Một “bước chuyển cơ bản”

Dự thảo “Quy định tạm thời nghiệm thu đánh giá đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên” đang được Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến của các nhà khoa học. Theo GS. Hoàng Tụy , bản Dự thảo đã đánh dấu một "bước chuyển cơ bản" trong việc quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản ở nước ta. Đây là lần đầu tiên, các chuẩn mực quốc tế được áp dụng (một phần) để đánh giá các công trình nghiên cứu khoa học trong nước.


Theo Thứ trưởng Lê Đình Tiến, người chủ trì chỉ đạo soạn thảo Qui định tạm thời thì sở dĩ bản quy định được coi là tạm thời vì chủ yếu chỉ để nghiệm thu trên 160 đề tài đã hoàn thành và trên 900 đề tài nghiên cứu cơ bản (NCCB) đang triển khai. Qui chế tuyển chọn và đánh giá các đề tài NCCB, Bộ KH&CN sẽ soạn thảo tiếp, trong đó đặc biệt coi trọng các tiêu chí đánh giá đầu vào theo các chuẩn mực quốc tế.
Theo Quy định tạm thời này, việc đánh giá các đề tài NCCB sẽ được tiến hành dựa trên các tiêu chí “Kết quả nghiên cứu” và “Kết quả tham gia đào tạo trên đại học”. Ngoài ra còn có tiêu chí khác là “Tiến độ thực hiện đề tài” và “Tình hình sử dụng kinh phí”. Trong các tiêu chí nói trên, “Kết quả nghiên cứu” là chuẩn mực đánh giá quan trọng nhất, nó được thể hiện bằng các công trình đã công bố hoặc đã được nhận đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có tên trong danh sách chỉ số trích dẫn SCI và SCI Expanded do ISI công bố và một số tạp chí chuyên ngành uy tín khác. Ngoài ra, các công trình đăng trên tạp chí khoa học quốc gia hàng đầu, báo cáo khoa học đăng trong kỷ yếu… cũng được tính đến.
Đánh giá chung về bản Quy định, nhiều nhà khoa học cho rằng, vì hầu hết các đề tài NCCB đã hoàn thành hoặc đang triển khai đều được tuyển chọn chưa theo chuẩn mực quốc tế nên việc qui định những tiêu chí để đánh giá kết quả nghiên cứu như vậy là có thể chấp nhận được nhưng về lâu dài, nếu không áp dụng hoàn toàn các chuẩn mực quốc tế thì vẫn sẽ còn lỗ hổng cho các nghiên cứu kém chất lượng “lọt lưới”. Mặt khác, các tiêu chí đánh giá của Quy định vẫn còn chung chung. Cần phải có những hệ thống chuẩn mực đánh giá cụ thể và chi tiết cho từng ngành. Cụ thể, đối với ngành Toán thì việc đạt chuẩn SCI là cần thiết nhưng với các ngành khác thì có thể thấp hơn (GS Phùng Hồ Hải -ĐH Essen – Đức). Hơn nữa, việc đạt chuẩn SCI cũng chưa hẳn đã đủ để đánh giá chính xác  và chặt chẽ kết quả nghiên cứu ở tất cả các lĩnh vực NCCB, nhất là những ngành đang phát triển với tốc độ rất nhanh như công nghệ thông tin. (Xem “Văn hóa ngành” trong tiêu chí đánh giá. Hồ Tú Bảo. Tia Sáng số14 – 20/7).
Một trong những vấn đề cũng được các nhà khoa học hết sức quan tâm đó chính là chất lượng của Hội đồng khoa học, tổ chức được ủy quyền để đánh giá các công trình NCCB. Theo Quy định, Hội đồng Khoa học do Bộ trưởng Bộ KH&CN thành lập cho từng chuyên ngành hoặc lĩnh vực khoa học. Hội đồng có từ 9 đến 13 thành viên là những nhà khoa học có uy tín, có trình độ chuyên môn phù hợp (tiến sĩ trở lên), có công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc gia, quốc tế trong 5 năm trở lại đây. GS Hoàng Ngọc Long (Viện Vật lý và Điện tử) cho rằng: “Quan trọng nhất trong đánh giá là Hội đồng. Thành viên Hội đồng phải thực sự giỏi và công tâm mới có thể đánh giá chính xác”. Trong tiêu chí “có công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc gia, quốc tế” đối với thành viên Hội đồng, GS Long từng đề nghị bỏ tiêu chí “quốc gia” vì kinh nghiệm cho thấy có rất nhiều “nhà khoa học đầu ngành” nhưng từ hàng chục năm nay không nghiên cứu, hoặc có nghiên cứu cũng chỉ ra những công trình chất lượng kém, không thể đăng ở các tạp chí quốc tế. “Nếu không (xem lại tiêu chí này), có khi người không làm việc lại đi đánh giá người làm việc”.  GS Ngô Việt Trung (Viện trưởng Viện Toán học) cũng đồng tình với GS Long: “Thành viên Hội đồng mà chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn ‘có công trình công bố trên tạp chí quốc gia’ không thôi thì không phản ánh được xu thế vươn lên trình độ quốc tế của nền khoa học nước nhà. Nếu không đủ người thì Hội đồng chỉ cần 5 thành viên là đủ”.

