Hợp tác trong khoa học

Bài viết này trình bày quan điểm của tôi về vai trò và vị trí của xu hướng hợp tác trong nghiên cứu khoa học, nhìn từ góc độ một nhà kinh tế học. Qua đó rút ra một số chính sách cần có để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học ở các nước thu nhập thấp, nằm ở ngoại vi của trung tâm khoa học trên thế giới.

Ba xu hướng trong khoa học hiện đại
Trong vòng một thế kỷ vừa qua, khối lượng tri thức khoa học của con người đã được mở rộng vượt bậc. Nếu như cuối thế kỷ 19 còn có những nhà khoa học có tầm hiểu biết bao trùm hầu hết tri thức trong mọi lĩnh vực khoa học, thì đến nay, ngay cả những nhà khoa học lỗi lạc nhất trong ngành của mình cũng khó có khả năng nắm toàn vẹn kiến thức trong ngành, đơn giản vì khối lượng kiến thức trong mỗi ngành cũng đã trở nên quá lớn. Trong khi đó, việc nghiên cứu khoa học luôn đòi hỏi phải có hiểu biết sâu sắc trong ngành. Điều này dẫn đến việc ít có những nhà khoa học đủ tầm tri thức để tự nghiên cứu bao trùm nhiều ngành khoa học khác nhau. Khuôn mẫu “bác học” từ Galileo Galilei, Isaac Newton, Leonhard Euler, Marie Curie, có lẽ đã kết thúc với John von Neumann, nhà toán học nổi bật trong thế kỷ 20 với các công trình toán, tin học và kinh tế học. Xu hướng tất yếu trong nghiên cứu khoa học là các nhà khoa học trở thành “chuyên gia” trong một lĩnh vực cụ thể, chứ không còn theo khuôn mẫu “bác học” như thế kỷ 19 nữa.


Galileo Galilei

John von Neumann

Marie Curie

 Leonhard Euler

Xu hướng tất yếu trong nghiên cứu khoa học là các nhà khoa học trở thành “chuyên gia” trong một lĩnh vực cụ thể, chứ không còn theo khuôn mẫu “bác học” như thế kỷ 19 nữa. Song song với xu hướng chuyên môn hóa của cá nhân, phải kể đến xu hướng nghiên cứu xuyên ngành khoa học và khoa học hiện đại đang chuyển vận theo xu hướng thứ ba, đó là xu hướng tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa nhiều nhà khoa học.

Song song với xu hướng chuyên môn hóa của cá nhân, phải kể đến xu hướng nghiên cứu xuyên ngành khoa học. Theo thời gian, mỗi ngành khoa học chín dần, nên việc phát hiện thêm những đột phá mới theo một phương hướng có trước trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, vẫn còn những cơ hội khám phá và nghiên cứu dựa theo việc trộn lẫn các phương hướng khác nhau. Theo xu hướng này, nhiều ngành khoa học mới đã xuất hiện từ việc kết hợp giữa các ngành khoa học truyền thống. Ví dụ về hiện tượng này bao gồm lý sinh học là sự kết hợp giữa vật lý và sinh học, ngành nghiên cứu mô hình kinh tế của các thực thể máy tính (kinh tế học và khoa học máy tính), ngành nghiên cứu về hòa bình (khoa học chính trị, khoa học quân sự và kinh tế học), khoa học nhận thức (tâm lý học truyền thống và sinh học về não bộ). Ở mức độ thấp hơn, sự kết hợp không tạo ra một ngành khoa học mới, mà chỉ dừng lại ở mức vận dụng phương pháp luận và nguyên tắc của một ngành vào một ngành khác để tạo ra bước đột phá. Có rất nhiều ví dụ về hiện tượng này; ở đây tôi chỉ trích ra những ví dụ trong các ngành khoa học kinh tế – tài chính. Rất nhiều kết quả nghiên cứu trong kinh tế học hiện đại xuất phát từ tri thức toán học ứng dụng, từ vận trù học đến xác suất thống kê. Phương pháp luận vật lý có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của khoa học tài chính và mô hình tài chính. Nhiều nghiên cứu kinh tế đột phá cũng có vay mượn từ xã hội học và tâm lý học, và mới đây là khoa học nhận thức và khoa học về não bộ để tạo ra một nhánh nghiên cứu mới có tên kinh tế học não bộ (neuroeconomics).

