Một số đề xuất về vấn đề phát triển nghiên cứu khoa học ở Việt Nam
I. Phát triển nghiên cứu khoa học: ưu tiên mang tính chiến lược Hoạt động nghiên cứu khoa học bao gồm 2 nhóm chính là nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
2. Nghiên cứu ứng dụng: là những nghiên cứu nhằm áp dụng các công nghệ tiên tiến, có giá trị về mặt kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp vào nền sản xuất hàng hoá của Việt Nam, giúp thị trường Việt Nam có những sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Sau khi gia nhập WTO, để duy trì, phát triển được tính cạnh tranh trong sản xuất, cả trên việc xuất khẩu ra thị trường thế giới cũng như ngay chính tại thị trường trong nước, vấn đề triển khai nghiên cứu ứng dụng phải được đặt lên hàng đầu.
• Để có thể tạo bước đột phá, nhà nước phải mạnh dạn hơn nữa để chuyển hoá các cơ sở nghiên cứu sang mô hình các công ty công nghệ cao, tạo ra nhu cầu bằng cách đặt hàng những vấn đề nghiên cứu thật cụ thể. Để có thể nhanh chóng bắt kịp trình độ nghiên cứu triển khai của quốc tế, một lần nữa nhu cầu phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa một bên là các nhà khoa học trong nước, thấu hiểu rõ tình hình thực tế tại Việt Nam và một bên là các nhà khoa học đang làm việc tại nước ngoài cũng như các du học sinh, những người có điều kiện tiếp cận các thành tựu công nghệ của thế giới. Một môi trường hợp tác thông thoáng, thủ tục đơn giản, khuyến khích nhanh chóng thương mại hoá kết quả bằng chính sách minh bạch, rõ ràng ưu đãi về thuế, vốn, đất đai, … là khâu then chốt. Phải coi nghiên cứu ứng dụng là một ngành kinh tế non trẻ nhưng triển vọng, nên cần được hưởng sự quan tâm như bất cứ một ngành kinh tế mũi nhọn nào của đất nước.
• Một yếu tố vô cùng quan trọng để tạo động lực và sức bật cho ngành kinh tế này là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm trí tuệ một khi thương mại hoá thành công có thể đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho chủ sở hữu. Nếu vấn đề bản quyền không được làm nghiêm túc, các nhà phát minh công nghệ không thể yên tâm khi tiết lộ hoặc triển khai các ứng dụng do họ sáng tạo. Nhà nước phải bảo vệ quyền sở hữu các sản phẩm trí tuệ của công dân và tổ chức như bảo vệ quyền sở hữu các tài sản cá nhân, với những chế tài mạnh mẽ và cụ thể, đủ sức răn đe các hành vi ăn cắp, khai thác bất hợp pháp.
• Khả năng tiếp cận các nguồn thông tin khoa học có giá trị. Hiện nay, trong thời đại kinh tế tri thức, thông tin khoa học đã là một thứ hàng hoá có giá trị. Với khối lượng tri thức khổng lồ hiện nay, việc tra cứu trước khi bắt tay vào bất cứ dự án khoa học nào là điều bắt buộc. Hiệu quả và sự thành công của dự án cũng phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng của thông tin đầu vào. Tuy nhiên vấn đề đầu tư cho việc tiếp cận các nguồn thông tin giá trị ở nước ta hiện còn rất yếu và không được coi trọng đúng mức. Hệ quả là chất lượng và tính thời sự của các đề tài khoa học không bám sát được vào thực tế, và đấy là sự phí phạm rất lớn. Tuy vậy vấn đề này hiện nay lại cần được sự hỗ trợ của nhà nước vì chi phí để thuê bao truy cập các cơ sở dữ liệu lớn, có uy tín trên thế giới là rất cao, trong khi hiệu quả vật chất mang lại có thể chưa đo đếm ngay được. Có thể giải quyết bằng cách nhà nước đứng ra đăng cai việc này, sau đó các đơn vị nào muốn sử dụng có thể trả phí truy cập dưới sự quản lý của nhà nước.
Trước mắt, chúng tôi đề nghị nhà nước giải quyết 2 vấn đề cấp bách tạo điều kiện cho sự phát triển nghiên cứu khoa học như sau.
II. Thành lập và phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học mũi nhọn tầm cỡ quốc tế
Việc thành lập các khu đại học trong đó có những trung tâm nghiên cứu chất lượng cao đang là một nhu cầu cấp bách trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Thực chất chúng ta đã thành lập rất nhiều trung tâm nghiên cứu trong nước nhưng hầu như chưa có những trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế.
