Khai thác Bauxít ở Tây Nguyên: Góp ý và kiến nghị
Sau nhiều tháng chờ đợi, một cuộc hội thảo khoa học về khai thác quặng bauxít để sản xuất alumina ở Tây Nguyên sẽ được tổ chức trong những ngày đầu tháng 4.2009 tại Hà Nội do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì với thành phần tham dự được mời gồm đại diện các bộ ngành và các địa phương có liên quan, các nhà khoa học và hoạt động xã hội. Đây là một quyết định của Chính phủ thể hiện sự quan tâm đến dư luận xã hội về việc khai thác bauxít tại một vùng đất có vị trí hết sức quan trọng của Tổ quốc: Tây Nguyên.
Từ tháng 11.2008, sau khi dự án “Tổ hợp bauxít-nhôm Lâm Đồng” tại Tân Rai được khởi công ngày 26.7.2008, và tiếp đó dự án “khai thác bauxít sản xuất alumina Nhân Cơ” (Đắc Nông) sẽ được khởi công trong quý I-2009, và những thông tin về dự kiến hợp tác đầu tư với nước ngoài khai thác bauxít quy mô lớn ở Tây Nguyên kèm theo bao tiêu sản phẩm từ 2007 đến 2015 có xét đến 2025, có rất nhiều bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng bày tỏ sự lo ngại trước quyết định khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, nhất là vào thời điểm hiện nay với sản phẩm sơ chế là alumina, đặt dấu hỏi về hiệu quả kinh tế, cảnh báo về công nghệ và hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường thiên nhiên và xã hội.
Chính vì vậy dư luận mong rằng hội thảo sắp tới sẽ là một sự phản biện được lắng nghe, một cuộc đối thoại xây dựng vì sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước và của vùng đất này. Nhằm mục đích đó, bài viết này góp một số ý về ba nhóm vấn đề và đề xuất ba kiến nghị.
Trước tiên là về hiệu quả kinh tế. Tổng Công ty Than khoáng sản Việt Nam (TKV) chắc chắn đã có những tính toán của mình để thuyết minh là hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ có hiệu quả kinh tế tính cho suốt thời gian tồn tại của chúng, ước tính là 50 năm. Vấn đề là các dự án này (và quy hoạch khai thác bauxít nói chung) đã được tính toán trong thời gian mà nhu cầu nhôm, alumina của thế giới và khu vực đang lên cao, trong khi đó giá alumina trên thị trường thế giới hiện nay và trong thời gian trước mắt xuống rất thấp và chưa ai nói được là còn sẽ kéo dài bao lâu trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Vì vậy nhà đầu tư phải xem xét lại tính toán về hiệu quả kinh tế của các dự án hiện nay (và trong quy hoạch) phù hợp với tình hình mới không thuận lợi như lúc lập luận chứng ban đầu.
Chalco, một tập đoàn lớn hàng đầu về nhôm của Trung Quốc, cho hay sẽ cắt chi tiêu tới 34%, tương đương 1,9 tỷ USD, trong năm 2009 vì nhu cầu nhôm thế giới giảm sút mạnh. La Kiến Xuyên, Chủ tịch mới của tập đoàn, thông báo ngày 30.3.2009 vừa qua 1, tập đoàn này “sẽ siết chặt các hợp đồng mua và sáp nhập tại các thị trường nội địa và quốc tế, đồng thời hoãn các dự án kế hoạch để đối phó với khó khăn hiện thời”. Chắc TKV đã nhận được thông tin này và đã liên hệ đến mình và đến việc hợp tác đầu tư, để không vì khó khăn mà giãn tiến độ hoặc “treo” các dự án, và nhất là hạ thấp trình độ công nghệ, hy sinh hoặc “rút gọn” khâu xử lý chất thải bùn đỏ (mà chúng tôi sẽ đề cập sau đây) thậm chí đổ bừa chất thải chưa xử lý ra môi trường như đã bắt gặp trong thời gian qua.