Xin nhắc đến một ví dụ trong kinh tế học hiện đại, phần nào giống như trường hợp cuốn “De revolutionibus” của Copernicus chỉ được thực sự quan tâm (và do đó bị Nhà thờ cấm lưu hành) khi Galileo theo đuổi và công bố nghiên cứu dựa trên quan điểm của Nicolaus Copernicus. Đó là công trình của nhà kinh tế học vĩ mô Robert Lucas Jr., chủ nhân giải Nobel Kinh tế. Robert Lucas được nhiều người nhắc đến như nhà kinh tế học vĩ mô xuất sắc nhất trong nửa sau thế kỷ 20, và ông được nhận giải Nobel tương đối sớm nhờ vào công trình nghiên cứu về kỳ vọng duy lý, trong đó chính sách của Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của người dân, do đó nếu Nhà nước luôn dùng chính sách kích cầu kiểu Keynes liên tục thì sẽ tạo phản ứng xấu trong dân, dẫn đến chính sách hoàn toàn mất hiệu quả thúc đẩy kinh tế và chỉ tạo ra lạm phát. Nghiên cứu này đã thay đổi bộ mặt kinh tế học vĩ mô trong những năm 1970, làm phần đông những nhà kinh tế vĩ mô chuyển từ suy nghĩ kinh tế học vĩ mô đã giải quyết gần xong tất cả các vấn đề (trước Lucas, nhận xét của James Tobin là “Macroeconomics is finished”4) sang quan điểm rằng kinh tế học vĩ mô phải xây dựng lại từ đầu và không còn gì vững chắc nữa cả (nhận xét của Thomas Sargent sau đó cũng là “Macroeconomics is finished”,5 song với ý nghĩa hoàn toàn khác). Đáng lưu ý là ý tưởng chính của Lucas, rằng người dân có những kỳ vọng riêng về hệ thống kinh tế, xuất phát từ một nhà kinh tế học ít tên tuổi hơn, John Muth. Muth có ý tưởng đúng và đã công bố nghiên cứu của mình ở tạp chí hàng đầu Econometrica , nhưng nghiên cứu của Muth không được quan tâm vì Muth không chú tâm vào việc thuyết phục độc giả rằng ý tưởng của mình có thể có ảnh hưởng rất mạnh, và vì thế đáng được chú ý. Chỉ đến khi Lucas đem ý tưởng này ra, đào sâu thêm, và công bố như một lời chỉ trích lên toàn bộ ngành kinh tế học vĩ mô bấy giờ (mà người ta gọi là “Lời chỉ trích của Lucas”), thì ý tưởng về kỳ vọng duy lý mới trở thành một chủ đề bản lề trong nghiên cứu kinh tế vĩ mô.

Hai xu hướng kể trên có nhiều ảnh hưởng mạnh mẽ đến cấu trúc và tổ chức nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới. Vì các nhà khoa học trở nên chuyên sâu theo ngành, họ khó có thể tự tiếp cận nhiều ngành khác nhau. Trong khi đó, sức hút của nghiên cứu xuyên ngành ngày càng lớn, vì nghiên cứu xuyên ngành có thể tiếp cận những câu hỏi mới bằng những phương pháp mới, có hiệu quả, lại không vướng phải lối mòn rất nhiều nhà khoa học đã đi qua. Kết quả là khoa học hiện đại đang chuyển vận theo xu hướng thứ ba, đó là xu hướng tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa nhiều nhà khoa học.

Xu hướng hợp tác nghiên cứu

Những ngành nghiên cứu mang tính lý thuyết cũng dần theo chân xu hướng hợp tác, cho dù vẫn còn nhiều chỗ trống cho nghiên cứu độc lập. Bên cạnh đó, sự chuyên môn hóa giữa thí nghiệm và lý thuyết dẫn đến việc hợp tác giữa các nhà khoa học lý thuyết và thí nghiệm trở nên rất quan trọng.

Các ngành khoa học khác nhau tiếp cận xu hướng hợp tác nghiên cứu trong những khung cảnh khác nhau.
Kể từ khi khoa học hiện đại được định hình với phương pháp luận nghiên cứu khoa học cho đến trước thế kỷ 20, những cột mốc đáng nhớ của khoa học hầu hết đều là nghiên cứu của cá nhân. Dĩ nhiên, những cá nhân kiệt xuất vẫn dựa rất nhiều vào môi trường, khung cảnh và đặc biệt là trao đổi khoa học với một mạng lưới đồng nghiệp. Tuy vậy, phương pháp tổ chức nghiên cứu cá nhân vẫn rất khác biệt so với các nghiên cứu đồng tác giả.
Xu hướng hợp tác nghiên cứu dần dần đóng vai trò chủ yếu từ đầu thế kỷ 20, bắt đầu là từ các nghiên cứu thí nghiệm. Yêu cầu về chuẩn mực trong thí nghiệm vật lý, hóa học, và sau này là sinh học, ngày một cao, dẫn đến nhu cầu nghiên cứu tập thể, trong đó nhiều cá nhân là các nhà khoa học có tầm cỡ chứ không chỉ là phụ việc. Bộ máy nghiên cứu khoa học thí nghiệm cũng dần được tổ chức chặt chẽ, kết hợp nghiên cứu và đào tạo trong trường đại học, dẫn đến các thế hệ nhà khoa học có quan hệ thầy trò, rồi quan hệ đồng nghiệp, đồng tác giả với nhau trong các nghiên cứu tập thể. Mạng lưới giữa các nhà nghiên cứu nhờ đó được kết nối vững chắc, đủ để hợp tác nghiên cứu, chứ không chỉ dừng lại ở mức trao đổi thảo luận. Cho đến nay, khó có thể tìm được những nghiên cứu nổi bật bằng thí nghiệm mà chỉ có một tác giả đứng tên.
Những ngành nghiên cứu mang tính lý thuyết cũng dần theo chân xu hướng hợp tác, cho dù vẫn còn nhiều chỗ trống cho nghiên cứu độc lập. Bên cạnh đó, sự chuyên môn hóa giữa thí nghiệm và lý thuyết dẫn đến việc hợp tác giữa các nhà khoa học lý thuyết và thí nghiệm trở nên rất quan trọng: Ngành nào cũng cần có lý thuyết để dẫn đường, sắp xếp tổ chức thí nghiệm, và thí nghiệm để kiểm chứng, chỉ dẫn mô hình lý thuyết. Hơn nữa, nhiều ngành khoa học vốn bắt đầu ở mức lý thuyết, dần dần tăng thêm tính thực nghiệm và thí nghiệm, cũng dẫn đến việc tăng cường hợp tác nghiên cứu. Ví dụ có thể kể đến các ngành khoa học xã hội, điển hình là ngành kinh tế học mà tôi sẽ bàn đến chi tiết sau.

