn ha đất phía Bắc sông Tiền sẽ bị bạc màu.
TSKH Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: Đê giao thông quốc tế Bắc sông Tiền được xây dựng với mục đích: ngăn và kiểm soát dòng nước lũ chảy tràn qua biên giới vào Đồng Tháp Mười, đưa dòng nước chảy vào các sông Vàm Cỏ, sông Sài Gòn thoát ra biển đông theo cửa Soài Rạp nhằm giảm áp lực cho ĐBSCL và cả cho nước bạn Campuchia. “Còn việc phù sa không vào được thì phù sa sẽ chảy ra biển, bồi đắp cho mũi Cà Mau, mở mang bờ cõi”!- Ông Thắng nói.
Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ (mới nghỉ hưu) cho rằng: giải pháp xây dựng công trình với mục đích đẩy nước từ biển Đông sang biển Tây mà VIPTAM đưa ra là không khả thi vì nước lớn từ biển đông đẩy vào vài giờ sau lại rút ra biển, không đủ thời gian để đi qua biển Tây được.
Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Hoàng Việt, Phó khoa Công nghệ (ĐH Cần Thơ) thì phản bác ý tưởng xây hồ âm dưới đáy sông vì theo ông, dưới đó không thể có sẵn những túi chứa rỗng khổng lồ (như thế sẽ bị sụp do áp suất). Kỹ sư thủy lợi Lê Văn Sang cho rằng: sông đào Chợ Gạo nếu được mở rộng chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông thủy chớ không “ăn nhậu” gì với việc thoát lũ. Việc thoát lũ ra biển tây theo kênh Vĩnh Tế thời gian qua cũng rất yếu. Còn việc xây dựng đê giao thông Bắc sông Tiền, Nam sông Hậu là không khả thi và phản tác dụng vì trên hai bờ sông này có rất nhiều nhánh rẽ, không thể xây dựng nổi hệ thống cống đảm bảo yêu cầu thoát nước. Nguy hại hơn, hai tuyến đê này sẽ khiến các tỉnh bị kẹp phía trong gồm: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ… bị lũ lụt nặng.
Một điều khá “lạ” nữa là trong các tài liệu hội thảo mà các nhà báo tự tìm được, có khá nhiều chỗ không giống như những báo cáo khoa học thông thường mà “đậm chất văn chương”, khiến người đọc phải giật mình. Đơn cử một đoạn trong cuốn “đề cương số 2” (trang 6):
“Về độ bằng phẳng, ĐBSCL thoải hơn đồng bằng sông Hồng, nơi đã có hệ thống đê điều dài gần 4.000 km mà tổ tiên chúng ta đã mất hàng nghìn năm xây dựng để chinh phục dòng Nhị Hà, tạo lập đồng bằng sông Hồng- cái nôi văn minh lúa nước của nền văn hóa Đại Việt. Biết ơn dòng sông và khâm phục lao động của cha ông, nhà thơ hồi tưởng: Sông kia rày đã lên đồng/ Chỗ làm nhà ở, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò (Trần tế Xương)”.
Chưa hết, ở đoạn kết của cuốn đề cương trên, cũng có đoạn văn hùng hồn: “ĐBSCL là minh chứng cho qui luật âm dương vĩnh hằng, là đứa con vĩ đại của Sơn- Thủy son sắc thủy chung đời đời của mối tình vợ chồng Âu- Lạc…”. Trong đoạn kết của một cuốn tài liệu cũng có tên là “Đề cương số 2” (nhưng nội dung khác cuốn kia) có đoạn kết hết sức “lâm ly”:
“Dưới đây ghi lại một vài hình ảnh của ĐBSCL hiện tại để sau này, khi mà khát vọng cháy bỏng ý chí mong muốn đến tột bực thực hiện kiểm soát và điều khiển chế độ thủy văn ĐBSCL thành hiện thực, chúng ta sẽ ngẫm nghĩ nhìn lại, chắc chắn trong khoảnh khắc những kỷ niệm ký ức đổ về… biết bao vui, buồn, hạnh phúc… đan xen, và rồi tự hỏi: sao hồi đó mình để người dân phải chịu khổ hoài… lâu thế?
Rồi sẽ có một ngày, lịch sử sẽ nói về sự thật và tự hào về người con gái Châu Đốc- Việt Nam, ngôi sao của nền văn minh Cửu Long- Hồng Hà của Tổ quốc ta – Việt Nam muôn đời vĩ đại” .
Rất tiếc, trong cuộc hội thảo này không có đại diện của ngành Nông nghiệp và Thủy lợi nên không hiểu những đề xuất kiểm soát lũ của VIPTAM có ý nghĩa như thế nào và sẽ được thực hiện hay không. Thực tế mấy năm gần đây, người dân ĐBSCL đã quen “sống chung với lũ” và họ trông chờ mùa lũ đến để kiếm thêm thu nhập. Chính phủ cũng đã đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ để người dân có thể “sống chung với lũ”. Trong điều kiện như thế, một cuộc hội thảo khá tốn kém để bàn về “trị lũ” không hiểu có được người dân đón chào?
———-
ảnh trên cùng: Quang cảnh hội thảo. Người đứng là TSKH Nguyễn Xuân Thắng
Trường Phong