Luồng hàng hải vào sông Hậu và cảng biển Trà Vinh: Trao đổi và kiến nghị
Tiếp theo các bài báo2 và thư tôi gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ngày 25.06.2013, tôi đã làm việc với Bộ GTVT và EVN về việc nạo vét luồng vào sông Hậu qua Cửa Định An, về dự án Luồng vào sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố, và dự án Cảng biển phục vụ Trung tâm Nhiệt điện 3 Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Dưới đây là nội dung trao đổi trong hai buổi làm việc và mười kiến nghị của tôi3.
Số liệu nạo vét từ năm 1983 đến 2012, do Bộ GTVT và Cục Hàng Hải Việt Nam thông báo, đã được thảo luận.
Trong 30 năm đã có 20 lần nạo vét. Tổng khối lượng nạo vét là 6.979.764 m3; bình quân 233.000 m3/năm và 349.000 m3/lần nạo vét.
Có ý kiến cho rằng các số liệu bình quân không nói lên điều gì bởi đã có năm (1983) khối lượng nạo vét lên đến 1.452.000 m3.
Tôi cho rằng các số liệu bình quân phản ánh trung thực số liệu nạo vét các năm. Số liệu nạo vét năm 1983 là một ngoại lệ, sau 8 năm không nạo vét.
Có ý kiến cho rằng việc nạo vét là không có hiệu quả vì bùn cát sẽ bồi tụ lại ngay sau đó, các bãi cạn dịch chuyển “không theo quy luật nào cả” (báo cáo của Công ty tư vấn PORTCOAST).
Nghiên cứu của HAECON, dựa vào số liệu địa hình cửa sông Hậu đo đạc năm 1996 – 1997, đã chỉ ra các tuyến luồng có thể, và cho rằng luồng tàu thích hợp nhất ở sông Hậu là luồng sử dụng độ sâu tối ưu nhất, đó là luồng triều chính.
Tôi đã trình bày, ngoài số liệu năm 1996, kết quả mà tôi đã có được qua xử lý số liệu địa hình luồng tàu cần nạo vét đo đạc các năm 2004, 2006, 2007 và 2008.
Kết quả cho thấy luồng qua cửa Định An, có một đoạn dài tương đối ổn định và một phần có biến động nhưng sự bồi lắng bùn cát trở lại cần nạo vét duy tu hàng năm có lẽ không lớn như đã được đưa ra.
Từ nhận xét đó4, tại cuộc họp tôi đã đề nghị với Cục Hàng hải Việt Nam:
(KN1) Nên khai thác số liệu địa hình đo đạc định kỳ hàng quý và hàng năm để nhận thức rõ hơn về sự biến động, nhận diện những đoạn nào cần nạo vét duy tu, và kết hợp với số liệu khảo sát về địa chất ở các vị trí này, xác định chuẩn tắc luồng cần nạo vét ở đoạn nào, như thế nào là tối ưu.
Việc bồi tụ trầm tích ở cửa sông là một thực tế có tính quy luật. Tất cả các cảng biển trên thế giới đều phải nạo vét duy tu hàng năm. Nạo vét duy tu Cửa Định An phục vụ các cảng biển trên sông Hậu không phải là một ngoại lệ.
Chính từ những kết quả nói trên, tại hội thảo khoa học tại Cần Thơ ngày 23.05.2008, tôi cho rằng có thể tìm được một luồng vào sông Hậu có hiệu quả tổng hợp, khá ổn định khi được nạo vét duy tu định kỳ theo đúng chuẩn tắc cho tàu biển có trọng tải đến 10000 DWT ra vào (chiếu video), và đã kiến nghị với Chính phủ:
(KN2) Cho phép thực hiện các phương án khả thi nhằm đạt được một “Luồng Định An tự nuôi mình” nếu ngân sách nạo vét duy tu không đủ sức đảm đương.
Đầu tháng 7.2008, một cuộc họp của Cục Hàng Hải Viêt Nam tổ chức tại Cần Thơ, do một Phó Cục trưởng chủ trì, đã xem xét một dự án nạo vét duy tu định kỳ cửa Định An theo phương thức BOT. Trong phần kết luận, hội nghị ghi nhận có một luồng Định An ổn định nếu được nạo vét duy tu định kỳ đúng chuẩn tắc. Phương án nạo vét Cửa Định An theo phương thức BOT là khả thi. Luồng này đã được một công ty tư vấn của chính Cục Hàng hải xác định trong luận chứng kinh tế kỹ thuật lập theo hợp đồng với nhà đầu tư BOT. (Chiếu video).