Trong quy hoạch khai thác bauxít giai đoạn 2007-2015 có xét đến 2025, có việc đầu tư một tuyến đường sắt dài khoảng 270 km với chênh lệch độ cao 700 mét, đi qua một vùng địa hình khá phức tạp, để đưa sản phẩm alumina từ Tây Nguyên về xuất khẩu tại Cảng Kê Gà (Bình Thuận). Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng chỉ số ICOR của nền kinh tế Việt
Thứ hai là về môi trường. Theo TKV, do cấu trúc địa chất, bauxit Tây Nguyên có diện phân bố rộng, thường ở trên sườn và đỉnh đồi, chiều dày các vỉa quặng trung bình 3-5m, nằm dưới lớp đất phủ với khoảng cách trung bình 0-2m.
Các dự án sẽ tận dụng các thung lũng cho hai mục đích rất khác nhau, nằm ở hai đầu của quy trình sản xuất alumina: một bên làm hồ tích nước trong mùa mưa phục vụ tuyển quặng và sản xuất alumina, và một bên làm hồ chứa bùn đỏ, chất thải rất nguy hiểm từ quy trình sản xuất này 2 .Cần xem xét cụ thể thêm vị trí hai loại hồ chứa trên bản đồ địa hình, nhưng viêc tận dụng các thung lũng như đã nói không an toàn chút nào bởi lẽ bùn đỏ chứa một dung dịch kiềm đi kèm có tính ăn mòn mạnh, có thể thẩm thấu gây tác hại cho đất xung quanh và làm ô nhiễm nguồn nước, và nhất là vào mùa mưa, khi lượng nước mưa lớn 3 tích tụ ở các hồ bùn đỏ có thể tràn ra ngoài hoặc làm vỡ đập.
Nói về nguồn nước cho sản xuất alumina tại hai nhà máy, TKV cho biết nhà thầu sẽ sử dụng 100% nước mặt, không sử dụng nguồn nước ngầm, bằng cách đắp đập tạo hồ chứa và một phần điều hoà nước từ các đập, hồ thuỷ điện của vùng trong mùa khô. Xin lưu ý TKV rằng nước trong các đập và hồ thủy điện đều đã được quy hoạch để sử dụng đa mục tiêu ở hạ lưu cho dân sinh, nông nghiệp, thủy sản, … vì ở đó cũng rất cần nước vào mùa kiệt!
Báo cáo của các nhà thầu bảo đảm rằng việc xử lý ô nhiễm, chất thải bùn đỏ, sẽ được làm triệt để nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, và với phương pháp khai thác theo trình tự cuốn chiếu, “công tác hoàn thổ, phục hồi không gian sẽ được hoàn nguyên ngay sau khi khai thác xong từng khu vực”. Nhưng cần một thông tin đi kèm: tỉ lệ dành cho việc xử lý chất thải, đặc biệt chất thải bùn đỏ, chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng vốn đầu tư cho nhà máy.
Chính vì vậy và mặc dù việc xử lý chất thải bùn đỏ ở các nước được dẫn chứng như là an toàn (mà theo chúng tôi biết không hẳn là như vậy), chúng tôi vẫn cho rằng môi trường là một vấn đề chưa thể yên tâm. Gần đây thôi, Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa 100 mỏ bauxít vì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Mỏ bauxit Nhữ An đã bị đóng cửa sau một năm hoạt động vì nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, cùng nhiều chứng bệnh lạ xuất hiện. Nước này cũng ra quy định các doanh nghiệp khai thác bauxit chính quy phải trả lại hiện trạng đất đai như ban đầu sau bốn năm khai thác, nếu không đáp ứng tiêu chuẩn này sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.
