Kỷ luật và sự tiến bộ của xã hội

Lịch sử cho chúng ta những bài học sinh động về sự hưng thịnh và suy vong của các quốc gia liên quan mật thiết tới tinh thần kỷ luật của các tổ chức bên trong lòng quốc gia ấy. Nhu cầu hình thành kỷ luật trong tổ chức dân sự được xuất phát từ nhu cầu lao động sản xuất với quy mô lớn. Từ đó làm thành nội lực kinh tế của quốc gia.

Nhưng nếu tổ chức có tính trung ương nhất, tức bộ máy hành chính nhà nước, thiếu đi tinh thần kỷ luật thì mọi thành quả kinh tế của xã hội khó có thể được phân chia công bằng. Bất công xã hội và tệ tham nhũng có thể khiến cho vị thế đất nước lung lay. Một đế quốc La Mã có một nền sản xuất thành công bậc nhất trên thế giới vào thời kỳ nó tồn tại, với những con thuyền vận tải chuyên chở hàng trăm tấn đá hoa cương tấp nập trên Địa Trung Hải (1), nhưng vẫn sụp đổ vì giới cầm quyền mục ruỗng. Như vậy là thành công về kinh tế không đảm bảo, và cũng không thay thế được vai trò của cải cách bộ máy hành chính.

Việc cải cách bộ máy hành chính về bản chất cần sự đồng thuận của số đông. Nếu số đông vô trách nhiệm thì không thể có sự cải cách tiến bộ. Nhưng có ý thức trách nhiệm cũng là có tinh thần tôn trọng kỷ luật. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến những cuộc cách mạng xuất phát từ những nhu cầu nhân văn cao cả. Nhưng những giá trị nhân văn không đảm bảo cho thành công lâu dài. Một đất nước thiếu nền tảng luật pháp vững vàng thì thành quả những cuộc cách mạng dễ rơi vào vòng tranh giành hỗn loạn, hoặc là vào tay kẻ mạnh nắm giữ lực lượng an ninh và quân đội. Điều này hơi trái với với suy nghĩ của những ai cho rằng một thể chế được lãnh đạo bởi một số cá nhân tiến bộ thì sẽ tự động tạo ra một nền chính trị và xã hội tiến bộ. Đúng là xã hội và thể chế chính trị thường có sự tiến bộ khi xuất hiện những nhà lãnh đạo tiến bộ. Nhưng đó chưa phải là điều kiện đủ để tạo ra nền tảng luật pháp nghiêm minh. Như vậy thì không có thành quả chính trị tiến bộ nào đảm bảo tồn tại lâu dài.

Nền tảng luật pháp đến từ đâu? Cần nhiều cá nhân có nhân cách, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức kỷ luật. Điều này thường có được khi xã hội tích lũy được một bề dày nhất định đối với văn hóa tổ chức lao động. Nhu cầu được luật pháp bảo vệ cũng thường trở nên phổ biến hơn khi số đông cá thể có tài sản và thu nhập ổn định. Nghĩa là khi xã hội đã có mức độ phát triển nhất định về kinh tế. Nói một cách đầy đủ là sự thịnh vượng về kinh tế không chỉ đòi hỏi ý thức kỷ luật của các tổ chức sản xuất và kinh doanh. Nó còn thúc đẩy nhu cầu về tính quy củ trong việc phân chia quyền lợi giữa các cá thể và nhóm lợi ích trong xã hội.

 

Hiện trạng xã hội Việt Nam

Ý thức kỷ luật trong các tổ chức người Việt, đặc biệt là các tổ chức lao động và kinh doanh, có một lịch sử còn khá khiêm tốn. Quy trình trồng trọt lúa nước không đòi hỏi sự hợp tác sản xuất ở quy mô quá lớn. Trong quá khứ, dân số nước ta mật độ không cao. Lại phân bổ trên mảnh đất vị thế kéo dài cùng với kỹ thuật giao thông hạn chế nên làm giảm thiểu cả mức độ giao thương lẫn quy mô sản xuất. Các cuộc chiến tranh liên miên cũng khiến cho xã hội không thể trân trọng và duy trì sự hợp tác lao động với quy mô lớn. Ngoài các công trình có tính tín ngưỡng và an sinh xã hội sống còn (đình chùa, thành quách, đê điều), hiếm có công trình công cộng đáng kể nào được duy trì qua thời gian. Mà như chúng ta thấy, nếu không có sự hợp tác lao động với quy mô lớn và dài hạn thì nhu cầu kỷ luật không thể hình thành, hoặc là rất hạn chế.

Khi Châu Âu có đủ kỹ thuật để giao thương hiệu quả bằng đường biển sang viễn Đông thì Việt Nam thoát ra khỏi vị thế bị cô lập. Nhưng triều đình nhà Nguyễn thiếu cái nhìn chiến lược và đã từ chối vận hội này. Hậu quả là nước ta bị người Pháp mang súng đạn đến cưỡng ép phải mở cửa. Hành động xâm phạm chủ quyền này một mặt gây tổn thương tới lòng tự hào dân tộc, đồng thời làm cho nhiều quyền lợi của người Việt bị khai thác bóc lột bởi thực dân. Nhưng mặt khác cũng đem đến một số yếu tố tích cực nhất định. Người Pháp mang tới kỹ thuật và văn hóa phương Tây. Họ mở ra triển vọng mới trong sản xuất, kinh doanh, giao thương, và cả cung cách tổ chức hành chính của phương Tây. Tuy nhiên, những hạt mầm này chưa kịp sinh trưởng sum suê thì đất nước đã lâm vào nhiều thập kỷ chiến tranh khốc liệt.

