Monod và Camus

Monod và Camus cùng được giới thiệu trong cuộc gặp mặt của một nhóm bảo vệ nhân quyền và hợp nhau ngay lập tức mặc dù cả hai dường như chẳng có điểm chung gì về thân thế cũng như nghề nghiệp. Điều kết nối họ, có lẽ là tinh thần đấu tranh không ngừng nghỉ cho những điều mình tin là đúng.

Camus trong áo khoác phòng thí nghiệm

Jacques Monod (1910-1976) được giải Nobel Y học vào năm 1965 nhờ sự phát hiện về cơ chế điều hòa của gene cùng với hai người đồng nghiệp Francois Jacob và Andre Lwoff. Nghiên cứu của ba người đã lí giải cơ chế đóng mở của gene khi một tế bào phát triển và phát hiện ra vai trò của ARN. Jacques Monod và Francois Jacob đã giúp giải đáp một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành sinh học: Sự phát triển của một sinh vật phức tạp từ một quả trứng được thụ tinh.

Tuy nhiên, Monod được công chúng biết đến nhiều hơn với tập bài luận được in thành sách vào năm 1970, mang tên “Ngẫu nhiên và thiết yếu” (Chance and Neccesity), đứng thứ hai trong danh sách những tác phẩm bán chạy nhất ở Pháp năm đó. Trong đó, Monod khẳng định rằng sự ngẫu nhiên thuần túy (pure chance) là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo trong tự nhiên. Tác phẩm của Monod đã thách thức quan niệm của công chúng về sự tiến hóa và đồng thời cũng làm “đau đầu” giới triết học. B.Caroll (tác giả cuốn Brave genius) viết, Monod đã từ chối quan điểm cho rằng nhiệm vụ của khoa học là đóng góp vào sự thoải mái và hạnh phúc của con người mà nghĩ rằng, đóng góp quan trọng nhất của khoa học là thường xuyên khiến con người không thoải mái bằng việc thách thức quan niệm của họ về chính mình. Monod từng trả lời đài BBC: “Tôi cảm thấy rằng, những kết quả của khoa học từ trước đến nay đã thay đổi mối quan hệ của con người với vũ trụ hay cách nhìn của con người về bản thân mình trong vũ trụ”.   

Không chỉ là nhà khoa học, Monod còn là một nhà hoạt động chính trị xã hội, lên tiếng đấu tranh cho khoa học chân chính, dân chủ, bình đẳng trong xã hội giữa một thời kì xung đột chính trị tư tưởng gay gắt ở châu Âu sau Thế chiến thứ hai. Monod từng viết trên tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists: “Bất cứ khi nào sự khách quan, sự thật và công lý bị đe dọa, một nhà khoa học có trách nhiệm phải xác lập quan điểm của mình và bảo vệ nó”. Ông đã lên án gay gắt Lysenko (một kỹ sư nông học Liên Xô phủ nhận toàn bộ lý thuyết di truyền học cổ điển) trên trang nhất của tờ Combat và chỉ trích sự bành trướng quyền lực của Lysenko. Ông đã yêu cầu hợp pháp hóa việc tránh thai (trước việc số ca nạo phá thai chui tương đương với số trẻ sinh ra mỗi năm và hiểm họa của quy trình này là khôn lường) trong khi giới chính trị và tôn giáo cấm đoán mọi thông tin về vấn đề này. Jacques Monod cũng đứng lên đọc điếu văn trong lễ tưởng niệm Martin Luther King được tổ chức bởi phong trào phản đối nạn phân biệt chủng tộc, chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và vì hòa bình. Trong cuộc nổi dậy vào tháng 5/1968 tại Paris, khi các sinh viên bị bắt giữ vì lên tiếng phản đối sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội Pháp và cơ chế quan liêu kiểm soát tài trợ cho các trường đại học, khi cảnh sát tham gia đàn áp các cuộc biểu tình và các trường đại học bị buộc đóng cửa, Jacques Monod đã đứng về phía sinh viên. Ông công khai yều cầu chính quyền trả tự do cho những sinh viên bị giam giữ và mở cửa lại các trường đại học. 

Tư duy rộng mở và tinh thần nhân văn của Monod không chỉ do ông xuất thân từ một gia đình yêu văn chương và nghệ thuật (bản thân Jacques Monod còn là nhạc công và từng là người sáng lập một dàn nhạc với tên gọi La Cantate chơi các tác phẩm của Bach và được đánh giá cao trong buổi ra mắt công chúng khi đang làm luận án Tiến sĩ) mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ Albert Camus. B.Caroll viết rằng, “với việc công khai cam kết đấu tranh vì nhân quyền, tự do cá nhân và thậm chí cả sự cần thiết phải nổi loạn, Monod là hiện thân của Camus, trong áo khoác phòng thí nghiệm.”

