Hy vọng gì ở năm Hợi?

Năm Tuất qua một tia hi vọng đã lóe ra: thoáng nghe khẩu hiệu tre già măng mọc. Trong giới chính trị, thế hệ năm mươi đã xuất hiện thay thế cho thế hệ bảy mươi, rõ ràng thế hệ trẻ khỏe hơn, năng động hơn và xông xáo hơn thế hệ già. Tất nhiên trong lĩnh vực chính trị thì có lẽ sự già dặn và chín chắn cần đòi hỏi năm tháng để tích lũy, nhưng theo đó càng nhiều tuổi thì nguy cơ càng tăng tính bảo thủ, tính gia trưởng và tự cao tự mãn. Nhưng cũng không nhất thiết cứ phải 40-50 tuổi mới làm nên sự nghiệp chính trị. Mới 33 tuổi Phiđen Caxtrô đã làm thủ tướng đấy thôi.


Khác với chính trị, trong lĩnh vực khoa học, nhất là trong khoa học tự nhiên, những nhân tài xuất hiện sớm thường ở tuổi từ 20 đến 30. Điển hình nhất có lẽ là Bơledơ Paxcan (Blaise Pascal) 16 tuổi đã viết Tiểu luận về hình nón, 18 tuổi sáng tạo máy tính số học, 24 tuổi tiếp tục nghiên cứu về vật lý học… Nguyễn Mạnh Tường đã đậu hai bằng tiến sĩ quốc gia ở tuổi 22. Ở tuổi dưới 30, Lê Văn Thiêm đã sáng tạo ra định lý toán học mang tên ông. Gần đây mới 13 tuổi, Đàm Thanh Sơn đã đoạt giải Olympic quốc tế trong môn toán học, 24 tuổi đã đậu tiến sĩ vật lý và 30 tuổi đã được cử làm giáo sư của một trường đại học lớn ở Hoa Kì, Đỗ Ngọc Minh cũng đoạt giải Olympic quốc tế năm 17 tuổi, 27 tuổi đậu tiến sĩ, năm sau được cử làm trợ lí giáo sư tại Đại học Illinois. Họ và biết bao anh chị em khác là những nhân tài trẻ của đất nước, nhưng thật đáng tiếc dù họ có muốn cũng không thể trở về để thay thế cho lớp nhà khoa học già, đã được đào tạo từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thật là đau xót, tre đã già, măng đã mọc nhưng chỉ có thể xanh tốt trên đất khách quê người. Nếu họ trở về điều đáng lo không phải chỉ là đồng lương bị tụt đi 10 lần, 100 lần mà cái chính là thiếu mảnh đất màu mỡ và nhất là một bầu không khí trong lành, cởi mở và thoáng mát để phát triển.
Cái bệnh quan liêu bao cấp đã cản bước tiến của dân tộc ta suốt bao nhiêu năm. Từ khi có đường lối đổi mới, chúng ta đã thoát khỏi chế độ bao cấp, nhưng vẫn còn đó tệ quan liêu tiếp tục hoành hành khắp mọi nơi, mọi chốn, với mọi hình thức tác oai tác quái. Rất hiếm quan nào muốn dùng người tài giỏi hơn mình, và đây cũng là lí do khiến những nhân tài biết tự trọng không thể thoải mái dưới trướng của các quan kém họ cả về năng lực và nhân cách. Với tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Mặt trận Tổ quốc vừa qua, hi vọng sớm có những chính sách mới để trọng dụng nhân tài trẻ.


GS. NGND. Nguyễn Văn Chiển

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)