Livestream đối thoại chính sách: Khi người dân được tương tác

Một chuỗi livestream của các lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) xung quanh chính sách chống dịch, lộ trình mở cửa tới đây đã thu hút tới 4-5 triệu người theo dõi, hàng chục nghìn người đặt câu hỏi, cho chúng ta thấy nhu cầu được tương tác, được hỏi nhà quản lý của người dân là rất lớn. Điều ấy có thể sẽ khiến cho quá trình ban hành chính sách sẽ phải thay đổi theo một cách thức mới.

Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu chống dịch, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM cùng các Phó Chủ tịch thay phiên livestream trên Facebook về chính sách chống dịch của thành phố. Những buổi livestream chính sách tưởng chừng “khô khan” trong suốt hơn một tiếng đồng hồ – nếu so với những buổi livestream “bóc phốt” của các nhân vật nổi tiếng – lại trở nên thu hút hấp dẫn đông đảo người dân, đã cho thấy một nhu cầu truyền thông chính sách đi vào thực chất. Chỉ cần người dân được hỏi, được nói đúng điều đang bức xúc, thắc mắc, được trả lời ngay một cách trực tiếp, bằng ngôn ngữ giản dị thường ngày không “phông bạt màu mè”, không lòng vòng là đủ thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem trực tiếp hàng chục nghìn lượt chia sẻ, cả chuỗi có khoảng 4-5 triệu người theo dõi.  


Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM (giữa)  trong chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”. Ảnh: Dân trí. 

Chuỗi phát trực tiếp này diễn ra trong bối cảnh TP. HCM đã trải qua ba tháng gồng mình ghìm con số nhiễm virus và tử vong tăng cao kỷ lục, áp dụng nhiều biện pháp chống dịch mà không dự liệu hết được những hệ quả không mong muốn: từ đóng cửa hoàn toàn không cho người dân ra khỏi nhà nhưng cung cấp lương thực không đầy đủ, đứt gãy chuỗi cung ứng truyền thống, phải huy động quân đội vào cấp phát lương thực, người di cư lũ lượt bỏ về quê hương… Những chính sách chưa từng có tiền lệ đó đặt cả chính quyền và người dân vào trạng thái căng thẳng nhiều sức ép nhưng trước đó hầu như chính quyền không có một “phong vũ biểu” chính sách nào để đo lường được phản ứng chính sách của người dân, không thông báo trước về kế hoạch cũng như tác động phụ của chính sách.

Tất cả những bức xúc, thắc mắc ghìm nén, những mong mỏi của người dân qua ba tháng dồn lại trong hàng chục nghìn câu hỏi không dễ trả lời: “Chồng tôi chở cá cho chợ Bình Điền thì chợ đóng, tôi đi rửa chén bát thì quán đóng cửa, đóng cửa ba tháng nay thực sự tôi không thể sống nổi nữa”, “Chú ơi, cho con hỏi là tại sao bầu cử thì chính quyền liên hệ được đến 100% người dân, ai cũng đi bầu cử, mà tại sao trợ cấp thì lại bị sót?”; hoặc “Tôi làm nước sạch đóng chai, đề nghị được đưa vào danh mục hàng thiết yếu”, hay “Kính đề nghị anh Mãi đi kiểm tra luân phiên từng phường, từng quận để người dân yên tâm và đề ra hai hướng cụ thể – dịch giảm thì như thế nào và không giảm thì thế nào?”…

Việc trả lời những câu hỏi đó đều là những thông tin quan trọng làm dịu nhu cầu trao đổi của người dân trong bối cảnh lưỡng nan – giãn cách kéo dài để cứu vãn sinh mạng nhưng thiếu đói, sản xuất đình trệ. Đây chính là sức ép khiến “nhà quản lý đứng ra đăng đàn thảo luận với người dân rằng không phải là chúng tôi cố tình, chúng tôi rất ý thức về các tác động phụ của chính sách nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi phải làm như thế vì một lợi ích cao hơn để đưa về tình trạng kiểm soát được, thì mới nhận được sự đồng thuận”, TS. Trần Kiên, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận xét. “Chỉ có cách làm như thế mới thể hiện một điều là anh tôn trọng người dân”. 

Không dừng lại ở “khía cạnh xoa dịu, trấn an lòng dân” về những chính sách đã qua, các buổi đối thoại còn “có khía cạnh dự liệu về những tác dụng phụ của chính sách tới đây khi chưa thể nới giãn cách cho cả thành phố; có khía cạnh muốn lắng nghe những đề xuất chính sách tốt hơn; có khía cạnh muốn thu thập thông tin phản hồi chính sách từ phía người dân”, theo nhận định của TS. Bùi Hải Thiêm, Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, sự kiện livestream cũng cho thấy sự thay đổi quan điểm của các nhà quản lý, từ chỗ ngại ngần, coi mạng xã hội có nhiều điểm bất lợi, thậm chí trong nhiều trường hợp có ý nghĩa tiêu cực cho công tác tuyên truyền chính sách sang chỗ cởi mở hơn, coi đây là một không gian tuyên truyền, vận động chính sách.

