Nền kinh tế trong đại dịch: Phao cứu sinh của nhà nước?

Dù Việt Nam là một nước chống dịch thành công nhưng sau một năm rưỡi khó khăn bủa vây do đóng cửa nền kinh tế, khả năng chịu đựng của doanh nghiệp và người dân cũng đã giảm sút nhiều. Giờ là lúc họ cần các biện pháp hỗ trợ thật mạnh tay của nhà nước.


 Quán cơm chay Bình An, số 49 đường Ngô Quyền, Quận 10 phát cơm miễn phí cho người nghèo, người lao động tự do gặp khó khăn. Nguồn: https://hcmcpv.org.vn/

Cho đến nay, Việt Nam vẫn kiên định con đường chống dịch bằng các biện pháp quyết liệt, chặt chẽ cho đến lúc có vaccine. Suốt một năm qua, cách làm này đã đem lại hiệu quả, mang lại mức tăng trưởng nhất định và bảo toàn được sinh mạng con người. Tuy nhiên càng gần đến cuối cuộc đua, khi các thương thảo vaccine đang được tiến hành rốt ráo thì cũng là lúc nền kinh tế suy giảm, sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp đã tới hạn.  

Sức chịu đựng giảm sút 

Là người thiết kế nghiên cứu đánh giá tác động của ba đợt bùng phát dịch trước đến người dân và doanh nghiệp nhưng chưa lần nào TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong thấy đại dịch gây ra tác động nặng nề bằng đợt bùng phát lần thứ tư này. Trong cả email và suốt cuộc đối thoại với phóng viên Tia Sáng, anh liên tục nhắc đi nhắc lại từ “nghiêm trọng hơn ba lần trước rất nhiều”. Đến nay, chúng ta vẫn còn ít nghiên cứu đánh giá hậu quả của ba lần bùng phát dịch trước ngoại trừ một vài nghiên cứu hiếm hoi như của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, công bố hồi tháng 12/2020, khảo sát trên hơn 1300 người. Khảo sát cho thấy, chỉ có một phần ba không suy giảm thu nhập, còn lại đều bị giảm sút thu nhập tùy mức ít hay nhiều. Trong đó đáng báo động nhất là lao động có kỹ năng thấp, không có kỹ năng, làm dịch vụ, hoặc những hộ nghèo và cận nghèo vốn cũng đã “giật gấu vá vai” từ trước đại dịch… và con số 24% người mất việc làm chủ yếu rơi vào nhóm này. Trong một năm qua, phần lớn những người giảm thu nhập và mất việc đã phải cắt giảm chi tiêu, sử dụng tiền tiết kiệm từ trước (42%) hoặc vay mượn (15%), thậm chí có một số người đã phải bán tài sản để sinh sống (7%). 

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, những nhóm này vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề trước tiên bởi vì các lệnh giãn cách đều yêu cầu đóng cửa các nhóm dịch vụ không thiết yếu. Công việc “buôn thúng bán bưng”, hàng quán vỉa hè cho đến người lao động có hợp đồng thời vụ đều bị ảnh hưởng… Kịch bản khó khăn của ba lần trước quay trở lại nhưng nặng nề hơn vì các nhóm lao động “ráo mồ hôi là hết tiền” này đa phần đã sử dụng hết khoản tích trữ cho năm 2020. 

Mặt khác, cho dù những lần trước dịch bệnh gây điêu đứng thì chưa lần nào, nền kinh tế bị đánh vào những phòng tuyến quan trọng nhất như lần này. Điều đó khiến những doanh nghiệp lớn ở các khu công nghiệp quan trọng trong nước chịu tác động nghiêm trọng, chỉ riêng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang – mũi nhọn thuộc top đầu về giá trị sản xuất công nghiệp trong cả nước đã có tới khoảng 400.000 công nhân phải tạm nghỉ việc do dịch bệnh. 

Đối diện với dịch bệnh trăm năm mới xảy ra một lần, có lẽ các doanh nghiệp cũng không đỡ lúng túng hơn người dân là bao nhiêu và cũng không ít doanh nghiệp phải sống bằng nguồn dự trữ hoặc vay mượn, đặc biệt là các ngành dịch vụ, du lịch đã “ngủ đông” suốt cả năm qua. Một kết quả khảo sát với quy mô 700 doanh nghiệp hoạt động tại đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh do TS Nguyễn Hữu Huân và cộng sự, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thực hiện, công bố trên tạp chí Research in International Business and Finance vào tháng tư vừa qua cũng cho thấy có tới hơn 75% doanh nghiệp bị giảm doanh thu và lợi nhuận. Hơn một nửa doanh nghiệp trong đó chủ yếu tập trung ở các ngành dịch vụ, du lịch và vận tải hành khách, họ bị sụt giảm doanh thu tới hơn 75%. Bức tranh mà các nhà nghiên cứu phác thảo chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 74% số doanh nghiệp được khảo sát) và tình trạng của họ có lẽ cũng phản ánh số phận chung của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch. 