Lợi thế của hợp tác khoa học về nội dung khoa học
Như đã nói ở trên, xu hướng hợp tác khoa học trở nên tất yếu, vì nó giúp nhà khoa học một mặt vẫn theo đuổi được sự chuyên môn hóa để có thể cập nhật với đỉnh cao nghiên cứu trong ngành mình quan tâm, mặt khác lại có thể sản xuất nghiên cứu theo những hướng mới, đến tầm cao mới bằng cách kết hợp với đồng nghiệp chuyên gia trong những phân ngành khác.

Các đồng tác giả của một nghiên cứu có thể có thêm những nhân tố quan trọng về quan hệ xã hội để giúp ích cho việc đẩy nhanh quá trình công bố và được công nhận của một nghiên cứu.

Lợi thế chính của việc hợp tác là lợi thế về cộng hưởng: mỗi cá nhân mang lại thế mạnh chuyên môn của mình cho nghiên cứu chung. Do xu hướng chuyên môn hóa, sự kết hợp nhiều thế mạnh chuyên môn khác nhau làm cho nghiên cứu chung càng dễ có trọng lượng hơn nhiều so với nghiên cứu độc lập. Ngày nay, điều này đặc biệt đúng nếu để ý đến các tạp chí hàng đầu. Lý do là vì các tác giả thường phải cố gắng đưa ra nhiều kết quả đáng quan tâm hơn để có thể đăng một bài báo trên tạp chí đầu ngành, và vì thế bài càng tập trung được nhiều chuyên môn, với sự đóng góp của chuyên gia nhiều ngành, thì càng có khả năng đăng trên tạp chí hàng đầu.
Hợp tác khoa học còn có những lợi thế về nội dung khác. Ngoài sự cộng hưởng, hợp tác khoa học giúp ích cho việc phân chia công việc, nhất là trong các nghiên cứu phức tạp mà không phải thành viên nào cũng mong muốn hay có khả năng làm tốt tất cả các nhiệm vụ. Giống như sự chuyên môn hóa trong sản xuất hàng hóa, nhờ có thể chia nhỏ một khối lượng lớn công việc, nghiên cứu sẽ được tiến hành nhanh hơn và hiệu quả hơn. Dĩ nhiên, việc tổ chức và thống nhất công việc giữa các thành viên đóng vai trò quan trọng ở đây.

Lợi thế gián tiếp của hợp tác khoa học
Hợp tác khoa học còn giúp ích đẩy mạnh khoa học qua những cơ chế xã hội chứ không chỉ mang tính thuần túy khoa học. Các đồng tác giả của một nghiên cứu có thể có thêm những nhân tố quan trọng về quan hệ xã hội để giúp ích cho việc đẩy nhanh quá trình công bố và được công nhận của một nghiên cứu. Nói nôm na, đây là trình độ marketing khoa học, một yếu tố phi khoa học song cũng rất quan trọng trong khoa học. Ở đây, tôi trình bày nhiều hơn về những lợi thế phi khoa học, không phải vì những lợi thế này quan trọng hơn lợi thế về nội dung khoa học trình bày ở mục trên, mà vì những lợi thế này còn ít được nhắc đến và ít hiển nhiên hơn so với lợi thế về nội dung khoa học.

Điều kiện quan trọng nhất thúc đẩy hợp tác khoa học lên tầm cao không phải là cơ sở vật chất tối tân hiện đại, không phải là thu nhập cao và quỹ nghiên cứu dồi dào cho nhà khoa học, mà là sự tập trung đồng nghiệp hàng đầu trong ngành.

