Nguyên lý nào cho phạt vi phạm hành chính trong gia đình?

Trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính mà Bộ Công an đang lấy ý kiến, nhà làm luật đã coi quan hệ nội bộ gia đình cũng thuộc phạm vi “quản lý nhà nước“, nên mới áp dụng phạt hành chính vào lĩnh vực gia đình theo danh mục vi phạm, tương tự như trong giao thông công cộng.

Từ phạt vi phạm hành chính trong gia đình ở ta…

Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; và phòng, chống bạo lực gia đình. Trong Mục 4, các vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, Dự thảo quy định:

– Người bắt thành viên trong gia đình nhịn ăn, nhịn uống, mặc rách, chịu rét sẽ bị phạt tiền từ 1,5 đến 2 triệu đồng.

– Việc bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ cũng bị phạt tương tự.

– Người thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật làm người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần; ép buộc xem, nghe, đọc văn hóa phẩm đồi trụy, kinh dị cũng bị phạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng.

– Người chửi bới, chì chiết thành viên trong gia đình sẽ bị quy vào nhóm hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự và bị phạt từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Nếu tiết lộ và phát tán tư liệu thuộc bí mật đời tư thì mức phạt tăng thêm 500.000 đồng.

– Hành vi cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý như cấm ra khỏi nhà, không cho làm việc, không tiếp cận thông tin đại chúng sẽ bị phạt 100.000-300.000 đồng. Mức này cũng áp dụng với người theo dõi thành viên gia đình vì lý do ghen tuông gây tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của nạn nhân.

– Ai buộc thành viên trong gia đình phải chứng kiến cảnh sinh hoạt tình dục, ép uống thuốc kích dục, cưỡng ép thực hiện các hành động khiêu dâm sẽ bị phạt từ 500.000 đến một triệu đồng. Đặc biệt người “có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng mà vợ hoặc chồng không muốn” cũng bị xử lý cùng mức.

… Đến câu chuyện đau lòng của một người Việt ở Đức

Cách đây 2 năm, một toà án điạ phương ở Đức đã ra một án trát khẩn không cần mở phiên xét xử cho bắt đi 2 bé gái L 3 tuổi và S 10 tuổi, con của bà Nguyễn và ông Lê đã ly dị (danh tính đã đổi). Lệnh Toà phán, 1- Tạm thời tước quyền cha mẹ đối với 2 con của họ. Cha mẹ không được phép chăm lo việc ăn ở, khám chữa bệnh, học hành, giáo dục và giao dịch với chúng. 2- Chừng nào quyền cha mẹ vẫn bị tước, thì quyền đó được chuyển cho Sở Thanh thiếu niên điạ phương và tìm cha mẹ giám hộ thay thế. Cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế chuyển giao 2 bé cho cha mẹ giám hộ, bằng cách lục soát nhà ở cha mẹ đẻ, sử dụng lực lượng cảnh sát mở cổng ra vào và cửa các phòng, để tìm chúng. 3- Cử Luật sư bảo vệ quyền lợi cho 2 bé khi xét xử chính thức. Toà ra án trát chỉ 5 ngày sau khi nhận được đơn đệ nghị của Ủy ban thành phố chiểu theo Điều 8a đoạn 3, Bộ Luật Xã hội SGB VIII, Điều 1666 Bộ luật Công dân BGB, để bảo vệ trẻ em. Đơn đề nghị của Ủy ban giải trình:

