May rủi lúa vụ 3: Tính dễ tổn thương của nông dân ĐBSCL

Trong điều kiện biến đổi khí hậu với nguy cơ hạn hán tăng cao và tình trạng phát triển đập thủy lợi của các nước vùng thượng nguồn sông Mekong, trong đó có sự tham gia gần đây của phía Việt Nam1, nguy cơ các nông hộ sản xuất lúa vụ 3 huyện Long Phú nói riêng và các tỉnh duyên hải ĐBSCL nói chung một lần nữa bị tổn thương bởi hạn mặn là rất lớn. Cách duy nhất để phòng tránh điều đó chính là phải ‘điều trị’ tận gốc được tính dễ tổn thương hiện có.


Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long là nhóm chịu nhiều tổn thương nhất trước bối cảnh biến đổi khí hậu. Nguồn ảnh: ccafs.cgiar.org/

Vào một tối oi ả của Melbourne, điện thoại tôi bỗng rung lên. Tin nhắn từ anh Đa, người nông dân tham gia nghiên cứu cùng tôi ở Sóc Trăng, báo lúa vụ 3 năm nay bội thu. Anh thở phào nhẹ nhõm quên đi những ngày quên ăn, đêm mất ngủ cuối hè năm 2016 khi cùng bà con huyện Long Phú, Sóc Trăng hứng chịu đợt hạn mặn nặng nề nhất trong 90 năm trở lại đây.

Hồi tưởng lại những ngày năm ấy, bác Ngôn, một lão nông người Kinh, hạ giọng: ‘Cái năm đó là khổ quá trời, mấy cái sông này là cạn đáy.’ Chị Lành đồng tình, trong ánh mắt chị hiện lên cảnh ‘máy cắt nó chạy dưới đáy sông’. Những ký ức này làm cho những người nông dân huyện Long Phú tỉnh Sóc Trăng cảm thấy còn ‘nổi da gà’, ‘hết hồn’, ‘sợ gần chết’…

Không chỉ họ, toàn tỉnh Sóc Trăng có tới 31,560 ha lúa và hoa màu, hạn mặn nặng nề, thiệt hại toàn tỉnh lên tới 908 tỉ đồng, gấp 27 lần tổng thiệt hại kinh tế do tất cả loại thiên tai của 7 năm trước đó cộng lại. Tính trên toàn bộ cả nước, ước tính của UNDP cho biết có tới 52 tỉnh thành bị ảnh hưởng, trong đó có tới 18 tỉnh ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL ban bố tình trạng khẩn cấp. Chính phủ buộc phải tạo ra các gói cứu trợ khẩn cấp và kêu gọi viện trợ từ quốc tế. ĐBSCL là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 10/13 tỉnh thành hứng chịu hoặc hạn hán hoặc xâm mặn, với 9/10 tỉnh thành gặp cả hai loại. UNDP ước tính, toàn quốc thiệt hại 674 triệu USD và bị ảnh hưởng tới 659,245 ha lúa và hoa màu, trong đó lúa chiếm tới 41,4% diện tích (273 nghìn ha), khoảng 89.7% diện tích lúa bị thiệt hại nằm ở khu vực ĐBSLC (244 nghìn ha). Trước một sự kiện như vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao người nông dân ĐBSCL lại trở nên yếu đuối như vậy khi hạn mặn tới?

 

Không có đường tránh thiên tai?

 

