Kinh doanh và nhân quyền – Tiếp cận mới về bảo đảm quyền con người

Hiện nay, trong sinh hoạt chính trị, kinh tế và học thuật toàn cầu, quan niệm và cách tiếp cận về bảo đảm nhân quyền đã có những thay đổi và bước tiến quan trọng. Một trong những nội dung mới đó chính là khái niệm Kinh doanh và Nhân quyền. Và điều may mắn đối với Việt Nam là Hội nghị không chính thức của diễn đàn hợp tác ASEM lần thứ 14 với chủ đề Kinh doanh và Nhân quyền được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 18 đến 21 tháng 11 năm 2014.

Ngược dòng thời gian

Những người khởi xướng chủ thuyết Kinh doanh và Nhân quyền đã chịu ám ảnh của câu chuyện về sự liên minh giữa các tập đoàn công  nghiệp và Nhà nước Quốc xã của trùm phát xít Hitler những năm 30 và 40 của thế kỷ 20; điển hình là việc cung cấp công  nghệ và tài chính của Tập đoàn IBM (Hoa Kỳ) cho các hoạt động tội ác nhằm diệt chủng người Do thái của Hitler, thông qua các chi nhánh của tập đoàn này tại Đức. Tuy nhiên, mặc dù có sự liên đới với hành động vi phạm nhân quyền ở mức cao nhất là tội ác chống loài người, không một doanh nghiệp nào, kể cả IBM, sau Thế chiến thứ 2 bị coi là tội phạm chiến tranh. Tại sao vậy ?

Công pháp quốc tế trước đây cũng như hiện nay vẫn xác định các Nhà nước là đối tượng chủ thể duy nhất, mà không phải là công dân hay các tổ chức, như doanh nghiệp. Tuy nhiên, với thời gian, cuộc sống đã thay đổi và đặt ra một bài toán làm đau đầu các nhà chính trị và luật học ở bình diện quốc gia và quốc tế. Đó là sự lớn mạnh và trở thành các trung tâm quyền lực có khả  năng chi phối lớn lao đến đời sống kinh tế, thậm chí chính trị của các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào thời điểm 2010, 25 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu đã có thu nhập của năm đó từ 71 đến 408 tỷ Đô-la Mỹ, lớn hơn hoặc tương đương với GDP của nhiều nước, ví  dụ Luxembourg (55 tỷ), Việt Nam (104 tỷ), Peru (154 tỷ), Nam Phi (365 tỷ) và Na Uy (414 tỷ). Ngoài ra, thuộc hệ thống quản trị nội bộ của các tập đoàn này còn là hàng trăm, hàng ngàn các tổ chức chi nhánh hoặc liên kết trải khắp thế giới, và từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu người làm việc trong các hệ thống đó.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là: Tuyên ngôn phổ quát về Nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc cũng như các Công ước quốc tế về nhân quyền sau đó có thể tiếp tục chỉ áp đặt các nghĩa vụ về tôn trọng và bảo đảm nhân quyền lên các quốc gia và Nhà nước , đồng thời coi các doanh nghiệp, bao gồm cả các tập đoàn đa quốc gia nói trên, là đối tượng đứng ngoài cuộc được không ? Vào tháng 12 năm 1972, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, chính Tổng thống Chi Lê khi đó, Salvador Allende, người năm sau đã bị lật đổ bởi đảo chính quân sự với âm mưu từ bên ngoài, đã đưa ra lời cảnh báo rằng đã đến lúc xuất hiện sự đối đầu thật sự giữa các Nhà nước và các tập đoàn đa quốc gia.