“Đánh động” giới nghiên cứu
Bản Quy định trên chỉ để đánh giá nghiệm thu một phần hoạt động nghiên cứu khoa học trong một giai đoạn không dài, với kinh phí có thể nói là không đáng kể so với ngân sách nhà nước dành cho “quốc sách hàng đầu”. GS Phạm Duy Hiển cho rằng Quy định này chỉ để “chữa cháy” cho việc xét duyệt các công trình NCCB đã có, không thể dùng lâu dài sau này. Dù sao nó cũng “đánh động” giới nghiên cứu khoa học trong nước phải “vươn lên tầm quốc tế”, không chỉ trong lĩnh vực NCCB mà cả nghiên cứu ứng dụng,  không chỉ lĩnh vực khoa học tự nhiên mà cả khoa học xã hội.
Tuy nhiên, việc mất tới gần nửa năm để bàn bạc, lấy ý kiến các nhà khoa học và quản lý khoa học để xây dựng một văn bản đánh giá “nhỏ” này cho thấy một vấn đề lớn hơn: Cách đánh giá thực trạng nền khoa học nước nhà. Qua các cuộc bàn thảo, có người rút ra nhận xét: Những người đang thực sự làm khoa học thường đánh giá khoa học Việt Nam ở sau một khoảng cách rất xa so với thế giới và kiến nghị cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong việc đánh giá kết quả hoạt động khoa học. Trong khi đó, một “số khác”, phần lớn là các nhà quản lý, lại cho rằng dù còn yếu kém song những công trình nghiên cứu trong thời gian vừa qua là “tiến bộ đáng ghi nhận”. Vì thế, bên cạnh các chuẩn mực quốc tế, vẫn cần duy trì các chuẩn mực “của ta”.
Sự khác nhau trong cách nhìn nhận này lại liên quan đến tiêu chí đánh giá năng lực nghiên cứu của nhà khoa học “chẳng giống ai” của chúng ta từ nhiều năm nay. Một nhà khoa học phát biểu trong cuộc trò chuyện “ngoài lề”: Có những vị “chức sắc khoa học” tên tuổi thường xuyên xuất hiện trên báo chí, nhưng vào Google Scholar tìm thì không thấy công trình đâu!
Để đánh giá chính xác thực trạng nền khoa học thì không gì hơn là có một cơ sở dữ liệu đầy đủ, tin cậy về đội ngũ làm khoa học nước nhà. Hiện nay Bộ KH&CN đang có một chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu như vậy, song một việc tưởng như khá đơn giản trong thời đại thông tin hoá ra lại gặp rất nhiều trở ngại: nhiều người không muốn công khai “hồ sơ khoa học” của bản thân.
Và từ đây lại mở ra một vấn đề khác:  Việc áp dụng các chuẩn mực rõ ràng để đánh giá “đầu vào” (chất lượng những người tham gia nghiên cứu) cũng cấp thiết không kém việc áp dụng chuẩn mực quốc tế để đánh giá “đầu ra” (sản phẩm nghiên cứu).


Kết quả nghiên cứu của đề tài được thể hiện bằng các công trình đã công bố hoặc đã được nhận đăng (có giấy xác nhận của Ban biên tập tạp chí, của Ban tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, của nhà xuất bản về khoa học kỹ thuật) trên các ấn phẩm khoa học sau:
1. Các công trình đăng trên tạp chí khoa học quốc tế gồm các tạp chí có tên trong danh sách chỉ số trích dẫn khoa học (SCI và SCI Expanded) do Viện thông tin khoa học (ISI) công bố và các tạp chí chuyên ngành uy tín khác do Hội đồng xác định;
2. Các công trình đăng trên tạp chí khoa học quốc gia gồm các tạp chí hàng đầu do Hội đồng xác định dựa trên cơ sở danh sách tạp chí khoa học quốc gia được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước quy định để xét nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư;
3. Báo cáo khoa học được đăng trong kỷ yếu của hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế có phản biện;
4. Báo cáo khoa học được đăng trong kỷ yếu của hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia có phản biện và có giấy phép xuất bản;
5. Sách chuyên khảo từ kết quả nghiên cứu được xuất bản tại một nhà xuất bản về khoa học kỹ thuật và có nộp lưu chiểu.
(Trích “Quy định….”)

Việt Anh

Tác giả