Câu trả lời dễ hình dung nhất là do tự nhiên. Mặc dù đỉnh điểm của hạn hán và xâm mặn diễn ra vào cuối năm 2015 đến giữa 2016 nhưng thực tế hạn hán đã bắt đầu từ một năm trước đó. Theo các nhà phân tích, cuối năm 2014, một sự kiện El Nĩno – hiện tượng nóng lên của bề mặt nước biển trong khu vực phía Đông và trung tâm biển Thái Bình Dương, bắt đầu từ trạng thái rất yếu, trở nên rất mạnh từ cuối năm 20152, vượt qua sự khốc liệt của hai sự kiện El Nĩno lớn nhất trong lịch sử 100 năm trở lại đây là sự kiện năm 1982-1983 và 1997-1998. Dưới ảnh hưởng của nó, hạn hán kéo dài, mùa mưa bắt đầu muộn và kết thúc sớm, mùa khô khốc liệt hơn. Cộng với lượng nước đổ về từ thượng nguồn giảm, hạn hán cường hóa xâm mặn vào mùa khô. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam3, mặn đã theo đường sông xâm nhập vào đất liền hơn 20-30 km so với cùng kỳ các năm, có nơi lên tới 100-120km ở khu vực Vàm Cỏ. Mặn lên, các cống ngăn mặn được đóng lại, khiến cho người nông dân chỉ còn cách sử dụng nguồn nước dự trữ có sẵn trên các kênh mương sông ngòi bên trong hệ thống cống. Khi sử dụng hết, họ đành bất lực nhìn lúa chết khô.

Các nhà xã hội học cho rằng quy kết nguyên nhân gây ra thảm họa tự nhiên do các hiện tượng cực đoan và thiên tai là một cách nhìn phiến diện và không hiệu quả. Dựa trên quan điểm lấy thiên tai làm trọng tâm (hazard perspective) thịnh hành những năm đầu thế kỷ XX, cách làm này đã bỏ qua hoặc xem nhẹ vai trò chủ đạo của con người trong việc can thiệp vào các tác động do tự nhiên gây ra. Để nhìn nhận một cách rõ hơn vai trò của con người-xã hội trong việc tạo ra thảm họa tự nhiên, các nhà nghiên cứu xã hội học cho rằng chúng ta nên tiếp cận góc độ tính dễ tổn thương (vulnerability perspective) bằng cách xem xét con người là chủ thể của các hành động của mình. Cách nhìn này giúp ta thấy, một thảm họa tự nhiên chỉ xảy ra khi và chỉ khi có sự kết hợp đồng thời giữa hai yếu tố gồm tác nhân bên ngoài (thiên tai và các hiện tượng tự nhiên cực đoan) và tính dễ tổn thương bên trong xã hội.

Tính dễ tổn thương trước thiên tai (vulnerability to natural hazard) nói đơn giản là sự thiếu hụt khả năng và nguồn lực để ứng phó với thiên tai, khiến cho một cộng đồng có nguy cơ rơi vào khủng hoảng xã hội với sinh hoạt thường ngày và các chức năng cơ bản bị đình trệ. Tính dễ tổn thương được tạo ra bởi các quá trình và cấu trúc xã hội, chẳng hạn như nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, đô thị hóa, di dân, hay sâu xa hơn nằm trong đường hướng và mô hình hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của cộng đồng/xã hội chịu ảnh hưởng được xem xét. Chính các quá trình và cấu trúc xã hội này khiến các nguồn lực xã hội bị khan hiếm hoặc được phân bố không đồng đều, từ đó dẫn tới suy yếu năng lực phòng chống, giảm thiểu, và hồi phục từ các tác động của thiên tai. Khi một cộng đồng thiếu hụt năng lực để chống chọi với thiên tai (natural hazard), họ sẽ phải đối mặt với một thảm họa tự nhiên (natural disaster). Ngược lại, nếu một cộng đồng có năng lực ứng phó với thiên tai, thì thiên tai không hoặc ít có khả năng biến thành một thảm họa. Nói cách khác, đối với các nhà nghiên cứu xã hội, tính dễ tổn thương xã hội là nguyên nhân chính dẫn tới rủi ro thảm họa trong công thức sau4: R=H*V.

Trong đó R là khả năng xảy ra thảm họa, H là thiên tai hay tác nhân tự nhiên, V là tính dễ tổn thương.

Chúng ta không thể thay đổi tự nhiên nhưng chúng ta có thể làm giảm nhẹ tính dễ tổn thương xã hội. Vậy tính dễ tổn thương trước hạn mặn của nông dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng nằm ở đâu và nó do những tác nhân nào?