Các chính phủ đã bắt đầu thức tỉnh và năm 1976, tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD đã xây dựng và ban hành Bộ Quy tắc hướng dẫn cho các Công ty đa quốc gia (MNEs), bước đầu liên quan đến các hành xử về lao động, môi trường, công nghệ, cạnh tranh và người tiêu dùng. Đồng thời, năm 1977, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho ra đời bản Tuyên ngôn về các nguyên tắc liên quan đến các MNEs và Chính sách xã hội, theo đó yêu cầu tất cả các bên tôn trọng các Tuyên bố và Công ước của Liên hợp quốc về Nhân quyền, các quyền Chính trị, Dân sự, Kinh tế, Xã hội và Văn hoá. Tuy nhiên, xu thế đang lên trong việc tăng cường kiểm soát đối với các tập đoàn đa quốc gia đã bị làm suy yếu vào những năm 80 của thế kỷ 20, khi khởi phát làn sóng di chuyển các nhà máy công nghiệp từ châu Âu và Bắc Mỹ sang các nước đang phát triển để tìm kiếm nguồn lao động rẻ. Cơn khát đầu tư và tăng trưởng  kinh tế của các quốc gia tiếp nhận dường như được thoả mãn, bằng việc liên minh với các MNEs thông qua hàng loại chính sách mở cửa, khuyến khích đầu tư và thiết lập các đặc khu kinh tế. Các tiêu chuẩn có tính phổ quát về lao động và môi trường đương nhiên đã bị bỏ qua.

Các công lao lớn nhất để làm thức tỉnh xã hội một lần nữa về trách nhiệm với xã hội và con người của các doanh nghiệp chính là các tổ chức xã hội dân sự (NGOs) ở các quốc gia cung cấp đầu tư, với các tiêu chuẩn cao về nhân quyền, cũng như các quốc gia tiếp nhận, nơi mà lực lượng lao động bị bóc lột như nô lệ trong các xưởng may gia công hay các công trường khai mỏ, và nơi mà mức độ ô nhiễm môi trường đã đến mức không thể chịu đựng nổi.

Suốt từ thời điểm đó cho tới cuối những năm 2000, những thành tựu mang tính toàn cầu đạt được về bảo đảm quyền con người trong kinh doanh chỉ là đưa ra các bộ tiêu chuẩn quản trị liên quan đến Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Tuy vậy, ngay cả bản thân các quy tắc này cũng gây nên tranh cãi và thậm chí bị hiểu một cách méo mó, chẳng hạn như nhiều người đồng tình với quan điểm từ lâu của nhà kinh tế học nổi tiếng Milton Fredman cho rằng trách nhiệm xã hội cao nhất của doanh nghiệp chính là tạo ra lợi nhuận, và do đó các đóng góp cho cộng đồng sẽ hoàn toàn chỉ là sự hảo tâm của các chủ doanh nghiệp, hay cho rằng nghĩa vụ duy nhất của các nhà quản trị doanh nghiệp là thoả mãn các cổ đông v.v.. và v.v..

Các công lao lớn nhất để làm thức tỉnh xã hội một lần nữa về trách nhiệm với xã hội và con người của các doanh nghiệp chính là các tổ chức xã hội dân sự (NGOs) ở các quốc gia cung cấp đầu tư, với các tiêu chuẩn cao về nhân quyền, cũng như các quốc gia tiếp nhận, nơi mà lực lượng lao động bị bóc lột như nô lệ trong các xưởng may gia công hay các công trường khai mỏ, và nơi mà mức độ ô nhiễm môi trường đã đến mức không thể chịu đựng nổi. Tập đoàn NIKE với việc trả lương ở mức chết đói chỉ hơn 1 Đô-la Mỹ/ngày ở các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia hay Việt Nam đã bị chính các NGOs ở Hoa Kỳ lên án. Hay, các tổ chức nhân quyền và NGOs ở Peru đã hỗ trợ cộng đồng người dân bản địa đấu tranh bằng cách khởi kiện Công ty khai mỏ Monterrico Metal của Anh lên Toà án London năm 2009, về các vi phạm liên quan đến tàn phá môi trường và sinh kế của người dân từ việc khai thác vàng, với kết quả là công ty này đã phải chấp nhận bồi thường thiệt hại.

