Mahathir Mohamad và công cuộc kiến tạo Malaysia
Cuốn Hồi ký chính trị dày gần 1.000 trang của Mahathir Mohamad là một cuốn giáo trình hoàn chỉnh về hoạt động chính trị với các bài học thực tế trên một nền tảng chính trị xã hội có phần nào đó tương đồng, thậm chí còn phức tạp hơn Việt Nam.  
Ở Việt Nam, sự phát triển vượt bậc của Singapore và Trung Quốc sau năm 1978 đã được biết đến khá nhiều qua cuốn Hồi ký của Lý Quang Diệu và các cuốn sách viết về Đặng Tiểu Bình. Nhưng câu chuyện thần kỳ của Malaysia hầu như mới chỉ được giới thiệu và tìm hiểu trong giới nghiên cứu kinh tế chính trị, còn độc giả rộng rãi thì khó có cơ hội tiếp cận.
Nhiều lần đến thăm các quốc gia châu Á, nhất là chuyến đi Malaysia đầu tiên, khi đến thăm Kuala Lumpur và tòa tháp đôi Petronas, tôi đã tò mò tự hỏi vì sao và như thế nào một quốc gia như Malaysia lại có thể thành công như vậy. Cùng với Singapore, Hàn Quốc…, Malaysia sẽ và phải là một bài học tham khảo quan trọng cho công cuộc phát triển của Việt Nam. Thậm chí theo tôi, rất có thể còn là bài học sâu sắc và hữu ích nhất vì nhiều vấn đề lớn mà Malaysia đã phải đương đầu và giải quyết có những điểm tương đồng với Việt Nam chúng ta.
Cũng như Lý Quang Diệu gắn với sự phát triển của Singapore, Mahathir Mohamad chính là người dẫn dắt đất nước Malaysia trong những năm tháng quan trọng trở thành một quốc gia thịnh vượng. Năm 2010, lần đầu tiên tôi được đọc cuốn hồi ký của ông, mang tên A Doctor in the House1. Sau đó tôi đã tìm hiểu kỹ về sự phát triển của Malaysia và đọc Thế bế tắc của Mã Lai2 – tác phẩm đầu tiên do ông viết, trình bày rõ quan điểm về những vấn đề người Mã Lai đang phải đương đầu và những hành động cần thiết để kiến tạo một tương lai thịnh vượng.
Cuốn sách Thế bế tắc của Mã Lai, được Mahathir công bố năm 1969, sau cuộc khủng hoảng lớn mà người Mã Lai gặp phải, cũng là khi ông bắt đầu bước chân vào chính trường. Cuốn sách cho thấy trí tuệ và kiến thức uyên thâm của ông về lịch sử và xã hội Mã Lai, về tầm nhìn và những ý tưởng lớn cho sự phát triển của Malaysia mà rồi đây ông sẽ dành cả cuộc đời để theo đuổi. Trong cuốn sách này ông đã thực hiện một cuộc đại phẫu, mổ xẻ tỉ mỉ những yếu kém cơ bản của dân tộc, xã hội và nền kinh tế của người Mã Lai trong suốt thế kỷ trước. Từ đó, Mahathir – một bác sĩ trở thành chính trị gia – đã đưa ra các giải pháp và phác đồ điều trị hiệu quả cho sự phát triển của đất nước Malaysia. Sau này, chính sách kinh tế mới (NEP) của Malaysia, do chính phủ khởi xướng và thực hiện từ năm 1971 kéo dài tới năm 1990, đã vay mượn nhiều ý tưởng từ cuốn sách này.
Lần theo từng trang hồi ký A Doctor in the House của Mahathir, tôi càng hiểu rõ hơn sự quả cảm của ông khi viết tác phẩm Thế bế tắc của Mã Lai cũng như việc phản đối đường lối của Tunku – Thủ tướng Malaysia giai đoạn đó, mà hậu quả là việc chấp nhận mất ghế tại Nghị viện và bị khai trừ khỏi Đảng UMNO để trở về làm người bác sĩ bình thường…
Cuốn A Doctor in the House, được dịch sang tiếng Việt dưới tên Hồi ký chính trị dày gần 1.000 trang của Mahathir mà các bạn đang cầm trên tay hẳn sẽ được coi là một cuốn giáo trình hoàn chỉnh về hoạt động chính trị với các bài học thực tế trên một nền tảng chính trị xã hội có phần nào đó tương đồng, thậm chí còn phức tạp hơn Việt Nam. Qua cuốn sách, bạn không chỉ hiểu về chính tác giả mà còn hiểu hơn về đất nước và dân tộc Mã Lai, hiểu về những thăng trầm của họ trong thế kỷ XX, giai đoạn biến động nhiều nhất trong lịch sử.