Cụ thể là trong nghiên cứu khoa học, ngoài việc kết quả nghiên cứu phải Đúng và Mới, còn cần phải Đáng quan tâm nữa. Sự Đáng quan tâm thể hiện trong sự tiếp nhận của ngành khoa học đối với kết quả mới. Rất nhiều kết quả nghiên cứu ban đầu hoàn toàn không được quan tâm, đơn giản vì cộng đồng khoa học không nghĩ câu hỏi nghiên cứu đó có gì đặc biệt; nhưng sau đó, một khi đã có một cộng đồng chú ý đến kết quả này, thì ảnh hưởng của nó trở nên vượt trội. Nói cách khác, vòng xoay “Nghiên cứu – Công bố – Ảnh hưởng – Nghiên cứu tiếp” có thể kéo dài rất nhiều năm, và mức độ marketing khoa học là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới thời gian chờ đợi ngắn hay dài. Nhờ cơ chế và cấu trúc tổ chức theo trung tâm nghiên cứu hay trường đại học lớn, và nhờ vào công nghệ truyền thông, vòng xoay này kéo dài hàng chục năm trong thế kỷ 19 (Charles Darwin bỏ công nghiên cứu hai chục năm mới xuất bản cuốn “On the origin of species”, sau đó cũng phải chờ đợi lâu mới được công nhận) ngày nay chỉ còn một vài năm, một vài tháng, thậm chí là một vài tuần trong những ngành khoa học công nghệ mũi nhọn. Song ngày nay vẫn còn có nhiều công trình nghiên cứu không được quan tâm đúng mức, và chỉ nổi trội nhiều năm sau nhờ vào sự giới thiệu của một đồng nghiệp khác có khả năng đặt vấn đề tốt hơn.
Nhìn chung, khả năng trình bày để có thể hấp dẫn và thuyết phục cộng đồng nghiên cứu trong ngành là một yếu tố bản lề trong tất cả các ngành xã hội; nó ít quan trọng hơn trong khoa học tự nhiên hay logic, song vẫn là một nhân tố thiết yếu.
Việc hợp tác khoa học đóng vai trò rất lớn trong quá trình marketing nhằm vào cộng đồng nghiên cứu trong ngành. Thứ nhất, trong một tập thể đồng tác giả, thường có những tác giả có trình độ trình bày và uy tín cao; và họ thường đóng vai trò công bố kết quả ở các cuộc hội thảo hay seminar. Việc này giúp ích đặc biệt cho các nhà khoa học trẻ, có ý tưởng và khả năng nghiên cứu tốt, song lại không có định hướng rõ ràng trong biển mênh mông của ngành khoa học của mình. Ở những trường đại học lớn, một vai trò quan trọng của những giáo sư hàng đầu là hướng dẫn đồng nghiệp trẻ tuổi của mình theo những con đường nghiên cứu hiệu quả. Nhờ đó, so với nghiên cứu khoa học ở những trung tâm nhỏ, những trường lớn giống như nhà máy tự động hóa so với xưởng thủ công. Những cơ sở nhỏ cũng có thể tận dụng điều này, nếu như họ thường xuyên gửi các nhà khoa học trẻ của mình đi trao đổi với những trung tâm lớn hơn.
Thứ hai, việc hợp tác nghiên cứu làm cho các nhà khoa học biết về khả năng thực sự của nhau, vì có những trình độ nghiên cứu không thể nào ghi chép vào bài báo khoa học được. Việc này cũng đặc biệt có ích cho các nhà khoa học trẻ và các nhà khoa học ở những trung tâm nhỏ. Nhờ cộng tác với các đồng tác giả ở trung tâm lớn hơn mà họ có thể khẳng định khả năng của mình, từ đó gián tiếp làm cho công trình của mình được chú ý và dễ được chấp nhận hơn.
Tựu chung, những yếu tố mang tính xã hội trong nghiên cứu khoa học tuy không ảnh hưởng đến chất lượng và nội dung của mỗi nghiên cứu, song lại có ảnh hưởng mạnh lên cơ chế hoạt động nghiên cứu theo quy trình vòng quay “Nghiên cứu – Công bố – Ảnh hưởng– Nghiên cứu tiếp”, tức là ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp nghiên cứu của từng cá nhân, và của từng trung tâm nghiên cứu. Vì thế, hợp tác khoa học còn có sức mạnh giúp ích cho sự phát triển khoa học theo kênh dẫn gián tiếp mang tính xã hội nữa.

Điều kiện hợp tác khoa học:  Mạng lưới nhân tài
Phần lớn hợp tác khoa học ngày nay kết nối những nhà nghiên cứu ở cùng một trung tâm khoa học, hoặc ở những trung tâm gần nhau, hoặc có điều kiện di chuyển để gặp vào trao đổi với nhau nhiều lần mỗi năm. Mặc dù trong khoảng hai mươi năm gần đây, công nghệ thông tin đã làm cho việc trao đổi bằng điện thoại, Internet trở nên hết sức dễ dàng, song đặc điểm này dường như không thay đổi.

Điều kiện quan trọng nhất thúc đẩy hợp tác khoa học lên tầm cao không phải là cơ sở vật chất tối tân hiện đại, không phải là thu nhập cao và quỹ nghiên cứu dồi dào cho nhà khoa học, mà là sự tập trung đồng nghiệp hàng đầu trong ngành.