Các nỗ lực và “sự cố” vi phạm quyền con người do các tập đoàn kinh doanh gây ra như vậy đã tạo tiền  đề  cho bước đột phá trong xây dựng các thiết chế bảo đảm nhân quyền trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Đó chính là việc hoàn chỉnh Bộ Nguyên tắc hướng dẫn về Kinh doanh và Nhân quyền (UN Guilding Principles on Business and Human Rights), được đệ trình lên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc và thông qua vào ngày 16/6/2011. Cùng thời gian này, Bộ quy tắc hướng dẫn cho các MNEs của OECD cũng đồng thời được bổ sung thêm một chương mới về bảo đảm quyền con người trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Các trụ cột của bảo đảm nhân quyền trong kinh doanh

Bộ Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền (sau đây gọi tắt là “Bộ Nguyên tắc”) đưa ra 31 nguyên tắc nhằm hướng dẫn việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm bảo đảm các quyền con người bị tác động bất lợi hoặc xâm phạm do các hành vi đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, mà không có sự phân biệt về địa vị pháp lý cũng như quy mô. Tựu trung, có thể khái quát về ba quan điểm cơ bản có tính trụ cột mà các nguyên tắc này được xây dựng như sau:

Thứ nhất, khẳng định Nhà nước vẫn là chủ thể quan trọng nhất có nghĩa vụ pháp lý bảo đảm việc thực hiện các quyền con người để chống lại sự xâm phạm của bất cứ bên thứ ba nào, bao gồm cả các doanh nghiệp.

Với việc ban hành và quảng bá Bộ Nguyên tắc, các tiêu chuẩn và một nền tảng văn hoá chính trị mới đã hình thành giữa các quốc gia, các tổ chức và người dân toàn cầu, hướng tới các trách nhiệm và giá trị chung về nhân quyền

Mặc dù Bộ Nguyên tắc không có ý nghĩa pháp lý như một công ước quốc tế, tức không tạo thêm bất cứ nghĩa vụ pháp lý mới nào cho các Nhà nước, nhưng lại rất quan trọng bởi mang đến các nhận thức mới có tính phổ biến chung. Đó là ngoài việc bảo đảm thực thi các quyền con người và quyền công dân theo khuôn khổ pháp lý hiện hành của mỗi quốc gia, các Chính phủ cần đưa ra các chính sách, cơ chế và biện pháp để  khuyến khích và giám sát việc tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong triển khai các dự án đầu tư của có sự tham gia của Nhà nước thông qua vốn hoặc doanh nghiệp của mình. Trên thực tế, hưởng ứng sự kêu gọi của Liên hợp quốc đối với triển khai Bộ Nguyên tắc này, nhiều quốc gia đã tiến hành sửa đổi pháp luật về doanh nghiệp, đưa vào các điều khoản yêu cầu doanh nghiệp phải có chính sách về bảo đảm nhân quyền, bên cạnh trách nhiệm xã hội chung, hay tổ chức các nhóm công tác để đánh giá hàng năm về hiện trạng thực thi. Đặc biệt, Toà án của nhiều nước đã bắt đầu chấp nhận thụ lý các đơn khiếu nại về xâm phạm nhân quyền ở mức độ nghiêm trọng tại nước ngoài do chi nhánh của các cộng ty tại chính quốc gây ra. Điều này được giới luật sư cho là một đột phá và cơ hội lớn để mở rộng thẩm quyền khởi kiện dân sự và hình sự ra ngoài biên giới quốc gia.

Có thể nói rằng với việc ban hành và quảng bá Bộ Nguyên tắc, các tiêu chuẩn và một nền tảng văn hoá chính trị mới đã hình thành giữa các quốc gia, các tổ chức và người dân toàn cầu, hướng tới các trách nhiệm và giá trị chung về nhân quyền. Minh hoạ cho điều này, ngay tại Diễn đàn toàn cầu của Liên hợp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền đầu tiên được tổ chức tại Geneva (Thuỵ Sỹ) đã có tới 1000 đại biểu từ 80 quốc gia tham dự; và ngay một năm sau đó, tại Diễn đàn này lần thứ 2, số đại biểu đã tăng lên 1500 đến từ hơn 100 quốc gia, quy tụ mọi thành phần từ Chính phủ, doanh nhân, tổ chức xã hội dân sự, nhà khoa học, công đoàn, luật sư v.v..

