Live & Learn: Kết nối những nỗ lực cộng đồng để giải quyết ô nhiễm không khí

Với lợi thế của một tổ chức NGO, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) đã trở thành điểm kết nối các nguồn lực chính quyền, cộng đồng và các tổ chức quốc tế để cùng hướng tới một bầu không khí xanh, sạch hơn cho các thành phố như Hà Nội, thông qua một loạt giải pháp bền vững.

Ô nhiễm không khí tại đô thị đã trở thành vấn đề mới nổi | Ảnh: Live&Learn
Ô nhiễm không khí tại đô thị đã trở thành vấn đề mới nổi | Ảnh: Live&Learn
 
Vào một ngày cuối năm 2019, khi tình cờ mở ứng dụng điện thoại theo dõi Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) để lên kế hoạch du lịch Đà Lạt, một vài bạn trẻ Hà Nội thấy các điểm đo ở đây đều hiện lên màu đỏ rực – báo hiệu chất lượng không khí xấu. Điều này khá kì lạ bởi Đà Lạt nổi tiếng là thành phố trong lành. Họ xôn xao lên diễn đàn hỏi liệu có phải Đà Lạt giống các tỉnh phía bắc Thái Lan đốt rác nông nghiệp không? Có ý kiến cho rằng đấy là do đốt phủ thực bì chống cháy rừng trước mùa khô?
 
Ngay lập tức, một số phóng viên tìm đến tận nơi và kết quả là thông tin bãi rác Cam Ly của thành phố đang bốc âm ỉ nhiều ngày qua khiến một vài người dân xung quanh đã phải tạm di dời do khó thở, dẫu chính quyền vẫn nỗ lực triển khai dập cháy. Rút cục nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đã chọn hoãn chuyến đi, chờ thời điểm thích hợp hơn.
 
Nếu cách đây vài năm, một vụ ô nhiễm không khí (ONKK) kiểu này khó có thể được biết và phản hồi trong vòng vài giờ như thế, nhưng giờ đây một số người đã có ý thức và công cụ để theo dõi tình hình diễn biến không khí quanh mình.
 
Tương tự một số nước đang phát triển trên thế giới, ONKK đang trở thành vấn đề mới nổi của Việt Nam. Và cũng như nhiều vấn đề tác động sâu rộng đến đời sống dân sinh khác, để giải quyết vấn đề ONKK không chỉ đòi hỏi sự “ra tay” của nhà nước mà còn cần rất nhiều nỗ lực từ cộng đồng. Nhận thấy vùng đất chưa ai khai phá, Live & Learn – một tổ chức vốn tập trung vào mảng giáo dục môi trường, biến đổi khí hậu và năng lượng bền vững – đã nhanh chóng xây dựng chương trình hành động và trở thành cầu nối thu hút các bên liên quan cùng giải quyết vấn đề không khí.
 
Phổ biến khoa học công dân
 
Nguyên cớ để Live& Learn chuyển hướng thật tình cờ. Từ thời gian đầu thành lập vào năm 2009, thông qua một số hoạt động đào tạo, các thành viên của Trung tâm đã bất ngờ khi biết Hà Nội và TP.HCM được quốc tế xếp vào một trong những thành phố bụi nhất thế giới. Thậm chí khi ấy khái niệm bụi mịn PM2.5 còn chưa được nhắc đến. Từ đó, họ lặng lẽ để tâm đến vấn đề ONKK tại thành phố.
 
Vào khoảng năm 2014, khi phát động một chương trình tìm kiếm sáng kiến ứng dụng khoa học công nghệ mới cho các vấn đề xã hội – môi trường, Live &Learn bắt gặp câu chuyện giải quyết ONKK đáng khâm phục ở Trung Quốc: tại đây, ứng dụng thông báo chất lượng không khí trở thành 1 trong 5 app điện thoại cần có. Bắc Kinh cũng bắt đầu tăng tốc hành động chống ô nhiễm từ chính nhận thức cộng đồng này. [https://e-cso.weebly.com/china-air-quality-index.html].
 