– Tình cảnh gia đình. Vợ chồng Lê-Nguyễn ly dị, người mẹ giữ quyền một mình nuôi 2 con nhỏ, sống trong một căn hộ chừng 70 m2. Bé S học lớp 3 trường phổ thông cơ sở cạnh nhà, buổi chiều chơi trong vườn trẻ. Bé L, do nhà trẻ thiếu chỗ không nhận, ở nhà với mẹ cả ngày. Hai bên ly dị khi người mẹ đang có thai bé thứ 2, phải mang theo bé lớn S vào nhà bảo hộ phụ nữ sống ở đó một năm, để tránh nạn bạo hành cả 2 mẹ con như cơm bữa của người chồng vũ phu. Bé S lớn lên trong cảnh sợ hãi, dúm dó trước những cơn thịnh nộ của người cha sáng xỉn chiều say, đánh đập vô cớ 2 mẹ con triền miên; người mẹ luôn đau khổ uất ức tới mức phải tìm đến nhà bảo hộ phụ nữ trốn tránh, đâu còn mấy tâm trí để ý đến bé, mặc dù lòng mẹ nào chẳng thương con. Một bàn tay vuốt ve, một cử chỉ cưng nựng, một lời trìu mến của cha lẫn mẹ, bé hiếm khi có. Thay vào đó, giận cá chém thớt, mọi bực bội, phẫn uất của mẹ từ bố lại trút xuống đầu bé, làm bé khiếp đảm trước cả cha lẫn mẹ. Cảnh trốn chạy và sống trong nhà bảo hộ phụ nữ, một mặt giúp bé dần ý thức được sự phản kháng trước mọi hà hiếp áp bức của người khác, nhưng mặt khác trí óc non nớt của bé không thể hiểu hết nổi nỗi lòng người mẹ, ngày một trở nên khó bảo làm mẹ bé cũng ngày càng thêm bẳn tính khó chịu, hay doạ dẫm, quát nạt, bợp tai bé. Cái gì phải đến tất đến!

– Khởi đầu. Giữa năm trước, nhà trẻ báo cáo với Sở Thanh thiếu niên về tình hình bạo hành trong gia đình bé S và khả năng người mẹ bị qúa tải trong chăm nuôi con cái. Họ phát hiện ở cả trường lẫn nhà trẻ, bé S luôn mệt mỏi, kêu đau đầu, khám bác sỹ không phát hiện được nguyên nhân. Từ mấy tháng trước đó, nhiều lần bé tỉ tê kể cho cô nuôi dạy trẻ, cả hai chị em bị mẹ nhốt ở nhà, bỏ đi đâu cả ngày, điều bị pháp luật Đức cấm, làm họ lo ngại. Họ còn phát hiện được cả vết bầm tím trên cánh tay bé, rồi vết sứt trên môi, hỏi nguyên nhân, bé không nói. Tháng tiếp theo, cô giáo trông thấy nhiều vết thâm tím trên tay, dỗ hỏi, bé mới thành thật trả lời bị mẹ dùng đũa ăn cơm đánh đòn. Lập tức, họ mời người mẹ tới làm việc. Tại đó, người mẹ đồng ý ký đơn nhờ Sở Thanh thiếu niên giúp đỡ, được họ cử cô giáo tới nhà hướng dẫn, đỡ đần bớt công việc chăm sóc dạy dỗ 2 bé vốn quá tải so với khả năng người mẹ. Thoạt đầu, nhà trẻ, trường học cùng Sở Thanh thiếu niên hài lòng, nhận thấy người mẹ có tiến bộ dần nhận biết được nhu cầu của trẻ, chọn được biện pháp thích ứng xử sự, theo hướng dẫn của cô giáo. Tuy nhiên sau 6 tháng, tới tháng 4.2011, Sở Thanh thiếu niên buộc phải ngừng cử người tới giúp đỡ, bởi người mẹ cảm giác mất tự do, luôn bị xét nét, một mực từ chối, bỏ các lịch họ hẹn gặp giúp đỡ, sau khi tuyên bố với họ đã học được cách chăm sóc giúp đỡ con cái, hứa giáo dục chúng bằng tình yêu, không bao giờ dùng roi vọt nữa. Sở Thanh thiếu niên đành buộc phải chấp nhận, sau khi đánh giá tình hình không nghiêm trọng tới mức phải viện đến toà án chế tài, chỉ khuyên người mẹ, bất cứ lúc nào cần cứ viện đến họ, họ sẵn sàng giúp đỡ. Trong biên bản hai bên ký kết đồng ý chấm dứt hỗ trợ, phiá Sở Thanh thiếu niên nhấn mạnh, nếu xảy ra tình hình nghiêm trọng đe doạ trẻ như trước, họ sẽ viện đến toà án cưỡng chế người mẹ phải nhận giúp đỡ. Họ cẩn thận mời cả phiên dịch có mặt để tránh người mẹ không hiểu thấu đáo tiếng Đức.