Thực tế, nó xuất phát từ tính xã hội của nghiên cứu khoa học. Nếu một nghiên cứu chỉ bao gồm một câu hỏi, một bài toán cần giải, và mỗi cá nhân tập trung vào giải một phần của bài toán, thì ta có thể dự đoán rằng với những tiến bộ trong công nghệ truyền thông, các nhà khoa học có thể ngồi trong phòng thí nghiệm ở nhiều nơi khác nhau, thậm chí là ngồi trong nhà mình mà vẫn cộng tác nghiên cứu được. Thực tế lại khác: Khoa học còn phụ thuộc một phần quan trọng vào tổ chức xã hội của môi trường khoa học. Những nhà khoa học cần có sự trao đổi ý tưởng, cập nhật thông tin thường xuyên với nhau, và cần “giữ nóng” những suy nghĩ khoa học của mình nhờ tham gia vào quá trình phản biện nghiên cứu của mình và của đồng nghiệp. Từ những trao đổi không chính thức như vậy, ý tưởng nghiên cứu mới có thể xuất hiện. Vì thế, rất khó bắt đầu hợp tác, hay là mở rộng hợp tác thêm các hướng nghiên cứu hiệu quả nếu các đồng tác giả không đảm bảo trao đổi thường xuyên với nhau, dù chỉ ở mức không chính thức, không chú tâm vào một nghiên cứu nào.
Điều kiện quan trọng nhất thúc đẩy hợp tác khoa học lên tầm cao không phải là cơ sở vật chất tối tân hiện đại, không phải là thu nhập cao và quỹ nghiên cứu dồi dào cho nhà khoa học, mà là sự tập trung đồng nghiệp hàng đầu trong ngành. Nhiều trung tâm nghiên cứu với mong muốn bắt kịp được tầm cao thế giới đã đầu tư nhiều tiền của và cơ sở vật chất, song thực tế vẫn không thể vượt quá tầm khu vực của mình, bởi vì họ không thâm nhập được vào mạng lưới các nhà nghiên cứu, thu hút về những nhà nghiên cứu hàng đầu để tạo đà hợp tác trong nội bộ trung tâm của mình. Họ không được thừa hưởng nguồn tài nguyên vô cùng quý giá chỉ có ở những trung tâm nổi bật trên thế giới: Đó chính là sự kết nối giữa những nhà khoa học hàng đầu.

Trung tâm hợp tác khoa học trên toàn thế giới: Tập trung và phân tán


Trường ĐH California, Berkeley

Những trung tâm khoa học nổi bật nhất trên thế giới tập trung chủ yếu ở Mỹ và châu Âu, bao gồm những trường đại học hàng đầu và những tổ chức nghiên cứu, phòng thí nghiệm lớn. Có nhiều sức hấp dẫn đối với người làm khoa học, như là mức thu nhập, điều kiện và môi trường sống, cơ sở vật chất để làm nghiên cứu, quỹ nghiên cứu dùng để mua sắm thiết bị, vật liệu phục vụ thí nghiệm, thuê nghiên cứu sinh, dự hội thảo vv.; song như đã nói ở trên, sức hấp dẫn lớn nhất là cơ hội cộng tác với những nhà khoa học hàng đầu khác.
Sức hấp dẫn ở cơ hội cộng tác với đồng nghiệp sản sinh ra cơ chế tập trung nhân tài vào những trung tâm có vị thế, một dạng lực hướng tâm trong mạng lưới nghiên cứu. Những cơ sở nghiên cứu hàng đầu luôn nằm ở tâm điểm các mạng lưới nghiên cứu, và dễ dàng thu hút được những nhà nghiên cứu xuất sắc mới nổi lên ở các cơ sở ngoại vi. Đây là một thực tế phũ phàng với các cơ sở nghiên cứu tầm thấp, vì cho dù có đầu tư nhiều tiền, họ cũng chưa chắc giữ chân được những nhà nghiên cứu nổi trội của mình.
Cũng vì yếu tố này, có nhiều trung tâm khoa học vẫn giữ được vị thế nổi bật của mình dù không được dồi dào về nguồn lực tài chính. Ví dụ đáng kể là trường Đại học California ở Berkeley, bang California, Mỹ,1 gọi tắt là Berkeley. Berkeley là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới trong hầu hết các ngành khoa học; thậm chí là trung tâm số một trong nhiều lĩnh vực. Đáng kể hơn cả là Berkeley sống dựa vào nguồn tài chính công của bang California và của Liên bang Mỹ, nên nguồn lực tài chính kém xa các trường đại học tư hàng đầu như Harvard, Stanford, MIT hay Princeton. Tuy vậy, nhờ vào việc thu hút được nguồn nhân lực dồi dào bằng nhiều chính sách phi vật chất, và sau đó là nhờ vào khuôn khổ tự do, môi trường thoải mái và hòa đồng, Berkeley luôn có rất nhiều cộng tác trong nội bộ trường, nhờ đó giữ tầm hoạt động nghiên cứu ở mức cao. Một ví dụ khác trong ngành kinh tế học là Trường Khoa học Kinh tế và Khoa học Chính trị London,2 gọi tắt là LSE. LSE bị ràng buộc về khả năng tài chính do nhận ngân sách Nhà nước và phải trả lương theo mức lương Nhà nước quy định; vì thế, mức sống của một giáo sư ở LSE ở thành phố London đắt đỏ có lẽ bằng một nửa mức sống của giáo sư ở một trường tầm trung tại Mỹ. Tuy vậy, họ vẫn giữ được tầm nghiên cứu rất cao: Trong nghiên cứu kinh tế học, hầu hết đều công nhận rằng LSE một mình dẫn đầu châu Âu, và ngang tầm với những trường đại học rất tốt ở Mỹ. LSE có thể giữ được vị thế của mình trong hoàn cảnh tài chính eo hẹp, chính là nhờ vị thế trung tâm trong mạng lưới cộng tác nghiên cứu khắp nước Anh và toàn châu Âu. Rất nhiều nhà kinh tế trẻ chọn điểm đến là LSE kể cả khi được mời dạy ở những trường tầm trung ở Mỹ với mức sống gấp đôi, vì họ biết rằng đến LSE họ có thể chuyên sâu và khuếch tán kết quả nghiên cứu của mình nhanh hơn.

