Nghĩ về việc khai thác tài liệu lưu trữ quốc gia

Ngày 24/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước” (trở xuống rút gọn và viết tắt là CTCBTLLT) nhằm mục đích công bố rộng rãi tài liệu lưu trữ quốc gia. Đây là tin tức đáng mừng đối với nhiều ngành nhiều giới, song nhận thức và thực hiện chương trình ấy là những công việc rất không đơn giản. Để làm rõ điều này, cần nhìn lại lịch sử ngành lưu trữ Việt Nam và lịch sử hoạt động lưu trữ từ thế kỷ XX ở Việt Nam.


Toà nhà Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia I

Giống như ở nhiều quốc gia, từ thời phong kiến đến nay các lực lượng cầm quyền ở Việt Nam ở những mức độ và qui mô khác nhau đều có cơ quan lưu trữ trước hết ở cấp trung ương để bảo quản trước hết là các văn bản nảy sinh từ hoạt động của mình, phần lớn các văn bản ấy đều chứa đựng những kinh nghiệm về việc xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tổ chức xã hội và bảo vệ đất nước. Cho nên ngoại trừ những mất mát do chiến tranh hay thiên tai, các chính quyền có sau thường vẫn có ý thức giữ gìn tài liệu lưu trữ mà các chính quyền có trước đã thu thập. Nhìn từ góc độ nghiên cứu lịch sử và văn hóa, mặc dù tuyệt đại bộ phận đã bị mất mát, hệ thống văn bản hiện còn được lưu giữ ở các cơ quan lưu trữ ở Việt Nam hiện nay vẫn là mảng tài liệu nguyên thủy rất quan trọng. Tuy nhiên trong nhiều năm qua việc khai thác những tài liệu ấy vẫn chưa được thực hiện rộng rãi và đạt được những kết quả lẽ ra phải có.

Vài nét về tài liệu lưu trữ ở Việt Nam

Ngược dòng thời gian, có thể thấy hệ thống lưu trữ quốc gia cấp trung ương ở Việt Nam trước thế kỷ XIX đã bị tàn phá tan nát. Trong các cuộc chiến tranh Việt Nguyên, Việt Chiêm trước thời thuộc Minh, kinh đô Thăng Long nhiều lần thất thủ, cung điện hoàng gia nhiều lần bị cướp phá. Đến thời thuộc Minh thì ngoài số bị đốt phá hủy hoại, nhiều thư tịch đồ bản trong đó có tài liệu lưu trữ của các chính quyền Lý Trần và Hồ ở Việt Nam đã bị nhà Minh đưa về Kim Lăng. Từ thời Lê rồi Lê trung hưng trở đi, chiến tranh Lê Mạc rồi Trịnh Nguyễn có nhiều tác động tiêu cực tới việc lưu trữ tài liệu quốc gia, song hoàn cảnh tương đối hòa bình từ 1672 đến 1773 cũng giúp các chính quyền ở Việt Nam lưu giữ được nhiều văn thư sổ sách. Nhưng năm 1774 quân Trịnh vượt sông Gianh đánh chiếm Thuận Hóa đã đưa nhiều tài liệu lưu trữ trung ương của chính quyền Đàng Trong ra Thăng Long, đến 1786 quân Tây Sơn ra Thăng Long lần thứ nhất lại cho đốt phá cung phủ của chúa Trịnh, văn khố trung ương của cả hai chính quyền cát cứ ở Việt Nam thế kỷ XVII –XVIII vì thế cũng tan tành. Chưa thấy thông tin nào về lưu trữ của các chính quyền Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, nhưng tư liệu lưu trữ của chính quyền Nguyễn Ánh trước 1802 cũng gần như hoàn toàn không còn dấu vết. Sau khi chiếm được Thăng Long, Nguyễn Ánh sai chở văn thư ở Gia Định về kinh nhưng chẳng may gặp bão, năm thuyền văn thư đều bị đắm, thủy thủ đoàn không ai sống sót, toàn bộ số văn thư khá nguyên vẹn của chính quyền Gia Định thời gian 1788 – 1802 đã tan theo bọt biển. Nói thêm thì ngay sau tháng 4/1975, một khối lớn tài liệu lưu trữ cấp địa phương ở nhà tù Côn Đảo đã bị cháy rụi, hồ sơ về hàng vạn chiến sỹ yêu nước và cách mạng trên cả nước suốt hơn một trăm năm sau 1862 cũng biến thành tro tàn theo gió bay đi…

Theo Luật Lưu trữ hiện hành (ban hành ngày 4/4/2011, có hiệu lực từ ngày 1/7/2012), điều 20 thì tài liệu Lưu trữ trung ương Việt Nam gồm hai bộ phận là Lưu trữ Nhà nước và Lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng trong thực tế còn có ba bộ phận khác không phải do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước quản lý mà được quản lý riêng biệt tức tài liệu của các ngành quân đội, công an và ngoại giao.