Có lẽ có người sẽ nhanh chóng suy luận rằng các hộ nông dân chính là những người phải chịu trách nhiệm đầu tiên cho thiệt hại của họ. Nên nhớ, trong vụ hạn mặn năm 2015-2016, không phải toàn bộ nông dân ở Sóc Trăng bị thiệt hại. Nói đúng hơn, chỉ có các nông hộ sản xuất lúa vụ 3 (hay còn gọi là lúa Đông Xuân (muộn) hoặc lúa Xuân Hè, diễn ra từ tháng 12 năm 2015 và thu hoạch vào tháng 3 tới tháng 5 năm 2016) mới bị ảnh hưởng. Theo số liệu của tỉnh Sóc Trăng, kể từ năm 2010, độ mặn đo được tại các trạm chính của tỉnh cho thấy độ nhiễm mặn của nước sông thường lên cao nhất vào tầm tháng 2 đến tháng 4, và khoảng thời gian này là khi lúa vụ 3 ở vào giai đoạn phát triển quan trọng trước khi thu hoạch. Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao các nông dân lại tiến hành một vụ lúa rủi ro như vậy?


Lúa không trổ nổi bông vì hạn mặn ở huyện Long Phú, Sóc Trăng vào năm 2016. Ảnh: Vietnamnet. 

Nghiên cứu trường hợp tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng5 cho thấy, những nông dân bị thiệt hại hầu hết đối diện với thiên tai mà thiếu hụt các phương án phòng chống hiệu quả như: đánh giá thấp tác hại của hạn mặn; thiếu các lựa chọn sinh kế và cách làm liều mạng với thiên tai. Vấn đề thứ nhất xuất hiện từ việc người nông dân ở Long Phú nói riêng và Sóc Trăng nói chung tuy đã quen thuộc với xâm mặn hằng năm vào mùa khô nhưng lúa vụ 3 của họ chưa từng trải qua mất mát thực sự nặng nề do mặn. Bác Tào, một lão nông người Khmer kể kinh nghiệm làm lúa vụ 3 của mình:  …năm 2000 hình như bắt đầu làm lúa vụ 3 rồi đó. Thất có một năm rồi sau này làm là trúng hết, tới năm 2015 mới thất 2 năm.

Khi được hỏi liệu đã trải nghiệm bị xâm mặn lần nào chưa, một lão nông khác cho biết: ‘Có, nhưng mặn năm lên 1-2 lần rồi xuống hết thôi’. Như vậy, kinh nghiệm làm lúa vụ 3 của các hộ thường là trúng mùa và hiếm khi bị thiệt hại. Theo một số nghiên cứu, kinh nghiệm quá khứ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định một chủ thể đánh giá mức độ rủi ro cao hay thấp hoặc có tiến hành các biện pháp phòng chống thiên tai không. Ở đây nông dân Long Phú cho rằng xâm mặn là hiện tượng hằng năm không gây hại gì nên họ tiếp tục làm vụ 3 mà không nghĩ tới phòng tránh. Tuy vậy, họ lại không tính được tác động của hạn hán cường hóa xâm mặn trong vụ 3 năm 2015-2016.

