Lời giải cho sự phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam

Hiện nay, Bộ KH&CN đang hoàn chỉnh Đề án Quy hoạch mạng lưới và tăng cường tiềm lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các Viện, Trung tâm nghiên cứu và Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học (CNSH) ở Việt Nam. Bài viết này nhằm góp phần và bản Đề án trên.

Bức tranh CNSH ở Việt Nam
Trong khi CNSH thế giới đã và đang phát triển như vũ bão, thì CNSH ở ta còn ở mức rất thấp so với khu vực (1), chứ chưa nói so với các nước phát triển. Một số nhà CNSH cũng thừa nhận là trình độ CNSH của ta đang ở giai đoạn “công nghệ chai lọ” (2).. Thực vậy, CNSH của ta hiện nay vẫn chỉ đang ở giai đoạn ban đầu làm quen, tiếp cận với các kỹ thuật sử dụng trong nghiên cứu CNSH và cũng mới chỉ có mặt tại một số Viện nghiên cứu và một số trường Đại học lớn. ở mức.
CNSH là một trong số ít các chương trình KHCN trọng điểm được Nhà nước quan tâm đầu tư từ năm 1986 đến nay (Chương trình CNSH phục vụ nông nghiệp và 3 chương trình CNSH từ 1991-2005. Tuy nhiên, có thể nói trải qua hơn 20 năm triển khai nghiên cứu với hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư những kết quả từ các Chương trình CNSH mang lại còn quá nhỏ bé và khiêm tốn. Hầu như không có một dấu ấn nào từ các chương trình CNSH trên mang lại(3). Cũng trong thời gian đó, ở các nước xung quanh như Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan, từ xuất phát điểm gần như ta CNSH của họ đã trở thành một lĩnh vực công nghệ cao và một ngành kinh tế mũi nhọn thật sự. Thực tế, không những chưa có kết quả nào của CNSH triển khai vào thực tiễn mà ở góc độ nghiên cứu thuần túy thì cũng rất ít, nếu không nói là chưa một kết quả nào được công bố trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành CNSH.
Hầu hết các kết quả nghiên cứu KHCN nói chung và CNSH nói riêng chỉ ở mức giải pháp có tính khuyến nông, chưa có giải pháp công nghệ lớn đủ sức tạo sự phát triển đột phá cho nông nghiệp. Bằng chứng là rất ít patent được đăng ký, rất ít công trình nghiên cứu được công bố quốc tế. Thực tế, số giải pháp KHCN do các chương trình/đề tài nghiên cứu CNSH có được còn thua xa số sáng kiến/giải pháp của “các nhà khoa học chân đất” tạo ra (4).
Vậy nguyên nhân nào mà CNSH của ta trong một thời gian dài vẫn ì ạch, dậm chân tại chỗ, không trở thành động lực thực sự cho nền kinh tế nông công nghiệp y dược. Có khá nhiều, tuy nhiên, có lẽ rất ít người dám nhìn nhận đúng những bất cập cả về đường lối chính sách, chiến lược đầu tư, cách tổ chức nghiên cứu và cả về đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ vừa yếu vừa thiếu. Những bất cập rất đặc thù Viêt Nam mà nếu không nhìn nhận đúng e rằng chúng ta không thoát khỏi tình trạng trên.
1. Đường lối chính sách CNSH chưa đồng bộ và còn nhiều bất cấp. Mặc dù có nhiều chủ trương, đường lối về CNSH đã được đưa ra, nhưng các chủ trương đường lối hoặc ở dạng khẩu hiệu hoặc chưa xuất phát từ tầm nhìn chiến lược và toàn diện, nặng về ý muốn chủ quan, duy ý chí mà thiếu tính khả thi. Hơn nữa, cho đến nay, ngoài một số hội nghị, hội thảo triển khai các chủ trương, chính sách, hầu như không có hoạt động tổng kết đánh giá một cách nghiêm túc, trung thực và khách quan những gì đã làm được hoặc không làm được để đề ra giải pháp điều chỉnh hoặc xác định lại cách đi cho phù hợp.
