Người làng hay anh chàng tiểu nông
Trong những ngày nóng bức này, trong cái dự cảm là lịch sử đất nước đang sang trang mà đọc được bài "Sức sống Việt" (Đặc điểm của văn hóa Việt Nam) của Nguyễn Bỉnh Quân trên số Tia Sáng ra ngày 5/7 thì thật là khoái như uống được ngụm nước đá. Khoái vì tác giả nhắc người đọc trở lại vấn đề cốt lõi Ta là ai ở những năm đầu thiên niên kỷ mới. Song giá trị của bài báo ngắn này là ở một cách tổng thể tiếp cận vấn đề/hệ vấn đề và kiến giải riêng của ông Quân và không ít các học giả khác
Trong 5 đặc điểm của văn hóa Việt Nam (có lúc là “văn hóa” có lúc không, có lúc là con đường?), Đông Á+Đông Nam Á+văn hóa ngã tư+văn hóa làng- cổ điển thế kỷ 16,17,18. Văn hóa mở đất và con đường trung dung “vừa phải”, thì cái mà ông Quân gọi là “Văn hóa mở đất” (ông không chú thích cách hiểu của mình về “văn hóa”) là mới là và lý thú hơn cả vì nó gồm hai từ MỞ và ĐẤT. Mở: mở cửa- mở/đóng, hệ mở/đóng, kín, mở/khép và Đất: đất đai, đất nước… Vấn đề ở đây không chỉ là các liên tưởng ngôn ngữ mà ở “thời hoàng kim”- thế kỷ 16,17,18. Cổ điển là cái vùng tìm kiếm thăm dò để phát huy bản sắc Việt Nam chứ không chỉ ở huyền thoại, huyền sử. Tôi không rõ tại sao ông Quân chỉ cắt ra, trưng ra cho mọi người cái lát cắt nội soi “hoàng kim” ấy để rồi bảo chúng ta rằng “trong mỗi chúng ta tôi tin vẫn có tới 60-70% là người Việt thời nay”? Còn 30% là của thời nào tác giả chưa cho ta biết vì sao “thời hoàng kim” lại kết thúc, sau nó là “thời gì”? thời bế tắc? hay “thời khai sáng”? Do hay bởi/nhờ ngoại lực? Khác với một số tác giả khác, Nguyễn Bỉnh Quân viết: “Mỗi người Việt Nam cho tới hôm nay vẫn là một người làng, một người mở đất và một người lính“. Tôi cho rằng người lính và người nhà quê (nói ngôn ngữ khoa học là người tiểu nông) vẫn áp đảo, lấn át người mở đất trong mỗi chúng ta- con người Việt Nam hiện đại, nếu có kiểu người mở đất thật sự trong ký ức và tâm thức tập thể- cộng đồng Việt. Có lẽ căn nguyên sâu xa theo tôi là người mở đất té ra vẫn là anh tiểu nông dù mở mang bờ cõi phía nam, dù thêm một con trâu mộng (hãy nhớ đàn trâu béo trong phim “Mùa len trâu”) cái cầy cải tiến vẫn là cái cầy chìa vôi nguyên bản. Có lẽ không phải do hoài cổ thương tiếc “một thời xa vắng” mà ông Quân do nghiêng về cách nhìn văn hóa học hơn cách nhìn kinh tế học- xã hội học nên kiến giải như vậy.
2/ AO NGÒI hay BIỂN?
Có biển rộng chưa chắc có văn hóa biển. Không có biển, chỉ ở đất liền, đại lục vẫn có thể có tư duy biển- như một thực thể vật chất, như một biểu tượng vùng xa lạ, không biên giới, kích thích óc phiêu lưu, mạo hiểm, khám phá. Tôi không đồng ý khi tác giả Quân viết: “bản sắc văn hóa Việt, thế mạnh của nó chính là tính lưỡng căn- hai gốc rễ (lưỡng thế mà văn hóa biển vừa văn hóa đại lục (tôi nhấn mạnh Đ.U). Thất bại của chương trình đánh bắt xa bờ ở xứ ta không chỉ do quan tham mà trước hết do chưa có nhóm dân cư- nghề nghiệp làm nghề biển- đại dương với công cụ tầu thuyền hiện đại thay vì đánh bắt gần bờ không khác gì câu cá ao ngòi, kinh tế biển sẽ đẻ ra văn hóa biển. Bài ca- bài thơ “Biển và em” là cảm nhận của chàng lãng mạn ngồi co ro bờ biển nhớ nàng, là người của đại lục, đất liền mà thôi! Ao ngòi là hệ khép kín khác về chất so với biển là hệ mở theo nghĩa tương đối là một thành tố của nền tiểu nông lúa nước. Nó là một trong các yếu tố kìm hãm văn hóa ngã tư Việt Nam. Chỉ là ngã tư để đi qua, để quá cảnh. Đến ngay các bậc trí thức làm quan ở thành, phủ – một cái làng kéo dài với dịch vụ nhằm vào quan nha, bất mãn, cáo quan về làng mà không vượt biên, vượt biển. Trí tuệ Việt Nam tập trung ở làng như ông Quân nói thì chỉ hơn người nhà quê ở cái óc sách vở, dạy đời mà thôi. Hồ Chí Minh trở thành Hồ Chí Minh hôm nay và mai sau như một danh nhân văn hóa thế giới vì Người vượt biển để trở về cải tạo cái ao làng tù đọng và thay cái cầy chìa vôi!
3/ Sốc tới thiên niên kỷ mới!
Vừa phải (ba phải) sẽ bị hòa tan! Trở lại khái niệm “phương thức sản xuất Châu Á” “tiểu nông” trong di sản Mác xít chưa đủ để lý giải sự trì trệ phương Đông mà theo tôi phải tìm căn nguyên ở Khổng Giáo và Bụt học (Budism). Nhà văn Nguyên Ngọc cho tôi biết chính minh triết Phương Đông là căn nguyên trì trệ của châu- vùng này tuy là nét độc đáo của người Phương Đông. Cái gì cũng nhỏ, đã nhỏ lại yếu vì phát triển thấp, sơ đẳng, nguyên sơ, nguyên thủy, tiểu nông không chỉ là dạng kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp mà còn là một cách sống, một triết lý sống, một kiểu tổ chức, quản lý. Con người ba mặt của bản sắc Việt Nam: người làng, người mở đất, người lính muốn lao vào thiên niên kỷ mới thay vì lừ đừ như ông từ vào đền phải thêm một mặt nữa người nghề, từ làm quan cho đến làm gạch… cái gì cũng làm, vừa phải khéo tay, tinh mắt mà vẫn không ra tấm ra món, không ra tiền- hàng hóa, không ra nghề ngỗng gì, né tránh, ứng phó, giỏi chịu đựng nhẫn nhục hơn là chịu đau đớn để dũng cảm vượt chính mình, lao vào cơn bão lốc cuồng phong của đại dương. Ta là ai? Vẫn là câu hỏi cho cộng đồng và mỗi một người chúng ta hôm nay.