Hợp tác khoa học trong Kinh tế học
Kinh tế học bắt nguồn từ thế kỷ 19 như một phân nhánh triết học nghiên cứu về các vấn đề xã hội và chính trị “bình dân” hơn so với các câu hỏi triết học (vì thế mà ban đầu ngành này được gọi là Kinh tế Chính trị – political economy). Như trong tác phẩm nổi tiếng về lịch sử tư tưởng kinh tế Heilbronner đã gọi những nhà kinh tế học là các triết gia bình dân (“The Worldly Philosophers”). Các tác giả trình bày nghiên cứu khoa học bằng những cuốn sách lớn, khởi nguồn từ “The Wealth of Nations” của Adam Smith, “On the Principles of Political Economy and Taxation” của David Ricardo, “Das Kapital” của Karl Marx. Kể từ phong trào “cách mạng về cận biên” (marginal revolution) đầu thế kỷ 20, những nhà kinh tế như Marshall, Edgeworth, Cournot đã mang ngôn ngữ toán học vào trong nghiên cứu kinh tế. Giữa thế kỷ 20, một nhân vật nổi bật khác là Paul Samuelson đã đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng ngành kinh tế học mới với sự chặt chẽ của ngôn ngữ toán học logic (Samuelson đã gây dựng nên Khoa kinh tế học tại Viện Đại học MIT, nơi giữ vị trí hàng đầu về nghiên cứu kinh tế cho đến tận những năm 1990). Dần dần, càng ít có những nhà kinh tế học đảm đương nhiều mảng nghiên cứu chung, mà phổ biến là những nhà nghiên cứu chuyên sâu.
Trên con đường phát triển và mở rộng, khuôn mẫu “bác học viết sách” dần dần bị thay thế bởi khuôn mẫu “nhà khoa học đăng báo”, mà “báo” ở đây là tạp chí nghiên cứu. Những công trình nghiên cứu mới mang tính đột phá ngày càng ít được công bố dưới dạng sách (monograph) tập hợp nhiều nghiên cứu, mà phần lớn chuyển sang dạng bài báo khoa học (scientific article) đăng trên các tạp chí khoa học được kiểm tra chéo trong ngành (peer-reviewed journal). Kể từ thập kỷ 80, hầu như không có cuốn sách nào đăng nghiên cứu mới mang tính đột phá và có ảnh hưởng trong kinh tế.6 Sách kinh tế học chủ yếu mang tính tổng hợp kiến thức đã được công bố để phục vụ mục đích nghiên cứu hoặc giáo khoa.
Chuyển sang đăng báo là chính, các nhà kinh tế học cũng cộng tác dễ dàng với nhau hơn. Sự cộng tác diễn ra nhiều nhất trong nội bộ những trường đại học hay trung tâm nghiên cứu lớn. Nhờ vào sự năng động trên thị trường nghiên cứu, các nhà nghiên cứu dễ dàng di chuyển để gặp gỡ, tham gia hội thảo, hợp tác trao đổi ngắn ngày, thậm chí là chuyển công tác từ nơi này sang nơi khác. Từ đó, xu hướng phân tán giúp cho mạng lưới hợp tác nghiên cứu kinh tế học mở rộng và trở nên đan xen chặt chẽ giữa các trung tâm nghiên cứu lớn ở Mỹ và châu Âu.
Xuất thân từ một ngành học chú trọng vào lý thuyết tổng quan, chỉ cần bằng chứng không đại diện, kinh tế học dần dần yêu cầu bằng chứng thực nghiệm rất chặt chẽ, thậm chí là bằng chứng thí nghiệm. Từ đó, sự hợp tác nghiên cứu cũng tiến một bước mới, với việc kết hợp giữa các nhà nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, cộng với việc tìm hiểu thực địa, tìm kiếm dữ liệu, tổ chức thăm dò, thực hiện thí nghiệm vv. Hợp tác không chỉ xuyên phân ngành (như là tài chính và lý thuyết vi mô), pha trộn phương pháp luận (như với lý thuyết và thực nghiệm), mà còn kết hợp giữa nhiều địa điểm, nhiều con người có những thế mạnh nghiên cứu trong từng nước riêng (ví dụ như sự kết hợp của một nhà kinh tế lý thuyết ở Mỹ, một nghiên cứu sinh biết nói tiếng Pháp, và một nhà nghiên cứu địa phương ở châu Phi).
Mặc dù có xu hướng phân tán, trung tâm mạng lưới nghiên cứu kinh tế vẫn bám rễ chắc ở Mỹ. Những hội thảo ở Mỹ luôn là những hội thảo được chú trọng nhất. Nổi bật nhất là hội thảo hằng năm của Hội Kinh tế học Mỹ, nơi tập trung hàng ngàn nhà kinh tế từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ để trao đổi, học hỏi, trình bày, mà còn để tìm kiếm nguồn lực mới cho trường của mình từ mẻ nghiên cứu sinh sắp ra lò. Bốn trong năm tạp chí đầu ngành kinh tế được tập trung ở Mỹ, và nhóm sáu, bảy khoa kinh tế đỉnh cao nhất của cả thế giới cũng đều ở Mỹ. Với sự phát triển của công nghệ truyền thông, thông tin và giao thông hàng không, sự tập trung chất xám ở các trường lớn nhất đã giảm đi chút ít, tuy nhiên sự tập trung ở những khu vực chính như Đông Bắc, Trung Tây hay Bờ Tây ở Mỹ, hay London ở Anh, thì vẫn không giảm.