2. Cách đầu tư và tổ chức nghiên cứu CNSH vẫn mang tính chất bao cấp. Hầu hết các đề tài CNSH do các nhà khoa học đề xuất và do nhà nước cấp tiền mà không phải do nhu cầu xã hội đặt hàng và đầu tư. Đây là cách làm có lẽ chỉ ở Việt Nam: nhà nước đầu tư cho nhà nước – các nghiên cứu không xuất phát từ thực tế. Hiệu quả ai cũng thấy, Các kết quả nghiên cứu (nếu có) cũng chi xếp ngăn kéo, không cần cho ai và cũng không ai cần đến. Nhà quản lý và nhà khoa học tiếp tục nghĩ ra các chiêu mới, đề tài mới, mục tiêu mới để tiêu tiền nhà nước không cần biết đến hiệu quả thực tiễn. Cách quản lý bao cấp kéo dài, không những kìm hãm sự phát triển của KHCN mà còn đã nảy sinh trào lưu chạy chọt, ăn chia nguồn kinh phí được cấp dưới danh nghĩa nghiên cứu KHCN, không cần tính đến hiệu quả nghiên cứu. Tình trạng bao cấp còn phổ biến trong việc tổ chức xét duyệt, nghiệm thu đề tài không chặt chẽ, nghiêm túc, bởi các chuyên gia có đủ trình độ và năng lực thẩm định KHCN (5).
3. Bản thân cộng đồng khoa học còn yếu kém, chưa đủ tâm và đủ  tầm để nghiên cứu CNSH. Hầu hết đội ngũ cán bộ KHCN hiện nay nói chung và CNSH nói riêng đều được đào tạo để nghiên cứu khoa học cơ bản theo kiểu Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây. Thực chất ta chưa có ngũ nghiên cứu đích thực về CNSH. Một số cán bộ CNSH trẻ được đào tạo tốt ở Mỹ và Tây Âu, nhưng chưa được coi trọng sử dụng hoặc với mức lương và đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn họ đầu quân cho các cơ sở nghiên cứu CNSH. Đời sống nhà khoa học khó khăn, thu nhập thấp, không đủ ăn là bức tranh tương phản với hình thái “lao động trí tuệ” trong lĩnh vực công nghệ cao. Nhà khoa học mất quá nhiều thời gian công sức vào việc tìm cách để có được đề tài đề án; khi có được đề tài đề án lại tìm cách xoay sở thanh quyết toán và báo cáo mà không đủ thời gian dành cho công việc nghiên cứu thật sự.
4. Điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng cho hoạt động CNSH.  Khác với các lĩnh vực KHCN khác, nghiên cứu CNSH cần sự đầu tư lớn và đồng bộ cho cơ sở phòng thí nghiệm. Trang thiết bị thiếu và không đồng bộ, tài liệu chuyên sâu (rất cần cho nghiên cứu mới) hầu như không có là thực trạng chung tại các cơ sở nghiên cứu hiện nay. Vật tư nguyên liệu cho CNSH hầu như không sẵn có ở VN. Muốn mua phải đặt từ các nước xung quanh. Ngay cả việc đầu tư xây dựng 5 Phòng thí nghiệm trọng điểm trong lĩnh vực CNSH (CN gene, CN enzym và protein, CN vắc-xin và các chế phẩm y sinh học, CN tế bào thực vật, CN tế bào động vật) mặc đù được đầu tư khá lớn những cũng đã tỏ ra nhiều bất cập và chắc chắn sẽ không phát huy hiệu quả như mong muốn. Bởi lẽ, mỗi “Phòng thí nghiệm trọng điểm” trên đây là cả một lĩnh vực rộng lớn, tổ chức một PTNTĐ  như vậy ngang tổ chức một Viện nghiên cứu chuyên ngành. Vì vậy, dù có tiền “đầu tư” nhưng sự đầu tư đó không gắn với một đề tài, mục tiêu và sản phẩm cụ thể và nhất là không gắn với những con người đã được đạo tạo và có ý tưởng cụ thể thì đó cũng chỉ là một kiểu “đầu tư ngược”, kiểu như “mua áo cưới trước tìm cô dâu sau”. Đầu tư như vậy chắc chắn không đồng bộ cho một nghiên cứu cụ thể. Vả lại đầu tư mua máy móc thiết bị, nhưng không có người nghiên cứu hoặc không có kinh phí cho nghiên cứu thì thiết bị được mua sắm cũng trở thành vô dụng(6).