“Mặc dù vậy các doanh nghiệp cũng chỉ có thể xoay xở ứng phó bằng các biện pháp ngắn hạn, khó duy trì được trong một thời gian dài”, TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết. Non nửa số doanh nghiệp được khảo sát trong nghiên cứu này buộc phải cắt giảm chi phí hoạt động, và hai phần ba trong số đó thực hiện việc cắt giảm nhân sự để giảm chi phí. Ngoài ra còn có các chiến lược khác nhưng đa số đều là để đối phó trong ngắn hạn và tập trung cắt giảm chi phí như cắt giảm tiền thuê văn phòng, vay vốn ngân hàng, bán tài sản công ty, đóng băng mọi hoạt động công ty… Chỉ có một số ít là sử dụng các chiến lược thích ứng dài hạn như chuyển sang hoạt động kinh doanh online, chuyển đổi số nhằm thích nghi với điều kiện “bình thường mới” hay tìm kiếm các nguồn thu khác. Nếu cuộc khảo sát doanh nghiệp này được thực hiện sau đợt dịch thứ tư thì những con số hẳn còn bi đát hơn nữa. 

Quan trọng nhất là vai trò của nhà nước 

Viện Mekong vẫn đang thiết kế một cuộc điều tra mới về ảnh hưởng của dịch bệnh lên đời sống người dân và doanh nghiệp trong đợt dịch lần thứ tư này. TS Phùng Đức Tùng nhận xét: “Tôi nghĩ đợt dịch này sẽ tác động nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn tới cả cung và cầu. Mảng chế biến, chế tạo có tăng trưởng nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Cầu tiêu dùng trong nước giảm mạnh do người dân phải thắt lưng buộc bụng cũng dẫn tới tình trạng sản xuất ra không bán được hàng, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng phải cầm chừng”. 

Tình trạng khó khăn hoặc tới mức phải phá sản không chỉ ảnh hưởng tới số phận đơn lẻ của từng doanh nghiệp mà còn kéo theo chuỗi ảnh hưởng là người lao động và sức khỏe nền kinh tế nói chung. Doanh nghiệp và người dân cần phao cứu sinh ngay lúc này, dù chỉ để sống sót chứ chưa phải là quay trở về hoạt động như bình thường. Có hai xu hướng chủ yếu: một là trực tiếp cứu người lao động, hai là cứu doanh nghiệp để thông qua đó cứu người lao động. 

Vào năm ngoái, nhà nước đã tung ra gói hỗ trợ 62.000 tỉ cấp phát tiền cho các nhóm chịu ảnh hưởng của đại dịch. Nhưng cho đến hết quý hai năm nay, chúng ta chưa thấy gói cứu trợ nào tương tự, mặc dù các đợt bùng phát dịch càng về sau càng nặng nề hơn. Theo TS. Phùng Đức Tùng, có thể có nỗi lo bội chi ngân sách và lấy tiền từ đâu để cấp phát cho người lao động, nhưng đây không phải là điều đáng lo vì báo cáo bội chi ngân sách năm 2020 ở mức 3,9% vẫn dưới ngưỡng Quốc hội cho phép (5%). Đồng thời, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn đang kết dư trên 80.000 tỷ đồng và đây là nguồn lực quan trọng có thể huy động để đảm bảo kinh phí cho chính sách hỗ trợ người lao động. 

Mặt khác, khi có gói cứu trợ trực tiếp thì việc triển khai cấp phát tiền phải được thực hiện khẩn cấp, khắc phục những điểm bất hợp lý, dùng dằng như năm ngoái. Cũng cuộc khảo sát của Viện Mekong năm ngoái cho thấy 36% hộ gia đình nghèo thuộc diện cần hỗ trợ chưa nhận gói này nhưng ngược lại có tới 19% hộ không nghèo, không cần hỗ trợ lại được nhận. Mấu chốt của cứu trợ là cần khẩn cấp nhưng thực tế là tốc độ giải ngân còn chậm. Để khắc phục, các gói hỗ trợ tới đây cần được tiến hành với các thủ tục đơn giản và tránh để cán bộ quản lý cấp cơ sở phải chịu trách nhiệm cho việc xác minh thông tin về người nhận. “Việc cán bộ địa phương phải lãnh trách nhiệm trong việc xác định chính xác đối tượng hỗ trợ như năm ngoái sẽ khiến họ mất rất nhiều thời gian vì họ sợ làm sai sẽ bị truy cứu trách nhiệm khiến cho việc giải ngân không kịp thời”, TS Phùng Đức Tùng nói. Thay vào đó, chính người nhận hỗ trợ phải tự ký cam kết về việc nhận ngân sách, sau này hậu kiểm nếu họ không đúng đối tượng thì sẽ phải tự chịu trách nhiệm. “Vấn đề quan trọng là tiền vào dân, thực thi chính sách cứu trợ trong tình huống cấp bách giờ không phải là để quan tâm đến một vài sai sót nhỏ. Về cơ bản các chính sách đều có tỉ lệ sai sót nhất định, nhưng nếu đẩy rủi ro vào người quản lý, cán bộ địa phương thực hiện thì người ta không bao giờ thực hiện ngay mà sẽ đùn đẩy, làm chậm nhưng chắc. Như vậy sẽ khiến chính sách không kịp thời và hiệu quả thấp”, TS. Phùng Đức Tùng giải thích. 

