Lạm bàn về “Trí thức”
Cách đây mấy năm, sau sự việc một Diễn đàn khoa học của anh chị em trí thức trong và ngoài nước, nhằm trao đổi ý kiến và thảo luận về các vấn đề xây dựng và phát triển đất nước, đã được chuẩn bị công phu nhưng rồi không được tiến hành nữa, nhiều anh chị em đã gửi thư cho tôi, vừa thắc mắc vừa thông cảm, tôi nhớ nhất là thư của anh Cao Huy Thuần, giáo sư Đại học Pháp, trong thư đó để lý giải sự việc, anh đã trình bày một lý thuyết sâu sắc về trí thức và vai trò của trí thức trong thế giới hiện đại.
Dù là intellectuel ở phương Tây hay là kẻ sĩ ở phương Đông, người trí thức ở đâu và bao giờ cũng là người có học vấn cao và có ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với sự tiến bộ của xã hội mà mình đang sống. |
Cái ý thức xem mọi việc trong trời đất cũng là việc của chính mình làm cho người trí thức luôn luôn mong muốn tìm hiểu sự thật, nói lên sự thật, và từ đó nhìn thấy được những gì là khiếm khuyết trong hiện hữu, do đó cũng là những người thường có ý kiến phản biện, phê bình, và bằng phê bình như vậy mà góp phần giúp xã hội ý thức được chính mình, tiến tới một trật tự tốt hơn, hoàn thiện hơn.
Ta có thể nói đến việc tổ chức đào tạo một đội ngũ lao động trí óc hay chuyên gia về quản lý kinh tế, về khoa học, công nghệ, v.v. Từ trong đội ngũ lao động trí óc hay chuyên gia đó sẽ nẩy sinh những trí thức, nhiều ít ra sao sẽ không phụ thuộc vào một kế hoạch đào tạo nào cả mà chủ yếu phụ thuộc vào ý thức phấn đấu và lòng mong muốn của từng người chuyên gia đó có nhiều hay ít. Vì vậy, tuy không thể, và không nên nói đến một kế hoạch đào tạo đội ngũ trí thức nào cả, nhưng do để xã hội nhanh chóng phát triển và tiến bộ, ta vẫn có thể nói đến việc bồi dưỡng và tạo môi trường thuận lợi cho trí thức phát triển để ngày càng có nhiều đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của đất nước và xã hội.
Một môi trường để tạo thuận lợi cho phát triển trí thức trong điều kiện hiện nay trước hết phải là một môi trường cho sự giao lưu thông tin và tri thức một cách tự do và thông suốt: một người muốn trở thành trí thức hoặc giữ được vị trí một trí thức phải thường xuyên độc lập tư duy và đổi mới tư duy về mọi vấn đề chuyên môn mà anh quan tâm cũng như các vấn đề của xã hội, của đất nước; đồng thời phải được tự do sáng tạo, luôn tham gia vào những sinh hoạt nhằm trao đổi, thảo luận, tranh luận về những đề tài thời sự trong đời sống xã hội; có ý kiến phê phán, phản biện đối với các chủ trương, giải pháp của các cơ quan quản lý mà xã hội đang quan tâm, v.v… Đó là những quyền tự do dân chủ của mọi công dân mà Hiến pháp nước ta cũng như các Công ước quốc tế mà nước ta tham gia đã ghi khá đầy đủ: quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo, tự do về ý kiến và ngôn luận, tự do xuất bản, tự do hội họp và lập hội hoà bình, v.v… Vấn đề còn lại là Nhà nước ta cần có nhiều biện pháp cụ thể hơn để mọi công dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do dân chủ đó mà thôi. Tôi tin tưởng rằng một khi các quyền tự do đó được tôn trọng và được thực hiện đầy đủ thì giới trí thức nước ta sẽ được phát triển nhanh chóng hơn nhiều, nguồn của cải trí tuệ của dân tộc sẽ được phát huy mạnh mẽ, góp phần to lớn vào công cuộc hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.
—————
1 Xem bài “Thư gởi anh Diệu” trong sách Cao Huy Thuần Thế giới quanh ta, NXB Đà nẵng, 2007, trang.59-72.