Live & Learn đã chia sẻ bài học này với không ít nhóm khởi nghiệp công nghệ thông tin ở Việt Nam nhưng khi đó chưa ai đi được đến cùng. Ngay cả khi Đại sứ quán Hoa Kì lắp đặt máy quan trắc chất lượng không khí tại Láng Hạ (Hà Nội) cuối năm 2015 để chia sẻ công khai dữ liệu trên website thì vẫn không nhiều người quan tâm hoặc hiểu vấn đề. Đến năm 2016, toàn Hà Nội mới chỉ có 3 trạm đo chất lượng không khí cung cấp thông tin công khai.
 
Trong khi phần lớn các tổ chức phi chính phủ khác thường hoạt động tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, Live & Learn chuyển hướng chú ý tới đô thị – nơi được xem là phát triển hơn nhưng lại tiềm ẩn một loạt nguy cơ chưa được đánh giá đầy đủ vì mật độ dân cư cao và không gian sinh hoạt khép kín. Họ nhận ra, để lôi kéo sự chú ý thì cộng đồng sẽ cần nhiều thông tin hơn.
 
Người dân lắp đặt thiết bị cảm biến để theo dõi chất lượng không khí xung quanh  | Nguồn: PAM Air

Người dân lắp đặt thiết bị cảm biến để theo dõi chất lượng không khí xung quanh
 
Do đó, Live & Learn thúc đẩy sự phát triển khoa học công dân thông qua việc hỗ trợ 3 đơn vị làm sản phẩm máy cảm biến đo chất lượng không khí giá thấp “made in Vietnam”, gồm PAM Air của công ty D&L, FairKit của trường ĐH Công nghệ và AirSENSE của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội – với mục đích làm tăng nhận thức và, phần nào đó, bổ sung dữ liệu cho người dân và các nhà khoa học về chất lượng không khí.
 
Có thể nói mạng lưới cảm biến thông minh với chi phí thấp này đã “trao quyền” cho người dân và giới truyền thông để có căn cứ lên tiếng khi phát hiện tình hình không khí bất thường xung quanh. Nhờ có mạng lưới, bất kì ai cũng có thể dễ dàng theo dõi sự thay đổi màu sắc của chỉ số chất lượng không khí, và chủ động có cách ứng phó thông thường như đeo khẩu trang, thay đổi lộ trình đi lại, hoặc theo dõi các nguồn ô nhiễm và ngăn chặn nguồn thải nhỏ…
 
Ý tưởng để người dân tự theo dõi không gian sống của mình không phải quá mới mẻ. Trước đây đã có một vài dự án cho phép người dân đi dọc bờ biển hàng sáng để phát hiện có cá chết hay theo dõi sinh vật trong các khu rừng để báo cho chính quyền. Hành động này hiệu quả hơn so với việc chỉ dựa vào cơ quan quản lý hay nhà khoa học, bởi không một tổ chức hay chính phủ nào đủ nguồn lực để đến kiểm tra định kì tại mọi khu rừng hay bãi biển. Điều đó cũng khiến người dân cảm thấy làm chủ được mảnh đất và tài nguyên, từ đó thay đổi việc khai thác theo hướng bền vững hơn bởi họ hiểu rằng đây là “môi trường của tôi, vấn đề của tôi”.
 
Tương tự, máy đo chất lượng không khí chi phí thấp cũng vận hành dựa trên thông tin từ cộng đồng, nhưng nhờ công nghệ cảm biến tự động và Internet vạn vật mà thông tin liên tục được công khai và cập nhật theo thời gian thực. “Khi hình thức khoa học công dân này phát triển, kết hợp với các bằng chứng khoa học rõ ràng, chúng ta sẽ tạo được áp lực cho các cá nhân, công ty hoặc đối tượng xả thải thay đổi hành vi của mình và đồng hành cùng các cơ quan quản lý để bảo vệ môi trường hiệu quả hơn”, chị Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Live & Learn, chia sẻ.
 