Song song với cơ chế tập trung là cơ chế phân tán. Những trung tâm nổi bật trên thế giới cũng đóng vai trò đào tạo và phát tán mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học, dựa vào hoạt động đào tạo tiến sĩ nghiên cứu, hậu tiến sĩ, và phó giáo sư chưa được biên chế3. Thị trường các nhà nghiên cứu rất rộng mở với những vị trí tầm thấp này; hơn nữa, những trường đại học lớn luôn đào tạo ra nhiều hơn số lượng được giữ lại ở chính những nơi này. (Khoa kinh tế Đại học Harvard hay MIT mỗi năm “xuất xưởng” khoảng 20-25 nhà nghiên cứu trẻ đi tìm vị trí phó giáo sư chưa biên chế, trong khi chỉ nhận về một, hai cá nhân xuất sắc nhất trên thị trường.) Kết quả là số đông các nhà nghiên cứu trẻ sẽ về những trường tầm thấp hơn cơ sở đào tạo của mình, và theo đó, mở rộng mạng lưới hợp tác nghiên cứu ra thêm những nốt mới.

Nhận xét kết luận: Hệ quả chính sách
Từ những luận điểm đã bàn đến trong bài, có thể rút ra nhiều nhận xét về chính sách cho hợp tác khoa học. Do hiểu biết về môi trường khoa học ở Việt Nam rất sơ sài, tôi muốn tránh không đưa ra nhận xét về chính sách khoa học ở Việt Nam, mà thay vào đó là nhận xét chung về chính sách khoa học ở các nước ngoại vi, nằm ở xa khu trung tâm khoa học thế giới. Những nước thu nhập thấp, khoa học ít phát triển này thường nhằm vào mục đích xây dựng một nền khoa học hiện đại, tuy không nhất thiết có được sức mạnh trực tiếp nghiên cứu ở tầm đỉnh cao thế giới trên mọi chuyên ngành, song đủ để làm tiền đề cho khoa học ứng dụng, trong đó có việc thúc đẩy phát minh mang tính thực tiễn và việc cập nhật, du nhập và thích ứng những phát kiến mới trên thế giới vào sự tăng trưởng sản xuất trong nước. Để đạt được mục đích đó, việc thúc đẩy hợp tác khoa học phải nhận được sự ưu tiên đặc biệt.

Điểm quan trọng đối với người thực thi chính sách tổ chức nghiên cứu tầm cao là phải có chữ “nhẫn”, vì những chính sách như vậy không thể có hiệu quả ngay trong một hai năm được. Không đủ nhẫn nại, thì chỉ tạo ra vòng quay chính sách với những chính sách lặt vặt, thay đổi lien tục, không tạo ra sự tin tưởng và yên tâm cho nhà khoa học, đồng thời cũng không thể đem lại hiệu quả gì lâu dài.

