Lắng nghe ý kiến của dân về công tác nhân sự

Đang có sự khởi sắc trong sinh hoạt tinh thần xã hội qua việc Đảng chủ trương tiến hành lấy kiến của dân đóng góp vào “Dự thảo Báo cáo Chính trị” trình Đại hội X.

Góp ý kiến vào đường lối đương nhiên là cần. Diện tranh luận đang được mở rộng và khơi sâu. Thái độ độc quyền chân lý, áp đặt tư duy đang bị đẩy lùi một bước. Mà đẩy lùi được vì cái tệ “tùy tiện quy kết” cho những ý kiến dám trái với tai của người có quyền, nhất là một nhúm người tự tung tự tác ngộ nhận quá đáng về quyền lực của mình, đã không thể tùy tiện mãi được. Vì “chân thành lắng nghe và trung thực tiếp nhận” là nguồn sinh lực của Đảng. Hơn nữa, quan điểm và chủ trương đã được hiện thực hóa bằng một chỉ thị của Trung ương ngày 3.2.2006. Qua những đóng góp, người ta càng nhận ra một sự thật rõ ràng: chỉ dựa vào dân thì mới có thể chỉnh đốn và đổi mới Đảng được. **
Lý luận đã vậy, thì tuyển chọn người đảm trách việc thực thi đường lối, tổ chức, chỉ đạo thực hiện, càng cần có ý kiến đóng góp của dân. Vì rằng, “cán bộ là gốc của mọi công việc… Muốn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý…”*. Mà có lẽ, nhận xét, góp ý kiến để chọn cán bộ xứng đáng đảm trách việc lớn của Đảng, của nước, của dân thì dân càng có nhiều ý kiến, mà là những ý kiến xác đáng. Bởi vì, dân “chẳng những trông thấy người tốt việc tốt, mà họ cũng trông thấy những người xấu việc xấu trong Đảng… Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh. Họ so sánh bây giờ và họ so sánh thời kỳ đã qua… Dân chúng so sánh đúng và giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì sự so sánh kỹ càng đó, mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng, hợp lý, công bình… dựa theo ý kiến họ mà cất nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra việc thiên tư thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng”*. Lấy kiến dân về vấn đề cực kỳ quan trọng này là một việc cần kíp, nên đặt ra cùng với việc lấy ý kiến về “Dự thảo báo cáo…”.
Có thể có nhiều cách chân thành lắng nghe và trung thực tiếp nhận ý kiến của dân góp về công tác nhân sự của Đại hội X, nhưng tiện nhất là có 2 cách. Cách thứ nhất là góp ý kiến trực tiếp với Đảng qua phát biểu tại các cuộc họp hoặc qua thư. Cách thứ hai là góp với các đại biểu của Đại hội. Ở đây, xin trình bày suy nghĩ về cách thứ hai.
“Chuẩn bị nhân sự” là một việc hệ trọng. Đó là công việc của BCHTƯ với “tiểu ban nhân sự” chuẩn bị để đưa ra trước Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Đây là một bước công tác cần thiết nhưng cũng thật là tế nhị, làm thế nào để không vi phạm Điều lệ Đảng là cả một vấn đề. Vì theo Điều lệ, “cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc”, và “giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban chấp hành Trung ương”. Bởi vậy, về nguyên tắc, chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc mới có thẩm quyền bầu ra BCHTƯ mới và các cơ quan khác của BCHTƯ như Bộ Chính trị, Ban Bí thư…, ý kiến thảo luận và lá phiếu kín của mỗi đại biểu, thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, có giá trị như nhau. Cho nên mỗi đại biểu đến Đại hội với gánh nặng quốc gia, phải làm sao thay mặt cho dân tuyển chon

được nhân tài xứng đáng gánh vác việc Đảng Mà việc Đảng chính là việc nước, vì Đảng là Đảng cầm quyền. Do đó, nghĩa vụ và lương tâm của từng đại biểu được cử đến Đại hội là lắng nghe ý kiến trung thực và thẳng thắn của dân về những người hiện nay đang gánh vác trọng trách quốc gia và những người sẽ gánh vác những nhiệm vụ nặng nề đó. Họ “đại biểu” cho ai? Cho trí tuệ không chỉ của đảng viên Đảng bộ tỉnh hay thành phố, đương nhiên về danh nghĩa cơ bản là như vậy, mà là đại bỉểu cho nguyện vọng và lợi ích của hàng triệu công dân của tỉnh, của thành phố và rồi của cả nước. Nét tự hào đích thực của một Đảng lãnh đạo và sức sống của Đảng được vun đắp từ chính điều đó. Dân hướng về “Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ X” cũng là kỳ vọng ở thực chất nội dung của khái niệm “đại biểu” đó.
Làm sao ý kiến nguyện vọng của dân đóng góp vào việc tuyển chọn cán bộ tham gia vào BCHTƯ và những cán bộ sẽ giữ những trọng trách của Đảng, của Nhà nước được các “đại biểu Đại hội” lắng nghe, để những ý kiến đó thật sự có giá trị giúp vào việc cân nhắc, bàn bạc những gợi ý của “Tiểu ban nhân sự” chuẩn bị cho Đại hội, để do đó mà ý kiến trao đổi, thảo luận và lá phiếu bầu của họ có sức nặng của trí tuệ và nguyện vọng của đảng viên và nhân dân. Làm được như thế thì những công việc chuẩn bị, những gợi ý của những người có trách nhiệm chuẩn bị giữ đúng ranh giới cần thiết của gợi ý mà không là “kịch bản” soạn sẵn cứ thế mà thực hiện, vi phạm Điều lệ Đảng về“cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc”.
Xin gợi lại ý kiến của Bác Hồ: “Có nhiều cách hỏi ý kiến dân chúng. Nói chuyện với từng người. Nói chuyện với đông người. Khai hội, nói chuyện với tầng lớp này, nói chuyện với tầng lớp khác, với mỗi tầng lớp. Nếu ta chịu khó, chịu suy nghĩ, bất kỳ nói chuyện với ai cũng có ích cho tư tưởng của ta”.*
Vấn đề chỉ còn ở chỗ những đại biểu đi dự đại hội có thấy hết nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với dân với Đảng hay không?
————-
*   Hồ Chí Minh.  “Sửa đổi lối làm việc”. NXBCTQG &NXBTrẻ. 2000.; tr.19, tr.49,tr.58, tr.93, tr.94
**  Xem “Chân thành lắng nghe và trung thực tiếp nhận”. Tia Sáng số 4. 20.2.2006 và “ Tin vào dân… ”báo “NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN” ngày 21.2,2006 và “Nghĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh” số ra ngày 3.2.2006

Tương Lai

Tác giả