– Tình hình nghiêm trọng. Cách tháng trước, bé S mách với cô giáo dạy trẻ bị mẹ đánh mắng liên tục, cô giáo báo tiếp lên trường và nhà trẻ. Nhà trường lập tức tổ chức gặp gỡ bé gợi hỏi thực hư. Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ, bé S được dịp kể lể 2 chị em thường xuyên bị mẹ đánh đòn, tới mức không nhớ được mỗi tuần bị mấy trận. Khi được cô giáo dỗ dành khơi gợi, đánh nhiều thế chắc bé đau lắm phải không, bé bắt đầu kể các kiểu đòn bé phải chịu đựng, khi thì bằng đôi đũa ăn, khi thì dùng đũa bếp, lúc thì sẵn tay bợp, khi thì dùng giày, nghĩa là gặp bất cứ thứ gì. Cô giáo không hiểu đũa bếp Việt Nam như thế nào, hỏi lại, bé giải thích loại đũa dùng vào 2 việc, vừa để khuấy đảo nồi cơm, vừa để đánh đòn con cái cho tiện. Rồi bé sải thẳng 2 cánh tay miêu tả nó dài tới 1 m như này, như này!? Trả lời câu hỏi bị đánh như thế nào, bé diễn tả bị bắt nằm sấp xuống, giơ mông và đùi cho mẹ đánh. Có lúc để nguyên cả quần còn đỡ đau, có lúc bắt tụt cả quần, đau lắm. Cả ngón tay, cánh tay cũng bị đánh, tóc cũng bị túm giật. Bé hồn nhiên kể lại rằng, cô giáo tới nhà giúp đỡ trước đây giải thích với nó ở Đức trẻ em không ai được phép đánh đập. Nhưng khi cô giáo nói điều đó với mẹ bé, thì mẹ bé liền bảo, chúng tôi là người Việt phải giáo dục theo kiểu Việt Nam. Cô giáo hỏi kiểu đó như thế nào, bé thản nhiên trả lời nghĩa là trẻ con sẽ bị ăn đòn nếu làm sai. Thấy cô giáo lắc đầu không hiểu như thế nào được coi là làm sai, bé kể chẳng hạn ăn không hết cơm, chải đầu không kỹ, bài tập về nhà không làm hết, sáng uể oải gọi không dậy ngay. Cô giáo hỏi xem mẹ bé xử sự với em gái bé như thế nào, bé trả lời, cũng vậy, bị la đánh, nếu ăn không hết, không đúng cách, hoặc để rơi quần áo xuống sàn. Mẹ bé thường đưa em của bé vào phòng tắm để trừng phạt, tránh nó khóc to hàng xóm biết; hết thảy mấy cô giáo ngồi nghe đều rùng mình. Hỏi bé nghĩ như thế nào về thời kỳ được cô giáo tới nhà giúp đỡ, bé S cho đó là những ngày đẹp đẽ nhất, và rất thích thú khi được cô đưa đi dã ngoại. Nhưng sau này, mẹ bé tỏ ra khó chịu. Thành ra, cô giáo không giúp đỡ được gì để mẹ bé thay đổi cách đối xử với con cái.
Cuối buổi gặp gỡ, cô giáo cho bé biết muốn mang 2 bé tách ra khỏi mẹ, đến ở một nơi khác, bé bỗng trở nên già dặn như người lớn, lập tức giải thích rất lo ngại, không thể bế được đứa em đi. Bởi bé L hàng ngày do bạn của mẹ bé nhận chăm sóc, nó lại không hề biết tiếng Đức. Bé cũng cảnh giác, biết đâu cha mẹ giám hộ cũng có thể đánh bé, bởi khi đánh mắng, người lớn rất kín đáo làm như không hề đánh mắng, chẳng ai biết.

Muốn giúp bé thì phải được bé đồng ý, luật Đức quy định chính xác như vậy; cô giáo hỏi rõ ràng, bé thích ở với mẹ như hiện nay hay muốn thay đổi, đến một nơi ở mới, có cha mẹ giám hộ chăm sóc. Bé trả lời dứt khoát muốn thay đổi. Nhưng khi được giải thích tới chỗ mới, bé phải thay đổi cuộc sống, trường học mới, bạn bè mới, cha mẹ mới, một vùng đất mới, mẹ đẻ chỉ tới thăm, thì lòng bé bỗng rối bời, xao xuyến, không nỡ từ giã nơi ở cũ, liền hỏi, liệu người ta có thể đưa mẹ bé ra khỏi nhà để bé được ở lại, cha mẹ giám hộ sẽ về ở với bé, bé đã quen sống nơi này rồi không muốn rời xa. Các cô giáo nghe bé thổ lộ, rơm rớm nước mắt, một đứa trẻ tha thiết với ngôi nhà mình đến nhường ấy, mà rốt cuộc lại không tỏ ra một dấu hiệu vương vấn gì với người mẹ từng chăm bẵm mang nặng đẻ đau ra bé. Chẳng người mẹ nào không thương con, nhưng liệu thế giới này có bao nhiêu người mẹ đã không thấu hiểu nổi nỗi lòng của chúng?