Kéo các bên liên quan ngồi lại
 
ONKK có nguy cơ ảnh hưởng lâu dài nhiều mặt nhưng tác động lại không thể nhìn thấy ngay trước mắt. Dư luận trong nước mới chỉ thực sự chú ý đến vấn đề này từ vài năm nay, đặc biệt khi hồi đầu năm 2019 báo chí liên tục đưa tin về xếp hạng ô nhiễm của Hà Nội so với thế giới. Người dân bắt đầu hoang mang, nhưng cũng chỉ biết đến thực trạng và tự tìm cách bảo vệ mình như đeo khẩu trang, mua máy lọc bụi. Còn rất nhiều câu hỏi để ngỏ như Ô nhiễm đến từ đâu? Ai chịu trách nhiệm? Nó ảnh hưởng đến cư dân như thế nào? Giải pháp đối phó ra sao?… Tuy nhiên để giải quyết vấn đề phức tạp này giống như nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan đã làm, cần phải có một quá trình bền bỉ không chỉ của chính quyền mà cả các doanh nghiệp và cộng đồng.
 
Đứng trước bài toán lớn này, xây dựng mạng lưới hợp tác là điều tiên quyết. Khi xem xét trong nước có những gì, Live & Learn nhận thấy không ít nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu về vấn đề này từ nhiều năm nhưng kết quả nghiên cứu của họ không được biết đến, một phần vì lúc đó không mấy ai để tâm đến chất lượng không khí – vốn là thứ ‘vô hình’ chẳng thể theo dõi bằng mắt thường như ô nhiễm đất, nước thải hay rác; một phần cũng vì rào cản ngôn ngữ khoa học khiến các công trình nghiên cứu mới chỉ dừng ở mức công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Thêm vào đó, các văn bản luật về quản lý chất lượng không khí vẫn chưa được chú trọng xây dựng và tồn tại không ít lỗ hổng để kiểm soát và phát hiện nguồn xả thải. Chính quyền các cấp cũng chưa xây dựng được kế hoạch hành động khả thi nào bởi lý do đơn giản ‘thiếu dữ liệu đầu vào’.
 
Ban đầu chúng tôi không biết ai sẽ là người quan tâm, ai sẽ là người mong muốn làm tới cùng” – chị Đỗ Vân Nguyệt kể lại. Họ đã tổ chức nhiều buổi hội thảo kết hợp cả khoa học, chính sách và lấy ý kiến cộng đồng để thu hút các bên liên quan – từ những nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý ở Sở TN&MT, doanh nghiệp khởi nghiệp, các trường học, tổ chức phi chính phủ, tổ chức vì cộng đồng, các tổ chức quốc tế ở Hàn Quốc và ASEAN, các tổ chức truyền thông và người dân quan tâm.
 
Một điểm sáng tạo của Live & Learn là biến các buổi gặp gỡ giữa những dự án ONKK trong nước và quốc tế thành nơi trao đổi hai chiều: không chỉ làm theo ‘format’ thông thường là lắng nghe kinh nghiệm nước ngoài mà còn khiến đối tác và tổ chức Việt Nam (cả nhà nước và tư nhân) chia sẻ kinh nghiệm của chính để các bên hiểu rõ nhau hơn và thậm chí đi đến sáng kiến phối hợp.
 
Ở những buổi gặp gỡ như vậy, việc tiếp cận với chuyên gia trở nên dễ dàng và cởi mở hơn. Mọi người sẵn sàng trao đổi những góc nhìn trong ngành hẹp của mình, hiểu được khó khăn của các bên khác khi thực hiện và từ đó tìm ra cơ hội hợp tác liên ngành. Đây cũng là nơi khơi mào nhiều hợp tác và sáng kiến, một trong số đó là sự bắt tay giữa nhóm nghiên cứu về nguồn ONKK cho Hà Nội với chuyên gia sức khỏe (ĐH Công nghệ và ĐH Y tế Công Cộng) để làm báo cáo về tình hình ô nhiễm và gánh nặng bệnh tật do ONKK tại Hà Nội (dự kiến hoàn thành cuối năm 2020).
 
Chị Đỗ Vân Nguyệt (bên phải) trong buổi hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội: Hợp tác 2020 và những năm tiếp theo” tháng 1/2020.

Chị Đỗ Vân Nguyệt (bên phải) trong buổi hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội: Hợp tác 2020 và những năm tiếp theo” tháng 1/2020.
 
