Kỳ 3: Những tư liệu phương Tây về chủ quyền Việt Nam trên Trường Sa và Hoàng Sa
Từ thế kỷ 17 đã có những tài liệu của các nước châu Âu phản ánh chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Có rất nhiều tài liệu của các nước châu Âu phản ánh chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xin đơn cử ra đây một số. Các tư liệu được dẫn theo trình tự thời gian.
Trước hết là sự kiện chiếc tầu Grootebroek của Hà Lan trên đường đi từ Battavia (Indonesia) tới Turon (Đà Nẵng) bị đắm ở khu vực Paracels (Hoàng Sa) vào năm 1634. Những thuỷ thủ sống sót đã đưa được 4 thùng bạc lên một đảo lớn ở Paracel, sau đó cử 1 nhóm 12 người đi thuyền nhỏ vào Phú Xuân gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên xin trợ giúp. Chúa đã cho phép họ thuê tầu trở lại đảo đón 50 thuỷ thủ và lấy 4 thùng bạc. Câu chuyện phản ánh rõ chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa này được này J.M.Buch khai thác trong các tài liệu công ty Đông Ấn Hà Lan và công bố trên tạp chí của Trường Viễn Đông bác cổ của Pháp vào năm 19361.
Năm 1701 một người Pháp là Jean Yves Clayes trong nhật ký của mình đã mô tả rất cụ thể các bãi đá ngầm ghi rõ: “Paracel là một quần đảo thuộc Vương quốc An Nam”2.
Vào giữa thế kỷ XVIII có một nhân vật rất nổi tiếng là giáo sĩ kiêm thương nhân Pierre Poivre. Nhờ những cuốn sách và bài viết của ông mà người Pháp đã có sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam. Ngay cả đến Thomas Jefferson, vị đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, sau trở thành Tổng thống của Hợp chủng quốc, sau khi đọc P. Poivre cũng bị cuốn hút vào xứ sở này. Năm 1803, ngay sau khi đắc cử, vị tân Tổng thống đã cử một phái bộ đem theo dự thảo Hiệp định thương mại đến Việt Nam với hy vọng thiết lập quan hệ hợp tác, nhưng việc không thành.
P. Poivre có điều kiện thường xuyên qua lại Việt Nam và từng được chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp tại kinh thành Phú Xuân. Một trong những cuốn sách của ông là Mémoire sur La Cochinchine (Ký ức về Đàng Trong) xuất bản tại Paris năm 1744, đã nói đến việc nhiều khẩu thần công bố trí trên tường kinh thành mà ông tận mắt trông thấy, là của các con tầu phương Tây bị đắm được lấy về từ Paracel. Trong một tập tài liệu được viết ra sau đó, Đô đốc M.d’Estaing cũng có nhận xét tương tự: “Xung quanh thành [Phú Xuân – VMG] có một nơi để rất nhiều đại bác, nhiều khẩu là được để trang trí hơn là để sử dụng. Người ta cho rằng số súng đó có thể tới 400 khẩu, một phần được đúc bằng gang, một số lớn là của Bồ Đào Nha được lấy về từ các vụ đắm tàu trước kia ở quần đảo Paracels”3.
Đây là những nhận xét khách quan nhưng lại là những chứng cớ hết sức thuyết phục về thành quả những chuyến công tác của Đội Hoàng Sa mà các chúa Nguyễn đã tổ chức ra để thực thi chủ quyền trên hai quần đảo.
Jean Baptiste Chaigneau một người rất am hiểu tình hình Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu XX đã có một bản tường trình cho Bộ Ngoại giao Pháp về triều Nguyễn vào tháng 5 năm 1820, trong đó có đoạn viết: “Vua ngày nay [tức vua Gia Long-VMG] đã lên ngôi hoàng đế [của một nước-VMG] gồm Đàng Trong cũ (Cochinchina), xứ Đàng Ngoài cũ (Tonkin), một phần vương quốc Campuchia, một số hòn đảo có người ở không xa bờ và quần đảo Paracels hợp thành bởi những đảo nhỏ, ghềnh và đá hoang vắng”4.