Trong khi điều kiện cơ sở vật chất của hầu hết cơ sở nghiên cứu còn thiếu thốn thì một số nơi do quan hệ cá nhân, được nhận các dự án đầu tư mua sắm thiết bị lớn, nhưng không có nhu cầu hoặc khả năng khai thác, sử dụng thật sự, họ xin dự án đầu tư chủ yếu để ăn chênh lệch giá, thu lợi cá nhân. Còn thiết bị mua về đắp chiếu, không dùng đến.
Môi trường hoạt động KHCN thiếu minh bạch, không bình đẳng. Nguồn kinh phí cấp cho những người lãnh đạo, có chức quyền hoặc một số người biết chạy chọt. Các hoạt động KHCN, trong đó có CNSH hầu như dựa trên quan hệ cá nhân, mang tính chia chác, trục lợi. Nguồn kinh phí ít ỏi được phân chia không công bằng, không căn cứ vào năng lực thật sự của nhà khoa học. Các giá trị KHCN thật – giả, trắng – đen lẫn lôn. Tình trạng thiếu tinh thần hợp tác, thiếu khiêm tốn, thiếu trung thực và đố kỵ trong KHCN đã trở thành bệnh nan y của đội ngũ cán bộ KHCN của ta.
5. Thị trường KHCN và CNSH nói riêng chưa phát triển (hầu như chưa có). Thị trường KH-CN phải xuất phát từ nhu cầu mua bán và chuyển giao công nghệ giữa một bên là nhà khoa hoc và một bên là các công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ, và cuối cùng là các cơ sở sản xuất nông nghiêp. Mặc dù nhu cầu thực tế lớn, nhưng do nguồn cung hầu như còn ít nên thị trường chưa phát triển. Thị trường chỉ phát triển khi có nguồn cung sản phẩm KH-CN, khi hệ thống sản xuất kinh doanh công nghệ hình thành. Nói đến CNSH phải nói đến một nền công nghiệp sản xuất và thương mại hóa các chế phẩm sinh học. Đây cũng chính là nguồn đầu tư để nghiên cứu và phát triển CNSH, nhưng cho đến nay ta chưa có một nền công nghiệp như vây. Thậm chí, cho đến nay, ngoài một số cơ sở sản xuất vacxin của Bộ Y tế, ta chưa có một nhà máy, công ty nào chuyên về CNSH, sản xuất kinh doanh các chế phẩm sinh hoc.