Trong hai cuộc chiến tranh dành độc lập, Đảng ta đã tạo dựng được thứ tinh thần kỷ luật sắt thép giúp cho các tổ chức nòng cốt trong xã hội tồn tại qua chiến tranh, góp phần quan trọng cho việc giành chiến thắng của dân tộc. Tuy nhiên cần thấy rằng, khi đất nước có chiến tranh, các cá thể tự nguyện kết nối với nhau không chỉ để sinh tồn mà còn vì chung lý tưởng, chung lòng tự hào dân tộc. Khi đất nước hòa bình, sợi dây tinh thần đó trở nên lỏng lẻo. Vì vậy, mô hình quản lý kinh tế xã hội tập trung quan liêu bao cấp, kiểu hợp tác xã tiềm tàng đầy rẫy sự vô kỷ luật. Sau một thập kỷ, nó đã đẩy nền kinh tế gần tới mức khủng hoảng dẫn đến sự Đổi Mới nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Cần phải Đổi Mới để cho thị trường tự do quyết định phương thức và quy mô sản xuất. Qua đó buộc mỗi cá thể phải tự lực lựa chọn, và tự lực cạnh tranh để tồn tại. Điều ấy là cơ sở hình thành ý thức kỷ luật trong lao động – sức sống mới cho nền kinh tế.

Nhưng khi mà chiếc bánh kinh tế phình to thì sự phân chia lợi ích  càng phải chính xác và công bằng.  Nếu không, những tiêu cực tệ nạn sẽ ngày càng phóng to trầm trọng theo độ lớn của chiếc bánh kinh tế. Đó là lý do khiến cho mức độ nghiêm trọng của các vụ án tham nhũng ở ta hiện nay tăng dần theo sự phát triển của nền kinh tế. Đây hẳn không phải là lỗi của thị trường tự do, mà chính là lỗi của sự thiếu tính kỷ luật của bộ máy quản lý hành chính khiến nó không theo kịp, đáp ứng sự đòi hỏi của phát triển nền kinh tế.

Cái tác hại nghiêm trọng của tính thiếu kỷ luật ở một bộ máy hành chính trung ương là nó gây ra sự bất công và thiếu minh bạch, làm suy thoái không ít tính kỷ luật của các tổ chức trực thuộc. Biểu hiện dễ thấy nhất là ở hệ thống giáo dục và y tế. Ở nước ta, cả hai đều bị than phiền vì tình trạng trì trệ và thiếu trách nhiệm.

Nhưng lại cần nhớ rằng mọi nền văn minh có sức vươn lên mạnh mẽ đều xuất phát phần nào từ nghịch cảnh. Những thách thức mà xã hội đang đối diện quả thực nghiêm trọng. Nhưng chúng lộ diện được cũng là từ sự vận động tích cực từ bánh xe kinh tế. Thay vì nhìn nhận sự sự vật như những chướng ngại gây khó khăn, ta thấy rằng chúng là tín hiệu cho chúng ta biết cần có sự tự hoàn thiện để đủ khả năng đón tiếp vận hội phía trước. Có lẽ lúc này xã hội đã nhận ra rằng cái dũng của những người xây dựng trong thời bình cũng đáng trân trọng không kém cái dũng của người cầm súng thời chiến. Lúc này, ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần những người có nhân cách và có ý thức kỷ luật. Chính trị, an ninh, giáo dục, y tế, và đặc biệt là các tổ chức đơn vị kinh tế. Khi mà đa số các đơn vị này thoát ra khỏi tình trạng làm ăn chộp giật theo mùa vụ để sinh ra những nguồn thu nhập ổn định hơn, tạo ra những không gian văn hóa lao động nghiêm túc sáng sủa hơn, thì đó sẽ là bước cơ sở tạo đà cho xã hội chuyển mình theo những bước tiến quan trọng khác.

———————-

(1) Tham khảo theo George W. Houston trong Port in Perspective: Some Comparative Materials on Roman Merchant Ships and Port, tạp chí American Journal of Archeology, Vol. 92, No. 4 (Oct. 1988), trang 553-564

(2) Các chi tiết trong phần này thuộc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ Toàn Thư, Quyển 2
Chú thích ảnh: Sự thiếu ý thức kỷ luật là một trong những  nguyên nhân gây ách tắc giao thông

Dựa vào những gì sử sách ghi nhận được thì chúng ta có lẽ phải công nhận rằng người lãnh đạo mang theo nền tảng tinh thần kỷ luật thực thụ đầu tiên tới Việt Nam là Triệu Đà. Tinh thần kỷ luật này là điều cần thiết khi mà Triệu Đà nắm giữ một binh lực lớn. Ông ta không chỉ đủ sức chiếm giữ nước Việt mà còn chinh phạt các tỉnh biên giới của Trung Quốc. Triệu Đà xưng làm Nam Việt Vương vào năm 207 TCN. Tới 28 năm sau nhà Hán vẫn phải nể vì, viết thư với lời lẽ khiêm hạ để thiết lập quan hệ hòa hiếu. Qua đó có thể thấy rằng quân đội của Triệu Đà duy trì được tinh thần kỷ luật khá lâu dài. Nếu đúng theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì chiến dịch quân sự công kích lên Trường Sa của Nam Việt tiến hành vào năm 181 TCN, tức là 26 năm sau ngày lập quốc. Các sử gia Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên khi viết về Triệu Đà đều bày tỏ thái độ vô cùng trân trọng. Lê Văn Hưu viết “…người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi… Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài…” (2) Qua đó thì thấy rằng những bậc sử gia tiên phong của nước ta từ xa xưa đã có tầm nhìn xa, xem nhẹ sự kỳ thị chủng tộc để công nhận vai trò quan trọng của nền móng kỷ cương mà Triệu Đà đã xây dựng được.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)