Những cuộc đối thoại trực tiếp như vậy là hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu đối thoại giữa chính quyền và người dân về các chính sách một cách nhanh chóng. Điều đó giúp người dân tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ hơn và gia tăng sự đồng thuận. Mặt khác giúp chính quyền kịp thời nhận được các phản hồi và từ đó điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt theo yêu cầu thực tiễn.

Trên thực tế, không chỉ đến đại dịch chúng ta mới cần có một quy trình lắng nghe vận động chính trị thường ngày từ dưới lên, đo lường các phản ứng chính sách của người dân như thế, bởi suy cho cùng, sự thành bại của các chính sách phát triển đều phải được xây trên yếu tố đồng thuận. Nhưng trước đại dịch thì các chính sách tác động (và cả gây tác dụng phụ) không nhanh chóng như hiện nay. Ví dụ như chính sách y tế, huy động y tế tư nhân vào chữa trị hoặc lưới an sinh xã hội có khi hàng vài năm hoặc cả thập kỷ mới bộc lộ hết các tác động, còn bây giờ có khi chỉ vài ngày đã gây ra xáo trộn. Mặt khác, “dù chính sách nào cũng sẽ có tác động phụ nhưng trước đây chúng ta thường nặng về tuyên truyền, hiệu quả tích cực khi đưa ra chính sách chứ không nói về các tác động phụ. Trong một số trường hợp cũng không lường được, hoặc vô tình bỏ qua mặt tác động phụ của nó”, TS. Bùi Hải Thiêm nhận xét. Anh cũng đánh giá, việc lãnh đạo TP. HCM đứng ra đăng đàn là hệ quả của một loạt chính sách trước đó đã gặp phải tác động phụ, dẫn tới những phản ứng dữ dội ở một số bộ phận công chúng và đặc biệt là trên mạng xã hội. Người dân đã chỉ ra rất nhiều thiếu sót, sơ suất của chính sách ở thành phố này. Có thể nói, sự cầu thị của chính quyền đã được ghi nhận. Phần lớn các ý kiến góp ý chính sách trong thời gian này đều mang tính xây dựng, tích cực nên chính quyền đã thấy rằng phải có đối thoại hai chiều, trong đó thứ nhất là chính quyền chủ động đối thoại trước công chúng, thứ hai là công chúng muốn được minh định hệ quả của chính sách trước đây cũng như định hướng sắp tới ra sao.   

Như vậy, không chỉ mới mẻ trong bối cảnh chống dịch COVID, lần livestream trên mạng xã hội này cũng đã đặt ra thay đổi trong chính sách truyền thông tương tác- là điều chưa từng có tiền lệ với các nhà quản lý, với văn hóa chính trị ở Việt Nam nói chung. Dù còn xa lạ với Việt Nam, nhưng đây là cách làm mà các tổ chức phát triển khuyến nghị lâu nay: đưa truyền thông không chỉ là một hoạt động riêng lẻ mà phải trở thành một hợp phần chính trong tất cả các bước của quá trình ra chính sách, để đảm bảo có sự tương tác thông tin hai chiều (giữa nhà quản lý và người dân chịu tác động của chính sách) và qua đó tăng khả năng tham gia của cộng đồng. Quá trình tương tác này phải liên tục ở mọi khâu, từ trước khi lên kế hoạch chính sách, trong suốt quá trình thực thi cho đến lúc tổng kết đánh giá chính sách, để đảm bảo nhà quản lý luôn cập nhật được những phản ứng chính sách và có điều chỉnh kịp thời. 

Những diễn biến khó lường của đại dịch trong thời gian qua và tới đây sống chung với virus biến thể mới sẽ còn tiếp tục đặt ra nhiều thách thức chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi nhà quản lý phải liên tục cập nhật chính sách, thảo luận và tương tác với người dân một cách nhanh nhất. Theo hai nhà nghiên cứu, chúng ta có thể kỳ vọng mong chờ bởi có một chỉ dấu cho thấy điều đó – việc TP. HCM chứ không phải bất kỳ tỉnh thành nào khác dám tiên phong bước ra khỏi vùng an toàn phát live đối thoại chính sách không phải ngẫu nhiên. “TP. HCM làm được cũng vì đây là nơi luôn luôn tiên phong đi đầu trong xé rào, tiên phong tiếp nhận những ý tưởng mới nhất và có đột phá chính sách. Một trung tâm đô thị lớn nhất chịu hệ quả quá lớn của đại dịch như vậy mà không có sự lắng nghe, tương tác để điều chỉnh kịp thời thì hệ quả còn lớn hơn nữa”, TS. Trần Kiên nhận xét. □

Tác giả