Một trong những việc cần làm ngay

Diễn đàn “Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ và Giáo dục đại học” của Tia Sáng đã nhận được rất nhiều ý kiến của những người nghiên cứu khoa học, giảng dạy và của cả nhiều sinh viên ở trong và ngoài nước. Hầu hết đều cho rằng một trong những việc cần làm ngay để chấn hưng nền khoa học nước nhà là phải xây dựng và thực thi các tiêu chí đánh giá kết quả nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế.

Dẫn sự thành công của khoa học Ấn Độ trong hoàn cảnh nền kinh tế còn đang phát triển, GS Phạm Duy Hiển viết: Đem mô hình phương Tây đặt lên một đất nước có mức sống ngót một trăm lần thấp hơn, các viện khoa học hàng đầu của Ấn Độ không hề nhân nhượng trước áp lực hạ thấp thang giá trị và chuẩn mực quốc tế trong Nghiên cứu khoa học (NCKH). Chính vì thế mà ngày nay Ấn Độ có chỗ đứng trên hầu khắp mặt tiền khoa học thế giới. Mặc dù vậy, trong diễn văn khai mạc đại hội hằng năm Hiệp hội Khoa học toàn Ấn Độ vừa qua, Thủ tướng Manmohan Singh đã cảnh báo giới khoa học: “Tôi thật buồn khi biết chất lượng nghiên cứu ở các trường đại học lẫn những viện khoa học hàng đầu của chúng ta đang tụt hậu. Chúng ta chỉ đóng góp có 2,7% số công bố quốc tế so với 6% từ Trung Quốc 2). Rồi đây, rất có thể, tôi sẽ cho mời tư vấn nước ngoài đánh giá khách quan các viện nghiên cứu của chúng ta”.

Làm khoa học cho vui

Có một thực tế là khi làm xong nghiên cứu sinh, về nước, một thầy rất có tâm huyết với nghề đã căn dặn tôi: Hiện tại trường đại học của ta không phải là cơ quan nghiên cứu. Nghiên cứu chỉ làm cho vui, lấy cơ sở để làm chức danh. Cái quan trọng nhất là tập trung vào việc giảng dạy, có giảng dạy tốt thì mới tồn tại được. Có lẽ vì thế mà GS, PGS, TS ở trường khi nói về nghiên cứu thì rất lơ mơ, đặc biệt là các TS thuộc thế hệ đào tạo trong nước, thậm chí có người còn chưa biết viết và gửi email, không biết truy cập Internet, không biết pubmed (dành cho ngành y tế) là gì. Khi thiết kế nghiên cứu, không biết nên làm gì cho nên đành đem mấy cuốn luận văn cũ đã làm ra làm lại y nguyên (có mô hình đã sử dụng cách đây 50 năm).
Tôi rất băn khoăn về việc này, chẳng lẽ tôi phải chuyển công tác vì khi tôi được đào tạo ở nước ngoài, việc chính của tôi là học cách thiết kế một nghiên cứu nghiêm chỉnh có kết quả. Làm thạc sĩ hay nghiên cứu sinh cũng chủ yếu là để hợp lý hóa cái tiêu chuẩn của Bộ đề ra là phải có bằng để được giảng dạy lý thuyết, cho nên chất lượng công trình nghiên cứu rất thấp. Vì vậy nhiều cán bộ giảng dạy coi việc công bố quốc tế là điều xa xỉ và không cần thiết.
TS Nguyễn Khánh Hòa

Cũng về tiêu chuẩn công bố quốc tế, GS Hoàng Tuỵ viết: Nếu trong một ngành khoa học có tính quốc tế như các ngành khoa học tự nhiên, kinh tế, y học, v.v…,  mà không dựa vào các chuẩn mực quốc tế để đo lường từng bước thành tựu của mình thì căn cứ vào đâu so sánh ta với thế giới, làm sao biết được ta tụt hậu, tụt hậu đến đâu và cần làm gì để gỡ sự chậm trễ? Gần mươi năm trước, Chính phủ ta đã từng mời một đoàn chuyên gia Canada sang ta khảo sát và góp ý kiến về phương hướng phát triển khoa học và công nghệ. Một trong các khuyến cáo trong bản kiến nghị ấy là: nghiên cứu cơ bản mà không đạt đến công bố quốc tế là lãng phí, không nên làm.  Trong khi đó có nhiều ngành khoa học của ta hằng năm vẫn được cấp những khoản kinh phí không nhỏ về nghiên cứu cơ bản, nhưng rất ít có công trình được công bố trên quốc tế. Có phải là do có nhiều nghiên cứu được kể là nghiên cứu cơ bản một cách gượng ép?
Trên lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, tiêu chuẩn công bố quốc tế cũng không thể xem nhẹ. Bởi thế,  GS Nguyễn Văn Tuấn viết: “Bởi vì chỉ có nhà khoa học cùng chuyên môn mới có khả năng thẩm định giá trị của một công trình nghiên cứu, cho nên các báo cáo khoa học phải công bố trên các tập san khoa học có hệ thống bình duyệt nghiêm chỉnh. Hệ thống bình duyệt là một cơ chế khoa học nhằm loại bỏ các công trình nghiên cứu không đạt tiêu chuẩn hay các trường hợp gian lận khoa học. Quan điểm cho rằng nghiên cứu ứng dụng không cần phải công bố quốc tế thì tôi phải nói là rất lạ lùng, nếu không muốn nói là rất sai lầm. (Tôi hi vọng rằng quan điểm này chỉ tồn tại trong nội bộ, vì nếu phát biểu trước đồng nghiệp ngoại quốc thì họ sẽ cười chúng ta không biết gì về hoạt động NCKH). Việc báo cáo kết quả nghiên cứu trên các tập san quốc tế không phân biệt nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng”. Trong khi đó thì ở ta trong nghiên cứu khoa học: “không ít các cán bộ khoa học có đủ mọi bằng cấp và chức danh thường tìm mọi cách lảng tránh các chuẩn mực khoa học nghiêm túc và khách quan với ngụy biện rằng họ thực hiện các đề tài nghiên cứu “ứng dụng” không đòi hỏi phải có công bố quốc tế”. (TS. Phạm Đức Chính).
Thực trạng này dẫn đến chất lượng nghiên cứu bị xem nhẹ, nhưng lại gắn liền với lợi ích của không ít các “giá trị ảo” nên họ ra sức bảo vệ. Vì thế theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Châu: “Đã đến lúc cần nhận rõ yếu tố cản trở KHCN không những là hệ thống KHCNVN đã trở nên lỗi thời mà còn là các nhóm lợi ích, trong đó gồm những nhà quản lý, những công chức khoa học có thế lực, có khả năng lũng đoạn, muốn kéo dài tình trạng quản lý KHCN như hiện nay để họ hưởng lợi. Cái lợi mà họ đang thu được không hơn không kém là hành vi tham nhũng trong hoạt động KHCN. Cần sớm loại trừ lực cản này bằng những qui định có tính pháp lý như: các GS, PGS phải dành khoảng 70% quỹ thời gian cho nghiên cứu; công bố quốc tế và chất lượng giảng dạy phải được coi là tiêu chí hàng đầu trong việc thăng tiến của các GS, PGS tại các trường đại học”…