Thứ hai, xác định doanh nghiệp là các tổ chức có vị trí đặc biệt trong xã hội, do đó có trách nhiệm tôn trọng nhân quyền, bảo đảm tránh mọi hành vi của chính mình cũng như của người khác xâm phạm hoặc gây tác động tiêu cực đến thực thi quyền con người.

Đã có sự tranh luận trong giới học thuật rằng các tiêu chuẩn mới về Kinh doanh và Nhân quyền có phải chỉ là sự mở rộng hay đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) hay không ? Trên thực tế có sự giống nhau vẻ bên ngoài nhưng bản chất không phải vậy. Nếu như coi rằng CSR là cách tiếp cận từ trên xuống, có nghĩa rằng việc một doanh nghiệp đóng góp và làm điều thiện cho cộng đồng, sau khi làm xong các nghĩa vụ nộp thuế, hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức và lòng tốt của ông chủ hoặc nhà quản lý doanh nghiệp, thì trách nhiệm bảo đảm tôn trọng các quyền con người lại xuất phát từ dưới lên. Bởi lẽ đơn giản là đã, đang và sẽ có rất nhiều các hoạt động đầu tư, kinh doanh xâm phạm các tiêu chuẩn về nhân quyền, chẳng hạn, đó là việc cưỡng chễ người dân phải di dời địa điểm canh tác hay nơi ở làm tổn hại đến sinh kế và tập quán, văn hoá của họ, hay gây ô nhiễm và phá huỷ môi trường gây tác hại về sức khoẻ của cả cộng đồng, thậm chí đó là việc tận dụng sức ép việc làm để bóc lột lao động theo kiểu nô lệ và xâm hại bình đẳng giới v.v.. Đối với những hoạt động như vậy, người dân và các cộng đồng của họ hoàn toàn có quyền đấu tranh để tự bảo vệ. Đồng thời, với mục tiêu xây dựng một môi trường tương tác bình đẳng, công bẳng và hài hoà giữa hai bên doanh nghiệp và người dân trong vùng bị ảnh hưởng, mỗi doanh nghiệp đều cần thiết và chủ động đề ra các chính sách và quy tắc ứng xử của mình về tôn trọng và bảo đảm nhân quyền.

Theo tổng kết cho tới thời điểm 2014, trong số khoảng 80.000 tập đoàn đa quốc gia trên toàn cầu, đã có 272 tập đoàn tự đưa ra các chính sách và bộ quy tắc ứng xử nội bộ nói trên. Nhiều doanh nghiệp đã yêu cầu bắt buộc các nhà quản trị phải thực hiện việc đánh giá tác động xã hội và tác động nhân quyền như hướng dẫn của Bộ Nguyên tắc, bên cạnh việc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật, đối với mỗi dự án đầu tư cụ thể. Tương tự, theo quy định của pháp luật một số quốc gia, các doanh nghiệp ghi danh trên thị trường chứng khoán cũng buộc phải công bố hằng năm báo cáo tác động và bảo đảm về nhân quyền của mình, bên cạnh các bản cáo bạch về kinh doanh và tài chính. Thực tiễn này mới là bước đầu, tuy nhiên tại các trường kinh doanh hàng đầu ở châu Âu và Hoa Kỳ, giới học thuật đã nói đến một tiêu chuẩn văn hoá kinh doanh và quản trị doanh nghiệp mới của thế kỷ 21, đó chính là kinh doanh gắn với tôn trọng và bảo đảm nhân quyền.

Thứ ba, đối với những người dân là nạn nhân của các xâm phạm và lạm dụng về quyền con người, cả Nhà nước và doanh nghiệp đều cùng phải thực hiện các biện pháp có thể, bằng con đường tư pháp hoặc ngoài tư pháp, nhằm bảo đảm cho họ có sự tiếp cận rộng rãi với sự bồi hoàn và khắc phục vi phạm một cách thỏa đáng.