Do kinh phí nhà nước có hạn, trước mắt chúng ta hãy tập trung xây dựng một số trung tâm mô hình mẫu có tầm vóc quốc tế tập trung cho một số ngành mũi nhọn và trọng điểm, đây chính là những đầu tàu dẫn dắt việc nghiên cứu khoa học trong nước dần dần hoà nhập với thế giới.
Chúng tôi đề xuất mô hình cụ thể như sau cho các trung tâm nghiên cứu chất lượng cao:
Hội đồng khoa học: Gồm những nhà khoa học, giáo sư đầu ngành của Việt nam, các Việt kiều và các nhà khoa học lớn người nước ngoài, có uy tín phụ trách về mặt khoa học, điều hành và lập chương trình hoạt động, định hướng chính cho công việc nghiên cứu và giảng dạy, liên kết việc nghiên cứu trong nước và quốc tế .
Chủ tịch hội đồng khoa học phải là người có tầm uy tín quốc tế lớn (không loại trừ là người nước ngoài), là người có thể kêu gọi các trí thức trẻ ở nước ngoài trở về làm việc.
Ban Giám đốc điều hành: Gồm các nhà khoa học có tâm huyết, có kinh nghiệm làm việc trong nước, rất am hiểu tình hình nghiên cứu và giáo dục của Việt nam. Nhiệm vụ của Ban giám đốc là thực hiện các kế hoạch mà hội đồng khoa học đề ra và còn có nhiệm vụ kêu gọi, phát triển nguồn tài chính. Ở các trường đại học hàng đầu thế giới, hiệu trưởng là những người kêu gọi và gây quĩ được nhiều nhất từ các nguồn tài trợ, đặc biệt là từ các Mạnh Thường Quân. Ngoài ra, ban giám đốc bắt buộc phải có kinh nghiệm làm việc ở môi trường quốc tế.
Cán bộ giảng dạy, nghiên cứu:
Được Ban giám đốc tuyển chọn qua thi tuyển công khai và công bằng, chú ý tới nguồn nhân lực đã được đào tạo ở nước ngoài. Vấn đề sử dụng nguồn nhân lực tri thức một cách hiệu quả của đất nước sẽ được thí điểm qua các trung tâm này. Những người được tuyển chọn sẽ được đãi ngộ xứng đáng với công sức làm việc của họ. Tuy nhiên, trách nhiệm của họ là phải hoàn thành được nhưng chỉ tiêu “chuẩn hoá quốc tế” mà Hội đồng khoa học và Ban giám đốc đề ra. Ví dụ người làm nghiên cứu mỗi năm phải có ít nhất một bài báo quốc tế đăng trên những tạp chí mà Hội đồng khoa học đề ra, phải tham gia vào các hội thảo quốc tế và có những công trình có giá trị ứng dụng cho đất nước.
Để các trung tâm nghiên cứu tầm quốc tế này hoạt động hiệu quả, các trang thiết bị và cơ sở dữ liệu cần phải trang bị đầy đủ. Để các nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu mới, phù hợp với xu thế thời đại, công việc rất cấp thiết là cập nhật các tạp chí quốc tế trên đó đăng tải các công trình khoa học của nhân loại. Vì vậy các trung tâm nghiên cứu này cần liên kết với nhau để mua cơ sở dữ liệu trực tuyến, đầu tư các thư viện có đầy đủ sách báo để cán bộ sử dụng. Ngoài việc nghiên cứu và đào tạo các chuyên gia chất lượng cao, trung tâm phải thường xuyên tổ chức các hoạt động seminar và các hội thảo quốc tế để giao lưu, trao đổi và hợp tác khoa học. Qua các hoạt động như thế sẽ truyền bá và giúp đỡ những sinh viên trong nước có điều kiện tiếp cận với kiến thức khoa học hiện đại và những hợp tác như vậy sẽ thúc đẩy việc hợp tác, nghiên cứu khoa học trong nước.
Trung tâm cũng là nơi tin cậy để có thể đảm nhận các dự án lớn của nhà nước và dự án liên kết với nước ngoài. Nguồn tài chính của trung tâm, ngoài sự đầu tư của nhà nước, những dự án trung tâm thực hiện mang lại, cần có sự kêu gọi giúp đỡ của các nhà tài trợ ở trong và ngoài nước, trong đó uy tín khoa học quốc tế của Trung tâm và ban điều hành đóng vai trò rất quan trọng.