Tại cuộc họp tôi cũng đã lưu ý về tình hình xói lở ở Hộ Tàu (có thể nhìn thấy rất rõ qua ảnh vệ tinh các năm 1979, 1989, 2001). Sự xói lở này chắc chắn đã ảnh hưởng đến việc bồi lấp trở lại ở nhánh luồng phía Bắc trên đoạn đi qua gần Hộ Tàu trong khoảng thời gian đó.
Tôi cũng cho rằng trong khi nghiên cứu và nạo vét luồng Định An như hiện nay, mà lại kết luận rằng luồng Định An là không thể, là chưa thể hiện hết trách nhiệm đối với luồng qua Cửa Định An.
Tôi ghi nhận các đề xuất gần đây của Bộ trong báo cáo số 4975/BGTVT-KHĐT ngày 31.5.2013 gửi Thủ tướng Chính phủ, được “thuê thiết bị thi công công suất lớn”, “nghiên cứu xã hội hóa việc duy tu nạo vét luồng (Định An)”, và được “thực hiện rút gọn thủ tục lựa chọn đơn vị nạo vét duy tu” là đã có chuyển biến.
Các đề xuất này gián tiếp thừa nhận rằng việc nạo vét trong thời gian qua hoàn toàn có thể làm nghiêm túc và căn cơ hơn, rằng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thông báo 189/TB-VPCP tháng 8.2008 trên thực tế hầu như chưa được thực hiện.
Liên quan đến các đề xuất này, tôi đã nêu lên mấy câu hỏi: Tại sao đến bây giờ Bộ GTVT mới đề xuất và tại sao phải “thực hiện rút gọn thủ tục lựa chọn đơn vị nạo vét duy tu”?
II. Về Luồng vào sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố
1. Trong báo cáo Modelling report_final.doc, trang 20, Công ty tư vấn SNC LAVALLIN viết: “Việc mô phỏng sự vận chuyển trầm tích cần được hoàn tất”.
Ở trang 67, báo cáo này khuyến cáo “cần xây dựng một mô hình toán mô phỏng sự tập trung bùn cát trong toàn bộ hệ thống kênh, như là một hợp phần của thiết kế cuối cùng.”
Việc mô phỏng phụ thuộc trước tiên vào bản thân mô hình toán mô tả hiện tượng vật lý với mức độ chính xác ra sao, vào nhận thức về nguyên lý chi phối (quy định) hiện tượng vật lý của người mô phỏng, và vào các số liệu đầu vào.
+ Giáo sư Lương Phương Hậu, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi cảu dự án Kênh QCB, nhận xét:
(1) Do chưa thể hiện đầy đủ sự hiểu biết sâu sắc về bản chất các hiện tượng vật lý vốn rất phức tạp ở vùng cửa sông ven biển, số liệu phục vụ nghiên cứu lại quá thiếu thốn, không đồng bộ, nên gặp nhiều khó khăn trong xử lý các vấn đề đặt ra. Số liệu dùng cho các mô hình không đủ tin cậy như thời điểm không tương thích; đo một ngày để chạy cho cả tháng, cả năm; số liệu về độ mặn, về bùn cát sai,…
(2) Vận dụng các mô hình chưa thật hợp lý nên kết quả chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra là bổ sung các mô hình toán để làm rõ thêm, trong điều kiện hiện tại và sau khi có kênh tắt cùng nạo vét luồng, sáu vấn đề: Chế độ dòng chảy kênh Quan Chánh Bố và cửa Đại An; Chế độ dòng chảy kênh tắt và cửa kênh tắt chảy ra biển; Ảnh hưởng xâm nhập mặn; Chế độ bùn cát và bồi xói; Chế độ sóng, bão và tác động của chúng lên công trình; Ảnh hưởng của đê ngăn cát giảm sóng đối với diễn biến bờ biển khu vực lân cận;
Tại Hội thảo kỳ 2 về Luồng Kênh Quan Chánh Bố ngày 5-10-2004 tại Hà Nội, Giáo sư L.P. Hậu cho rằng “Việc xây dựng đê chắn sóng ở cửa vào Kênh Tắt phía biển sẽ tạo ra một cửa Định An khác”.
