Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh: Một nhân cách lớn

Sớm có những phẩm chất cao quý của một nhân cách lớn nên ngay từ những năm đầu hoạt động chính trị, những năm còn nằm trong vùng tối của lịch sử, những người cùng thời với Người, dù khác biệt về chính kiến cũng đều kính trọng và đánh giá cao trí tuệ, lòng yêu nước thương dân, cũng như đạo lý hành xử của Người.


Năm 1919, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và một người Việt Nam yêu nước khác ở Paris quyết định thảo bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam để gửi tới các nước thắng trận dự Hội nghị Versailles. Lúc đó, nhà yêu nước Phan Châu Trinh và Tiến sĩ luật học Phan Văn Trường đã là những người có tiếng tăm ở Paris, còn chàng trai Nguyễn Tất Thành ít người biết đến. Nhưng nhóm người Việt yêu nước này đã nhất trí để anh Nguyễn thay mặt họ đứng tên trong bản “Yêu sách” với danh xưng Nguyễn Ái Quốc. Và, ngày 18/6/1919, qua báo L’Humanité và Journal du peuple, tên tuổi Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện trên trường chính trị Paris với tư cách “Đại diện cho nhóm người Việt Nam yêu nước tại Pháp”.


 

Sau sự kiện Tours (tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản. Nhiều đồng bào của ông trong nhóm những người Việt Nam yêu nước ở Paris đã không có sự chuyển hướng đó. Giữa ông Nguyễn và những người này đã nảy sinh sự khác biệt và bất đồng về nhận thức chính trị cũng như về cách cứu nước, cứu dân, nhưng ngay từ những năm tháng đó, họ đã nói về ông với sự kính trọng và khâm phục.
Trong một lá thư gửi cho Nguyễn Thế Truyền vào tháng 9/1922, Tiến sĩ Phan Văn Trường đã vui vẻ nói rằng: “Tôi chắc tôi là người đầu tiên ca ngợi Nguyễn Ái Quốc”.
Khi báo chí thuộc địa của chính quyền ở Đông Dương viết bài nói xấu và gọi ông Nguyễn là “một con người đầy tham vọng”, thí ít lâu sau, ở Paris, trong bài viết của mình đăng trên báo Le Paris, số 9 ra ngày 1/12/1922 Nguyễn Thế Truyền đã lên tiếng bảo vệ ông Nguyễn: “Con người đầy tham vọng ư? Đúng. Nhưng anh Nguyễn tham vọng cái gì? Tham vọng giải phóng anh em của anh bị rơi vào vòng nô lệ, bị bọn thực dân bóc lột hết sức dã man. Có tham vọng nào cao quý hơn thế không?
… Ngực anh không có huân chương. Túi anh không có ngân phiếu của chính phủ. Nhưng anh mang nguyện vọng của nhân dân và niềm hi vọng của một dân tộc bị áp bức…”
Nhà ái quốc Phan Châu Trinh trong lá thư viết ngày 23/1/1923 gửi cho một sinh viên Việt Nam đang theo học tại Paris, đã nhận xét: “Tôi xem anh Quốc, anh Truyền và ông Trường là người thông minh bậc nhất xứ ta… chẳng biết ngày sau có làm ra công hiệu cho nòi giống ta được nhờ không?”. Cần lưu ý rằng cụ Phan Châu Trinh là người rất kiệm lời khen. Cũng chính cụ, một năm trước, ngày 28/2/1922, từ Marseille viết thư gửi cho Nguyễn Ái Quốc ở Paris để tranh luận về phương pháp cứu nước, Phan Châu Trinh đã viết: “Mãi tới bây giờ, anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chân dân khí, hậu dân sinh của tôi. Còn tôi thời lại không thích cái phương pháp “ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội” (nằm ở nước ngoài chiêu hiền nạp sĩ, đợi thời cơ về nước hoạt động) của anh. Thực tình, từ trước tới nay tôi chẳng bao giờ khinh thị anh mà ngược lại, tôi còn cảm phục anh nữa là khác”.
Cử nhân luật Nguyễn An Ninh, người trí thức yêu nước du học ở Pháp về, lúc đó đang được lớp thanh niên tân học cấp tiến ở Nam Kỳ trọng vọng, trong một bài viết đăng trên báo La Cloche Fêlée số 14, ra ngày 21/4/1924 tại Sài Gòn cũng đã viết: “Chúng ta tự hào có những Phan Châu Trinh, những Phan Bội Châu, những Nguyễn Ái Quốc, những Đề Thám, những Lương Văn Can, những Lương Ngọc Quyến và vô số những vị anh hùng vô danh”.
