Hy vọng Đổi Mới từ bước khởi đầu

Sau một năm 2006 tràn ngập những điều phấn khởi và hy vọng vào Đổi Mới và Hội Nhập, ta bước vào đầu năm 2007 này với một háo hức chờ đón sự thể hiện niềm hy vọng đó vào một thử thách quan trọng: một cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XII thật sự đổi mới và dân chủ. Và những ngày đầu Xuân Đinh Hợi này, sự kiện quan trọng đó đang được thực hiện ở bước khởi đầu: Hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội.


Nội dung của việc hiệp thương này, theo nghĩa thông thường, là việc trao đổi bàn bạc giữa các hội đoàn và tổ chức xã hội để cùng lựa chọn một danh sách chung các người ứng cử ĐBQH để trình lên Hội đồng bầu cử quốc gia đưa ra cho cử tri bầu. Có thể có nhiều cuộc hiệp thương khác nhau (của nhiều nhóm hội đoàn khác nhau), và cũng có thể có những người ứng cử tự do không qua một cuộc hiệp thương nào cả.
Ở nước ta, theo luật bầu cử và nhiều thông lệ khác (trong đó tiếc thay có nhiều điều qui định không phù hợp với quyền tự do ứng cử và bầu cử được ghi rõ trong Hiến pháp!), cuộc Hiệp thương được giao cho MTTQ tổ chức, qui tụ đại diện của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và các hội đoàn, tổ chức xã hội trong “hệ thống chính trị” thành viên của MTTQ, với nội dung “hiệp thương” là thỏa thuận việc phân phối số ĐBQH cho các cơ quan và tổ chức đó theo một “cơ cấu” do Hội đồng bầu cử đề xuất, sau đó dựa theo cơ cấu được thỏa thuận đó, các cơ quan, tổ chức giới thiệu người cụ thể làm ứng cử viên để đưa ra cho cử tri bầu. Như vậy, qui trình này cũng có mục tiêu là lập được một danh sách ứng cử viên ĐBQH để đưa ra cho cử tri bầu.
Tuy nhiên, ít ra có hai điểm trong nội dung của “hiệp thương” cần trao đổi:
-Việc hiệp thương để thỏa thuận phân phối số ĐBQH cho các cơ quan và tổ chức thuộc “hệ thống chính trị” trước khi tiến hành bầu cử là phủ định quyền tối cao quyết định của cử tri (tức của toàn dân) trong việc lựa chọn ĐBQH thông qua bầu cử. Do đó, hội nghị hiệp thương hoàn toàn mất tính chất “hiệp thương lựa chọn ứng cử viên” mà trở thành hiệp thương để chia ghế trong Quốc hội trước khi bầu cử.
-Với việc tổ chức bầu cử và “hiệp thương” như vậy, không có chỗ cho việc ứng cử tự do của công dân. Các ứng cử viên tự do không do một cơ quan nhà nước hoặc một tổ chức nào trong “hệ thống chính trị” giới thiệu sẽ không có phần trong cơ cấu ĐBQH do “hiệp thương” thỏa thuận, và vì thế, dù có thể được đưa ra để bầu cũng khó trúng cử!
Về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước đều khẳng định cần phải tổ chức thật sự tự do và dân chủ. Tôi thiển nghĩ điều đó trước hết cần được thực hiện ở giai đoạn Hiệp thương giới thiệu người ứng cử. Hiến pháp nước ta đã qui định rõ ràng quyền tự do ứng cử và bầu cử của mọi công dân. Cần xóa bỏ chăng chỉ là xóa bỏ một vài qui định tuy có tính luật pháp nhưng là vi Hiến, đi ngược lại các quyền tự do đó. Rồi sau đó, ta vẫn có thể tổ chức một hoặc nhiều Hội nghị hiệp thương để giới thiệu các ứng cử viên từ trong số những người được các cơ quan và tổ chức đề cử và cả những ứng cử viên tự do lên Hội đồng bầu cử; còn ai sẽ là ĐBQH, cơ quan nào, tổ chức nào sẽ có bao nhiêu ĐBQH, sẽ dành cho lá phiếu của cử tri quyết định thông qua một cuộc bầu cử thật sự tự do và dân chủ. Còn cơ quan nào, tổ chức nào cần có (hay không cần có) bao nhiêu ĐBQH để phù hợp với hoạt động của mình phải là công việc được thu xếp sau bầu cử, chứ không phải là việc trước bầu cử!
Hy vọng cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra thật sự tự do và dân chủ ngay ở bước Hiệp thương giới thiệu người ứng cử- thể hiện ý chí và nguyện vọng của Đảng và toàn dân ta.


Phan Đình Diệu

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)