+ Về phần mình, theo dõi, góp ý với dự án từ tháng 6.2005, tôi ủng hộ ý tưởng tìm một luồng mới vào sông Hậu, nhưng với điều kiện phải bảo đảm tính khả thi, bền vững của công trình và làm rõ tác động lên môi trường, bảo vệ báo cáo tác động môi trường đúng với quy định của Luật bảo vệ môi trường.
Làm việc với Công ty tư vấn PORTCOAST từ năm 2006, tôi đề nghị làm rõ đầu trổ ra biển của Kênh Tắt thuộc loại cửa sông nào, triều chi phối, sông chi phối, hay hỗn hợp vì điều này quyết định cơ chế lắng đọng bùn cát tại đầu ra của kênh.
Mặt khác, không tìm thấy mô phỏng với số liệu trong mùa gió chướng, nhất là lúc trùng hợp với triều cường, tôi đã đề nghị bổ sung số liệu ngay từ lúc đó.
Để thấy tầm quan trọng của đề xuất, tôi đã nhắc lại hậu quả của sóng trong mùa gió chướng trùng hợp với triều cường cuối tháng 10 đầu tháng 11.2011, đã đánh vở đê tạm bảo vệ công trình tôn nền NMNĐ DH1 Trà Vinh. (Xem dưới đây).
Kết quả mô phỏng mà PORTCOAST trình bày về trường bùn cát trong kênh Quan Chánh Bố trước và sau khi đào kênh Tắt, là không thể chấp nhận.
PORTCOAST cần nói rõ trong mấy năm gần đây, hệ thống số liệu đã bổ sung thêm được gì, và đã khắc phục nhược điểm căn bản này đến mức độ nào.
Thuê lại công ty tư vấn nước ngoài, sử dụng mô hình toán tiên tiến không có nghĩa là đã giải quyết hai vấn đề trên. Kết quả vẫn tùy thuộc vào số liệu và sự hiểu biết sâu sắc về bản chất các hiện tượng vật lý của người mô chạy mô hình.
2. Có ý kiến cho rằng dự án trước khi được Chính phủ phê duyệt5 đã nhận được sự đồng ý của các Bộ có liên quan. Tôi đã nhắc lại ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
“Kết luận cuối cùng của cơ quan thẩm tra độc lập chưa khẳng định rõ tính khả thi của dự án về những giải pháp kỹ thuật. Đề nghị Bộ GTVT lưu ý, chỉ đạo tiếp tục bổ sung hoàn thiện.”6,
và
“Sự ổn định của Luồng quyết định tính khả thi của dự án. (…) Bộ KH và ĐT đã có ý kiến tại văn bản số 2021/BKH-TĐ&GSĐT ngày 28/3/2006, theo đó đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tư vấn cần có kết luận về những vấn đề như sự ổn định của luồng trên kênh, cửa biển, và đánh giá mức độ bồi lắng, khối lượng nạo vét hàng năm, sự xói lỡ bờ kênh, …” .
Và của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
“Bộ TNMT đã lưu ý về độ tin cậy của các số liệu, đặc biệt về khí tượng, thủy văn và hải văn được sử dụng trong báo cáo. Ngoài ra cũng đề xuất việc cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá khả năng bồi lắp trở lại đối với luồng tàu qua cửa Định An để xác định hiệu quả kinh tế của dự án”7;
“Bộ TNMT tiếp tục yêu cầu dự án phải làm rõ khối lượng bùn cát cần nạo vét hàng năm, đánh giá cụ thể các tác động lên hoạt động cấp nước và thoát lũ trong khu vực khi hình thành kênh đào mới.”8;
“Cho đến nay chủ dự án chưa trình báo cáo ĐTM chi tiết”10.
3. Bộ GTVT khẳng định việc phê duyệt báo cáo tác động môi trường của dự án là đúng luật, căn cứ vào Luật bảo vệ môi trường và các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Tôi cho rằng việc phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án luồng qua kênh QCB là không đúng luật vì dự án luồng qua kênh QCB + Kênh tắt không chỉ liên quan đến ngành GTVT và cũng không chỉ liên quan đến tỉnh Trà Vinh, trong tác động lên môi trường, kinh tế và xã hội. Trước những phát sinh mới, tôi kiến nghị:
(KN3) Khi kết hợp các tuyến đê chắn sóng của dự án luồng qua Kênh Quan Chánh Bố và của dự án Cảng biển của Trung tâm nhiệt điện Duyên hải lại trong một công trình (xem dưới đây), phải làm lại báo cáo và thẩm định, phê duyệt đúng với quy định của pháp luật.