Cuối năm 1924, sau những lần tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc, cụ Phan Bội Châu đã giới thiệu những thanh niên cách mạng Việt Nam vẫn hoạt động với cụ bấy lâu trong đó có Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong… để ông Nguyễn gặp gỡ và huấn luyện họ theo con đường của ông Nguyễn. Sau khi cụ bị Pháp bắt đưa về nước và quản thúc tại Huế, nhiều chí sĩ và thanh niên yêu nước tìm đến thăm hỏi và đàm đạo về thời cuộc với cụ. Học giả Đào Duy Anh trong bài “Một số hồi ức chưa được công bố về Phan Bội Châu” (Ông già Bến Ngự. NXB Thuận Hóa, Huế 1982) kể lại rằng: Một lần, ông và thừa phái Trần Lê Hựu tới thăm cụ Phan, hai người được cụ mời đi chơi đò. Bữa đó, trên đò sọc sông Hương thừa phái Trần hỏi cụ: “Thưa Cụ, chúng tôi không hiểu rồi nước ta có độc lập được không. Thấy từ trước đến nay hễ lớp anh hùng chí sĩ nổi lên thì sớm hay muộn cũng là bị bắt, bị tù, bị giết, cho đến Cụ là niềm hy vọng trong mấy chục năm nay của quốc dân cuối cùng lại cũng bị bắt đem về giam lỏng ở đây, như thế thì còn mong gì nữa!
– Ông không nên nghĩ thế. Đời hoạt động cách mạng của tôi rốt cuộc là một thất bại lớn, đó là bởi tôi tuy có lòng mà thật bất tài. Nhưng dân tộc ta thế nào rồi cũng độc lập, nhất định phải thế. Hiện nay đã có người khác giỏi hơn lớp chúng tôi nhiều đứng ra đảm đương công việc để làm trọn cái việc mà lớp chúng tôi không làm xong. Ông có nghe tiếng ông Nguyễn Ái Quốc không?
– Có báo đăng tin Nguyễn Ái Quốc đã bị bắt và chết ở Hương Cảng cách hai ba năm rồi mà!
– Không, tôi chắc ông Quốc vẫn còn, mà ông ấy còn thì nước ta nhất định sẽ độc lập. Họ bắt tôi dễ chứ làm sao bắt được ông Quốc, mà có bắt đi nữa thì cũng phải thả thôi, vì ông ấy giỏi, lại có nhiều vây cánh và bạn bè ở khắp thế giới.
– Thưa Cụ, “Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” chẳng phải là Cụ hay sao? Cụ còn thất bại nữa là người khác!
– Kể cái nghề cử tử thì xưa kia tôi cũng có tiếng thật. Dân ta thường có thói trọng người văn học mà gán cho người ta tiếng nọ, tiếng kia. Nhưng nếu Nam Đàn có thánh thật thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc không phải ai khác”.
***
Những người nước ngoài quen biết Nguyễn Ái Quốc trong những năm 20 của thế kỷ trước cũng đánh giá cao và biểu thị sự kính trọng Người.
Stéphanie, Thư ký nhóm xã hội người gốc thuộc địa ở Paris, trong một lá thư gửi cho ông Nguyễn vào tháng 3/1921 đã bày tỏ: “Tôi là một trong số những người rất khâm phục sự can đảm và tận tâm của đồng chí”.
Vào một ngày cuối năm 1923, sau giờ làm việc tại văn phòng Quốc tế cộng sản ở Matxcơva, ông Nguyễn vừa về đến nơi ở của mình tại khách sạn thì nhà thơ Xô viết Iossip Mendenstam (1891-1943), phóng viên tạp chí Ogoniouk đến gặp và đề nghị ông trả lời phỏng vấn của tạp chí. Ngày 23/12/1923, số 39 của tạp chí đó đã đăng bài phỏng vấn này dưới đầu đề “Đến thăm một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Nguyễn Ái Quốc”. Trong bài báo, tác giả viết: “Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai…
Ngày 19/9/1924, tại phòng triển lãm nghệ thuật tạo hình Đức tổ chức ở Matxcơva, họa sĩ Thụy Điển Erik Johansson gặp Nguyễn Ái Quốc và đề nghị được ký họa chân dung Người. Dưới bức ký họa còn có dòng chữ Hán do tự tay ông Nguyễn ghi lúc đó: Nguyễn Ái Quốc. 19-9-1924. Cuộc gặp gỡ và hình ảnh ông Nguyễn năm đó đã để lại một ấn tượng sâu sắc cho người họa sĩ Thụy Điển. Sau này, ông viết: “Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tựơng là Người có uy tín. Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người”.
Trong những năm 1925-1927, khi hoạt động ở Quảng Châu ông Nguyễn làm việc trong Phái bộ Borodin. Trong cuốn Hai năm ở nước Trung Hoa nổi dậy, V.Akimova, một nữ nhân viên của văn phòng Borodin viết: “Ở nhà Borodin, tôi may mắn được làm quen với một trong những con người tuyệt diệu ở Quảng Châu lúc ấy. Đó là Lý Thụy, một người Việt Nam”.
Qua một số nhận xét, đánh giá của những người cùng thời trong những năm 20 của thế kỷ trước về Nguyễn Ái Quốc, chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay từ những năm đầu hoạt động chính trị, với trí tuệ mẫn tiệp, với tấm lòng cao thượng, trong sáng và những phẩm chất tốt đẹp khác, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã được đồng chí tin yêu, đồng bào kính trọng và những người khác chính kiến khâm phục.


Đặng Hòa

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)