Nhà nước pháp quyền

"Nhà nước pháp quyền" đã được chính thức du nhập vào Việt Nam từ cuối năm 1991. Chính Tổng bí thư Đỗ Mười đã nêu lên khái niệm này trước tiên trong một bài nói tại hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành trung ương khóa 7 ngày 29-11-1991. Mười sáu năm trôi qua, dư luận vẫn còn tự hỏi: "Nhà nước pháp quyền" là gì?

Hỏi như vậy, khác gì xác nhận vấn đề hãy còn là thời sự? Mà lại là thời sự nóng hổi! Trong nước, vi phạm luật là tin tức hàng ngày trên báo chí. Ngoài nước, các tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia không ngớt đòi hỏi “Nhà nước pháp quyền” như một điều kiện phải thực hiện. Thực hiện thế nào trước mắt dân và trước mắt quốc tế, nếu trước hết không định nghĩa cho rõ khái niệm này? Đã đành Việt Nam không bắt buộc phải theo quan niệm của ai, nhưng mơ hồ về chính khái niệm mà mình đã thừa nhận là chuyện không ổn. Bài viết này bắt đầu từ chỗ bắt đầu, nghĩa là từ lịch sử phát sinh ra khái niệm. Gạn lọc hết những phức tạp không cần thiết, tác giả tóm lược ba quan điểm đại diện cho ba hệ thống pháp lý lớn nhất tại châu Âu: Đức, Pháp và Anh. Mỗi quan điểm dính liền với hoàn cảnh chính trị của mỗi nước: nước Đức đang tìm cách thống nhất dưới uy quyền của một Nhà nước mạnh; nước Pháp vẫn còn giữ cuốn rốn của Cách mạng 1789; nước Anh chung thủy với tập tục bất thành văn mà tòa án là người bảo vệ. Không ai giống ai, nhưng quan tâm không xa nhau mấy.

1. Rechtsstaat của Đức

Tiếng Đức, Recht là luật pháp, Staat là Nhà nước, Rechtsstaat là Nhà nước luật pháp, nhưng tôi đề nghị giữ nguyên không dịch, để phân biệt với cách gọi của Pháp (Etat de droit) và cách gọi của Anh (Rule of law). Học thuyết về Rechtsstaat xuất hiện từ giữa thế kỷ 19, trước khi Bismarck thống nhất nước Đức năm 1871, thành lập Đế chế. Nhà nước vững mạnh được xem như giải pháp cho nhu cầu thống nhất mà giới tư sản, giai cấp tiến bộ lúc đó, muốn thực hiện, nhưng đồng thời họ cũng muốn Nhà nước đó tôn trọng tự do của các tầng lớp đang lên: hai nhu cầu đưa đến quan niệm Nhà nước luật pháp. Nhà nước được đồng hóa với một người, vua, và vua chỉ có thể thi hành nhiệm vụ của mình bằng phương tiện luật pháp và bằng cách tôn trọng luật pháp.

Hiểu như vậy, mục đích của Rechtsstaat là hạn chế quyền lực của Nhà nước bằng luật pháp. Trong quan hệ giữa Nhà nước và người dân, cũng như đối với tất cả những gì liên quan đến đời sống riêng tư của mỗi cá nhân, Nhà nước phải hành động theo những quy tắc tổng quát, những nguyên tắc đã vạch ra từ trước. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa Nhà nước luật pháp (Rechtsstaat) và Nhà nước cảnh sát (Polizeistaat).

Nhà nước cảnh sát đã là một bước tiến so với Nhà nước chuyên chế hoặc tùy tiện, bởi vì đã biết công nhận và dành cho luật pháp một địa vị khá rộng. Thế nhưng luật pháp ở đây chỉ là một thứ luật có tính thuần túy phương tiện, luật mà chính quyền hoàn toàn làm chủ, luật được dùng để buộc dân thi hành nhiệm vụ chứ không ràng buộc chính quyền: luật pháp kiểu này biểu hiện quyền uy của người cầm quyền, khí cụ để đạt những mục đích mà chính quyền vạch ra.