Thiếu hụt các lựa chọn sinh kế khác cũng là một nguyên nhân khiến các nông hộ chỉ còn lựa chọn làm lúa vụ 3. Mặc dù hiểu được mối họa tiềm tàng từ xâm mặn vào mùa khô, người nông dân ở đây không biết phải làm gì khác ngoài gắn bó với mảnh ruộng của họ và nghề trồng lúa. Cô Điền, một phụ nữ người Khmer ở tuổi 50 có chồng vừa mất cho biết đối với vụ 3, ‘năm nào cũng làm, trúng thất cũng làm. Nhiều khi nước mặn vô vài trăm km cũng làm. Bởi vì có làm cái gì đâu chú, vụ 3 thì ai cũng làm, trúng thất thì mình chịu.’ Lời tâm sự của cô Điền cũng là nỗi lòng của anh Chuyên. Đáp lại câu hỏi vì sao người nông dân lại phải gắn bó với lúa vụ 3, anh cho biết trước hết là vì các hộ ở đây gắn với ruộng đồng: ‘Mình sống vì ruộng thì mình cứ làm thôi chứ’. Thứ hai, anh cho biết, nếu không làm lúa, các hộ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thu nhập để thay thế: ‘Trong vòng 8 tháng. Lấy gì sống. Người nông dân chỉ có trông chờ vụ lúa.’ Tám tháng là quãng thời gian từ khi kết thúc lúa vụ 2 (tức Thu Đông) vào khoảng tháng 12 năm trước cho tới khi thu hoạch được vụ 1 (Hè Thu) rơi vào khoảng tháng 8- tháng 9 năm kế đó. Hỏi vì sao các hộ không chuyển qua trồng các loại rau màu thay vì trồng lúa vụ 3, bác Tân một lão nông người Kinh giải thích: ‘bây giờ chuyển sang trồng màu khoai mì, bắp, khoai lang, chuyển thì chuyển ba thứ đó thôi chứ chuyển cái gì bây giờ? Mà ba thứ đó đó, nước mặn là nó còn chết sớm hơn cây lúa nữa.’ Ngoài gắn bó với ruộng lúa, các hộ nông dân cũng có thể lựa chọn đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, lựa chọn này không phải dành cho số đông, đặc biệt là đối với các hộ có nhiều ruộng đất họ không thể bỏ ruộng hoang, hay những nông dân đã lớn tuổi có sức khỏe kém. Chính những hộ này phải ở lại và chấp nhận rủi ro làm vụ 3.

Tuy vậy, việc chọn lựa làm lúa vụ 3 nhìn chung là một đánh cược có tính chủ động của nông dân Long Phú nói riêng và Sóc Trăng nói chung. Dữ liệu thực địa cho thấy mặc dù các hộ nhận thức được nguy cơ xâm mặn nhưng họ chấp nhận theo đuổi vụ 3 vì cho rằng vụ này vượt trội hơn so với hai vụ lúa còn lại ở khả năng sâu bệnh, chi phí, năng suất, sản lượng, và lợi nhuận. Bác Đào, một nông dân Khmer giải thích: ‘‘Lúa [vụ 3] trổ phơi bông [khi] không có bị mưa, phơi bông tốt. Nhờ là nhờ vụ 3 nè, chuẩn bị thu hoạch là lúa vụ 3 một công gần 1 tấn có đó, phải làm thôi chứ sao bây giờ, vụ này nó trúng dữ lắm. Hai vụ kia chừng 600 700kg hà, 700kg là lúa trúng rồi đó (cười)’. Anh Bên, một nông hộ người Khmer sống ở ấp người Kinh cũng đồng tình cho rằng: ‘Vụ 1 và vụ 2 không hiệu quả bằng vụ 3. Hai vụ này không tạo ra nhiều sản lượng như vụ 3. Với lại, vụ 3 dễ làm hơn vì mùa khô, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn, giá tốt hơn’. Vì khả năng vượt trội đó, hầu hết các hộ được phỏng vấn đều cho biết họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro làm vụ 3. Tính chất đánh cược với vụ 3 được thể hiện qua phát biểu của bác Đào: ‘Vụ 3 là một canh bạc. Nếu nó trúng thì sẽ rất có lợi nhuận’.

Tâm lý đánh cược này lại không đi cùng với kiến thức và kỹ năng cần có để ứng phó hạn mặn. Do đó, hầu hết các hộ đều bỏ qua khuyến cáo về xâm mặn qua đài, tivi hoặc cán bộ xã/ấp và không có sự chuẩn bị cần thiết. Cô Chanh, một phụ nữ người Kinh lấy chồng người Khmer cho biết mặc dù xã có thông báo nhưng cô nghĩ cũng như các năm trước mặn không lên nên cô vẫn làm. Từ các hộ được phỏng vấn cho thấy chỉ có một vài hộ chủ động bỏ qua hoặc giảm diện tích canh tác vụ 3 năm 2015-2016, còn lại nhiều hộ tiếp tục canh tác, thậm chí còn tăng diện tích với hy vọng thu được nhiều lợi nhuận. Anh Đa chính là một trong các hộ này. Nhà chỉ có 6 ha nhưng anh đã chủ động mướn thêm hơn 4 ha nữa để canh tác và kết quả là thất trắng toàn bộ hơn 10 ha và lâm vào cảnh nợ nần.