4. Những thay đổi trong dự án Luồng qua Kênh QCB
Báo cáo của Công ty tư vấn PORTCOAST tại cuộc họp cho biết so với dự án được duyệt đã có nhiều điều chỉnh và thay đổi như:
Khối lượng nạo vét luồng: 28,1 triệu m3 thay vì 22 triệu m3;
Kè dọc tuyến luồng: 35,94 km thay vì 27,57 km;
Giải phóng mặt bằng: 1406,47 ha thay vì 300 ha;
Thay cầu Kênh bắt qua Kênh Tắt bằng phà Kênh Tắt trên TL 53;
Thay đổi mái dốc nạo vét do nền đất yếu;
Thay đổi đê chắn cát thành đê chắn sóng;
Kết hợp đê chắn sóng của dự án luồng với dự án Cảng biển TTNĐ Trà Vinh.
Những điều chỉnh và thay đổi đã dẫn tới tổng mức đầu tư được Bộ GTVT duyệt tại QĐ 3744 ngày 30.11.2007, từ 3.148,5 tỷ đồng lên 10.319,2 tỷ đồng.
Những thay đổi trên đây và tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 3,28 lần, thể hiện không thể rõ ràng hơn rằng báo cáo nghiên cứu khả thi và luận chứng kinh tế kỹ thuật trước đây làm không đạt yêu cầu. Nhưng quan trọng là liệu những thay đổi này đã phải là cuối cùng? và có bảo đảm luồng sẽ tồn tại bền vững?
Về mặt quản lý nhà nước, theo tôi nghĩ, cách chuẩn bị hồ sơ dự án, cách phê duyệt dự án luồng qua Kênh Quan Chánh Bố (kể cả cách phê duyệt báo cáo tác động môi trường) rõ ràng là có nhiều bất cập. Xin kiến nghị:
(KN4) Cần xem xét, rà soát lại dự án này, thậm chí phải phê duyệt lại dự án với tất cả các đổi thay quan trọng. Nói chung, cần xem lại quy trình xét duyệt dự án.
5. Về kết hợp đê chắn sóng của 2 dự án KQCB và Cảng biển TTNĐTV
Trong các đổi thay, việc kết hợp tuyến đê chắn sóng của cảng biển NHMĐ Duyên Hải với đê chắn cát nay đổi thành đê chắn sóng ở đầu ra của Kênh Tắt trong dự án luồng vào sông Hậu qua Kênh Quan Chánh Bố là một thay đổi quan trọng về nhiều phương diện.
Việc kết hợp này làm phát sinh mấy vấn đề mới cần được làm rõ.
(1) Kết hợp một dự án đầu tư của một doanh nghiệp (cho dù là doanh nghiệp nhà nước) với một dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Do vậy:
(KN5) Cần xác định rõ cơ chế tài chính trong mô hình kết hợp này tránh khả năng “gài hai chiều” (như đề cập dưới đây).
Việc kết hợp có nhiều khả năng sẽ “gài” dự án luồng qua Kênh QCB (trong khi còn nhiều vấn đề về tính khả thi và bền vững) vào tiến trình của NMNĐ Duyên hải, đặc biệt về kinh phí, và ngược lại (vì vậy tôi gọi là “gài hai chiều”).
(2) Liệu việc kết hợp hai dự án có “gài” luôn việc lấy đất đào Kênh Tắt để tôn nền Trung tâm nhiệt điện hay không?11. Đây là lý do bổ sung để “gài” vấn đề cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho dự án luồng qua Kênh Quan Chánh Bố.
(3) Báo cáo tác động môi trường riêng lẽ cho từng dự án không còn giá trị12.
(KN6) Cần xét duyệt báo cáo ĐTM mới của cảng với đê chắn sóng kết hợp lên bờ biển huyện Duyên Hải từ cửa Cung Hầu cho tới Cửa Định An.
III. Làm việc với EVN về Trung tâm nhiệt điện Trà Vinh và Cảng biển
Dự án Trung tâm điện lực Duyên Hải có tổng vốn đầu tư 5 tỉ USD, tổng công suất khoảng 4.200 MW. Đây là một trong những trung tâm điện lực lớn nhất nước, với hệ thống cảng biển tiếp nhận than cho toàn bộ trung tâm, sản xuất theo công nghệ nhiệt điện than.