Trong khi trên thế giới, nghiên cứu phát triển CNSH hầu như là thế mạnh của các công ty chuyên về CNSH, các hãng dược phẩm lớn có tên tuổi tiến hành. CNSH đòi hỏi đầu tư rất lớn, nhưng đây là ngành công nghiệp siêu lợi nhuận chỉ có những hãng lớn mới có khả năng đầu tư. Mặt khác, nghiên cứu và phát triển CNSH gắn liền với sản xuất và thương mại hóa, nên luôn là mô hình hơp tác giữa nhà nghiên cứu và hãng sản xuất và các phòng thí nghiệm ở các Viện nghiên cứu và các trường đại học. Các hãng này đầu tư cho các phòng thí nghiệm CNSH tại các trường đại học, viện nghiên cứu để nghiên cứu giải quyết từng vấn đề, góp phần tạo ra một sản phẩm CNSH hoàn chỉnh. Các hãng có các chuyên gia lớn cùng với phòng thí nghiệm hiện đại để tổ hợp các kết quả riêng thành quy trình công nghệ hoàn chỉnh để sản xuất ra một chế phẩm sinh học, đưa vào sản xuất thử nghiệm, triển khai thử nghiệm trước khi thương mại hóa. Vì vậy, sản phẩm CNSH luôn gắn với các bí mật, hay bí quyết công nghệ mà chỉ có ít người nắm giữ (7).  Như vậy, một tổ hợp nghiên cứu và phát triển CNSH hoàn chỉnh phải là nhà khoa học (và phòng thí nghiệm) + hãng sản xuất (và nhà máy) + hệ thống thử nghiệm đánh giá sản phẩm (bệnh viện, trạm trại) + hệ thống marketing và phân phối sản phẩm.
Như vậy, ngay cả khi chúng ta có đội ngũ cán bộ nghiên cứu CNSH giỏi (hy vọng 10 năm nữa) và có đầu tư tốt (?) thì cũng chưa phải là điều kiện đủ để phát triển CNSH.

Định hướng phát triển Công nghệ sinh học ở Việt Nam

Cần một tư duy hệ thống. Để phát triển KHCN nói chung và CNSH nói riêng đã đến lúc phải thay đổi tư duy, bỏ cách nghĩ cảm và duy ý chí. Thay vào đó là cái nhìn toàn diện hay cách nhìn tổng thể theo một hệ thống đồng bộ. Nước ta còn nghèo, ta càng cần phải tìm cách đi khôn ngoan và phù hợp, làm sao để phát triển CNSH trong thời gian ngắn nhất và đạt hiệu quả nhất. Sơ đồ tổng thể dưới đây cho thấ: để tạo ra một sản phẩm CNSH đích thực cần phải có ít nhất 6 nhóm yếu tố: từ hệ thống chính sách khôn ngoan, nguồn nhân lực được đào tạo tốt, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường nghiên cứu lành mạnh, thị trường CNSH phát triển đến hệ thống tổ chức nghiên cứu CNSH. Có thể thấy rằng, theo sơ đồ tổng quát trên thì hiện nay, ngoài chủ trương, đường lối ở dạng nửa vời, ngoài một số đầu tư ít ỏi cho CNSH, ta thiếu hầu hết các nhóm yếu tố cần và đủ để phát triển ngành CNSH thật sự.
Từ phân tích hệ thống, có thể thấy rằng để xây dựng, phát triển và phát huy có hiệu quả hệ thống KH-CN, cần phải vận hành đồng bộ tất cả các yếu tố cấu thành hệ thống. Sự yếu kém hoặc thiếu hụt dù một yếu tố trong đó cũng có thể dẫn đến thất bại, hệ thống không những không phát huy tác dụng mà còn gây lãng phí lớn về tài nguyên con người và nguồn kinh phí đầu tư.

Tôi nghĩ  mô hình phòng thí nghiệm trọng điểm của ta có lẽ là bắt chước từ Pháp (CERN). Đó là một ý tốt, nhưng cần phải xem xét rõ ràng về khả năng chuyên môn và dự án làm gì trong tương lai. Tôi có lần ghé thăm một phòng thí nghiệm ở Hà Nội với thiết bị rất oách, tốn hàng trăm ngàn USD, nhưng chỉ “đắp chăn”, thậm chí chẳng phục vụ cho nghiên cứu gì cả. Tôi biết rằng đó không phải là trường hợp cá biệt. Còn có một trưởng hợp âấy thiết bị nhà nước để làm.. dịch vụ lấy tiền. Có người làm chuyện rất đơn giản như xét nghiệm gen để biết quan hệ huyết thống! (Ngay cà một việc làm như thế đáng lẽ phải tranh luận về đạo đức khoa học, nhưng ở nước ta thì người ta cứ thấy có lời là làm, chẳng quan tâm gì đến vấn đề y đức hay giáo dục khoa học!
