Nâng cao vai trò phản biện của báo chí

LTS: Vừa qua, Ban Biên tập Tạp chí Tia Sáng đã nhận được thư chúc mừng nhân Ngày Nhà báo Việt Nam 21-6 của ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Chúng tôi xin trích đăng phần nói về vai trò phản biện của báo chí trong bức thư của ông.

Bây giờ báo chí nhiều, sách cũng nhiều, chỉ tiếc là mình có tuổi, ham đọc, đọc nhiều mà không nhớ. Lúc nhỏ, nhà nghèo, không được học cho ra học, không có sách báo để đọc. Cũng may nhờ theo cách mạng sớm nên đọc sách báo kháng chiến, đọc thơ cách mạng… tuy không nhiều, và cộng với nỗ lực tự học trong thực tế mà có một ít hiểu biết để làm cái việc gọi là “cầm quyền” sau khi nước nhà thống nhất. Nhưng cái sai lầm lớn nhất là khi đang làm việc chưa lúc nào tôi thấy mình dốt, vì lúc nào cũng được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ! Nghỉ hưu rồi có dịp đọc nhiều mới tá hoả ra là mình dốt quá!
 
Thật tình trên cương vị lãnh đạo cấp huyện đầu những năm mới giải phóng; rồi trong công tác lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh hay gần 15 năm ở Ủy Ban tỉnh… tôi đều hết sức cố gắng và làm được một số việc, được tổ chức và dư luận khen. Còn những khuyết điểm mà tôi mắc đều được tập thể nhận thay cho hết rồi – do hậu quả chiến tranh, do cơ chế và do nền sản xuất nhỏ. Những lúc như vậy đôi khi tôi cũng tự mãn. Bây giờ nghĩ lại, không phải tự phê mà chỉ tiếc là mình tiếp cận được ít nguồn thông tin quá nên nhiều quyết định của mình còn thiếu tầm cao, rộng và sâu; nếu mình có học, có đọc, có tư duy thì thành công hay hiệu quả công việc chắc chắn không chỉ dừng ở đó. Nói cụ thể: khi gia nhập WTO ai cũng nghĩ rằng thị trường sẽ mở rộng, sản xuất và xuất khẩu gia tăng, nông dân sẽ đổi đời. Nào ngờ, từ khi gia nhập, thua thiệt cứ đổ lên người nông dân, do ta chưa chuẩn bị đủ điều kiện cần có cho họ, thậm chí còn giảm đầu tư cho nông nghiệp do sợ bị buộc là “trợ cấp”. Sau khi Tổng thống Bush ký đạo luật trợ cấp cho nông nghiệp Mỹ trị giá gần 50 tỷ USD cho 10 năm (ký vào cuối nhiệm kỳ hai của ông ta), và gần đây Trung Quốc lần lữa không điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ thì tôi mới nhận thức ra bản chất của kinh tế thị trường không có tự do như ta nghĩ. Nhớ lại, năm 1991 sang Đài Loan, các thương nhân nói với tôi rằng: Ở đây thị trường tự do, nhưng những hàng hoá thiết yếu cho dân như: gạo, đường, muối và những thứ siêu lợi nhuận như rượu, bia, thuốc lá chỉ có quốc doanh và hợp tác xã độc quyền. Những năm gần đây hàng Việt Nam bị kiện bán phá giá tại thị trường EU, Mỹ, Ấn Độ… Từ đó, tôi ngộ ra, dù hết sức muộn màng, rằng: Tự do chỉ là hình thức hào nhoáng, giống như chiếc áo tàng hình mà chỉ kính hồng ngoại mới thấy. Tiếc rằng ta chưa có loại kính ấy để thấu suốt “chiếc áo tàng hình” của thị trường tự do hay tự do thương mại thế giới! Nói ta ở đây là nói những người làm công tác quản lý kinh tế – xã hội ở cùng thời với tôi nói chung.

Vì sao tôi có nhận thức ngây thơ và muộn màng như vậy? Đó là lỗi hệ thống. Chúng ta chỉ có hệ thống ra quyết định và thi hành quyết định, thiếu tổ chức hệ thống phản biện và cơ chế lắng nghe. Chúng ta không thiếu chủ trương chọn người tài và chúng ta có rất nhiều nhân tài tầm cỡ quốc tế; không thiếu tư vấn, phản biện; không thiếu tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Đặc biệt ta có hệ thống truyền thông khổng lồ với hơn 700 tờ báo các loại, hàng trăm đài phát thanh và truyền hình với trên 16 ngàn phóng viên… Vậy, với nguồn “nguyên liệu” dồi dào và công cụ mạnh mẽ ấy mà ta chưa có một hệ thống tư vấn, phản biện, lắng nghe hoàn chỉnh, để đưa cuộc sống phong phú muôn màu và vô cùng phức tạp vào các quyết định ở các cấp là điều đáng suy nghĩ! Nói đến đây tôi lại nhớ đến một người mà mỗi khi con nước Sông Cửu Long quay (5/5 âm lịch), báo hiệu mùa nước nổi bắt đầu cũng là kỷ niệm ngày Ông tạ thế. Ông là Thủ tướng của nhân dân – Võ Văn Kiệt. Trong nhiều câu chuyện mà tôi lãnh hội ở Ông, có lần Ông nói với tôi sau Đại hội X khi tôi đến thăm Ông tại 16 Tú Xương: “Cậu về bàn với anh em báo chí, làm sao có tờ báo cho nông dân đọc. Trước mắt là cho, sau là bán có bù lỗ. Trước là cho Đồng bằng Cửu Long, sau là nông dân cả nước. Báo mình nhiều mà không đến được nông dân và nói về nông dân ít quá!” Mỗi lần nhớ tới Ông, tôi lại buồn vì thấy mình có lỗi với Ông và nói đúng hơn là lỗi với dân, bởi còn nợ dân nhiều quá!

Nhắc đến Ông Sáu bất cứ lúc nào tôi luôn thấy đó là giây phút thiêng liêng nhất trong tôi. Lúc nầy, nhớ Ông qua câu chuyện “tờ báo cho nông dân” càng thiêng liêng hơn, bởi chúng ta sắp kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Minh Nhị

Tác giả