*Thi hành án: Cảnh sát điạ phương đã khôn khéo thực hiện trát khẩn của toà, bắt mang đi 2 bé gái L 3 tuổi và S 10 tuổi, một cách nhẹ nhàng, êm thấm, không xảy ra bất cứ sự cố gì. Bị mất con hoàn toàn bất ngờ, bà Nguyễn thất thần, khóc hết nước mắt, vái trời, lạy đất thảm thiết, thực qúa đỗi thương tâm. “Của đau, con xót“, bị mất cùng lúc 2 đứa con còn thơ dại, người mẹ nào chẳng đứt ruột, lià gan, bà tức tốc chạy ngược xuôi, tìm đến luật sư cầu cứu, đến những địa chỉ tư vấn tin cậy, đến Thời báo Việt Đức, đến các cơ quan hữu trách, nhất mực bác bỏ cáo buộc tố bà qúa đáng tội đánh đập con cái, quyết tâm tìm mọi cách, bằng mọi giá, cứu chúng trở về. Nhưng tất cả đã qúa muộn, hai con bà đã bị pháp luật kéo tuột khỏi bàn tay chở che, nắm giữ của bà. Án trát khẩn đã được thi hành, mọi ý kiến tư vấn chỉ còn đặt hy vọng vào phiên toà xét xử chính thức sẽ trả lại con cho bà, nếu thực sự hai con bà không thể sống thiếu tình mẫu tử dứt ruột đẻ ra chúng, và bà chứng minh được cho cơ quan công quyền tin tưởng tình mẹ con không thể chia lià đó.

*Về phiá bé S, ngày đầu tiên được đưa đến gia đình giám hộ, sau những giờ phút ngỡ ngàng làm quen ban đầu, bé bắt đầu chờn chợn cảm giác trống vắng, không giống như giờ khắc bé xăm xăm theo cảnh sát bỏ nhà ra đi, mơ về một mái nhà thoả ước, không còn bị đánh mắng. Tới đêm, khi bước vào phòng ngủ lạ, bé bỗng bừng tỉnh, nhận ra thực tại, đây không phải nhà của bé, rồi bật khóc nức nở như một đứa trẻ bỗng dưng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi bấu víu, chở che. Suốt đêm, đứa em bé bỏng cứ giật mình thức giấc cuống cuồng, khóc lóc, gọi mẹ thảng thốt, lòng dạ bé càng rối bời, loay hoay không biết phải làm gì. Hai chị em mặt ướt đẫm úp vào nhau, thút thít, nước mắt cả hai cứ thế ràn rụa chảy vòng quanh sang nhau.