GS. Nguyễn Văn Tuấn

Đầu tư cho KHCN nói chung và CNSH nói riêng, không chỉ là lấy tiền nhà nước cấp cho các đề tài nghiên cứu mà cần có cách nhìn mới theo tư duy mới: nhà nước chỉ đầu tư cho các nghiên cứu CNSH cơ bản và định hướng và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó nhà nước cần tạo môi trường và khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng CNSH cho sản xuất và nhờ sản xuất thành công chính doanh nghiệp tự đầu tư để phát triển CNSH nhắm tạo ra các sản phẩm CNSH có sức cạnh tranh trên thị trường. Khi CNSH biến thành sức mạnh vật chất, khi có nhu cầu thật sự, doanh nghiệp không những sẽ tự tổ chức nghiên cứu những gì họ cần mà còn đầu tư cho các Phòng thí nghiệm CNSH thông qua hợp đồng nghiên cứu những công nghệ hay sản phẩm mới mà tự họ chưa hoặc không tự làm được.
Như vậy, bài toán KHCN nói chung, trong đó có CNSH không thể được giải bằng tư duy đang vận hành. Nếu thật sự muốn CNSH trở thành động lực phát triển cần phải đổi mới mang tính chất đột phá từ tư duy chiến lược, các chính sách khả thi, nguồn nhân lực đủ tâm đủ tầm đến tổ chức thực hiện. Rõ ràng để làm được như vậy cần phải có bước đi thích hợp từ mức độ thấp đến cao, vừa có thời gian đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, phát triển thị trường trong khoảng 5 đến10 năm.
1. Nhập khẩu công nghệ. Cũng như bất kỳ một nước đang phát triển từ một xuất phát điểm thấp chiến lược phát triển CNSH khôn ngoan nhất là: nhập khẩu – bắt chước – cải tiến – và làm mới CNSH. Nhập khẩu công nghệ không có nghĩa nhà nước bỏ tiền ra mua công nghệ mà thông qua đường lối chính sách của mình, nhà nước khuyến khích bằng cách giảm thuế hoặc không đánh thuế, cho thuê đất những dự án đầu tư vào những lĩnh vực sản xuất ứng dụng CNSH như: chế biến nông sản, thực phẩm, thủy, hải sản, sản xuất các thuốc, đặc biệt thuốc thế hệ mới phục vụ cho người, vật nuôi, cây trồng. Khuyến khích và tạo môi trường tốt cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực CNSH mà Việt Nam đang cần.
Để nhập khẩu công nghệ thích hợp không thể thiếu vắng vai trò của nhà khoa học trong việc tư vấn thẩm định công nghệ để không biến Việt Nam thành bãi thải công nghệ lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường.
2. Khuyến nông và Khuyến công. Đây cũng là cách làm khôn ngoan và rất thực tiễn. Đừng vội và đừng tham vọng nghiên cứu những cái mới khi mà lực ta còn nhỏ sức ta còn yếu, hãy khôn khoan chọn lựa những gì thế giới đã làm được đưa chúng đến với doanh nghiệp, nhà nông và hướng dẫn cho họ áp dụng thành công trong.  Khi hàng vạn nông dân và hàng nghìn doanh nghiệp của ta còn sử dụng các công nghệ lạc hậu, sử dụng các vật nuôi cây trồng năng suất và chất lượng thấp thì bất kùy một tiến bộ CNSH nào được sử dụng ở Thái Lan hay Trung Quốc đều có lợi đối với họ.