Nhiều học giả kinh tế hàng đầu, chẳng hạn như  Michael Porter, đã chủ trương thay các tiêu chí quản trị doanh nghiệp, từ hướng tới “giá trị cổ động” (shareholders value) chuyển sang “giá trị chia sẻ chung” (shared value), để tạo nên sự cùng phát triển hài hoà và bền vững giữa doanh nghiệp và cộng đồng.

Cho tới nay, đối với phần lớn các vụ việc xâm phạm quyền của người dân thông qua các hành vi đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, dù là ở quốc gia nào vẫn thường có ba cách chính được xử dụng như là các biện pháp truyền thống. Đó là nhờ cậy chính quyền xử lý hành chính, khởi kiện lên toà án và nếu hai biện pháp đó không có kết quả thì chỉ còn con đường người dân tự đứng lên, biểu tình phản đối tập thể. Tuy nhiên, cả ba biện pháp đó, một khi liên quan đến các vi phạm hay xung đột lớn và phức tạp về quyền của người dân hay cộng đồng, dường như đều ít mang lại hiệu quả thực tiễn, không những thế còn gây ra các hệ luỵ nặng nề hơn cho chính người dân, chẳng hạn như đối với các tình huống nổi dậy và chống đối tập thể. Trong bối cảnh mới của việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cần về Kinh doanh và Nhân quyền, một hệ giá trị mới của nền kinh tế thị trường đã hình thành và được cổ vũ. Đó, về bản chất, chính là sự cộng tác và cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Những nhà chính trị tài ba như Tony Blair đã tuyên ngôn về một xã hội mới của “các bên tham gia” (stakeholders society), và nhiều học giả kinh tế hàng đầu, chẳng hạn như  Michael Porter, đã chủ trương thay các tiêu chí quản trị doanh nghiệp, từ hướng tới “giá trị cổ động” (shareholders value) chuyển sang “giá trị chia sẻ chung” (shared value), để tạo nên sự cùng phát triển hài hoà và bền vững giữa doanh nghiệp và cộng đồng.

Vậy, hệ quả thực tế được trông đợi của quá trình này là gì ? Đó chính là sự chủ động tương tác từ cả hai phía với nhau, giữa doanh nghiệp và người dân, tạo nên một cơ chế thông tin, thảo luận và cùng tìm ra giải pháp cho các xung đột về lợi ích trong từng dự án cụ thể; trong đó đáng lưu ý là, thay vì các đối thoại cá nhân thì một cơ chế đại diện được người dân tự thiết lập lấy hạt nhân là các cộng đồng bị ảnh hưởng. Nói một cách khác, đó là các giải pháp bên ngoài con đường tư pháp truyền thống, mà lợi ích của nó là tạo nên các mối quan hệ hài hoà và phát triển bền vững, hơn là xử lý xung đột gắn với tạo thêm xung đột mới.

Cơ hội nào cho Việt Nam

Việt Nam là một nước đang phát triển, một thị trường mới nổi và đang chuyển đổi, do đó thuộc đối tượng các quốc gia bị soi xét rất khắt khe về hồ sơ nhân quyền bởi cộng đồng quốc tế. Hồ sơ nhân quyền bao gồm sự bảo đảm cho người dân không chỉ đối với các quyền chính trị, mà còn cả các quyền dân sự, kinh tế và văn hoá.  Trên thực tế, cần phải thừa nhận rằng khó có quốc gia nào cùng một lúc thoả mãn được các yêu cầu về bảo đảm đối với tất cả các quyền ấy, đặc biệt là các quyền rất “nhạy cảm” như quyền chính trị. Ngoài ra, các cơ quan chính phủ luôn luôn phải đối mặt với tình huống xung đột nội tại, đó là vừa phải cố gắng tìm kiếm các nguồn đầu tư để duy trì tăng trưởng, đôi khi bằng mọi giá, vừa phải quan tâm đến nghĩa vụ thực thi và bảo đảm nhân quyền như đã cam kết, trong khi từ cách nhìn thực tế và ngắn hạn, hai điều này dường như là đối nghịch. Chẳng hạn như vì mục tiêu kêu gọi vốn nước ngoài mà phải chấp nhận công nghệ bẩn, gây ô nhiễm nặng nề về môi trường sau đó, v.v.. và v.v..

