Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân khiến cuộc chiến chống tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu chủ yếu là gặp nhiều trở ngại từ những viên chức đã lạm dụng quyền lực chính trị để tiến hành những thủ đoạn tham nhũng.
Nếu định nghĩa lạm quyền là làm những việc vượt quá mức độ, phạm vi và tính chất quyền hạn được quy định của quyền lực, thì tệ nạn lạm quyền ở Việt Nam hiện nay là một hiện tượng phức tạp không thể tóm tắt trong một mệnh đề. Bởi vì ở đây hiện có hai cơ chế quyền lực trộn lẫn vào nhau, một là cơ chế cũ hay nói đúng hơn là tàn dư của thời bao cấp, một là cơ chế mới mà hạt nhân lý thuyết là việc chấp nhận kinh tế thị trường. Tình hình không đồng bộ ấy vừa phản ảnh tình trạng không thống nhất trong thể chế, thiết chế và cơ chế chính trị – hành chính Việt Nam hiện nay, vừa thể hiện khoảng cách giữa bộ máy Nhà nước với đời sống xã hội. Đây là những nguyên nhân pháp quyền và xã hội của tệ nạn lạm quyền hiện tại, những nguyên nhân mà đáng tiếc là không thể xóa bỏ trong một sớm một chiều. Nhưng điều đáng nói là chính vì cái tệ nạn lạm quyền này cứ lan tràn phát triển theo cấp số nhân, nên xã hội Việt Nam mới phải đối đầu với quốc nạn tham nhũng như người ta đang thấy… Có thể nói chưa bao giờ trong xã hội Việt Nam gần như bất cứ ngành nào cấp nào cũng có sự lạm quyền, bất cứ cơ quan nào tổ chức nào cũng có quyền lạm quyền. Tệ nạn lạm quyền không những khiến hình ảnh bộ máy Nhà nước, trong con mắt người dân cứ ngày càng xấu đi, mà còn khiến bản thân bộ máy này không thể vận hành một cách bình thường: không ít người có quyền hạn đã công khai phát biểu rằng mình không thể sử dụng quyền hạn hợp pháp của mình, và lý do dẫn tới kết quả phi lý này không gì khác hơn là ở đầu bên kia có những vụ lạm quyền đang được thực hiện. Dĩ nhiên giữa lạm quyền và tham nhũng còn có một dạng trung gian, đó là việc hối mại quyền lực, song điều cần lưu ý là ở Việt Nam việc lạm quyền đã có truyền thống từ thời bao cấp còn việc hối mại quyền lực chủ yếu chỉ mới xuất hiện trong thời kinh tế thị trường. Cho nên việc kiện toàn bộ máy tổ chức và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật hiện nay phải tập trung vào mục tiêu đảm bảo cơ chế nghiêm minh và dân chủ trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, một cơ chế rất hay ngủ quên trên các văn kiện pháp luật song để đánh thức lại cần rất nhiều thủ tục hay lộ trình pháp lý nhiêu khê… Cần nhắc lại một sự trùng hợp không phải ngẫu nhiên: tất cả các vụ tham nhũng được đưa ra ánh sáng trước nay đều nảy sinh trong tình trạng không nghiêm minh và tiến triển trong hoàn cảnh không dân chủ. Báo chí phản ảnh cảnh sát giao thông, hải quan làm luật nhưng nhiều cá nhân trong cảnh sát giao thông và hải quan vẫn thản nhiên làm luật, và người ta có thể nêu ra vô số ví dụ về việc những người chống tham nhũng bị vùi dập, trả thù. Lạm quyền dung dưỡng tham nhũng, còn tham nhũng kích thích lạm quyền.
***
Nhìn từ khía cạnh triết học của vấn đề, quyền lực luôn giúp con người thực hiện chính mình, nên nó chỉ làm người thường mạnh hơn chứ không phải lớn lên như các vĩ nhân, chính điều này đã dẫn tới sự lạm quyền như cách thức thực thi quyền hạn và phương thức tồn tại quyền lực phổ biến ở những kẻ yếu. Nhưng đó không chỉ là một đề tài suy ngẫm, bởi trong cái ly đã khá đầy sự lạm quyền của bộ máy Nhà nước hiện tại, tham nhũng chẳng qua chỉ là những giọt nước sau cùng…
(Visited 1 times, 1 visits today)