Là chủ nhân của vùng đất Malacca (Malaysia ngày nay), từng là đô thị lớn bậc nhất thế giới, nhưng sau 450 năm làm thuộc địa của Bồ Đào Nha, rồi Đế quốc Anh, và có một thời gian ngắn dưới ách phát xít Nhật trong Thế chiến thứ hai, tộc người Mã Lai đã trở thành thiểu số ngay trên chính mảnh đất quê hương mình: Họ là sắc tộc ít người nhất, nghèo nhất, thất học nhất, và ít quyền lợi chính trị nhất.
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, người Mã Lai dần làm chủ mảnh đất quê hương, thoát khỏi ách thống trị của người Anh. Nhưng di sản của quá khứ quá nặng nề: Tranh chấp biên giới với các nước láng giềng Indonesia và Thái Lan, quan hệ xấu với Singapore – hết sáp nhập rồi lại chia tách do vùng lãnh thổ này người Hoa nắm hết quyền lợi kinh tế chính trị, còn người Mã Lai chỉ là công dân hạng dưới… khiến cho 70% người dân Malaysia sống ở mức nghèo khổ, tỷ lệ biết chữ rất thấp, cả nước chỉ có 100 người học đại học. Hạ tầng cơ sở nghèo nàn vì thực dân Anh chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng để phục vụ khai thác khoáng sản. Hải cảng Malacca bị hạn chế năng lực để người Anh dồn giao dịch vào Singapore vốn được coi trọng hơn…
Hơn thế nữa, di sản nặng nề của quá khứ còn nằm ở chỗ đất nước Malaysia hiện đại là một quốc gia đa sắc tộc (Hoa, Ấn, Mã Lai gốc Arab, Mã Lai gốc Ấn, Mã Lai thuần…), đa tôn giáo (Công giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Do Thái giáo), chính trị phức hợp kiểu quân chủ lập hiến, xã hội nặng về phong kiến, chấp nhận đa thê, hôn nhân cận huyết và chấp nhận quyền lực chính trị cha truyền con nối. Ngay cả nền giáo dục cũng là một nền giáo dục thực dân. Chính Mahathir, cho đến tuổi trưởng thành, vẫn đặt niềm tin và tình yêu vào người da trắng và đế chế Anh và hầu như không biết gì về quá khứ lịch sử của dân tộc mình, đất nước mình.
Tun Mahathir đã lớn lên trong một đất nước và hoàn cảnh xã hội phức tạp như vậy và bản thân ông xuất thân từ một gia đình Mã Lai khá nghèo. Tuy nhiên, ông may mắn có cha là một nhà giáo còn mẹ là người phụ nữ khoan dung. Ông được gia đình nuôi ăn học và kèm cặp để trở thành một người công dân có trách nhiệm. Do nhà nghèo, và thực sự không có nhiều lựa chọn, nên ông phải theo học ngành y để trở thành bác sỹ với học bổng. Khi bước chân vào hoạt động chính trị, trở thành đảng viên Đảng UMNO, người bác sỹ trẻ Mahathir không mơ rằng có ngày mình sẽ bước lên đỉnh cao quyền lực, bởi lúc đó các lãnh đạo đảng đều xuất thân từ những gia tộc lớn, danh giá và ba vị thủ tướng đầu tiên đều học ngành luật. Và tất nhiên, bị khai trừ đảng khi ở tuổi sung sức nhất, Mahathir cũng không mơ có ngày ông được Đảng UMNO đón nhận trở lại, thăng tiến và bất ngờ trở thành Phó Thủ tướng (đồng thời là Phó Chủ tịch Đảng) rồi rất nhanh sau đó trở thành Thủ tướng (và là Chủ tịch Đảng UMNO) – vị thủ tướng thứ tư của Malaysia và là thủ tướng đầu tiên không thuộc giới quý tộc.