Ưu tiên cho hợp tác khoa học, như đã nói ở trên, giúp ích cho sản phẩm khoa học của chính các nhà khoa học trong nước (dù là sản phẩm cộng tác hay cá nhân), đồng thời giúp các nhà khoa học trong nước tiếp cận và cập nhật tốt nhất với tầm cao khoa học thế giới. Điều này sẽ giúp cho sự thu hút chất xám (cho dù không phải là chất xám tầm cao nhất) trong cả khoa học cơ bản lẫn khoa học ứng dụng và phát minh công nghệ, ít nhất trong sự cạnh tranh với các nước cùng khu vực, nếu chưa muốn nói là cạnh tranh với chính những trung tâm lớn. Một thực tế là những quốc gia có cộng đồng Kiều bào ở hải ngoại hoạt động khoa học nhiều (ví dụ như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam) thì luôn có lợi thế trong việc thu hút Kiều bào của mình về cộng tác và hoạt động khoa học trong nước, vì nhiều người trong số họ luôn có cảm tình đặc biệt với Tổ quốc. Mạng lưới khoa học của Kiều bào cũng sẽ là cơ sở xúc tác để kết nhập mạng lưới khoa học trong nước với mạng lưới thế giới, và là dịp tốt để giới thiệu những nhà khoa học tài năng trong nước tiếp cận với tầm cao thế giới.
Dù vậy, cụ thể hóa sự ưu tiên cho hợp tác khoa học vươn tầm quốc tế không dễ. Như đã phân tích ở trên, ngay cả khi có tiền đầu tư cho hợp tác khoa học, kết quả cũng không chắc đã được như mong đợi. Chẳng hạn, việc đầu tư nhiều tiền vào một phòng thí nghiệm tối tân mà không có cơ sở từ mạng lưới nghiên cứu thì cũng khó có thể sản sinh ra được nghiên cứu cộng tác. Những chính sách phát triển hợp tác quốc tế thường bao gồm việc giúp ích cho các nhà khoa học tham dự hội thảo ở nước ngoài, thậm chí là gửi nhà khoa học trong nước đi tu nghiệp ở nước ngoài (có thể dưới dạng hậu tiến sĩ, hay có thể là nghiên cứu sinh tiến sĩ), đồng thời gây quỹ để mời những nhà khoa học có tiếng đến trình bày hay tổ chức hội thảo trong nước. Nhiều trung tâm khoa học ở các nước ngoại vi muốn cạnh tranh để vươn lên tầm thế giới ủng hộ toàn bộ tiền đi dự hội thảo của những nhà nghiên cứu trẻ, giảm thiểu tối đa nhiệm vụ giảng dạy (thường chỉ cần giảng dạy một lớp, một học kỳ trong suốt cả năm), và sẵn sàng trợ giúp bằng quỹ kinh phí nghiên cứu dồi dào. Song như vậy vẫn chưa đủ: Điều quan trọng nhất, như đã nhắc đến, là việc những trung tâm này phải thu hút những nhà nghiên cứu cự phách trong chuyên ngành, để tự tạo ra lực hướng tâm thu hút nhân tài về cho minh.
Một điểm quan trọng đối với người thực thi chính sách tổ chức nghiên cứu tầm cao là phải có chữ “nhẫn”, vì những chính sách như vậy không thể có hiệu quả ngay trong một hai năm được. Không đủ nhẫn nại, thì chỉ tạo ra vòng quay chính sách với những chính sách lặt vặt, thay đổi liên tục, không tạo ra sự tin tưởng và yên tâm cho nhà khoa học, đồng thời cũng không thể đem lại hiệu quả gì lâu dài. Sự đánh giá hiệu quả trong thời gian đầu của mọi chính sách khoa học đều tương đối mang tính chủ quan, và do đó để đảm bảo tính minh bạch thì cần được thảo luận và bàn bạc trên diện rộng trong giới khoa học cả nước. Việc này cần sự dân chủ nhất định trong giới khoa học, và người làm chính sách cũng cần có sự tin tưởng đặc biệt đối với đạo đức khoa học của giới làm khoa học.
Cũng cần nói rằng hiện nay tuy nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có những thành tựu kỳ diệu trong việc phát triển kinh tế, phát triển khoa học vẫn bị chậm so với những trung tâm Âu – Mỹ. Song họ đang tiếp cận mục tiêu phát triển khoa học với phương châm “chậm mà chắc”, sẵn sang hy sinh thời gian và nguồn lực kinh tế để xây dựng một cơ sở khoa học chắc chắn, như Nhật Bản đã làm được trong nhiều lĩnh vực. Tôi hy vọng đến một ngày nào đó, thành tựu khoa học trong khu vực có thể sánh ngang được với tầm cao nhất trên thế giới ở mọi lĩnh vực.
——–
1 University of California, Berkeley.
2 London School of Economics and Political Science.
3 Tôi tạm dịch chữ “Assistant Professor” như vậy, với nhấn mạnh rằng ở Mỹ, Anh và nhiều nơi khác vị trí Assistant Professor, Associate Professor hay Professor hoàn toàn là quyết định của riêng trường đại học; hơn nữa, ở những đại học lớn, không có sự phân biệt rõ ràng giữa Assistant và Associate Professor (cả hai đều chưa có biên chế – tenure).
4 Tạm dịch là “Kinh tế vĩ mô đã chấm dứt”.
5 Tạm dịch như trên.
6 Có thể nhắc tới cuốn sách hiếm hoi “Innovation and growth in the global economy” (“Phát minh và tăng trưởng trong nền kinh tế toàn cầu”) vốn được trích dẫn nhiều của Grossman và Helpman, song ngay cả ví dụ này chỉ mang tính mới một nửa, vì nhiều kết quả nghiên cứu cũng đã được công bố trước đó.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)