 

Đánh cược với rủi ro

 

Trong xã hội học, có một nan đề làm đau đầu các nhà lý thuyết chính là liệu cấu trúc xã hội (social structure) quyết định hay năng lực chủ thể hành động xã hội (agency) quyết định? Ở đây, chúng ta cũng có thể đặt cùng một câu hỏi: liệu nguyên nhân gây ra tính dễ tổn thương trước thảm họa tự nhiên có phải hoàn toàn là do lỗi của các nông hộ – những chủ thể hành động xã hội? Nhà xã hội học người Anh Anthony Giddens6 khi nêu quan điểm về tính hai mặt của cấu trúc xã hội (duality of structure) phủ nhận quan điểm cực đoan về sự thống trị của hoặc là cấu trúc xã hội hoặc là hành động xã hội lên yếu tố còn lại. Ông cho rằng hai yếu tố này luôn có quan hệ biện chứng, trong đó cấu trúc xã hội (các quy tắc và chu trình) tạo ra môi trường vừa có khả năng khích lệ hành động xã hội vừa có khả năng kìm hãm chúng. Ở chiều ngược lại, các chủ thể hành động không phải luôn bị động mà có thể kiến tạo và tái tạo lại cấu trúc xã hội. Khi sử dụng quan điểm này vào giải thích thảm họa tự nhiên năm 2015-2016, chúng ta thấy rằng, tính dễ tổn thương của các nông hộ trước hạn mặn là một hệ quả đến từ quá trình tương tác qua lại giữa nông dân với tư cách là các chủ thể có năng lực hành động và môi trường chính sách thể chế với tư cách là cấu trúc xã hội.

Điểm mấu chốt để lý giải tính dễ tổn thương trước hạn mặn năm 2015-2016 chính là cần lý giải vì sao lúa vụ 3 – một cách thức đầu tư có tính rủi ro cao, lại trở thành một phần quan trọng trong tập quán sản xuất nông nghiệp của nhiều nông hộ ở huyện Long Phú nói riêng và Sóc Trăng nói chung? Thực tế, việc làm lúa vụ 3 không phải là quyết định nhất thời vào mùa vụ năm 2015-2016 mà đã thành một phần tập quán từ trước đó. Tuy vậy, nếu lùi thêm một chút về những năm 1980 trở về trước, vụ lúa này chưa tồn tại khi mà nông dân vùng này chỉ có sản xuất 1 vụ lúa một năm gọi là vụ Mùa. Giống lúa này dài ngày kéo dài khoảng 4-6 tháng, bắt đầu từ khoảng tháng 7 tháng 8 và kết thúc vào khoảng tháng 12 trước khi mùa khô bắt đầu. Mặc dù năng suất thấp nhưng lúa mùa cho phép nông dân tận dụng được mùa mưa, tránh được xâm mặn vào mùa khô. Về cơ bản, các nông dân thời kỳ này chưa từng nghĩ họ sẽ làm lúa mùa khô.

 

Chính sách có giảm thiểu rủi ro?

 

Tuy vậy, sự kiện chính trị xã hội những năm 1970-1990 mang lại những biến đổi quan trọng. Sau thống nhất 1975, Việt Nam lúc đó rơi vào khủng hoảng kinh tế và lương thực. Nhờ Đổi Mới (1986), Việt Nam từ vị thế một nước nhập khẩu gạo thành một nước xuất khẩu gạo. Để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, chính phủ đưa ra chính sách tăng cường sản xuất lúa gạo nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung7. Nhu cầu tăng cường sản xuất nông nghiệp dẫn tới hai vấn đề.

