Năng lực lắng nghe

Ở ta hiện nay, không ít ý kiến phản biện của các chuyên gia có trách nhiệm cao không nhận được hồi âm. Có thể hiểu được thực trạng này từ nhiều lý do: 1. thư đã không đến tay người nhận do sự tắc trách của bộ phận giúp việc, 2. thư đã đến tay người nhận nhưng bị bỏ qua hoặc do thấy nội dung không đáng quan tâm, hoặc do sơ suất vì quá bận roan... Nhưng có một lý do dễ nhận ra thuộc về năng lực lắng nghe và văn hoá ứng xử cần có trong phẩm chất của người lãnh đạo. Xin nhắc lại 2 câu chuyện mà nhiều người đã biết và xin kể một câu chuyện mà nhiều người có thể chưa biết.

Chuyện thứ nhất: Năm 1919, các nước thắng trận trong cuộc Thế chiến Một họp nhau ở Vec-xay của nước Pháp để bàn chuyện tương lai của thế giới. Tổng thống của Hoa Kỳ lúc đó mang đến hoà hội một chính sách trong đó hứa hẹn quan tâm đến lợi ích của các nước nhược tiểu. Nước ta lúc đó là thuộc địa của Pháp cũng nằm trong số các nước nhược tiểu. Do vậy một nhóm các nhà ái quốc Việt Nam sống ở Pháp đứng đầu là cụ Phan Châu Trinh và trẻ tuổi là Nguyễn Tất Thành cùng viết một văn bản gửi Hoà hội Vec-xay đưa ra “những yêu sách của người An Nam” và được ký bằng cái tên chung là “Nguyễn Ái Quốc”.
Văn bản được gửi đến một số thành viên tham dự và đương nhiên trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ. Kết quả ai cũng biết rằng hồi đó chẳng có đế quốc nào (thắng hay thua trận cũng vậy) quan tâm đến thân phận các nước nhược tiểu. Nhưng điều đáng nói là các cụ ái quốc nhà ta vẫn nhận được ít nhất 2 lần phúc đáp của văn phòng tổng thống Hoa Kỳ báo tin là văn phòng đã nhận được văn bản gửi đến và văn bản đã chuyển tới tay tổng thống. Ở đây, chỉ bàn đến tính nghiêm túc của bộ máy hành chính và văn hoá trong ứng xử ngay với những người xa lạ…
Chuyện thứ hai: Thời cách mạng mới thành công ở nước ta, có hai nữ sĩ gửi tặng quà tới cụ Chủ tịch nước. Một người tặng mấy quả cam (nữ sĩ Hằng Phương) và một người tặng mấy câu thơ thêu trên một bức trướng (nữ sĩ Ngân Giang). Ngay lập tức, hai nữ sĩ đều nhận được lời cảm ơn rất ý nhị bằng hai bài thơ của cụ Chủ tịch. Tất cả sự việc đều đã được ghi chép vào sử sách.
Chuyện thứ ba: Năm 2000 là năm chuyển tiếp giữa hai thế kỷ lại có dịp kỷ niệm Đảng 70 tuổi. Không hiểu từ sáng kiến của ai, ngành bưu chính được giao nhiệm vụ làm bộ tem “các lãnh tụ của Đảng”. Đây là kế hoạch đột xuất vì theo chương trình đã thông qua thì Hội đồng tem mà tôi có tham gia đã hoàn tất kế hoạch là sẽ có 2 mẫu tem đã thiết kế vào dịp này, nay theo chủ trương mới phải là 10 mẫu tem chân dung từ Nhà sáng lập đến nhà lãnh đạo đương đại.
Tham gia cuộc họp triển khai đề án làm tem mới, tôi nêu ý kiến không nên làm tem những nhà hoạt động chính trị đang sống và đương quyền với lý lẽ đơn giản như các cụ vẫn dậy là “cái quan định luận”. Nhưng xem chừng không khí chung của mọi thành viên khác là khó xoay chuyển vì nhiệm vụ quan trọng đã được giao mà thời gian phải phát hành tem đúng ngày lễ trọng đã đến gần, tôi bèn viết một bức thư với lời lẽ mở đầu là “ngày xưa, người viết sử còn là gián quan vì thế tôi viết thư này gửi đến…”. Bức thư có địa chỉ nơi nhận là nhà lãnh đạo cao nhất lúc đó, được tôi thả vào thùng thư ngoài phố với suy nghĩ mình đã làm tròn bổn phận và trách nhiệm nghề nghiệp…
Vậy mà, chỉ vài hôm sau, vị thư ký của nhà lãnh đạo cao nhất ấy đã trực tiếp gọi điện cho tôi báo tin theo kiểu nhà binh: “thủ tưởng đã nhận được thư của anh và đã có chỉ đạo”, và kèm lời cảm ơn.
Ngày phát hành tem được tổ chức trang trọng ở Bưu điện Bờ Hồ, bộ tem bớt đi 2 mẫu so với dự kiến ban đầu. Một nhà lãnh đạo công tác tư tưởng văn hoá khi đó trong lời phát biểu hướng về tôi nhẹ nhàng cảm ơn vì sự đóng góp để bộ tem có chất lượng…
Như thế, nếu trong giao tiếp giữa những nhà lãnh đạo với quần chúng của mình trong đó có các nhà trí thức hay các nhà chuyên môn mà giữ được năng lực biết lắng nghe, khắc phục được những cách bức của bộ máy giúp việc dễ bị quan liêu và hơn thế, giữ được sự lịch thiệp, biết tôn trọng những ý kiến đóng góp, lại đủ năng lực để xử lý những ý kiến đóng góp ấy thì chắc chắn nhà lãnh đạo ấy không chỉ tránh được những sai sót có thể tránh được mà còn thực thi tốt hơn nhiệm vụ của mình. Lại có được sự quý trọng của người đời nữa…

Dương Trung Quốc

Tác giả