Đọc cuốn hồi ký này, tôi phần nào hiểu được suy nghĩ của ông trong những ngày tháng tuổi trẻ, hiểu được cuộc chiến đấu bền bỉ của ông để theo đuổi mơ ước phát triển đất nước Malaysia.
Thành tựu mà ông và người dân Malaysia đạt được sau hơn bốn thập niên phát triển, kể từ những năm 1980 khi nền kinh tế Malaysia được thế giới chú ý đến, rất ấn tượng: Tăng trưởng liên tục từ năm 1957 (năm độc lập) tới năm 2005 với tốc độ bình quân 6,5%. Khi Mahathir lên cầm quyền, năm 1981, nước Malaysia có dân số 13 triệu, trong đó có 7 triệu người Mã Lai. Ngày nay Malaysia có dân số 28 triệu người, chưa bằng 1/3 dân số Việt Nam; nhưng GDP danh nghĩa năm 2012 là 340 tỷ đô-la, gấp 2,4 lần Việt Nam.
Đằng sau những thành tựu to lớn, những số liệu thống kê đầy tính thuyết phục đó là vô vàn khó khăn vất vả. Tôi hiểu được những gì ông đã vượt qua, từ việc đương đầu với những chống đối ngay trong nội bộ Đảng UMNO đến những thách thức ngoài đảng, trong nước và quốc tế; hay những thăng trầm trong quan hệ với Singapore; vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998; vượt qua xung đột giữa người Hoa và người Mã Lai; trải qua ba lần bầu cử quyết liệt để đảm trách vị trí Thủ tướng tới 22 năm…
Nhưng cũng thật buồn khi đọc đến đoạn ông từ biệt, khi ông trăn trở với quyết định đến lúc phải rời vị trí của mình. Nhưng ông hoàn toàn có thể tự hào và hãnh diện vì đã để lại một di sản đồ sộ với nhiều thành tựu to lớn, điều mà nhiều nhà lãnh đạo khác không thể làm được.
Tuy nhiên, không chỉ nhận được những lời ca ngợi, Mahathir còn phải đương đầu với nhiều sự chỉ trích và chống đối mạnh mẽ, từ những chính khách trong đảng, hay xung đột với Ibrahim Anwar. Không phải tất cả mọi người đều ca ngợi ông… Nhưng bất chấp những đánh giá trái chiều, thì trên hết, Mahathir vẫn là một nhà lãnh đạo đầy lôi cuốn. Ông hẳn xứng đáng đứng trong hàng ngũ Nation Builders, mà tôi gọi là những nhà kiến tạo quốc gia, có thể sánh với những nhân vật khác như Lý Quang Diệu, Park Chung Hee và Đặng Tiểu Bình…
Với việc xuất bản cuốn Hồi ký chính trị của Mahathir Mohamad đồ sộ này, chúng tôi mong rằng sẽ mang lại cho độc giả Việt Nam một câu chuyện lôi cuốn và nhiều bài học hữu ích đã được kiểm nghiệm qua thực tế.
—
1 A Doctor in the House: The Memoirs of Tun Dr Mahathir Mohamad được Mahathir Mohamad viết và xuất bản tại Malaysia năm 2011. Tên sách là một kiểu chơi chữ rất khó dịch, vì bản thân Mahathir là một bác sĩ được đào tạo đúng chuyên môn. Nhưng với sự nghiệp cả đời cống hiến cho đất nước Malaysia, ông – với cương vị Thủ tướng tới 22 năm – cũng chính là vị bác sĩ tài ba đã đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả cho nền chính trị và kinh tế của quốc gia này. Dịch là Người bác sĩ trong ngôi nhà (house) hay Người bác sĩ trong Quốc hội (House) đều đúng, nhưng đều không diễn đạt được hết ý nghĩa.
2 The Malay Dilemma: Thế bế tắc của Mã Lai, được Mahathir Mohamad viết và xuất bản năm 1969.