Trên thực tế, các nước từ Âu sang Á đều có chính sách hỗ trợ người lao động, vì việc làm này không chỉ duy trì an sinh xã hội mà còn đảm bảo các doanh nghiệp duy trì được lực lượng lao động, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất hậu đại dịch. Lấy ví dụ đơn cử, Pháp trả lương thay cho doanh nghiệp đang trong tình trạng “ngủ đông”, hỗ trợ người lao động bị mất việc, phải ở nhà trong lockdown với mức lương lên tới 60-70% mức trước đại dịch. Cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác, nền kinh tế của Pháp đã quay trở lại tăng trưởng nhanh chóng sau đại dịch. Ngay gần Việt Nam, tháng 3/2021, Thái Lan đã tung gói kích thích kinh tế thứ ba trị giá 58 tỉ USD, trong đó 15 tỉ USD cho các khoản vay của doanh nghiệp, 30 tỉ USD hỗ trợ người lao động tạm thời, lao động hợp đồng, và những người làm việc tự do, 12 tỉ USD thành lập Quỹ Bình ổn Thanh khoản Trái phiếu Doanh nghiệp. TS. Phùng Đức Tùng cho rằng, nếu Việt Nam dè dặt trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thì tốc độ tăng trưởng sau đại dịch sẽ thấp và mất cơ hội bắt kịp với các quốc gia khác. Một quan ngại hiện nay là nếu hỗ trợ bằng tiền mặt thì có thể sẽ dẫn tới lạm phát. Tuy nhiên đây không phải là điều đáng lo vì lạm phát chỉ xảy ra khi cung không đáp ứng được cầu. Với quy trình sản xuất hiện nay thì cung phục hồi rất nhanh và có độ trễ rất ngắn. Do vậy lạm phát tăng lên chỉ trong ngắn hạn, không tác động nhiều.

Quỹ vaccine nên dành để đầu tư cho R&D vaccine
Để cho doanh nghiệp và người dân sớm đi vào sản xuất và quay trở lại cuộc sống bình thường, Chính phủ đã sử dụng cả ngân sách nhà nước và huy động người dân tự nguyện đóng góp cho quỹ vaccine. Theo TS. Phùng Đức Tùng, vẫn có dư địa ngân sách để mua vaccine, mặt khác chính phủ phải có trách nhiệm sử dụng ngân sách cho các tình huống khẩn cấp như thiên tai dịch bệnh. Còn một quỹ tự nguyện đóng góp nên dành cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine COVID, vaccine cho các bệnh mới nổi có nguy cơ lan rộng trở thành dịch bệnh cũng các loại vaccine khác mà Việt Nam đang cần. Đây là điều mà Việt Nam cần chuẩn bị để ứng phó với các tình huống bất trắc như dịch bệnh mới nổi trong tương lai và cần một quỹ với cơ chế hoạt động riêng để tài trợ. Quỹ vaccine này có thể học hỏi một tiền lệ là cơ chế vận hành của Quỹ Nafosted hiện nay.

Về phía doanh nghiệp, TS Phùng Đức Tùng đề xuất, chính phủ không chỉ xem xét giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất, giãn nợ cho các doanh nghiệp mà cần kích cầu bằng các biện pháp giảm thuế VAT cho các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, tiền điện, nước, xăng dầu. Chính sách giảm thuế sẽ tác động tức thời và trực tiếp đến người tiêu dùng và kích cầu tiêu dùng. “Đó là một số việc cấp thiết cần phải làm, còn nếu không thì hậu quả rất nặng nề. Doanh nghiệp phá sản sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy kinh tế xã hội khác nhau. Cần hỗ trợ để họ có thể quay trở lại lại sản xuất ngay khi có thể”, TS. Phùng Đức Tùng nói. □
——
Tài liệu tham khảo 
Do, Huyen Thanh et al. (2021): Citizens’ Opinions of and Experiences with Government Responses to COVID-19 Pandemic in Vietnam, GLO Discussion Paper, No. 776, Global Labor Organization (GLO).
Huan Nguyen Huu, Vu Minh Ngo, Anh Nguyen Tram Tran, Financial performances, entrepreneurial factors and coping strategy to survive in the COVID-19 pandemic: case of Vietnam, Research in International Business and Finance, Volume 56, April 2021, 101380. 
Gói cứu trợ thứ ba của Thái Lan https://www.aseanbriefing.com/news/thailand-approves-latest-economic-relief-package-for-businesses/ 
Pháp trả lương cho người lao động bị mất việc do đại dịch để đảm bảo các doanh nghiệp vẫn duy trì lực lượng lao động và quay trở lại hoạt động sau đại dịch. 
https://www.eurofound.europa.eu/observatories/emcc/erm/support-instrument/partial-activity 
Cập nhật hàng loạt gói hỗ trợ của EU hoặc của Pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian phải đóng cửa do COVID. https://ec.europa.eu/info/live-work-travel-eu/coronavirus-response/jobs-and-economy-during-coronavirus-pandemic/state-aid-cases/france_en 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)