Mọi việc phụ thuộc vào người đứng đầu

1. Tôi hoàn toàn đồng ý thay Thư mời bằng Nghị định đăng ký chuyên gia theo đề xuất của Tia Sáng.
2. Cần thành lập ngay các Hội đồng xét duyệt/nghiệm thu các dự án kho ahọc, bao gồm những nhà khoa học thực thụ (đang làm khoa học, thường xuyên có công bố quốc tế hoặc có trong những năm gần đây, hạn chế tối đa những người chỉ đơn thuần làm công tác quản lý).
3. Kinh phí cho một đề án khoa học không căn cứ vào kết quả thực sự (đối với KHCB là các công bố quốc tế hoặc ít ra cũng là công bố trên các tạp chí của Quốc gia, KHÔNG THỂ là các công bố ở các tạp chí của trường hoặc trong các kỷ yếu của các hội nghị tổ chức trong nước…). Đề án nào được cấp nhiều kinh phí hơn, nhất thiết phải có yêu cầu nghiệm thu cao hơn. Nếu không đạt yêu cầu cần thiết phải hoàn lại kinh phí (một phần hoặc toàn bộ, tùy mức độ).
Chỉ có như thế khoa học của Việt nam mới tiến được.
PGS.TS Nguyễn Bá Ân

Cùng với việc cần sớm xây dựng và thực thi các tiêu chí đánh giá theo chuẩn mực quốc tế là việc lựa chọn ra được những hội đồng khoa học có đủ khả năng và thẩm quyền đánh giá chính xác các kết quả nghiên cứu. “Khoa học VN làm sao mà tiến bộ được khi phần lớn các thành viên của một Hội đồng ngành NCCB, Hội đồng chức danh GS Ngành, Ban biên tập tạp chí ngành… không có nổi lấy một bài báo khoa học đăng tạp chí chuẩn mực SCI trong 5 năm, và thậm chí 10 năm gần đây nhất” (TS Phạm Đức Chính).
Để lựa chọn được những thành viên hội đồng như vậy, nhiều ý kiến đồng tình với giải pháp mà Tia Sáng đưa ra. Đó là cần “Thay thư mời bằng Quy định” cán bộ nghiên cứu phải đăng ký chuyên gia. Một số ý kiến còn cho rằng, với thực trạng đội ngũ khoa học hiện nay, giải pháp này chỉ có thể thực thi được khi Chính phủ có Nghị định về việc đăng ký chuyên gia KH&CN, trong đó có một điều khoản quy định mọi cán bộ khoa học nếu muốn nhận/tham gia đề tài nghiên cứu phải đăng ký chuyên gia với cơ quan quản lý.
Đáng lưu ý, diễn đàn Nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học thời gian qua của Tia Sáng đã thu hút được rất nhiều ý kiến đóng góp của những nhà khoa học, nhà giáo; trong khi đó lại không hề nhận được một ý kiến phản hồi nào từ các nhà quản lý khoa học. Không chỉ trên Tia Sáng, nhiều bài viết phản ánh thực trạng yếu kém của KH&CN Việt Nam trên báo chí (như Tuổi Trẻ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn…) cũng rơi vào im lặng như vậy. Hẳn là vì lí do nào đó chứ không phải họ xem nhẹ tiếng nói của những người làm khoa học.
Từ diễn đàn của Tia Sáng đã hình thành một nhóm nhiều nhà khoa học trao đổi ý kiến qua thư từ (mail group). Nơi đây các nhà quản lý có thể nhận được trực tiếp những ý kiến thẳng thắn từ các nhà khoa học về những vấn đề liên quan đến nghiên cứu và quản lý khoa học. Từ đó có thể đưa ra các giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy nền khoa học nước nhà.

Việt Anh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)