Người “ngoài cuộc”

Khác Monod có một tuổi thơ bình yên ở thành phố biển Cannes, Abert Camus (1913-1960) sinh ra ở Algeria, cha mất sớm do tai nạn nghề nghiệp và ông được nuôi dạy bởi người mẹ mù chữ và hầu như câm điếc. Ông sống trong một căn hộ tồi tàn với mẹ, em trai, người bác bị liệt và bà. Camus sống trong nghèo đói, không có sách vở, báo chí hay radio. Hơn thế nữa, sức khỏe Camus bị “hành hạ” vì bệnh lao ở phổi bên  phải, tưởng chừng không qua khỏi.

Mặc dù phải đấu tranh với bệnh tật và những khó khăn trong cuộc đời, Camus lại không có quan điểm giống như những triết gia theo học thuyết hư không trước đó là phủ định mọi giá trị của cuộc sống. Ông phát triển một điểm nhìn khác biệt, theo đó vừa phải chấp nhận sự phi lí của cuộc sống như sự thật hiển nhiên, vừa trân trọng hết mực cuộc sống. Sự phi lí là một phạm trù quen thuộc trong tiểu thuyết, kịch… của ông, đó là khao khát đi tìm ý nghĩa cuộc sống của con người, trong khi vũ trụ lại hoàn toàn “lờ đi” khao khát đó. Hình tượng Sysiphus trong tác phẩm của Camus chính là sự kết nối giữa việc đón nhận sự phi lí đó và việc tìm kiếm hạnh phúc. Trong huyền thoại, Sysiphus bị trừng phạt bởi chúa trời phải lăn đá lên đỉnh núi mỗi ngày để rồi đến nơi nó lại tự lăn xuống. Tuy nhiên, trong điểm nhìn của Camus, đó lại là sự khinh thị của Sysiphus với chúa trời, sự căm ghét cái chết và khát khao được sống khi phải đối mặt với những vật lộn vô ích. Camus đã tổng kết rằng: “Sự vật lộn với những đỉnh cao đủ để lấp đầy trái tim con người. Mọi người phải nghĩ rằng bản thân Sisyphus đang cảm thấy hạnh phúc”.

Cuộc đời của Camus có phần “chật vật” giống nhân vật của ông. Ông luôn bị “chĩa mũi dùi” từ dư luận, khi bảo vệ quan điểm của mình. Một trong những người bạn thân của ông, Jean Paul Sartre, chỉ trích Camus kịch liệt khi ông cho xuất bản cuốn “Sự nổi loạn” (The Rebel) lí giải nguồn gốc của các cuộc nổi dậy và cách mạng là do sự phủ nhận của cá nhân với những chuẩn tắc công lý hiện tại. Tuy nhiên, ông thà chấp nhận mất đi tình bạn với Sartre còn hơn là bẻ cong ý kiến của mình. Camus cũng là người đã lên tiếng yêu cầu xóa bỏ án tử hình ở Hungary; và vì phản đối án tử hình vô điều kiện, ông còn viết thư cho Tổng thống Pháp René Coty xin giảm án cho những phần tử cực đoan của Mặt trận giải phóng quốc gia đang bị bắt giữ ở Algeria (trong cuộc nội chiến giữa bên trung thành với Pháp và những người Algeria Hồi giáo muốn độc lập). Chính vì hai sự kiện này, Camus chịu  nhiều chỉ trích từ những người quen thuộc giới chính trị và giới văn chương, thậm chí cả sự nghi ngờ từ phía Viện Hàn lâm Thụy Điển khi trao giải Nobel cho ông.

Camus là người sợ hãi mọi hình thức phát biểu trước công chúng. Và vì thế, giải Nobel đến với ông vào năm 1957 đem lại cho ông nhiều nỗi lo hơn là niềm vui. Ông cho rằng giải thưởng vinh danh bộ tác phẩm hoàn thiện của ông nhưng ông lại hi vọng rằng, nó vẫn chưa hoàn thiện. Ông sợ những lời đề nghị phỏng vấn, chụp ảnh và thư mời tới dự các bữa tiệc sẽ khiến ông phân tán khỏi công việc viết lách. Ông sợ giải thưởng sẽ càng khiêu khích những người bất đồng quan điểm với mình. Thế nên, chờ những lời mời phỏng vấn lắng xuống, ông mới trả lời một số rất ít lời chúc từ bạn bè, trong đó có Jacques Monod. Mặc dù ông biết rất nhiều văn nghệ sĩ tiên phong thời kì bấy giờ, như George Orwell hay Pablo Picasso, nhưng ông quả quyết rằng: “Tôi trước giờ chỉ biết một thiên tài thực sự là Jacques Monod”.

Đọc thêm:
Những thiên tài dũng cảm
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=8810&CategoryID=42


       

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)