III. Thành lập Uỷ ban phát triển và chống lãng phí nguồn nhân lực
Hiện tượng chảy máu chất xám và lãng phí nhân lực hiện nay đòi hỏi những biện pháp quản lý cụ thể và hiệu quả. Chúng tôi cho rằng việc thành lập một «Uỷ ban phát triển và chống lãng phí nguồn nhân lực » trực thuộc Chính phủ, trong giai đoạn trước mắt, sẽ góp phần giải quyết vấn đề này.
Chúng ta đang lãng phí nhân lực theo các hướng sau:
1- Những người có trình độ và được đào tạo trong và ngoài nước bỏ Việt Nam sang sống và làm việc ở nước ngoài.
2- Những lưu học sinh Việt Nam du học ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp không trở về nước làm việc vì lý do không tìm được công việc phù hợp.
3- Những người Việt Nam có trình độ và được đào tạo không làm việc cho chính phủ Việt Nam mà làm việc cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam.
4- Những người Việt Nam có trình độ đang làm việc cho chính phủ nhưng không được sử dụng đúng với năng lực, phải làm những công việc không giúp họ phát triển khả năng của họ, hoặc phải làm những việc trái chuyên môn của họ để kiếm sống, hoặc họ làm việc một cách tự phát, trong khi, nếu chính phủ sử dụng họ sẽ có thể tạo ra những hiệu quả to lớn.
5- Những người gốc Việt Nam sống và làm việc ở nước ngoài muốn đóng góp cho đất nước nhưng chưa hiểu rõ các chính sách của chính phủ cũng như chưa được tạo điều kiện đầy đủ để đóng góp một cách tối đa khả năng của họ.
Muốn chống lãng phí nhân lực có hiệu quả, trước hết cần có sự quản lý tốt nguồn nhân lực hiện có và hoạch định được chiến lược về nguồn nhân lực cho tương lai. Do vậy, Uỷ ban này sẽ có nhiệm vụ quản lý một cách chặt chẽ, thậm chí đến từng cá nhân có năng lực trong các ngành.
Các chức năng của uỷ ban bao gồm :
1- Kiểm tra, giám sát việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao trong hệ thống các cơ quan nhà nước, các vùng, ngành kinh tế khác nhau.
2- Tư vấn, giúp việc chính phủ trong công tác xây dựng chính sách phát triển, sử dụng và thu hút nhân tài.
3- Quản lý nhà nước về nguồn nhân lực trình độ cao: quản lý quá trình sử dụng, sắp xếp nguồn nhân lực.
« Uỷ ban phát triển và chống lãng phí nguồn nhân lực » cần đảm bảo các nhiệm vụ sau :
1- Lập hồ sơ quản lý các cán bộ nhà nước được cử đi đào tạo. Thông tin được cung cấp bởi các bộ ngành cụ thể, ví dụ, thông tin về các cán bộ đào tạo trong chương trình 322 sẽ do Bộ Giáo Dục cung cấp. Quản lý, theo dõi sự phát triển của các cán bộ đã kết thúc quá trình đào tạo và trở về nước làm việc.
2- Có chương trình tìm kiếm cán bộ tương lai, bao gồm phát hiện, tiếp cận các cá nhân có năng lực, và cuối cùng là thuyết phục bằng các chính sách hợp lý.
3- Xây dựng chương trình quốc gia tổng thể về đào tạo, sử dụng, phát triển và thu hút nguồn nhân lực: Định hướng các ngành trọng điểm cần ưu tiên đào tạo, phổ biến công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho các du học sinh và quản lý hồ sơ các đối tượng lưu học sinh đang du học, có kế hoạch tiếp nhận họ trở về làm việc một cách rõ ràng.
4- Khuyến khích các du học sinh đã kết thúc giai đoạn đào tạo về mặt lý thuyết nhưng có điều kiện ở lại làm việc thêm một thời gian. Đây là một hình thức giúp họ có thêm kinh nghiệm thực tế, vững vàng hơn khi về nước công tác sau này.
5- Thiết lập quan hệ chặt chẽ với các Việt Kiều có điều kiện và mong muốn được cống hiến cho đất nước, chủ động tiếp cận và đặt vấn đề mời họ cộng tác.
6- Xử lý những hành vi gây nên sự lãng phí nguồn nhân lực có trình độ cao (cố ý không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, công tác tuyển dụng không đúng quy trình pháp lý…). Lập đường dây nóng để tạo điều kiện can thiệp, xử lý những vi phạm trong việc sử dụng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho mọi cán bộ gặp bất công trong việc phân công lao động có thể liên lạc với Uỷ ban. Đồng thời thành lập website và công bố công khai thông tin về các hoạt động của Uỷ ban, cung cấp địa chỉ email, điện thoại và địa chỉ cụ thể của Uỷ ban cho mọi cán bộ được biết.