Cùng với sự tồn tại từ 1802 đến 1945, văn khố trung ương của triều đình nhà Nguyễn đã lưu giữ được nhiều tài liệu quan trọng trong đó có các khối Châu bản, Địa bạ… Nhưng đến ngày 11/8/1943, vua Bảo Đại mới ra dụ quyết định sáp nhập văn khố ở kinh đô (Quốc sử quán, Tàng thư lâu, Văn khố Nội các, Văn khố Cơ mật viện và Thư viện Bảo Đại) thành một cơ quan duy nhất là Sở Lưu trữ và Thư viện thuộc chính phủ Hoàng gia. Bên cạnh đó, những tài liệu nảy sinh trong hoạt động của quân đội rồi chính quyền thuộc địa Pháp trước sau 1862 cũng đạt tới một khối lượng đáng kể. Đến ngày 29/11/1917 rồi 26/12/1918 số tài liệu này bắt đầu được thu thập, bảo quản và chỉnh lý một cách thống nhất với sự thành lập Nha Văn khố và Thư viện Đông Dương cùng năm kho địa phương ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Phnom Penh và Vientiane. Nhưng sau 1945, văn khố Hoàng gia thuộc chính quyền Bảo Đại đã tan tành, chẳng hạn khối Châu bản hiện chỉ còn khoảng một phần năm so với số đã được nhóm Ngô Đình Nhu kiểm kê năm 1942.

Lưu trữ viên dưới thời thuộc địa. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Đến 1950 Văn khố Đông Dương lại bị chia năm xẻ bảy, trong đó những tài liệu trước khi có Liên bang Đông Dương (1862 – 1887) thuộc về nước Pháp. Lưu trữ trung ương Việt Nam hiện nay vì thế hình thành trên một cơ sở tài liệu đồ sộ nhưng vì nhiều lý do đều không hoàn chỉnh: tài liệu của văn khố hoàng gia triều Nguyễn, của chính quyền thuộc địa Pháp thời Liên bang Đông Dương (1888 – 1945), của chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa (từ 1945 đến 1976), của chính quyền Nam Kỳ tự trị và Quốc gia Việt Nam (từ 1946 đến 1954), của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (từ 1955 đến 1975), cả của chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 1977 đến nay) cũng chia thành bốn năm bộ phận.

Phần đầu tờ sớ ngày 18 tháng 3 năm Tự Đức thứ 1 (1848) của Vũ Xuân Cẩn được in lại trong Việt Nam tập lược, quyển Tạp ký, phần Tấu sớ. Hai chữ “Việt Nam” đầu văn bản có lẽ do Từ Diên Húc thêm vào.

Quá trình hình thành phức tạp như vậy còn đưa tới sự phức tạp của hệ thống tài liệu hiện được cơ quan lưu trữ cấp trung ương ở Việt Nam lưu giữ. Chẳng hạn Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang bảo quản khoảng 35.000 tấm mộc bản (bản khắc ván gỗ để in sách) mà nhiều người vẫn tán dương như một loại di sản văn hóa. Nhưng một là số mộc bản ấy chỉ là vật trung gian để in sách theo lối thủ công ngày xưa, sách in ra rồi thì chẳng có giá trị gì trong việc tìm hiểu nội dung tài liệu, hai là phần lớn đều bị tàn khuyết, không thể dùng để in lại một bộ sách nào trọn vẹn, ba là không đủ để thành một hệ thống về nghề in sách kiểu thủ công nghiệp, có lưu giữ hay không thì cũng rất ít người buồn khai thác, nếu chuyển giao cho các cơ quan bảo tàng quản lý và khai thác thì chắc chắn là phù hợp hơn. Hay đầu năm 2022, lúc CTCBTLLT đã được phê duyệt, khi được một cán bộ ở Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước hỏi về một số tài liệu chữ Hán đang được lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I như Bích ung canh ca, Thánh chế văn tam tập…, kẻ viết bài này bắt buộc phải trả lời đó là những tác phẩm văn chương, cho dù đang được cơ quan lưu trữ lưu giữ cũng không thể coi là tài liệu lưu trữ, vả lại cũng không phải là tài liệu độc bản mà hiện được lưu giữ ở nhiều thư viện cả trong nước lẫn ngoài nước, việc phiên dịch và công bố cứ để cho các cơ quan hay cá nhân thuộc các ngành Văn học hay Hán Nôm làm.

Theo Luật Lưu trữ hiện hành (ban hành ngày 4/4/2011, có hiệu lực từ ngày 1/7/2012), điều 20 thì tài liệu Lưu trữ trung ương Việt Nam gồm hai bộ phận là Lưu trữ Nhà nước và Lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng trong thực tế còn có ba bộ phận khác không phải do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước quản lý mà được quản lý riêng biệt tức tài liệu của các ngành quân đội, công an và ngoại giao.