Trước tình thế như vậy, câu hỏi là có cơ hội và giải pháp nào mở ra cho quốc gia như Việt Nam khi hưởng ứng triển khai các Nguyên tắc hướng dẫn về Kinh doanh và Nhân quyền của Liên hợp quốc không ?

Trước hết, cần nhận thức rằng tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền không phải chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là các bên phi nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp; trong đó các tập đoàn đa quốc gia, như phân tích ở trên, đã và đang được coi là đối tượng được quan tâm hàng đầu. Như vậy, nếu có sự triển khai đồng bộ trong việc ban hành hay sửa đổi, bổ sung chính sách và pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai và môi trường … ở trong nước cùng nhịp điệu với các quá trình tương tự đang diễn ra toàn cầu thì chắc chắn các doanh nghiệp trong nước, nếu có mục tiêu hội nhập vào thị trường quốc tế, và các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, sẽ buộc phải tự điều chỉnh mục tiêu kinh doanh và tiêu chuẩn quản trị của mình theo hướng hỗ trợ việc bảo đảm nhân quyền. Nói một cách khác, gánh nặng về thực thi các nghĩa vụ về nhân quyền của Chính phủ sẽ được cùng san sẻ bởi chính các doanh nghiệp. Họ có thể vừa là thủ phạm tiềm tàng của các vi phạm nhân quyền trong kinh doanh, đồng thời vừa là đối tượng hưởng lợi một khi các cơ quan nhà nước phải xử lý xung đột với người dân, gây nên vi phạm về nhân quyền, để triển khai các dự án của bản thân doanh nghiệp.

Thứ hai, tại Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ 20 Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chủ trương về thực hiện dân chủ ở cơ sở, và chủ trương này sau đó được pháp chế hoá bằng Pháp lệnh về Dân chủ cơ sở năm ban hành năm 2007. Khung pháp luật này, tuy nhiên, tỏ ra kém hiệu quả thực tế nếu xét từ góc độ đánh giá về mục tiêu tăng cường dân chủ cơ sở để giảm xung đột ở các làng, xã nông thôn chịu tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Tại thời điểm này, nên chăng các cơ quan chức năng cần bắt đầu một cách tiếp cận mới và xúc tiến một quá trình khác, thực chất hơn. Đó là khuyến khích và hỗ trợ để xây dựng các thiết chế cộng đồng hoạt động theo hình thức tự quản gắn với các mục tiêu cụ thể. Trên thế giới, các nhà hoạt động xã hội cùng với giới học  thuật đã  nói nhiều tới dân chủ cộng đồng, giá trị cộng đồng, cộng đồng phát triển bền vững, và đặc biệt là cơ chế giải quyết xung đột cộng đồng. Nếu các cộng đồng dân cư được tổ chức và được trao quyền để đối thoại và giải quyết mọi vấn đề liên quan đến chia sẻ lợi ích và giải quyết xung đột một cách trực tiếp với “các bên tham gia”, đặc biệt  là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cơ quan chính quyền và các tổ chức xã hội, thì phải  chăng thực trạng căng thẳng như hiện nay ở các làng, xã nông thôn sẽ được giảm nhẹ rất nhiều? Đó không phải là điều gì khác hơn ngoài sự bảo đảm nhân quyền trên thực tế trong một xã hội của “mọi bên tham gia”, chứ không phải một xã hội bị chi phối bởi các thế lực vật chất và “nhóm lợi ích”. 

Cuối cùng, để hưởng ứng chủ trương của Liên hợp quốc về phổ biến rộng rãi Bộ Nguyên tắc hướng dẫn về Kinh doanh và Nhân quyền, theo gương nhiều quốc gia đi trước, vì lợi ích của chính mình, Việt Nam cần xây dựng một Chiến lược quốc gia để triển khai các nguyên tắc và tiêu chuẩn mới này./.

——-

* Luật sư và nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia, New York

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)