Thứ ba là về vấn đề xã hội. Nhiều bài đã viết khá sâu về tác động đến văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm rằng vấn đề xã hội gắn với vấn đề môi trường và môi trường là một điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự ổn định cuộc sống và cho sức khỏe của người dân trên địa bàn và các địa bàn lân cận.
Các báo cáo cho biết “tổng diện tích chiếm đất của toàn bộ dự án alumina Nhân Cơ khoảng 3.570 ha, trong đó phần mỏ tuyển khoảng 2.620 ha; các công trình đập, hồ chứa nước khoảng 500 ha; phần nhà máy sản xuất alumina khoảng 150 ha; các dự án tái định canh, định cư khoảng 300 ha”. Có thể khẳng định rằng tác động lên xã hội của dự án rộng hơn khoảng không gian này nhiều.
TKV cho biết con em của Lâm Đồng và Đắc Nông đã được gửi đi đào tạo để phục vụ hai nhà máy. Hoạt động của các nhà máy sẽ kéo theo sự phát triển các ngành kinh tế khác. Kinh tế thuần nông lâm sẽ chuyển dần sang kinh tế đa ngành nghề. Thu ngân sách và thu nhập của người dân hai tỉnh Lâm Đồng và Đắc Nông sẽ tăng. Nếu được như vậy thì rất tốt và đáng mừng.
Tuy nhiên, yếu tố con người cần được xem trọng hơn trong cả hai dự án và sau này khi triển khai rộng ra ở Tây Nguyên. Dự án Nhân Cơ chỉ cho con số 300 ha dành cho tái định canh, định cư. Nhưng số người tái định cư là bao nhiêu, họ là ai, cuộc sống vật chất và tinh thần của họ như thế nào, nguyện vọng của họ ra sao, … không thấy nói. Công tác tái định cư của các công trình Sơn La, Dung Quất và xa hơn là Hòa Bình cho chúng ta nhiều bài học quý mà trước tiên là cần tiếp cận vấn đề xã hội sâu sắc hơn, nhân văn hơn, đậm đà tình dân tộc, nghĩa đồng bào hơn.
Từ những ý kiến trên đây, xin đề xuất ba kiến nghị:
(1) Chọn một trong hai dự án, Tân Rai hoặc Nhân Cơ, làm dự án điểm. Tập trung chỉ đạo và yêu cầu tập đoàn thầu theo phương thức EPC thực hiện dự án đúng các cam kết, đặc biệt việc xử lý an toàn nhất chất thải bùn đỏ. Giám sát việc thực hiện. Làm cho tốt công tác tái định cư. Tổng kết kinh nghiệm.
(2) Tập trung xây dựng cho xong dự án quy hoạch tổng thể khai thác bauxit Tây Nguyên có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) song hành trước khi triển khai bất kỳ dự án nào mới.
(3) Khi dự án hoàn thành, thực hiện Nghị quyết 66/2005 của Quốc hội về chủ trương đầu tư, nếu một trong năm tiêu chí (trong đó có tổng vốn đầu tư, tác động lên môi trường và số dân di dời tái định cư) chạm ngưỡng thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Khai thác bauxit Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng về nhiều mặt. Dục tốc bất đạt! Quặng vẫn nằm đó trong lòng đất và chờ đợi được khai thác với công nghệ sạch và tiên tiến, trong một quy hoạch chặt chẽ và toàn diện. Chỉ có như vậy nó mới góp phần vào sự phát triển đất nước một cách bền vững./.
—————
1 Theo Wall Street Journal ngày 29.3.2009 và BBC ngày 30.3.2009.
2 Cả hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều chọn phương pháp thải ướt bơm bùn đỏ lỏng ra bãi thải vì “đỡ tốn kém hơn phương pháp thải khô, và thích hợp với các vùng có các thung lũng dễ tạo thành hồ chứa”.
3 Lượng mưa trung bình nhiều năm ở Tây Nguyên là từ 2000 -2500 mm/năm, tập trung trong 3 đến 4 tháng.