Thực tế phần lớn các đề tài  nghiên cứu CNSH của ta thời gian qua không hơn không kém cũng chỉ ở mức khuyến nông – khuyến công, nhưng có lẽ ít người dám chỉ tên thật cho nó. Vì tính chất “nghiên cứu” nên nó chỉ loay hoay ở các phòng thí nghiệm mà  không đến được với người sản xuất. Thực tế, nhờ các tiến bộ như lúa lai của Trung Quốc và hàng loạt giống cây, con của Trung quốc, Thái Lan đã được nhập vào Việt Nam và đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp của ta.  Tuy nhiên, có lẽ ít người dám chỉ tên thật cho nó và chủ yếu là người sản xuất tự làm chứ vai trò nhà khoa học còn rất mờ nhạt. Vì vậy, đến lúc gọi đúng tên áp dụng tiến bộ CNSH cho nông nghiệp công nghiệp Việt Nam và khuyến khích các nhà khoa học tham gia Khuyến nông và Khuyến công làm việc này, miễn là nhà khoa học chọn đúng những tiến bộ mà Việt Nam cần thật sự.
Công việc Khuyến nôngKhuyến công ứng dụng tiến bộ CNSH của thế giới không có nghĩa l;à không cần nghiên cứu thử nghiệm mà ngược lại rất cần nhằm thuần hóa các giống cây con nhập nội thích nghi với điều kiện các vùng sinh thái của Việt Nam và tránh hoặc hạn chế các thảm họa sinh thái môi trường.

3. Phát triển thị trường CNSH. Làm sao tất cả tất cả các tiến bộ CNSH, các quy trình mới, sản phẩm mới đều dễ dàng được trao đổi, mua bán giữa những người sở hữu nó (nhà khoa học) và người cần nó (doanh nghiệp, nhà nông). Một thị trường cho các hoạt động trên đây với các sàn giao dịch thuận lợi, công khai và minh bạch với sự đảm bảo của nhà nước (bởi luật pháp) là cần thiết thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và chuyển giao CNSH. Làm sao để bất cứ người sản xuất nào cũng phải nhận thức được vai trò của CNSH trong việc tạo ra sản phẩm mới, bất cứ doanh nghiệp nào cũng ý thức được rằng hoặc tồn tại hoặc là chết trong cuộc đua cạnh tranh chất lượng và giá thành. Chỉ một khi CNSH trở thành nhu cầu thật sự của người sản xuất thì nó mới có chỗ đứng thật sự. Công cụ vĩ mô nằm trong tay nhà nước là thuế và tài trợ thông qua chương trình Khuyến nông và  Khuyến công.
4. Đi tắt đón đầu và đầu tư có trọng điểm. Trước hết, nhà nước cần xác định vai trò của nhà nước ngoài đường lối chính sách như trên thì nhà nước chỉ nắm phần nghiên cứu CNSH có tính chất định hướng và chức năng quan trọng không kém là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thật sự đủ sức thực thi nhiệm vụ CNSH tại các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm công nghệ sinh học. Để thực hiện chức năng nghiên cứu định hướng, trong điều kiện kinh phí không lớn nhà nước cần đầu tư có trọng điểm, không dàn trải, trên cơ sở xác định các nhiệm vụ CNSH ưu tiên: như CNSH trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp dược phẩm, v.v. phù hợp với điều kiện Việt Nam . Công việc này do Hội đồng CNSH quốc gia với sự tham vấn rộng rãi các nhà khoa học có uy tin trong và ngoài nước. Việc này được tiến hành từng năm, từng nhiệm kỳ.