Năm 1837, Giám mục Jean Louis Taberd có một bài viết về Việt Nam, trong đó có đoạn viết về quần đảo Hoàng Sa như sau:“Paracel hay Paracels là một mê cung đầy những đảo nhỏ, đá và bãi cát trải trên một khu vực đến 11 độ vĩ Bắc, 107 độ kinh Đông … Người Cochinchina gọi quần đảo này là Cồn Vàng. Tuy quần đảo này không có gì ngoài tảng đá và những cồn lớn, nó hứa hẹn nhiều bất tiện hơn thuận lợi, Vua Gia Long vẫn nghĩ rằng ông sẽ tăng thêm lãnh thổ bằng cách chiếm thêm cái đất buồn bã này. Năm 1816, ông đã tới long trọng cắm cờ và chính thức chiếm hữu mà hình như không một ai tranh giành với ông”5. Ở đây J. L. Taberd nói tới sự kiện vua Gia Long giao cho quân đội ra làm cột mốc, cắm cờ ngay từ khi mới lên ngôi (1802), ông đã liền có chỉ dụ củng cố hoạt động của đội Hoàng Sa được thành lập bởi các chúa Nguyễn từ thế kỷ XVII.
Vào năm sau (1838) chính vị giám mục này cho công bố tấm bản đồ, trên đó chú thích rõ quần đảo ở vị trí Hoàng Sa là “Paracel seu Cát Vàng ” (Paracel hay Cát Vàng). Cát Vàng là tên thuần Việt mà trên các văn bản chính thức gọi là Hoàng Sa. Đây là chứng lý xác đáng cho việc người Việt đã đặt tên cho quần đảo mà người phương Tây gọi là Paracel.
Vào năm 1849, TS. Gutzlaff, hội viên của Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn, biên soạn một cuốn sách về Địa lý vùng đất phía nam của Việt Nam, có đoạn nói về Hoàng Sa như sau: “…Quần đảo Paracel (Kat Vang), ở ngoài khơi bờ bể An Nam, lan giữa 15 đến 17 độ vĩ Bắc và 111 đến 113 độ kinh Đông… Không biết vì san hô hay vì lẽ khác mà các ghềnh đá ấy lớn dần, nhưng rõ ràng nhận thấy rằng các đảo nhỏ ấy càng năm càng cao, và một vài đảo bây giờ đã có người ở thường xuyên, thế mà chỉ mấy năm trước sóng đã vỗ mạnh trào qua… Chính phủ An Nam thấy những mối lợi có thể mang lại nếu đặt ra một ngạch thuế bèn lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ ở chỗ này để thu thuế mà mọi người ngoài tới đây đều phải nộp, và để bảo trợ người đánh cá bản quốc…”6.
Giữa thế kỷ XIX, cuốn Địa lý đại cương, một bộ sách đồ sộ của nhà địa lý học Italia nổi tiếng Adriano Balbi đã được xuất bản ở Livorno. Trong phần mô tả về địa lý Vương quốc An Nam có ghi: “Thuộc Vương quốc này có quần đảo Paracels [Hoàng Sa -VMG], nhóm đảo Pirati [đảo Hải tặc -VMG] và nhóm đảo Poulo Condor [Côn Đảo-VMG]”. Trong khi đó, đoạn mô tả về địa lý Trung Hoa, mặc dù rất dài, tác giả không đề cập gì đến Hoàng Sa và Trường Sa7.
Kỳ cuối: Tư liệu Việt Nam có cơ sở vững chắc và ngày càng thêm phong phú
—
1 J.M.Buch: La Compagnie des Indes Neerlandaises et l’Indochine. Bulletin de l’ Ecole Francaise d’ Extrême Orient, tome XXXVI, 1936, p.134
2 Jean Yves Clayes: Mystère des atolls – Journal de voyage aux Paracels. Indochine No 46-1941.
3 Dẫn lại theo G.Taboulet: La geste Francaise en Indochine, tome I, Paris 1955, p.145 -151
4 Bulletin des Amis du vieux Huế, 1923, p.275
5 Jean Louis Taberd: Note on the Geography of Cohinchina. Journal of the Asiatic Society of Bengal, tome VI, 1837, p.745
6 K.Gutzlaff: Geopraphy of the Cochinchinese Empire. The Journal of the Royal Geographical Society of London, tome 19,1849, p. 93.
7 Adriano Balbi: Compendio di Geografia, Livorno 1854, p.641