Bao quan tâm, chiều chuộng, chăm sóc của cha mẹ giám hộ không hề vơi đi ở bé bản năng nhớ mẹ ngày một chồng chất. Bé bắt đầu thấm thiá, tiếc nuối, khát khao bóng hình mẹ, khóc bất cứ lúc nào trống vắng. Bức thư đầu tiên bé viết thấm đẫm nước mắt, tới tay người mẹ cũng được đọc trong nước mắt chan hoà. Đầu bức thư, bé vẽ một bầu trời cuồn cuộn những đám mây trắng, từ đó thả xuống bao trái tim non nớt, phiá trên là khuôn mặt 2 bé gái nhỏ nhoi thẫn thờ ngóng xuống, như đang tìm kiếm bóng hình mẹ chúng ẩn náu đâu đó, sau những búp hoa đang chờ nở. “Mẹ thương yêu của con! con không được khoẻ, bởi nhớ mẹ quá. Bất kể như thế nào, mẹ vẫn là người mẹ của hai con tốt nhất trên trần gian này. Đối với chúng con, thế giới này không người mẹ nào tốt hơn và đẹp hơn mẹ cả. Con gửi tặng mẹ những nụ hôn nồng thắm nhất, đặt lên má mẹ, bé L cũng vậy, con hôn bên phải, bé L bên trái. Con đã khóc, rất, rất, rất… nhiều, vào mỗi tối đến, trong từng buổi chiều, khi sáng sớm thức dậy. Con mong được nhìn thấy mẹ ngay bây giờ, được ôm chặt lấy người mẹ vô cùng yêu dấu của chúng con. Em L luôn miệng hỏi con, mẹ đâu rồi, con chỉ biết trả lời, mẹ đang bận đi làm…“. Đọc thư con, bà Nguyễn lòng dạ ngổn ngang, ân hận đã trót đòn roi phạt chúng, sung sướng hạnh phúc bởi con mình dù ở đâu mãi mãi vẫn con mình, tuyệt vọng trong nỗi bất lực không biết cách nào cứu chúng trở lại. Viết thư gửi con, bà Nguyễn nghẹn ngào, nức nở như khi chúng viết thư cho bà, mỗi chữ viết ra, là mỗi dòng nước mắt lả chã tuôn theo. “Thương gửi 2 con gái yêu! Mẹ… cô đơn biết dường nào. Nhìn vào cái gì, mẹ cũng nhớ đến các con nhiều hơn, nước mắt mẹ rưng rưng các con có biết không?… Cuộc sống của 3 mẹ con mình biết bao thăng trầm buồn khổ, những lúc các con gặp trái nắng trở trời, những quãng đời mẹ nghiệt ngã éo le trắc trở, gia đình tan nát. Nhưng chính các con đã tiếp sức cho mẹ, mẹ kiên quyết phải sống chỉ vì các con của mẹ bé bỏng còn đó, chúng không thể thiếu được tình mẫu tử của mẹ. Vậy mà giờ đây, các con đang rời xa mẹ. Mỗi một đêm về là thêm một đêm mẹ sợ hãi, mở mắt ra mẹ rùng mình, nhắm mắt lại mẹ hoảng hốt hơn, mẹ lo và thương 2 con mẹ còn bé bỏng đang đâu đó ngóng lòng mong mẹ. Chỉ khi nào các con lớn khôn, có con cái như mẹ bây giờ, mới hiểu hết nỗi lòng mẹ lúc này, tan nát xót xa dường nào khi buộc phải xa lìa những đứa con mình dứt ruột đẻ ra.

“Xứ người ơi…! / Kiếp tha hương thật phũ phàng tàn nhẫn, / Xô đẩy tôi chới với giữa biển đời. / Con tôi đâu? hỡi đất trời câm lặng. / Có thấu không? tình mẫu tử vĩnh hằng…“.
Ngày các con ra đi là một cơn ác mộng hãi hùng. Liệu đến bao giờ giấc mơ của mẹ đón các con trở về, thành hiện thực? Hỡi hai con thiên thần của mẹ, mẹ yêu các con hơn mọi thứ trên đời này, kể cả bản thân mẹ…“.

Bức thư thứ nhất vừa gửi đi, ngày hôm sau, bé S gửi tiếp mẹ bức thư thứ 2. Lần này là một bài thơ tiếng Đức dài cả một trang giấy. Người Đức nào được đọc, cũng không khỏi xúc động đến lặng người. Thơ là tiếng lòng, có nghiã bé đã trăn trở thai nghén nó, ít nhất từ khi viết bức thư thứ nhất. „Cha mẹ thương yêu! Con nhớ cha mẹ tới nhường nào, mong sao mau chóng được gặp lại cha mẹ. Cha mẹ là duy nhất và tất cả. Mẹ nghe bài thơ con viết kính tặng cha mẹ nhé: “Con nhớ cha mẹ lắm! / Cha mẹ biết hay không? / Con mơ cha mẹ từng đêm ròng… / Nỗi nhớ dày vò tới mức, / Lòng con gào thét đau thắt ngực, / Cha mẹ có nghe cùng? / Không một tiếng trả lời, / Nó cuống cuồng kêu cứu, / Còn ai không, hỡi trời! / Nỗi nhớ con có còn? / Cái gì đã xảy ra / Thật đau xé lòng con. / Tâm can con lửa đốt, / Con yêu cha mẹ nhất, / Chẳng ai hơn trên đời. / Không ai thay mẹ nổi, / Dù vật đổi, sao dời!“.

Xin tạm biệt cha mẹ bằng những nụ hôn nồng thắm“. Cuối bức thư, bé S thêm dòng tái bút: „Mẹ viết cho con công thức nấu món bún nhé, để con lại được thưởng thức món ăn thuần Việt. Hôn mẹ nhiều!“. Chữ: bún, bé viết bằng tiếng Đức thành: Pún.

Ngày thứ 3, bé S tiếp tục trải lòng trên trang giấy gửi mẹ, cũng vẫn bắt đầu bằng hình vẽ bầu trời đầy mây trắng bồng bềnh thả xuống những trái tim mỏng manh run rẩy, xa xa điểm các nhụy hoa. „Con nhớ mẹ lắm lắm. Ăn uống ở đây khá ngon. Nhưng con không thể quên những bữa ăn mẹ nấu. Con không tài nào ngủ yên, bởi con rất nhớ, rất nhớ mẹ. Con thành thật xin mẹ tha thứ, mong từng ngày được gặp lại cha mẹ, lúc đó sung sướng biết chừng nào. Em L ngày nào cũng hỏi, mẹ đâu rồi, con chỉ biết trả lời, mẹ bận đi làm. Con yêu, yêu mẹ vô cùng, người mẹ tốt nhất trên đời này của con! Một nụ hôn tạm biệt nồng thắm nhất, con chỉ để dành tặng riêng mẹ“.

Bức thư thứ 4, bé viết bằng máy tính cẩn thận, không còn bóng mây, quả tim, nụ hoa với hai khuôn mặt bé gái thẫn thờ. “Mẹ thân yêu của con! Con nhớ mẹ lắm lắm. Bé L cũng rất nhớ, rất nhớ. Cả bé L và con đều nghĩ, trong quãng đời qua, chưa bao giờ mẹ con chúng ta lại rời xa nhau lâu tới vậy. Chúng con nhớ mẹ và mong chóng được gặp lại goị mẹ bằng tiếng Việt: mẹ ơi, bởi mẹ là duy nhất và tất cả, bởi đơn giản, không có mẹ, con không thể sống nổi. Con luôn khóc chỉ vì nhớ mẹ. Để mẹ luôn nhớ và nhớ nhiều, con gửi mẹ kèm theo một thiên thần luôn mang lại hạnh phúc cho con. Nếu mẹ có ước muốn gì, mẹ hãy viết vào mảnh giấy cho vào bộ cánh của nó. Tới tối, trứơc lúc đi ngủ, mẹ hãy mở giấy ra đọc và cài trở lại thiên thần như cũ. Để mẹ không quên con, con gửi mẹ tấm hình kèm theo!
Gửi tới mẹ nụ hôn tạm biệt nồng thắm nhất!

Những bức thư thấm đẫm nước mắt cả mẹ lẫn con, vừa cào xé ruột gan bà Nguyễn khôn cùng, vừa mang lại cho bà niềm hy vọng, tại phiên toà xét xử chính thức, sẽ được trả lại 2 đưá con bà mang nặng đẻ đau, từng vì chúng mà bà vượt qua được nỗi éo le duyên nợ vợ chồng đày đoạ mình. Vốn tâm hồn nhạy cảm, hầu như bức thư nào gửi mẹ, bé S cũng vẽ vài hình ngộ nghĩnh, đủ mọi thứ tưởng tượng, khi thì ông mặt trời, hoa, lá, khi thì đầu bé gái bím tóc đuôi sam, lúc thì nụ cười chỉ mỗi đôi môi gắn các quả tim, không thư nào quên kèm theo dòng tít đầu thư bằng tiếng Đức: Con yêu mẹ, hoặc con nhớ mẹ lắm. Trước ngày toà xét xử chính thức, bé gửi thư cho mẹ, nghĩ gì viết nấy: „Mẹ kính yêu! Con rất nhớ mẹ. Chắc mẹ cũng nhớ con như vậy. Vắng mẹ, cuộc sống con không còn gì hạnh phúc. Con hy vọng sắp tới được gặp mẹ. Con phải đi học đây. Cô giáo mới của con là bà Müller. Con nhớ cả thôn xóm mình ghê lắm. Cho con gửi lời chào tới bạn Zehra của con nhé“. Rồi bé lại viết tưng tửng, đúng con trẻ, kiểu „chưa cười đã khóc“: „Nếu có thời gian, mẹ đến trường dạy nhảy, hỏi cô giáo xem con nên học bộ môn nào nhé. Con đã đi khám tai. Bác sỹ bảo chẳng nguy hiểm gì đâu“. Cuối thư bé lại trải lòng với mẹ bằng những vần thơ tiếng Đức, tha thiết:

“Con nhớ mẹ lắm! / Mẹ có biết, mẹ là người tốt nhất, / Dù điều gì xảy ra. / Con nhớ diết da /Bàn tay mẹ vuốt xoa / Mắt mẹ ngắm mắt con. / Con nhảy tới định ôm / Nhưng xa quá chẳng còn. / Mẹ đâu rồi sớm hôm? / Mẹ có còn nhớ con? / Còn con nhớ mỏi mòn! / Mẹ là người tốt nhất / Con không thể nào mất. / Cuộc đời con chỉ còn / Mẹ chính là kho báu! Khắc hình mẹ trong tim“.

Ngày 12.5.2011, toà án điạ phương Amtsgericht mở phiên chính thức, mời 2 vợ chồng ông bà Lê Nguyễn, Luật sư của 2 ông bà, bé L và S cùng luật sư được ủy nhiệm đại diện cho 2 bé. Phiên toà được tách biệt xét xử đối với 2 con trước, lấy đó làm cơ sở cho việc xét xử đối với bố mẹ tiếp theo. Hai bên không được gặp nhau tại toà.

*Phân vân, giằng xé. Trước các câu hỏi toà đặt ra để tìm hiểu xem thực sự bé muốn gì, bé S không khỏi phân vân, giằng xé trả lời ngập ngừng, nửa vẫn muốn ở lại gia đình giám hộ, bởi không còn bị đánh mắng, nửa nhớ mẹ khôn nguôi bởi tình mẫu tử. Trường mới, bé vẫn chưa quen còn lạ lẫm. Bé cũng không tránh khỏi hay cãi nhau với các con nuôi và con đẻ của cha mẹ giám hộ. Bé bênh mẹ, giải thích những vệt bầm tím trước đây không phải hoàn toàn do mẹ đánh, mà thỉnh thoảng do cãi lộn với bạn bè. Nhưng rồi cũng không thể giấu được, khi bé tường trình, hồi đó mẹ đánh bé không chỉ ở tay mà khắp mình mẩy, bạ đâu đánh đó. Mặc dù vậy, thực lòng bé vẫn muốn về nhà hơn là tiếp tục ở với cha mẹ giám hộ. Bé kể tiếp, em gái của bé cũng bị mẹ đánh, chẳng hạn khi ăn không đúng hoặc để rơi cả điã cơm xuống sàn. Lúc đó mẹ cáu kỉnh mang vào phòng tắm đánh, làm chính bé cũng sợ hãi. Mẹ bé bảo bản thân mẹ hồi nhỏ cũng bị đánh như vậy, bởi ở Việt Nam đó là chuyện bình thường. Thậm chí, mẹ bé còn bị đánh bằng sống dao, nhưng may mẹ bé đã không đánh bé như vậy. Toà hỏi tới khoảng thời gian Sở Thanh thiếu niên đến nhà giúp đỡ. Đúng là ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ, sau khi trả lời mẹ bé ít đánh hơn so với trước và sau đó, rồi tiện thể bé kể vanh vách: Mẹ không chỉ đánh bằng gậy, còn sẵn tay ném cả giày, thậm chí hắt cả điã cơm hướng vào mặt. Mẹ bé còn dặn không được kể cho ai bị mẹ đánh, và nếu có ai hỏi thì phải trả lời do đánh nhau với bạn bè hoặc bị ngã. Luật sư tìm hiểu thêm có đúng là bé bị thương thường do bé chơi trượt ba tanh như mẹ bé giải thích hay không. Bé thật thà kể đúng một lần như vậy. Còn những lần khác là do mẹ đánh, thường nhiều lần trong tuần, nhất là vào dịp cuối tuần hoặc các ngày lễ, ngày nghỉ. Khi được luật sư giải thích điều kiện phải tuân thủ khi mẹ con gặp nhau là phải nói bằng tiếng Đức để người giám sát biết, đề phòng bé bị mẹ doạ dẫm, bé băn khoăn trả lời, không biết có cần người khác bên cạnh hay không. Nhưng trong mọi tình huống, bé thích nói tiếng Việt với mẹ. Bé cam đoan dịch lại những điều theo luật định bị cấm mà mẹ bé vẫn nói. Phiên toà thẩm vấn bé chỉ kéo dài 20 phút được ghi âm và lập biên bản gửi cho 2 ông bà Lê Nguyễn. Rốt cuộc, Toà vẫn phải tiếp tục kéo dài thời gian tước quyền hai vợ chồng chăm sóc con cho tới khi chúng hoàn toàn ưng thuận trở về.

Nhà nước và gia đình

Từ phạt vi phạm hành chính trong gia đình ở ta… đến câu chuyện đau lòng của một người Việt ở Đức, bất cứ ai quan tâm tới hạnh phúc gia đình mình không thể không so sánh, bức xúc, suy ngẫm; và nếu thừa nhận chức năng của mọi nhà nước ngày nay đều do dân vì dân thì người làm luật phải thấu hiểu được tâm tư đó của họ vốn đóng vai trò hồn cốt, tính người trong mọi văn bản luật.

Hành vi bị phạt hành chính ở ta được định nghĩa trong chính Dự thảo, là những “hành vi có lỗi, của cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về an ninh, trật tự mà không phải là tội phạm và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính“. Định nghĩa trên cho thấy, nhà làm luật ở ta đã đương nhiên coi quan hệ nội bộ gia đình cũng thuộc phạm vi “quản lý nhà nước“, nên mới áp dụng phạt hành chính vào lĩnh vực gia đình theo danh mục vi phạm, tương tự như trong giao thông công cộng. Dư luận bức xúc là đương nhiên bởi không ai muốn tổ ấm riêng tư của mình trở thành giao thông công cộng luôn có cảnh sát tuần tra. Ở đây liên quan tới câu hỏi mang tính nguyên lý, nhà nước có vai trò gì đối với quan hệ trong gia đình? Câu trả lời trong dự thảo Nghị định của Bộ Công an biến quan hệ gia đình thành quan hệ nhà nước, phạt hành chính kẻ không chấp hành quy định của nhà nước để răn đe. Trong khi đó, thế giới hiện đại phân biệt rõ ràng nhà nước là nhà nước mang quan hệ hành chính, nên mới áp dụng phạt hành chính, không thể áp dụng hình phạt đó cho gia đình vốn mang quan hệ tình cảm ruột thịt, hay cho thị trường mang quan hệ trao đổi tiền hàng, hoặc xã hội dân sự mang quan hệ tự nguyện bất vụ lợi. Vai trò nhà nước họ là bảo hộ nạn nhân như trường hợp giúp bà Nguyễn tránh chồng bạo hành, hay mang 2 con bà đi chăm nuôi. Chính vì vậy luật phạt hành chính ở họ không áp dụng đối với thủ phạm như ta, mà đối với nhà chức trách nếu họ không hoàn thành được nhiệm vụ bảo hộ đó. Năm ngoái tại thành phố Leipzig Đức, một cô gái đơn thân nghiện chích, nuôi con lên 3, Sở thanh thiếu niên phải cung cấp dịch vụ hỗ trợ; nửa chừng vì tin tưởng lời cô gái khai báo chuyển hộ khẩu sang thành phố khác nên cắt. Chẳng may sau đó, cô gái chích quá liều chết tại nhà, tận 7 ngày sau mới phát hiện được, bên cạnh là xác đưá con bị bỏ chết khát. Giám đốc Sở thanh thiếu niên bị bãi chức và cùng Chủ tịch thành phố bị Viện kiểm sát ra quyết định điều tra hình sự.

Áp dụng nguyên lý phạt hành chính sai đối tượng sẽ lợi bất cập hại hậu hoạ khôn lường và không một nhà nước nào kiểm soát nổi.

Xã hội nào cũng lấy gia đình làm tế bào, đều muốn nó tốt đẹp cả. Nhưng gia đình là gia đình cần nhà nước bảo hộ chứ nó không phải một cơ quan nhà nước chỉ cần áp dụng phạt hành chính răn đe và cách chức thành viên sai phạm là tốt lên. Nếu chúng ta không làm được hơn thế giới thì ít nhất cũng phải học được họ, bởi chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập toàn cầu!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)