Trung tâm gồm có ba tổ máy: Duyên Hải 1 (DH1) công suất 1.200 MW do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, nguồn vốn ban đầu hơn 10 ngàn tỉ đồng; tổ máy DH2 công suất 1.200 MW và tổ máy DH3 công suất 2.000 MW do một tập đoàn kinh tế của Malaysia làm chủ đầu tư.
Dự án tọa lạc tại ấp Mù U và Láng Cháo, thuộc xã Dân Thành và một phần ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải. Tổng diện tích dự án đã được phê duyệt trên 640 ha, trong đó có 306 ha diện tích lấn biển.
1. Về dự án xây dựng Trung tâm nhiệt điện Trà Vinh
Trong buổi làm việc tôi đã nêu câu hỏi: đất cát để tôn nền Trung tâm lấy từ đâu, và là bao nhiêu? Tôi nhận được hai con số về tổng khối lượng đất cần để tôn nền là 1,7 triệu m3 và 3 triệu m3. Theo tôi, qua tổng diện tích mặt bằng của Trung tâm nhiệt điện và chiều cao cần tôn lên, con số này phải cao hơn nhiều lần.
Theo lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Trà Vinh, theo báo cáo ĐTM của dự án đã được phê duyệt thì cát san lấp dự kiến lấy từ 2 nguồn chính là dùng cát nạo vét được từ khu vực dự kiến làm khu vực cảng biển và cát nạo vét từ các khu vực biển lân cận Trung tâm điện lực Duyên Hải13.
Việc lấy cát từ bãi biển để tôn nền dẫn đến hậu quả khôn lường vì sẽ làm thay đổi địa hình bãi biển và tạo nên một dòng chảy xoáy. Dòng chảy này sẽ xói lở bờ biển tại chỗ và trong một vùng lân cận, rộng hay hẹp tùy thuộc vào khối lượng cát lấy đi. Quy luật này đã được kiểm nghiệm qua thực tế, tại hiện trường.
Quá trình thi công san lấp mặt bằng của tổ máy DH1 đã bị người dân phản đối và gửi đơn khiếu nại đến các ngành chức năng tại tỉnh Trà Vinh.
Theo người dân tại địa phương, “từ cuối năm 2009 khi đơn vị thi công tiến hành hút cát để thi công san lấp mặt bằng thì các đoạn đê chung quanh khu vực trên bắt đầu có hiện tượng sạt lở. Từ cuối năm 2010, hiện tượng sạt lở đê bao ven biển liên tục xảy ra, có khi vài tháng bị sạt lở đến 3 lần, mỗi lần sạt lở sâu vào ít nhất trên 20m, làm mất từ 500 – 700m2 đất sản xuất, nuôi trồng của dân. Hiện nay, vào những ngày gió to, sóng lớn, các hộ dân trong khu vực phải thay nhau thức trắng đêm để canh chừng, sợ đê bao bị vỡ, nước biển sẽ tràn vào đe dọa tính mạng và tài sản của dân”.
Cuối tháng 10, đầu tháng 11.2011, nước biển dâng cao do gió chướng cộng hưởng với triều cường đã làm nước biển tràn qua đê tạm vào bên trong khu vực đang thi công nền của NMNĐ DH1. Do sóng cao, lượng nước ập vào quá lớn nên khi nước biển rút ra, toàn bộ tuyến đê tạm bảo vệ công trình (cao 3,5 mét) bị biến dạng, bề mặt đê bị lún rất sâu, một số đoạn sạt mái và hư hỏng hoàn toàn. |
Mặc dù vậy, việc lấy cát biển để tôn nền vẫn tiếp diễn14. Tháng 9.2011, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã phải yêu cầu BQLDA Nhiệt điện III đình chỉ ngay việc khai thác cát biển làm VLXD tại xóm Khâu Lầu, xã Trường Long Hà, huyện Duyên Hải.
Theo tôi nghĩ cần nắm rõ quy luật, đừng làm trái quy luật thì mới không bị bất ngờ như đã xảy ra: “Trong thiết kế đê tạm, đơn vị thiết kế cũng tính đến việc tác động của sóng biển. Cụ thể, theo thiết kế thì tần suất mà sóng biển có thể ảnh hưởng đến đê là 20 năm mới xảy ra một lần. Nhưng không ngờ nước biển cao, sóng mạnh quá mức tính toán”.