Bộ phận tài liệu Lưu trữ Nhà nước hiện do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước bảo quản được chia thành bốn mảng do bốn trung tâm trực tiếp quản lý: mảng tài liệu hình thành trước Cách mạng Tháng Tám được giữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), mảng tài liệu hình thành sau Cách mạng Tháng Tám được giữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Hà Nội), mảng tài liệu hình thành ở Nam Kỳ từ cuối thế kỷ XIX và ở miền Nam Việt Nam từ 1945 đến 1975 được giữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (Sài Gòn), ngoài ra còn một mảng gồm mộc bản và một số văn bản chữ Hán, chữ Pháp, chữ quốc ngữ… được giữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt). Nói rõ hơn thì những tài liệu hình thành ở miền Nam trong thời gian 1945 – 1954 bị chia đôi: một số thuộc chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa được đưa ra Bắc năm 1954 được giữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, một số thuộc chính quyền Chính phủ Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa được giữ ở Trung tâm Lưu trữ II. Còn nói sâu hơn thì những tài liệu thuộc chính quyền Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam từ 1969 đến 1976 hiện nay vẫn chưa rõ do cơ quan nào bảo quản…

Vài nét về các cơ quan chuyên trách và hoạt động lưu trữ ở Việt Nam từ thế kỷ XX

Lịch sử hình thành của hệ thống lưu trữ cấp trung ương ở Việt Nam nói trên dẫn tới các định hướng phát triển không nhất quán theo thời gian, không thống nhất trong không gian và không đồng bộ về nghiệp vụ lưu trữ ở tất cả các khâu từ phân loại tài liệu, xác định giá trị tài liệu, bổ sung tài liệu, thống kê và kiểm tra tình hình tài liệu, tổ chức sử dụng tài liệu, biên mục hồ sơ, tổ chức công cụ tra cứu… tới bảo quản, giải mật và tiêu hủy tài liệu. Ngoài hệ thống lưu trữ còn thủ công về nghiệp vụ của triều Nguyễn, hệ thống lưu trữ của chính quyền thuộc địa Pháp trước khi thành lập Nha Văn khố và Thư viện Đông Dương cũng rất phân tán và mang nhiều khiếm khuyết, như một nghiên cứu năm 1974 ở miền Nam từng tổng kết “Tóm lại trước 1917, về mặt tổ chức, văn khố Việt Nam chưa được tập trung. Trung Kỳ đã có được kho trung ương từ 1897. Tại Nam Kỳ một kho duy nhất được thành lập trên nguyên tắc vào năm 1909, nhưng trên thực tế vì thiếu phương tiện và nhất là thiếu kỹ thuật nên việc tập trung vẫn không thực hiện được. Ở cả ba miền, văn khố các tỉnh đều hoàn toàn vô tổ chức” (Nguyễn Tư Lạc, Văn khố Việt Nam).

Sau các Nghị định ngày 29/11/1917 rồi 26/12/1918 của Toàn quyền Đông Dương, hệ thống lưu trữ của chính quyền thuộc địa mới chính thức được thành lập, đây là sự kiện mở đầu cho hoạt động lưu trữ hiện đại ở Việt Nam. Sự nỗ lực của Nha Văn khố và Thư viện Đông Dương thời gian 1917 – 1945 đã đặt định nhiều tiền đề tài liệu và nghiệp vụ cho ngành lưu trữ Việt Nam sau đó. Tuy nhiên ngành hoạt động này vẫn mang tính chất thuộc địa, nên tình hình chính trị ở Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám đã tác động bất lợi tới hệ thống lưu trữ Việt Nam.

Từ lịch sử hình thành của hệ thống lưu trữ cấp trung ương ở Việt Nam nói trên dẫn tới các định hướng phát triển không nhất quán theo thời gian, không thống nhất trong không gian và không đồng bộ về nghiệp vụ lưu trữ ở tất cả các khâu từ phân loại tài liệu, xác định giá trị tài liệu, bổ sung tài liệu, thống kê và kiểm tra tình hình tài liệu, tổ chức sử dụng tài liệu, biên mục hồ sơ, tổ chức công cụ tra cứu tới bảo quản, giải mật và tiêu hủy tài liệu…