Thứ nhất là việc trói buộc các địa phương có hệ thống sản xuất hàng hóa lớn như các tỉnh ĐBSCL với sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu (xem Nghị định 2/2006/NĐ-CP)8. Do đó, các địa phương phải xem sản xuất lúa gạo là hoạt động trọng tâm để đảm bảo hai mục tiêu trên. Đối với các huyện nông nghiệp như Long Phú, chỉ tiêu sản xuất lúa gạo cần phải tuân theo chỉ tiêu đề ra bởi cơ quan chính quyền cấp tỉnh. Theo chúng tôi, việc quy định hạn mức sản xuất lúa gạo hằng năm vô hình tạo ra ràng buộc khiến nông dân phải gắn bó với cây lúa và khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác hoặc sản xuất thủy sản.


Cống ngăn mặn tại Long Phú, Sóc Trăng. Ảnh:Nongnghiep.vn

Tăng cường sản xuất nông nghiệp mang tới vấn đề thứ hai là chính sách quản lý tài nguyên nước, trong đó gồm cả việc quản lý hệ thống thủy lợi. Sau Đổi Mới, Chính phủ Việt Nam theo đuổi chính sách xây dựng các công trình thủy lợi lớn để quản lý nước, sản xuất nông nghiệp và ứng phó với thiên tai. Ngày 9 tháng 2 năm 1996, Quyết định 99-TTg tập trung vào phát triển thủy lợi gồm hai phần: một, phòng chống lũ cho các tỉnh vùng giáp ranh biên giới như khu vực Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, và Tây Sông Hậu; hai là thực hiện dự án ‘ngọt hóa’ để bảo vệ các tỉnh duyên hải gồm khu vực Bán đảo Cà Mau, Gò Công, Nam Măng Thít9 khỏi xâm mặn và giữ nước ngọt để sản xuất và sinh hoạt. Dự án ngọt hóa bao gồm đê biển, hệ thống cống ngăn mặn, trạm bơm cho phép phòng chống xâm mặn vào mùa khô, mang lại cơ hội sản xuất nông nghiệp nhiều vụ một năm cho các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Dưới ảnh hưởng của dự án ‘ngọt hóa’, cuối những năm 1990 tới đầu những năm 2000 một số hộ nông dân ở Long Phú và các địa phương xung quanh đã có những thử nghiệm sản xuất một vụ xen giữa vụ 2 và vụ 1. Thử nghiệm táo bạo này mang lại những thành quả tích cực khiến cho phong trào làm lúa vụ 3 bắt đầu lan rộng, đặc biệt từ giữa cuối những năm 2000. Nhớ lại quãng thời gian đó, bác Tào cho biết: ‘Tôi quyết định làm vụ 3 vì nhà nước đã xây dựng đê và có đầy đủ nước ngọt. Từ đó tôi làm liên tục cho tới nay. Trước năm 2010, không nông dân nào quanh đây dám làm vụ 3 vì không có đập ngăn mặn’. Từ chỉ là một vụ mang tính thử nghiệm, vụ 3 đã dần trở thành một phần sinh kế quan trọng của nông hộ và được chính quyền công nhận trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp hằng năm.

Khi vụ 3 trở thành một vụ chính, lịch thời vụ đã có những biến chuyển, theo đó, vụ 1 được đẩy lên sớm hơn từ cuối tháng 4 thay vì tháng 5 (vẫn là Hè Thu), vụ 2 được đẩy lên từ tháng 9, kết thúc vào tầm tháng 11 (nay được xem là Thu Đông thay vì Đông Xuân sớm) và vụ 3 được chen vào giữa từ cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1 cho tới tháng 4.

Việc chuyển đổi từ hệ thống 1 vụ/năm sang 3 vụ/năm không chỉ gây ra các hệ lụy như suy kiệt tài nguyên đất mà còn đẩy nông dân vào lằn ranh phải đối mặt với nguy cơ xâm mặn hằng năm và thiếu hụt nước tưới tiêu.