Đó là những kết quả trước mắt. Mục tiêu lâu dài của Live & Learn là tạo ra sự phối hợp hành động của tất cả các bên liên quan trong việc cải thiện chất lượng không khí. Chị Đỗ Vân Nguyệt cũng dự đoán “đây là một quá trình lâu dài”. Tín hiệu đáng mừng là một số cơ quan quản lý tỏ ra thực sự đón nhận những đóng góp từ phía nhà khoa học và các tổ chức xã hội, đồng thời đã đưa chúng vào quy trình chính sách. Chẳng hạn năm 2019, UBND Hà Nội ban hành chỉ thị thay thế và loại bỏ toàn bộ bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố. Quyết định này được xây dựng sau một loạt thử nghiệm liên quan tới nghiên cứu tác hại của khí than tổ ong đến sức khỏe và xem xét hiệu quả thay thế của các loại bếp thân thiện hơn với môi trường do trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện.
 
Hiện nay, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đang cùng một số tổ chức phát triển (như World Bank, Live&Learn…) và các nhà khoa học để thực hiện một số nghiên cứu và giải pháp khác, bao gồm: xác định rõ các nguồn thải chính gây ảnh hưởng đến Hà Nội, kiểm soát đốt rơm rạ ở ngoại thành, thử nghiệm kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy.
 
Theo đại diện của Live&Learn, một chính sách tốt đòi hỏi nhiều điều kiện nhưng có lẽ nhân tố quan trọng nhất vẫn là việc những người thuộc khu vực công thực sự quan tâm và lắng nghe ý kiến khoa học từ các bên – điều mà Hà Nội đang có chuyển biến tích cực.
 
Đánh giá bằng tác động
 
Có rất nhiều thành bại của một dự án cộng đồng, phụ thuộc phần lớn vào năng lực đội ngũ thực hiện và sự ủng hộ của các bên liên quan, bao gồm cả nhà tài trợ. Đôi khi nguồn lực nhỏ khiến các dự án có thể quản lý tốt và giữ chất lượng, nhưng lại khó có được bước đi dài hơi. Ngược lại, nguồn lực lớn đôi khi có thể khiến tổ chức thực hiện thiếu đi sự sáng tạo, có khả năng ỷ lại vào những giải pháp tốn kém và có xu hướng quán trị cồng kềnh.
 
Năm 2017, khi nộp hồ sơ cạnh tranh với nhiều dự án khác về sức khỏe môi trường, vấn đề ô nhiễm không khí đô thị mà tổ chức này đề xuất đã được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) lựa chọn – không chỉ bởi chủ đề “mới” mà còn vì cách tiếp cận sáng tạo dựa trên khoa học công dân, ứng dụng công nghệ và sự tham gia của nhiều bên. Dự án triển khai dưới cái tên “Không khí sạch – Thành phố xanh” kéo dài từ năm 2017- 2022.
 
Live & Learn may mắn có được một cơ chế tài trợ linh hoạt và hướng tới tác động từ USAID, do vậy họ hoàn toàn chủ động trong việc điều chỉnh các hoạt động tương ứng với tình hình thực tế, chứ không bị phụ thuộc vào các kế hoạch khuôn mẫu ban đầu. “USAID đánh giá chất lượng theo đầu ra, do vậy chúng tôi luôn có động cơ phải liên tục học hỏi và làm việc hiệu quả nhất có thể”, chị Đỗ Vân Nguyệt bộc lộ.
 
Nhờ sự tự chủ nhất định, trong gần 3 năm qua, tổ chức phi chính phủ này đã triển khai được một loạt hoạt động và phủ sóng liên tục trong nhiều cộng đồng – từ ngắn hạn như hội thảo kết nối, sự kiện tuyên truyền, cuộc thi ở trường học, cho đến dài hạn như tài trợ các sáng kiến cộng đồng, tài trợ chương trình khoa học công dân với máy đo và ứng dụng theo dõi chất lượng không khí. Đại diện Live & Learn cho biết, các nỗ lực từ năm 2017 đến nay vẫn đang là ‘xới xáo’ và kết nối những bên quan tâm, nhưng từ năm 2020 trở đi sẽ có nhiều hợp tác và đầu tư nghiên cứu với các bên một cách sâu sắc, rõ nét hơn./.
 
 

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)