Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Vốn xã hội trong phát triển (Hà Nội, 24.6.2006)
Xuất hiện lần đầu tiên năm 1961 do nhà xã hội học Jane Jacob nêu ra và đã được nhiều học giả, nhiều tổ chức quốc tế nghiên cứu phát triển, nhưng “vốn xã hội” vẫn là một khái niệm còn rất mới mẻ ở nước ta. Hội thảo khoa học “Vốn xã hội trong phát triển” do Tạp chí Tia Sáng - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào ngày 24/6 vừa qua được xem là cuộc hội thảo đầu tiên - chính thức ở Việt Nam đã được đông đảo các học giả, trí thức khoa học có uy tín trong và ngoài nước tham dự.
Sau tham luận đề dẫn của Luật sư Nguyễn Ngọc Bích và ông Johnathan Pincus, chuyên gia kinh tế của UNDP, các đại biểu đã đưa ra những câu hỏi khác nhau. Ông Việt Phương – Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nêu con số cụ thể nói về sự phong phú của khái niệm vốn xã hội: chỉ mất hai giờ đồng hồ đọc Internet, ông thấy trên một trang Web phong phú đa dạng, có đến 6.780.000 tài liệu, và trên một trang khác tầm cỡ trung bình khá, lượng bài nói về nó cũng lên tới 37.700.000 tài liệu. Nghĩa là không thể nào đọc hết các giải nghĩa khác nhau về vốn xã hội. Tuy nhiên, “bớt đi những chi tiết rắc rối” như đề xuất của ông Nguyễn Trung – căn cứ trên những phác thảo thì “vốn xã hội” đều có xuất xứ từ Châu Âu, trong quan điểm P. Bourdieu (1986), Coleman (1989), Putnam (1993)…. và nó được đặt trong những mối quan hệ tương tác với quan hệ Nhà nước. Đó không phải là quan hệ trực tiếp mà là mối quan hệ xét ở tầng biểu tượng, có thể tạo ra những khả năng, một cái vốn thật sự, với những đặc tính của “vốn” là có sẵn, có thể sử dụng, đưa vào kinh doanh và sinh lợi. Như vậy, vốn xã hội là những mối liên hệ, tức là những gì trừu tượng, có thể trở thành lực lượng vật chất, thành vốn vật chất (nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc). Mặt khác, nói đến vốn xã hội, cũng tức là xã hội Dân sự. Ý kiến này được sự đồng thuận của các đại biểu Lê Đăng Doanh, Nguyễn Ngọc Bích, Đặng Kim Sơn, Trần Hữu Dũng, Lê Đạt, Thái Kim Lan, hoặc mở rộng là một Xã hội Dân chính trong trình bày của GS Ngô Vĩnh Long (Mỹ)…
Ở nước ta, vốn xã hội đã từng được đề cập trong “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông (TK 13), ở triều đại nhà Lê (TK 15), hoặc như ý kiến của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân – được hình thành xuyên suốt quá trình hình thành những yếu tố văn hóa từ thế kỉ 16 đến thế kỉ 19… Nhưng hiện nay nó đang đứng trước thực trạng là tuy sẵn có, lại không được phát huy đúng mức, thậm chí, một phần đã bị triệt tiêu và đang hình thành vốn xã hội tiêu cực. Theo GS Hoàng Tụy, vốn xã hội được khởi đầu từ nhân tố con người, nhưng giáo dục – yếu tố xây dựng và phát triển con người ở nước ta đang lâm vào căn bệnh nặng nề: “Bệnh dối trá xuất hiện ở chính bộ phận lãnh đạo, trong cơ chế lựa chọn đề cử cán bộ lãnh đạo. Đó cũng là nguyên nhân vì sao tệ tham nhũng phát triển mạnh mẽ ở nước ta”. Đồng thuận với ý kiến này, GS Ngô Vĩnh Long cho rằng nguyên nhân vốn xã hội đang bị mai một là do “nhà nước hóa mọi thứ, người dân vẫn chưa được quyền ăn nói và giám sát”…
Dù bằng tên gọi này hay tên gọi khác, nguyên nhân khiến vốn xã hội đứng trước “nguy cơ phá sản” liên quan đến vấn đề cốt lõi của “phân quyền” (Cao Chi), “thể chế” ( Hoàng Tụy), của những mối quan hệ Nhà nước – Xã hội – Con người. Vậy, làm thế nào để phát huy được vốn xã hội? Một nhà nước Pháp quyền – xã hội Dân sự sẽ là điều kiện đầu tiên, cơ bản – giải pháp đó gặp được hầu hết sự tán thành và nhấn mạnh của các học giả.
Trong số báo này và số tiếp theo, Tia Sáng xin trích đăng một số tham luận với mong muốn sẽ nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung được đề cập đến tại cuộc Hội thảo này.
Danh sách các đại biểu có tham luận tại Hội thảo
1. TS. Nguyễn Ngọc Bích; 2. Nhà văn Nguyên Ngọc; 3. GS. Phan Đình Diệu; 4. Nhà thơ Lê Đạt; 5. TS. Lê Đăng Doanh; 6. Ông Nguyễn Trung; 7. GS. Tương Lai; 8. GS. Nguyễn Quang A; 9. TS. Đặng Kim Sơn; 10. TS. Trần Ngọc Thơ; 11. Ông Phan Chánh Dưỡng; 12. GS. Phạm Duy Hiển; 13. Ông Trần Hữu Quang; 14. Họa sĩ Nguyễn Quân; 15. Ông Nguyễn Vạn Phú; 16. Ông Trần Minh Trọng; 17. Ông Nguyễn Duy Thuận; 18. Bà Nguyễn Thị Oanh; 19. Ông Đặng Mộng Lân; 20. TS. Nguyễn Trần Dương; 21. Bà Nguyễn Thị Sơn; 22. Ông Vũ Quốc Tuấn; 23. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ; 24. GS. Trần Hữu Dũng; 25. Ông Quý Đỗ (Mỹ); 26. GS. Ngô Vĩnh Long (Mỹ); 27. GS. Trần Kiêm Đoàn (Mỹ); 28. KTS. Văn Ngọc (Pháp); 29. GS. Tôn Thất Nguyễn Thiêm (Bỉ); 30. GS. Thái Kim Lan (Đức). 31. Ông Jonathan Pincus (UNDP). |