Mười lăm tuổi rồi, phải biết cãi chứ!

Các tạp chí khoa học quốc tế giữ được uy tín của mình nhờ biết dựa vào một hệ thống phản biện (peer review) sừng sỏ nhất thế giới. Đọc phản biện, tác giả bài viết có khi tức phát điên lên, nhưng như trải nghiệm của bản thân tôi, dù "ngớ ngẩn" đến mấy, ý kiến phản biện nào cũng đều rất hữu ích. Quen dần, ngày càng thấy chán những ông phản biện khen qua quýt cho xong chuyện. Tập hợp lại tất cả các bài phản biện những công trình mình đã đăng gần đây trên tạp chí quốc tế, tôi phát hiện ra một quy luật thống kê rất thú vị: Công trình nào càng bị mấy ông phản biện mắng mỏ gay gắt, sau khi đăng, càng được nhiều người trích dẫn. Ngược lại, mấy công trình xuôi chèo mát mái với đám phản biện thường được ít người nhắc đến.

Nhìn sang các chuyện đại sự khác hình như cũng thấy na ná như thế. Theo dõi các cuộc điều trần trước Quốc hội, tôi chưa bao giờ thấy có phiên nào dành cho khoa học công nghệ (KHCN), mặc dù ai cũng bảo đây là mặt trận then chốt của đất nước. Phải chăng KHCN của ta ổn cả?

Không đâu! Coi chừng sóng ngầm đấy!

Thế nhưng, hễ ai đó nói đội ngũ KHCN Việt Nam còn non kém thì một số người quản lý khoa học lại thường tỏ ra khó chịu. Như thể họ chính là những người phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về sự yếu kém đó. Nhưng không non kém sao được khi mà nước ta bắt đầu làm KHCN mới có vài chục năm gần đây trong khi nhiều nước khác đã có truyền thống đến ba bốn trăm năm nay. Không non kém sao được khi mà giở sách giáo khoa ra, trẻ con ta chỉ thấy toàn là các ông “Tây”, lên bậc đại học lại có thêm ông Nhật, ông Ấn Độ. Nhưng chưa hề có ông Nguyễn, ông Phạm nào cả.

Bài toán KHCN phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện ban đầu: Ta đang ở đâu? Hình như quỹ đạo ta đang đi xuất phát từ một điều kiện ban đầu như thế này: “Ta cũng đang giống như Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí cả Mỹ, Nhật”. Từ cách nhìn nhận đó ta mới sáng chế ra nhiều thứ, trong đó có cái thủ tục “đấu thầu” trong nghiên cứu khoa học. Rốt cuộc, kết quả nghiên cứu khoa học ở tầm quốc tế rất nghèo nàn, mà đầu tư cho KHCN ngày càng nhiều. Hai phần trăm ngân sách nhà nước không phải là ít của. Nếu nhận diện điều kiện ban đầu đúng đắn hơn, có thể ta sẽ đi theo quỹ đạo khác. Và sẽ đến đích khác.

Làm kinh tế trong cơ chế thị trường còn có mô hình để bắt chước. Giải bài toán KHCN cho Việt Nam là một mảnh đất hoàn toàn mới. Theo tôi, các nhà quản lý KHCN cần lắng nghe và chịu làm quen với các ý kiến khác mình, có thế những chính sách mình đưa ra mới bớt rủi ro. Đừng để cho quỹ đạo hiện nay dẫn ta đến chỗ vẫn là ta sau mười, mười lăm năm nữa.

Mà Bộ KH&CN đã có Tia Sáng trong tay. Hãy sử dụng nó như một công cụ phản biện cho mình. Nó lại rất mực chân thành và trí tuệ.

Anh bạn tôi có ba đứa con. Một lần tôi nghe anh phàn nàn: “Hai đứa đầu hiền lành, dễ bảo, chỉ có thằng thứ ba, năm nay lên 15, là hay cãi lại bố mẹ, nhiều lúc phát ngượng với hàng xóm láng giềng”. Tôi vỗ vai anh: “Thế là cậu có phúc đấy!”.

GS. Phạm Duy Hiển

Tác giả