Nhà nước luật pháp Rechtsstaat vượt lên trên Nhà nước cảnh sát: luật pháp không phải chỉ là phương tiện hành động của Nhà nước, mà còn là cái khung giới hạn quyền lực của Nhà nước. Do đó, luật pháp có hai bộ mặt đối với các cơ quan hành chánh: vừa tạo khả năng cho bộ máy hành chánh hành động, vừa tạo ràng buộc trên cơ quan hành chánh. Chính quyền không thể buộc ai làm điều gì mà luật đã không minh bạch cho phép, và người dân có thể viện dẫn trước một cơ quan tài phán luật đã làm ra để đòi hủy bỏ, tu chính, hoặc không áp dụng những quyết định hành chánh đã vi phạm luật. Trong thực tế, học thuyết Rechtsstaat nhằm xác nhận ưu thế của luật trên bộ máy hành chánh. Hành chánh không những không được hành động trái luật mà làm gì cũng phải được luật cho phép. Chỉ luật mới có thể tạo ra những nguyên tắc tổng quát, hành chánh chỉ có thể áp dụng những nguyên tắc tổng quát đó cho từng trường hợp cá biệt.

Như vậy, phải nói thêm: Rechtsstaat không những chỉ có nghĩa là Nhà nước phải hành động theo luật pháp, mà Nhà nước còn phải được đặt dưới luật pháp. Vì vậy, vấn đế lý thuyết là phải cắt nghĩa tại sao Nhà nước đặt dưới pháp luật? Chẳng phải là trước đó, Nhà nước vẫn được hiểu như là quyền uy thống trị, dọc ngang nào biết trên đầu có ai hay sao? Trên đầu đã không có ai ngoài tóc, thì làm gì có những nguyên tắc có trước, ở ngoài, và ở trên Nhà nước? Mà ví thử những nguyên tắc ấy có chăng nữa, nếu không có Nhà nước thì lấy ai áp dụng, lấy ai chế tài, có cũng như không? Chẳng phải Nhà nước là điều kiện sinh tồn của nó, cho nó ra đời, làm ông tạo hóa của nó hay sao? Cho nên, trong quan niệm trước đó, chỉ những nguyên tắc nào được Nhà nước ban ra và chế tài mới có tính pháp lý. Làm sao dám nói Nhà nước nằm dưới luật pháp được?

Để bênh vực Rechtsstaat, học thuyết Đức sáng tạo ra thuyết “Nhà nước tự giới hạn”. Một mặt, thuyết này thừa nhận truyền thống tư tưởng trước đây: Nhà nước là nguồn gốc của luật pháp, luật pháp không áp đặt trên Nhà nước một ràng buộc từ bên ngoài, một giới hạn khách quan. Một mặt, thuyết này nói thêm: điều đó không có nghĩa rằng quyền uy của Nhà nước là vô hạn, mà chỉ có nghĩa rằng Nhà nước có một đặc quyền – đặc quyền tự mình đặt ra cho mình những nguyên tắc tạo khung cho việc thực hiện quyền lực của mình. Vị thế đặc biệt đó của Nhà nước trong mối tương quan với luật pháp cắt nghĩa tại sao Nhà nước không bị chi phối bởi cùng những nguyên tắc như những cá nhân thông thường: Nhà nước được đặt dưới một luật pháp đặc biệt, luật hành chánh, bảo vệ Nhà nước hơn.

Mặc dầu có châm chước như vậy, các lý thuyết gia của thuyết tự giới hạn vẫn xem luật pháp như thực sự ràng buộc Nhà nước: Nhà nước không những không thể tự mình hủy bỏ trật tự pháp lý mà không làm rạn nứt nền móng của chính mình, mà Nhà nước còn phải tôn trọng luật pháp một cách tự nhiên. Tại sao? Vì hai lẽ. Một, là vì Nhà nước có lợi để làm như thế: chính mình tôn trọng luật thì luật do mình làm ra càng tăng thêm giá trị, càng được mọi người tôn trọng. Hai, là vì áp lực của xã hội thúc đấy Nhà nước phải tôn trọng. Dù giải thích như vậy có vững hay không, trong lý thuyết tự hạn chế, ý chính là luật pháp không phải nằm ở ngoài Nhà nước, không phải hạn chế từ bên ngoài, không phải ràng buộc từ bên ngoài, mà nằm ở bên trong Nhà nước, do chính ý muốn của Nhà nước. Quan niệm này phản ánh triết lý truyền thống của Đức về Nhà nước, đặc biệt là từ Kant, Fichte, Hegel, và phản ánh chế đô chính trị của Đức hồi đó, cần một Nhà nước để thống nhất.