Địa hình huyện Duyên hải, ngoài các giồng cát, rất thấp. Ảnh vệ tinh cho thấy cùng với mất rừng ngập mặn trên diện rộng, các vuông tôm đã “ăn” vào các giồng cát từ đầu những năm 2000.
Việc nhà đầu tư đã lấy tài sản công (cát biển) để tôn nền, đã lấy đất từ đào kênh Tắt để tôn nền NMNĐ (cần kiểm tra), là những gương xấu cho người dân đào cát trong các vuông tôm trên đất của mình đem bán cho nhà thầu để tôn nền. (Xem video của VTV ngày 24.05.2013).
(KN7) Đây là một vấn đề mà quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cần chấn chỉnh và quy định chặt chẽ.
2. Về dự án xây dựng Cảng biển cho Trung tâm nhiệt điện Trà Vinh
Cảng biển phục vụ cho TTNĐ Duyên Hải là một công trình biển rất quan trọng về nhiều phương diện. Tuy vậy, nội dung làm việc giới hạn vào đánh giá tác động của Cảng lên đường bờ và ngược lại, không đề cập đến loại than nhập, nhập từ đâu, giá than nhập, những yếu tố quyết định hiệu quả kinh tế của TTNĐ DH.
Những vấn đề mới đặt ra, cần được làm rõ khi kết hợp các đê chắn sóng của dự án cảng biển và dự án luồng qua Kênh Quan Chánh Bố đã được đề cập trên đây.
Báo cáo tác động môi trường của dự án kết hợp các tuyến đê chắn sóng cần làm rõ tác động lên đường bờ không chỉ cục bộ tại địa bàn mà lên suốt dọc bờ biển tỉnh Trà Vinh, lên các cửa sông Cung Hầu, Định An và Trần Đề.
Theo EVN, dự án Cảng biển sẽ được hoàn vốn sau 18 năm. Nhưng hậu quả của tác động của cảng và các đê chắn sóng còn có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ. Tôi không rõ Nhà nước đã có những quy định gì về trách nhiệm đối với hậu quả của việc xây dựng cảng đối với vùng duyên hải về môi trường, kinh tế và xã hội.
(KN8) Cơ quan nào có trách nhiệm phê duyệt phương án kết hợp sẽ chịu trách nhiệm đối với hậu quả gây ra cho bờ biển và cho đời sống người dân suốt dọc duyên hải. Cần làm rõ phạm vi trách nhiệm của nhà đầu tư, trong nước và ngoài nước.
Tôi đã trình bày với cuộc họp diễn biến đường bờ của tỉnh Trà Vinh từ năm 1973 đến nay qua ảnh vệ tinh và qua ký ức của nhân dân địa phương; những hình ảnh khảo sát hiện trường và ảnh vệ tinh về tác động của cảng Phan Thiết (cửa sông Cà Ty), cảng La Gi (cửa sông Dinh, Huyện Hàm Tân) ở tỉnh Thuận Hải, và cảng Phú Quý (đảo Phú Quý) lên đường bờ.
Tác động bồi tụ và xói lở hai bên đê chắn sóng rất quan trọng. thấy rất rõ chỉ trong khoảng thời gian độ mười năm, từ 2001 đến 2012, thậm chí ngắn hơn.
3. Nhận thức về bờ biển và tác động lên đường bờ
Cảm nhận chung của tôi sau hai buổi làm việc với Bộ GTVT và EVN là nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hậu quả khi tác động lên bờ biển và vùng duyên hải chưa đúng mức.
Mọi người đều biết khi một công trình được xây dựng trên bờ biển, nó sẽ tác động lên bờ biển, và ngược lại bờ biển, cả vùng duyên hải sẽ tác động trở lại công trình. Tác động hai chiều này không phải tức thì mà trong một thời gian sau đó, dài hay ngắn tùy thuộc vào quy mô của công trình, chiều sâu, rộng của tác động và mức độ biến động của bờ biển tại nơi xây dựng công trình.
Khi công trình còn làm thay đổi cả địa mạo tư nhiên, hệ thống sông rạch, sự trao đổi nước giữa biển và nội địa, như trường hợp luồng qua kênh QCB + Kênh tắt, thì tầm tác động còn sâu rộng hơn, phức tạp hơn, không chỉ ở huyện Duyên hải tỉnh Trà Vinh mà lên cả các tỉnh lân cận. Vì vậy:
(KN9) (1) Cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bờ biển và tác động lên đường bờ trong xã hội, trước tiên trong quản lý nhà nước.