Như vậy, qua phân tích trên đây, chúng ta có thể thấy rằng tính dễ tổn thương trước hạn mặn năm 2015-2016 không chỉ đơn giản là một hệ quả của các hành động và năng lực của nông hộ trong thời điểm trước khi diễn ra hạn mặn. Tính dễ tổn thương này thực tế đã bén rễ từ mối quan hệ tương tác qua lại giữa môi trường chính sách và lựa chọn của nông hộ trong quá trình lịch sử trước đó. Chính sách phát triển nông nghiệp và quản lý tài nguyên nước cụ thể là chương trình xây dựng công trình thủy lợi lớn nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, một mặt cho phép tăng diện tích gieo trồng và sản lượng lúa, mặt khác dẫn nông dân tới tập quán sản xuất 3 vụ/năm. Hệ thống 3 vụ/năm không những làm cho hệ thống thủy lợi bị quá tải mà còn đẩy nông dân tới ‘điểm nóng’ đối chọi với tấn công của xâm mặn hằng năm. Tuy vậy, bản thân chính sách hay cấu trúc xã hội không phải là yếu tố duy nhất tạo ra điểm yếu trước thiên tai, mà bản thân nông dân cũng có trách nhiệm của họ. Chính họ là những người chủ động trong việc thử nghiệm lúa vụ 3 vào mùa khô, trực tiếp đặt bản thân mình vào nguy cơ bị xâm mặn tấn công. Quan hệ qua lại giữa nông dân và môi trường chính sách thể chế đã dần dần tạo ra các vết rạn nứt tiềm ẩn và chúng chỉ bộc lộ vào mùa khô năm 2015-2016. Trong điều kiện biến đổi khí hậu cùng nguy cơ hạn hán tăng cao và tình trạng phát triển đập thủy lợi của các nước vùng thượng nguồn sông Mekong trong đó có sự tham gia gần đây của phía Việt Nam, nguy cơ các nông hộ sản xuất lúa vụ 3 huyện Long Phú nói riêng và các tỉnh duyên hải ĐBSCL nói chung một lần nữa bị tổn thương bởi hạn mặn là rất lớn. Cách duy nhất để phòng tránh điều đó chính là phải ‘điều trị’ tận gốc được tính dễ tổn thương hiện có. □

1Tom Fawthrop, Did Vietnam Just Doom the Mekong? A policy reversal on Mekong dams has put Hanoi’s credibility – and the river’s fate – on the line. Accessed 10 December 2019 https://thediplomat.com/2019/11/did-vietnam-just-doom-the-mekong/

2 Null J (2019) El Niño and La Niña Years and Intensities. Based on Oceanic Niño Index (ONI). DOI: http://ggweather.com/enso/oni.htm. (accessed April 9 2019).

3 Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (2016), Saline intrusion in the Vietnamese Mekong Delta February 2016. Ho Chi Minh city.

4 Xem Wisner, B., Blaikie, P., Cannon, T. & Davis, I. (2004), At risk: natural hazards, people’s vulnerability and disasters, 2nd edn, Routledge, London and New York.

5 Nguyen-Trung K (2019) Vulnerability to Natural Disasters: The Case of Vietnam’s Mekong Delta. Vulnerability in a Mobile World. Emerald Publishing Limited, pp.71-90.

6 Giddens A (1984) The constitution of society: Outline of the theory of structuration. Cambridge, UK: Polity Press.

7 Biggs D, Miller F, Hoanh CT, et al. (2012) The delta machine: water management in the Vietnamese Mekong Delta in historical and contemporary perspectives. Contested waterscapes in the Mekong Region. Routledge, pp.225-248; Hoanh CT, Tuong T, Gallop K, et al. (2003) Livelihood impacts of water policy changes: evidence from a coastal area of the Mekong River Delta. Water Policy 5(5-6): 475-488.

8 Chính phủ Việt Nam (2006), Nghị định Quy định chi tiết thi hành luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, 23/1/2006.

9 Can ND, Le Thanh Duong NVS and Miller F (2007) Livelihoods and resource use strategies of farmers in the Mekong Delta. Challenges to sustainable development in the Mekong delta: regional and national policy issues and research needs. The Sustainable Mekong Research Network, Bangkok. 69-98.    

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)