Đối với các cơ sở nghiên cứu CNSH của nhà nước, trước khi giao nhiệm vụ nghiên cứu phát triển một vấn dề CNSH, nhà nước cần thẩm định năng lực nghiên cứu, gồm lực lượng (con người, trong đó quan trọng nhất là người đứng đầu nhóm nghiên cứu và kinh nghiệm đã có), trang thiết bị (phòng thí nghiệm), thuyết minh đề án nghiên cứu có tính khả thì (mục tiêu rõ ràng, phương pháp chuẩn xác) và và kèm theo biện pháp kiểm tra, đánh giá tiến độ. Việc đặt hàng nghiên cứu sau khi thẩm định được tiến hành thông qua hợp đồng nghiên cứu, với mục tiêu và sản phẩm cụ thể và ràng buộc trách nhiệm rõ ràng giữa nơi cấp tiền và nhà khoa học. Tất nhiên, đề hoàn thành công trinh nghiên cứu thì kinh phí phải được tính đúng, tính đủ với mục tiêu và sản phẩm nghiên cứu. Đây là một trong những vấn đề khó nhất hiện nay, bởi vì: thế nào là đúng, thế nào là đủ, ai là người thẩm định xét duyệt đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu. Để tránh tình trạng “nhóm lợi ích” trục lợi, nhà nước phải xây dựng một quy trình tuyển chọn đánh giá đề tài theo chuẩn quốc tế và cần mời chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm tham gia cácHội đồng tuyển chọn này.
Lời kết. Kinh nghiệm và những thành tựu phát triển CNSH của Trung Quốc và Thái Lan được coi là những mô hình rất tốt mà Việt Nam có thể noi theo. Thay bằng các nỗ lực “duy ý chí” trong chúng ta cần phải xác định một lộ trình khả thi để phát triển CNSH ở Việt Nam. Thay bằng việc cấp tiền triển khai những nghiên cứu mà không cần biết có làm được hay không, không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, không cần ràng buộc giữa người nghiên cứu và người sản xuất, hãy đầu tư cho chính sách ưu tiên “nhập khẩu công nghệ” phát triển một hệ thống công nghệp CNSH, tiến tới nghiên cứu phát triển CNSH bằng chính nội lực của ta trong 15-20 năm tới.
 —————-
(1) Nông nghiệp Việt Nam, thành tựu và đinh hướng phát triển, Bộ Nông nghiệp và PTNT
(2) Thông tin Công nghệ sinh học, NACENTECH, 9/4/2007: CNSH Viêt Nam chỉ có thể trên Campuchia, Lào va Myanmar.
(3) Nguyễn Ngọc Châu. Đổi mới Quản lý hoạt động KH-CN, cái nhìn của người trong cuộc. Hội thảo về Đổi mới Quản lý hoạt động KH-CN, tháng 1/2007.
(4) Tuổi trẻ Online, ngày 10/4/2007. Trong bài Nhà khoa học phải sống bằng sản phẩm của mình GS. Trần Đình Long – Chủ tịch Hội đồng Khoa hoc Gống cây trồng cho biết: đề án lúa lai có tổng kinh phí đầu tư được đề xuất là 1.200 tỉ đồng, qua ba lần thẩm định, đề án này chỉ cần 43 tỉ đồng.
(5) Người viết bài này đã từng tham gia Hội đông tuyển chọn và chứng kiến sự bất cập: các thuyết minh đề tài tham gia tuyển chọn đều không có tính khả thi nhưng yêu cầu vần phải tuyển chọn và được gợi ý tuyển chọn đề tài nào.
(6) Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ KHCN năm 2002, tác giả đã cảnh báo về tính bất cập và không khả thi của chủ trương đầu tư cho các PTN trọng điểm.
(7) Tác giả đã thăm và làm việc với các giáo sư về CNSH của Mỹ, Đức và Austrtalia và biết mặc dù chính họ là những người tham gia nghiên cứu ra một số chế phẩm sinh học và là cố vấn của hãng sản xuất nhưng họ cũng không biết được bí quyết công nghệ để sản xuất thương mại (có giá thành rẻ) các chế phẩm sinh học này.
(8) Ngoại trừ sản xuất được một số vacine với sự giúp đỡ của Nhật Bản và Tổ chức Y tế thế giới.
———–

*Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật

 

PGS.Nguyễn Ngọc Châu*

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)