Ngày 8/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh thành lập và chỉ định Ngô Đình Nhu làm người đứng đầu Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Tiếp theo, ngày 3/1/1946 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ký Thông đạt số 1C-VP nhấn mạnh giá trị đặc biệt của tài liệu lưu trữ đối với việc kiến thiết quốc gia và nghiêm cấm tiêu hủy hồ sơ, tài liệu nếu chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp sau đó đã làm gián đoạn công tác lưu trữ ở cấp trung ương của chính quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau Hiệp định Genève 1954, Việt Nam Dân chủ cộng hòa tiếp thu các tài liệu ở Kho Lưu trữ trung ương Hà Nội của Nha Văn khố và Thư viện Đông Dương, số tài liệu này được giao cho Bộ Tuyên truyền (sau đổi tên là Bộ Văn hóa) quản lý. Ngày 4/9/1962 Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng, sau đó Cục này đã tiếp nhận Kho Lưu trữ Trung ương do Bộ Văn hóa chuyển giao, ngoài ra còn quản lý những tài liệu thời gian 1945 – 1954 từ Việt Bắc được mang về và một số tài liệu của Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam Bộ thời gian 1945 – 1954 chuyển ra khi tập kết. Đến 1975, hệ thống này đã được gia tăng với những tài liệu sản sinh dưới thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Từ 1950 đến 1954, theo thỏa thuận phân chia tài liệu lưu trữ giữa Cao ủy Pháp Pignon và Quốc trưởng của chính quyền Quốc gia Việt Nam Vĩnh Thụy, toàn bộ tài liệu trước khi có Liên bang Đông Dương (1887) trong đó có Fonds des Amiraux (Thống đốc Đô đốc Nam Kỳ) được đưa về Pháp, Fonds Nha Kinh lược Bắc Kỳ được đưa vào Sài Gòn (Xem Nguyễn Hùng Cường, Văn khố Việt Nam, in trong Tập san Sử Địa số 26, Sài Gòn, tháng 1 – 3/1974). Kế đó theo Hiệp định Genève, Việt Nam Cộng hòa tiếp thu tất cả các tài liệu văn khố phía Nam vĩ tuyến 17 gồm phần còn lại của Văn khố hoàng triều, Văn khố Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, Văn khố Thống đốc Nam Kỳ (chủ yếu từ thời Liên bang Đông Dương), Văn khố Chính phủ Lâm thời Nam Kỳ và chính phủ Quốc gia Việt Nam. Đến 1975, hệ thống này cũng được gia tăng với những tài liệu sản sinh dưới thời Việt Nam Cộng hòa.

Một văn bản song ngữ Hán Chăm đề ngày 17 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743).

Ngày 13/4/1959 Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ký Sắc lệnh thành lập và tổ chức Nha Giám đốc Văn khố và Thư viện Quốc gia trực thuộc Bộ Quốc gia giáo dục. Ngày 28/1/1973, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa ký Sắc lệnh đổi tên Nha Văn khố và Thư viện quốc gia thành Nha Văn khố Quốc gia. Ngày 26/12/1973 Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ký Luật Văn khố… Từ 1960, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã bắt đầu thực hiện việc khai thác Châu bản triều Nguyễn với sự giúp đỡ của học giả Trần Kinh Hòa, nhưng sự sụp đổ của Đệ nhất cộng hòa năm 1963 đã khiến công việc này không tiếp tục được nữa. Nói thêm thì khoảng cuối 1991 đầu 1992, hầu hết các tài liệu chữ Hán ở Trung tâm Lưu trữ Sài Gòn được đưa ra Hà Nội, trong đó có các Fonds Châu bản, Địa bạ Minh Mạng, Nha Kinh lược Bắc Kỳ, việc khai thác các tài liệu này của giới nghiên cứu trên địa bàn phía nam vì vậy cũng ít nhiều bị gián đoạn (Xem Cao Tự Thanh, Châu bản triều Nguyễn, một quốc bảo của Việt Nam, in trong Nghiên bút mười năm, Nxb, Văn học, 1999 và Cao Tự Thanh, Ba mươi năm Mạch đạo Dòng đời, in trong Ba mươi năm Mạch đạo Dòng đời, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 2002).

Sau tháng 4/1975, thi hành điều 14 của Pháp lệnh Bảo vệ tài liệu lưu trữ quốc gia ban hành ngày 30/11/1982 (trở xuống viết tắt là Pháp lệnh 1982), ngày 1/3/1984 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 34-HĐBT qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cục Lưu trữ Nhà nước. Ngày 25/1/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 24-CT giao cho Cục này quản lý công tác văn thư. Từ 1984 đến 1991, Cục Lưu trữ Nhà nước trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Từ 1992, theo yêu cầu tinh giản bộ máy nhà nước và giảm đầu mối các cơ quan trực thuộc, Hội đồng Bộ trưởng đã giao Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) trực tiếp quản lý. Ngày 6/6/2019, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định Qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan này, với một trong những nhiệm vụ quan trọng là “Thống nhất quản lý về thống kê văn thư, lưu trữ trong phạm vi cả nước”.□

(Còn tiếp: Việc công bố tài liệu lưu trữ quốc gia trong hoàn cảnh hiện nay).

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)