Trong lịch sử của bất cứ nước phát triển nào, dù ở phương Tây hay ở phương Nam, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, phát triển xã hội, phát triển chính trị, phát triển gì gì đi nữa, cũng phải dựa trên phát triển ý thức tôn trọng luật pháp, bắt đầu từ chính quyền để thấm vào người dân.
 

Do đó, học thuyết Rechtsstaat không được tiếp nhận trọng đãi ở Pháp. Một mặt, các tác giả Pháp xem đó như là cách biện minh cho chế độ chính trị của Đức; một mặt, lý thuyết tự hạn chế bị chê là lừng khừng, cố ý tránh né để khỏi hạn chế thực sự Nhà nước bằng luật pháp. Thêm nữa, lý thuyết của Đức cũng trái hẳn với quan niệm của Pháp về Nhà nước: một bên xem Nhà nước như một thực thể trừu tượng, độc lập; một bên xem Nhà nước như một phương tiên pháp lý để Dân tộc tự tổ chức. Đây là quan niệm đặc thù của Pháp, thừa kế từ Cách mạng 1789, xem Nhà nước là Nhà nước-Dân Tộc (Etat-Nation) hoặc Quốc dân. Bởi vậy, tuy ra đời trước Pháp, học thuyết của Đức phải đợi đến khoảng 1920 mới thực sự được du nhập vào Pháp, rồi được nhào nặn, sửa đổi để trở thành học thuyết của Pháp, mang tên là Etat de droit, dịch sát nguyên văn Rechtsstaat.

2. Etat de droit của Pháp

Miếng đất chính trị của Pháp đã được Cách mạng 1789 cày bừa trước khi nhận hạt giống Rechtsstaat. Thay đổi toàn bộ hệ thống pháp lý có trước, Cách Mạng lập ra một thứ bậc pháp lý rất chặt chẽ, phân minh. Trên tột cao là “những quyền tự nhiên, không thể chuyển nhượng, và thiêng liêng của con người”. Dưới đó là hiến pháp mà mục tiêu là bảo đảm những quyền vừa nói và thực hiện sự phân quyền giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp. Dưới nữa là luật do Quốc hội biểu quyết. Dưới cùng là những văn kiện của chính phủ mà nhiệm vụ là ban hành và áp dụng luật. Bộ máy hành chánh, không có tư cách đại diện ai cả, không được xen lấn vào việc sử dụng quyền lập pháp và cũng không được ngưng hoãn việc áp dụng luật.

Thứ bậc pháp lý đó, rõ ràng trên lý thuyết, lại sơ hở cả trên lý thuyết lẫn thực tế. Nguyên nhân là Rousseau.- là lý thuyết quá nặng ảnh hưởng của Rousseau về luật và về Quốc dân. Quốc dân, trong tư tưởng của Rousseau, là một thực thể trừu tượng, độc lập, không đồng hóa với từng cá nhân cụ thể. Vì trừu tượng, Quốc Dân không có miệng để nói lên trực tiếp ý muốn của mình, phải nói qua miệng của những người đại diện được bầu lên: tiếng nói của họ, ý muốn của họ phát biểu ý muốn của chính Quốc dân. Ý muốn đó diễn dịch ra thành luật. Luật, “biểu hiện ý muốn của toàn thể”, chói lọi hào quang. Hào quang đó làm mờ nhạt thứ bậc pháp lý vừa sắp đặt, cụ thể là hiến pháp. Tình trạng chính trị thiếu ổn định sau 1789, chế độ này đổ, chế độ khác lên, Cộng hòa rồi lại quân chủ, quân chủ rồi lại Cộng hòa, rồi quân chủ, rồi Đế chế, hiến pháp thay đổi năm lần bảy lượt, mất uy thế trước luật. Là tối thượng trong thực tế, luật mang áo bào tối thượng khoác lên vai cơ quan làm ra luật, tức là Quốc hội. Khác hẳn Đức, Quốc hội làm mưa làm gió trong lịch sử chính trị Pháp, lật hết chính phủ này đến chính phủ khác trong suốt giai đoạn Đệ Tam, Đệ Tứ Cộng hòa, từ 1875 đến tận 1958. Và cũng vì luật chói sáng hào quang như thế, cho đến 1958, Pháp không giải quyết nổi mâu thuẫn căn bản trong đẳng cấp pháp lý: không thành lập được một cơ quan nào để hủy bỏ luật trong trường hợp luật vi phạm hiến pháp. Ngược lại, Pháp rất tinh vi trong việc kiểm soát tính cách hợp luật của các quyết định hành chánh. Ngăn cấm không để cho các cơ quan hành chánh vi phạm luật là quan tâm chính của hệ thống pháp lý Pháp.

Bởi vậy, trong suốt giai đoạn Đệ Tam Cộng hòa (1875-1940), người dân không được bảo vệ nếu quyền của mình bị chính luật của Quốc hội làm ra vi phạm. Đâu có phải luật nào cũng tốt? Đâu có phải làm nhiều luật là tốt? Thiếu gì luật vi phạm quyền và tự do của dân chúng? Thiếu gì luật gây nhiễu cho dân? “Hợp pháp” với thứ luật đó lại hóa ra nối dáo cho giặc. Làm sao chống lại thứ luật như vậy?

Lý thuyết Nhà nước pháp luật (Etat de droit) được du nhập từ Đức và được triển khai chính là khí giới tư tưởng để chống lại Nhà nước hợp pháp (Etat légal). Vấn đề là phải quan niệm lại địa vị hào quang của luật và xác nhận lại vị thế cao nhất của hiến pháp so với luật của Quốc hội. Cụ thể, tranh luận diễn ra trên tính pháp lý của Tuyên Ngôn về quyền của con người và công dân 1789. Một số tác giả lớn xem Tuyên ngôn đó như một văn kiện luật pháp thực sự, cao hơn luật và cao hơn cả hiến pháp. Một số khác chủ trương phải tu chính hiến pháp 1875, đưa những quyền mà Tuyên Ngôn công nhận vào trong hiến pháp, để cơ quan làm luật không được vi phạm. Dù khác nhau, cả hai ý kiến đều nhất trí trên cùng một nhận định: phải quy định bằng hiến pháp những bảo đảm cho quyền của người dân chống lại một cơ quan làm luật xét ra còn nguy hiểm cho tự do của người dân hơn cả quyền lực hành chánh. Có hai cách để thực hiện bảo đảm: hoặc trao cho các tòa án quyền kiểm soát hiến tính các đạo luật như ở Mỹ, hoặc thành lập một Tòa án đặc biệt như ở Pháp hiện nay.

Du nhập Rechtsstaat, các lý thuyết gia của Pháp cũng phải giải quyết vấn đề lý thuyết hóc búa về tương quan giữa Nhà nước và luật pháp. Nhà nước ở trên hay luật pháp ở trên? Giải pháp hàng hai tự hạn chế của Đức là đề tài tranh luận sôi nổi. Hai phe chống đối nhau trên giá trị pháp lý của Tuyên ngôn 1789. Khuynh hướng chủ trương địa vị tối ưu của Tuyên ngôn bênh vực ý kiến theo đó Nhà nước, cơ quan nói lên ý muốn của nhà cầm quyền, phải được đặt dưới một trật tự khách quan mà chính mình không lập ra. Khuynh hướng đối lập, chủ trương Tuyên Ngôn không có giá trị pháp lý, bênh vực quan điểm theo đó Nhà nước chủ tể chỉ có thể bị hạn chế bằng những nguyên tắc do chính mình tạo lập.

Thủy thổ của nước Pháp cách mạng rốt cục không hợp với khuynh hướng thứ hai, chịu ảnh hưởng của Đức: nhiều tác giả lớn chỉ trích kịch liệt thuyết tự hạn chế, xem như biện minh cho quyền lực toàn trị của Nhà nước, đặt Nhà nước trên luật pháp. Vậy, theo họ, nếu luật pháp không do Nhà nước mà ra thì do đâu? Trả lời: do một nguyên tắc có trước và trên Nhà nước. Nguyên tắc gì? Thuở trước là Thượng đế: luật pháp được xem như xây dựng trên trật tự do Thượng đế an bài. Bây giờ là Thiên nhiên, là Người, là Xã hội, là trật tự thiên nhiên, trật tự nhân bản, trật tự xã hội mà Nhà nước chỉ diễn dịch ra như một thông dịch viên. Khi Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng những chân lý sau đây là hiển nhiên tự bản thân: tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng; được tạo hóa ban cho một số quyền không thể chuyển nhượng trong đó có quyền sống, tự do và mưu cấu hạnh phúc…”, bản Tuyên ngôn đã viện dẫn nguồn gốc thiêng liêng. Khi Tuyên Ngôn 1789 của Pháp tuyên bố về những quyền thiên nhiên bất khả xâm phạm, văn kiện đó tiếp thu máu mủ từ triết lý quyền thiên nhiên phổ biến từ thế kỷ 17. Đến đầu thế kỷ 20, triết lý quyền thiên nhiên bị lu mờ trước cao trào của xã hội học, nhường chỗ cho triết lý ý thức xã hội. Phân biệt cái “có sẵn” và cái “được xây dựng”, các tác giả lớn không xem luật pháp như nằm trọn gói trong lĩnh vực thứ hai, nghĩa là do Nhà nước tạo dựng ra: đàng sau những quy tắc tạo dựng đó đã có sẵn một thực tại pháp lý sâu xa, hiện hữu dưới dạng chưa khai thác trong cộng đồng xã hội. Nhà nước, xét cho cùng, chỉ là một thực thể trừu tượng, nấp sau những người cai trị có xương có thịt, để tạo cơ sở chính đáng cho việc sử dụng quyền lực cưỡng bách. Hành động gọi là của Nhà nước thật ra chỉ do từ ý muốn cá nhân của nhà cầm quyền: sau lưng Nhà nước là những người có tên có tuổi muốn thế này, hành động thế kia, áp đặt thế nọ. Vấn đề là hạn chế việc sử dụng quyền uy đó bằng luật pháp.

Tác giả Duguit, một trong những ngôi sao bắc đẩu của luật học Pháp đầu thế kỷ 20, giải thích “ý thức xã hội” thế này: trong đám đông cá nhân tập hợp lại thành một nhóm xã hội nào đó, luật pháp hiện hữu khi đám đông đó “hiểu và công nhận rằng một phản ứng chống lại những người vi phạm nguyên tắc có thể được tổ chức từ xã hội”: tình trạng ý thức đó là “nguồn gốc sáng tạo ra luật pháp”. Chính từ cái lúc chính xác đó, một nguyên tắc xã hội, xây dựng trên tính liên đới và quan hệ hỗ tương, biến thành nguyên tắc luật pháp. Do đó, luật pháp không phải từ Nhà nước mà ra, hiện thân của địa vị tối thượng của Nhà nước, mà là một “hiện tượng xã hội”, được tạo thành “một cách tự nhiên trong đầu óc của con người” dưới ảnh hưởng của hai tình cảm: tính xã hội, thúc đẩy việc chế tài mọi hành vi xâm phạm đến liên đới xã hội, và tính công lý, buộc phải bảo vệ bình đẳng cho tất cả mọi người trong tương quan giữa họ với nhau và giữa họ với tập thể.

Cùng đi đến một kết luận, một ngôi sao bắc đẩu khác, Hauriou, giải thích một cách khác. Nhà nước, theo ông, vẫn là cơ sở của quyền lực, nhưng người dân không tuân lệnh nhà cầm quyền như là những người có xương có thịt, mà là vì tư cách đại diện của Nhà nước. Quyền hành của họ chỉ chính đáng vì được hành xử nhân danh Nhà nước, hiện thân của ý muốn sống chung. Luật pháp, vì vậy, không phải nằm ở ngoài Nhà nước như Duguit chủ trương, mà đúng là do Nhà nước tạo ra nhân danh mình. Tuy vậy điều đó không có nghĩa là Nhà nước toàn trị, muốn làm gì thì làm. Giống như mọi định chế khác, Nhà nước được xây dựng trên sự thỏa thuận của tập tục: chính Dân tộc thỏa thuận và thúc ép việc xây dựng một quyền hành có tính cưỡng bách, nhưng quyền hành đó không thể tồn tại nếu không thường xuyên dựa trên sự gắn bó của thành viên. Ý tưởng này chứa đựng sẵn mầm mống của nguyên tắc giới hạn Nhà nước: người dân không từ bỏ toàn thể tự do của mình vào tay Nhà nước, và nếu sự thỏa thuận của người dân tiêu tan thì Nhà nước sẽ không còn chính đáng. Từ điểm đó, Nhà nước không thể được xem như là nguồn gốc duy nhất của luật pháp.


 Giữa thế kỷ 20, có một nước thuộc địa anh hùng vùng lên viết trên lịch sử dành độc lập của thế giới quật khởi ba chữ tiên phong: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Tự do là gì nếu không phải là quyền của người dân buộc chính quyền phải tôn trọng luật pháp? Hạnh phúc là gì nếu trước hết không phải là quyền của người dân không bị nhũng nhiễu quấy rầy? Nhà nước pháp quyền có lạ lùng gì đâu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

Tranh luận trên đúng sai của những lý thuyết này thì vô cùng, chỉ cần ghi rằng ý chính của mọi lý thuyết về Nhà nước luật pháp là hạn chế quyền lực của Nhà nước để bảo vệ quyền của người dân. Nhà nước không phải muốn làm gì thì làm mà nhất nhất phải hành động đúng luật pháp, nghĩa là: tôn trọng những văn bản luật pháp quy định thẩm quyền của mình, tôn trọng những nguyên tắc luật pháp do cơ quan cấp trên của mình làm ra, và tôn trọng những nguyên tắc do chính mình làm ra. Đây là điều cực kỳ quan trọng, bởi vì chính sự tôn trọng luật pháp của chính quyền tạo ra một quyền thực sự của người dân: quyền buộc chính quyền, buộc cơ quan hành chánh phải tôn trọng luật. Nhiệm vụ của tư pháp là chế tài mọi vi phạm nguyên tắc đó, kể cả vi phạm của chính quyền. Trên điểm này, Rule of law của Anh tự hào giải quyết vấn đề gọn nhất, hữu hiệu nhất, ít lý thuyết nhất, cụ thể nhất.

3. Rule of law của Anh

Trong quan niệm của Anh, Rule of law không phải chỉ có nghĩa luật là cao nhất và mọi công dân đều bình đẳng trước luật, mà còn có nghĩa luật pháp hàm chứa những tính chất căn bản trong nội dung: chỉ nhắm đến tương lai mà quy định, không trở lui quá khứ; phải được công bố; phải rõ ràng, phân minh, vững bền; phải có tính tiên liệu; phải tôn trọng quyền và tự do của công dân… Quan niệm luật tối thượng của Pháp chủ yếu nhắm tối thượng qua đẳng cấp, nghĩa là trọng hình thức; quan niệm luật tối thượng của Anh còn bao hàm một định nghĩa về luật xét trên nội dung. Cùng một quan niệm tương tự, due process of law của Mỹ, do tu chính Hiến pháp thứ 14 (1868) thiết lập, dần dần được hiểu theo nghĩa rộng, không phải chỉ buộc chính quyền tôn trọng đúng thể thức khi áp dụng luật (procedural due process), ví dụ phải bảo đảm tổ chức vụ kiện cho đúng đắn, mà còn buộc xét luật về mặt nội dung (substantive due process). Cả hai tính chất “nội dung” và “thể thức” đều không có mặt trong quan niệm của Pháp.

Dicey, trong quyển sách “Introduction to the Study of the Law of the Constitution” (1885) cắt nghĩa rõ thế nào là Rule of Law.

Thứ nhất, Rule of Law có nghĩa: luật là cao nhất, cao tuyệt đối, chống lại ảnh hưởng của quyền lực tùy tiện, của đặc quyền, của quyền uy phân biệt đối xử về phía chính quyền. “Người dân Anh được cai trị bởi luật, và chỉ duy nhất bởi luật mà thôi; một người có thể bị trừng phạt vì vi phạm luật nhưng không thể bị trừng phạt vì bất cứ lý do gì khác”.

Thứ hai, Rule of Law có nghĩa là: mọi người dân đều bình đẳng trước luật pháp, trước luật thông thường được áp dụng trước các tòa án thông thường. Điều này loại trừ ý nghĩ các viên chức Nhà nước hay ai đó có thể thoát ra khỏi bổn phận tuân theo luật áp dụng cho các công dân khác trước các tòa án thông thường. Câu nói này vạch ra điểm khác biệt căn bản giữa hệ thống pháp lý Anh và Pháp: ở Pháp, người dân kiện chính quyền trước các tòa án hành chánh; ở Anh, trước các tòa án thường, không phân biệt. Nhà nước, trong chuyện đáo tụng đình, và người dân không ai hơn ai.

Thứ ba, Rule of Law có nghĩa: luật của hiến pháp, những nguyên tắc mà các nước khác quy định trong hiến pháp, không phải là nguồn gốc mà là hậu quả của những quyền của cá nhân như các tòa án đã định nghĩa và đã thực hiện. Ai học luật đều biết: nước Anh không có hiến pháp thành văn; những nguyên tắc có tính hiến pháp ở Anh được tạo ra do tập tục và luật thông thường mà thành. Trước mắt Dicey, nghĩa là của người Anh, khi một nước Âu châu khác “bảo đảm quyền của người dân”, quyền này được xem như một đặc ân, do một quyền lực trên cao bảo vệ. Ở Anh, việc bảo vệ quyền và tự do của người dân được thực hiện một cách bình thường, do việc áp dụng luật lệ bình thường, trước các tòa án bình thường.

Điểm qua ba học thuyết chính ở châu Âu về Nhà nước luật pháp, có thể tóm gọn thêm một lần nữa ý chính. Khái niệm Nhà nước luật pháp bao gồm ba chiều hướng, ba cấp bậc xen kẽ với nhau.

* Cấp bậc thứ nhất, tối thiểu, Nhà nước luật pháp có nghĩa là nhà cầm quyền phải đặt mình dưới luật pháp. Cụ thể, trật tự pháp lý phải được tôn trọng, luật pháp phải được bảo đảm áp dụng cho tất cả mọi người, dân cũng như quan chức, do một cơ quan tư pháp đôc lập. Ở cấp bậc này, sự tôn trọng luật của chính quyền được xem như phát xuất từ ý muốn tự chế, tự tuân theo kỷ luật của chính quyền – một quá trình lý trí hóa trong tiến bộ của một xã hội về cách hành động của guồng máy Nhà nước nhắm loại trừ tùy tiện.

* Cấp bậc “tối thiểu” này, một Nhà nước độc quyền, nếu hành động theo đúng luật, cũng có thể gọi là Nhà nước luật pháp. Tất nhiên, xét về mặt nội dung, luật có thể cho phép chính quyền làm bất cứ biện pháp gì, tốt cũng như xấu cho người dân, nhưng “Nhà nước luật pháp ở cấp tối thiểu” cũng đã khác với Nhà nước toàn trị rồi: Nhà nước toàn trị thì bất chấp luật pháp.

* Cấp bậc cao hơn, Nhà nước phải đặt mình dưới luật pháp và không được làm ra những luật, những nguyên tắc pháp lý trái với những nguyên tắc tổng quát cao hơn mà hiến pháp có thể công nhận tinh túy. Ở cấp bậc này, luật pháp được xem như có trước và cao hơn Nhà nước, tạo giới hạn cho hành động của chính Nhà nước. Tất cả vấn đề là tìm cách cắt nghĩa trên lý thuyết giới hạn đó.

* