Khoa học và công nghệ Việt Nam đang ở đâu?

Để đánh giá sự phát triển KH&CN của một quốc gia, cần phải sử dụng các chỉ tiêu đã quen thuộc trên thế giới. Về kết quả KH&CN, đó là số công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế và số sáng chế đăng ký ở các cơ quan có uy tín trên thế giới (Cục Sáng chế Mỹ,...). Về chỉ tiêu thứ nhất, ta ở sau Thái Lan hơn 20 năm; về chỉ tiêu thứ hai, ta chưa có gì để so sánh!

Các kết quả về các chỉ tiêu kể trên là chứng cớ rất rõ ràng về tình trạng thấp kém của KH&CN của ta hiện nay. Đó là một điều thật đáng buồn vì vào đầu những năm 1960, sau khi thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước (năm 1959), Việt Nam được đánh giá là nước đã sớm thấy tầm quan trọng quyết định của KH&CN đối với phát triển trong số các nước đang phát triển lúc bấy giờ.
Tất nhiên, khi đánh giá sự phát triển KH&CN của Việt Nam, chúng ta không quên cuộc chiến tranh chống Mỹ rất khốc liệt (thực ra thì chính cuộc chiến tranh này đã đòi hỏi phải phát triển KH&CN) và sự sụp đổ của Liên Xô và một số nước XHCN khác đã từng là một sự giúp đỡ rất to lớn đối với KH&CN của ta. Nhưng chúng ta thực sự đã có những cái không đúng từ bản thân chúng ta.

Một báo cáo do hãng dự báo RAND thực hiện năm 2001 theo yêu cầu của Ngân hàng Thế giới cho biết về năng  lực KH&CN, Việt Nam đứng hàng thứ 94 trên thế giới, khá xa sau Malaixia (thứ 71), Thái Lan (73), Philippin (80), sau không ít Xri Lanka (85), Nêpan (86), Burunđi (87), sau cả Irăc (90), Xiri (92)! Đến nay  hẳn thứ tự xếp hạng này cũng không mấy thay đổi.

Một trong những cái không đúng, có thể là có tính bao trùm, là chúng ta đã hạ thấp các chỉ tiêu về trình độ KH&CN, vì lý do này hay lý do khác. ở Philippin chẳng hạn, khi chuẩn bị luận án tiến sĩ (Ph.D.), nghiên cứu sinh cần phải có ít nhất một công trình công bố ở các tạp chí quốc tế (theo danh mục đã lựa chọn của Viện Thông tin khoa học – ISI – rất có uy tín trên thế giới). ở ta thì nhiều giáo sư, tiến sĩ chưa hề có một công trình nào như vậy cả. Nhiều người làm nghiên cứu ứng dụng tuyên bố đã có công  nghệ này công  nghệ nọ mà không bán được, nhưng khi  hỏi đến bằng sáng chế về công  nghệ đó thì lại nói là không làm ! Các báo cáo thành tích hàng năm của các cơ quan quản lý KH&CN luôn luôn nói đến số lượng giáo sư, tiến sĩ đông đảo của ta (đứng đầu khu vực Đông Nam á !) mà tuyệt  nhiên không đả động đến các chỉ tiêu về kết quả theo tiêu chí quốc tế. Chúng ta có thể hỏi: Nói đến KH&CN (hay R&D) mà chỉ kể chỉ tiêu đầu vào đó thì khác nào nói đến phát triển kinh tế mà chỉ kể ra dân số, không  nhắc gì đến GDP !.
Chúng ta không chỉ hạ thấp các chỉ tiêu về trình độ KH&CN mà còn đánh đồng những hoạt động nghiên cứu KH&CN với những hoạt động không là nghiên cứu khoa học theo đúng nghĩa của nó. Nhiều báo cáo kết quả đề tài khoa học của ta (nhất là về khoa học xã hội) thực ra chỉ là những “studies” (để khỏi nhầm với “research” là “nghiên cứu” nên dịch là “khảo cứu”), về thực chất chỉ là sự sắp xếp kiến thức đã có từ một số tài liệu (trong các đề tài của ta, nhiều khi tập hợp còn chưa đầy đủ ở mức tối thiểu), không có một sáng tạo gì đáng kể về ý tưởng, phương pháp,… Những “studies” như vậy (rất cần thiết để giải quyết nhiều yêu cầu tư vấn), theo UNESCO, được xếp vào mục “Dịch vụ khoa học” trong  phân  loại các hoạt động KH&CN, không phải là “research” (nghiên cứu).
Thậm chí, trong khi cần phải tập trung các  nguồn lực vào sáng tạo công nghệ hay thích nghi hóa công nghệ cần chuyển giao, chúng ta lại kể công về những việc về chủ yếu thuộc trách nhiệm các cơ quan về đầu tư phát triển, xúc tiến thương mại hay quản lý thị trường.
Đảng và Nhà nước ta từ lâu và luôn luôn mong muốn KH&CN đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển  của đất nước, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa cạnh tranh thị trường thế giới đang diễn ra rất gay gắt. KH&CN của ta nếu không chịu nhìn vào thế giới, nhìn vào các nước trong khu vực,  lấy các chỉ tiêu thực sự về phát triển KH&CN để nhìn thấy chính mình, so sánh  mình với thế giới, với khu vực, thì không thể nào tiến lên để làm tốt cái sứ mệnh mà nhân dân mong mỏi.
Nhiều người đang nói rằng KH&CN của chúng ta không phát triển vì chúng ta còn đầu tư ít cho KH&CN, chưa đãi ngộ các giáo sư một cách thích đáng. Nói như thế mới chỉ đúng một mặt, mặt khác còn phải xét  là có sử dụng đầu tư đó đúng cho phát triển KH&CN một cách đúng đắn hay không. Tôi  nhớ lại  câu chuyện của Hải Thượng Lãn Ông khi được mời lên Kinh để thăm bệnh cho Trịnh Cán. Ông hoảng hốt khi thấy các ngự y “tẩm bổ” cho thế tử trong khi bệnh trong người vẫn chưa đẩy ra được. Theo ông, chữa bệnh như thế thì “Nguy quá ! nguy quá !”.
Ý kiến của bạn?

Đặng Mộng Lân

Tác giả