(2) Liên quan đến hai dự án, ngoài việc mô phỏng bằng mô hình số, cần tiến hành các mô phỏng cần thiết bằng mô hình vật lý.
Tuy có tốn kém nhưng đây là sự tốn kém cần thiết và là sự đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này đối với một đất nước có bờ biển dài như Việt Nam, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
IV. Chưa tính đến bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng
Từ cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 02.12.2008, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong phần quan điểm chỉ đạo cũng như trong phần xây dựng kế hoạch hành động, có ghi rõ “các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu phải thể hiện trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát tiển của các ngành, các địa phương, được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật và được quán triệt trong tổ chức thực hiện”.
Trong cả hai dự án đều chưa tính đến tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng. Theo EVN, việc xây dựng các công trình chỉ dựa trên 18 tiêu chí và các tiêu chuẩn xây dựng công trình biển hiện nay.
Đây không phải là trường hợp riêng biệt. Quan điểm chỉ đạo trên đây chưa thực sự đi vào công tác quản lý nhà nước.
Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng không phải chỉ là ngập tĩnh mà còn là những thay đổi về động lực học biển ven bờ trong tương tác với công trình và đường bờ.
Từ thực tế này, tôi xin kiến nghị:
(KN10) Cần sớm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo trong QĐ 158/QĐ-TTg bằng một văn bản pháp quy có hiệu lực cao trong công tác quy hoạch, kế hoạch và xét duyệt dự án, công trình, đặc biệt có liên quan đến bờ biển.
—
1 Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (1980-1992), Chủ nhiệm Chương trình khoa học nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long 60-B (1983-1990), Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI (1992-2007).
2 Gần đây có bài Điều gì đang diễn ra ở Huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh? Báo Đại biểu nhân dân, ngày 20.8.2012, http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=255794 và bài Nạo vét cửa Định An: Về giải trình của Bộ Giao thông – Vận tải, Báo Đại biểu nhân dân, ngày 10.6.2013, http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=282921
3 Đã được gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các Bộ trưởng có liên quan, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh và T.phố Cần Thơ.
4 Hai nghiên cứu gần đây Nguyen, V. T., Zheng J. H., and Luong, P. H. (2011) và Nguyen Viet Thanh, Zheng J. H, Zhang J. S, (2013) xác định thêm diễn biến và mức độ của đoạn không ổn định giữa các bãi ngầm.
5 Công văn số 123/TTg-CN do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 22.01.2007.
6 Công văn số 8465/BKH-TĐ&GSĐT ngày 15/11/2006.
7 Công văn số 346/BKH/KCHT&ĐT ngày 16/01/2008, do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc ký
8 Công văn số 4443/BTNMT-TĐ, ngày 11/11/2005,
9 Công văn số 4157/BTNMT-TĐ, ngày 27/9/2006.
10 Công văn số 3382/BTN-TĐ của Bộ TNMT ngày 04/9/2007, do BT Phạm Khôi Nguyên ký.
11 Tháng 8.2010 và tháng 1.2011, tôi đã chụp ảnh đất lấy từ đào Kênh Tắt được đưa về nền nhà máy D1.
12 Rất tiếc tôi chưa có được văn bản báo cáo ĐTM và văn bản phê duyệt riêng lẻ của cả hai dự án.
13 Thế nào là “các khu vực lân cận”? Điều này chưa được làm rõ trong báo cáo của EVN ngày 25.6.2013.
14 Trong 2 đợt kiểm tra của Sở TN&MT vào tháng 5 và tháng 7/2011, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện đơn vị thi công vi phạm khai thác cát biển không có giấy phép.
Vào lúc 10 giờ 15 ngày 19.7, lãnh đạo Sở TN-MT, Thanh tra TN-MT, UBND tỉnh, PC49, UBND Huyện Duyên Hải và UBND xã tiếp tục kiểm tra thì phát hiện có 4 máy bơm hút cát cùng 1 sà lan chở cát của Công ty Hồng Lực (TP Trà Vinh), 1 xáng cạp của Công ty Phú Thành (TP Trà Vinh) đang tiếp tục khai thác cát trái phép trên diện tích khoảng 50 ha (chiều sâu gần 10m, trong khu quy hoạch làm bãi chứa xỉ than) để lấy cát san lấp mặt bằng cho dự án, làm một đoạn bờ biển dài trên 2 km bị sạt lở nghiêm trọng.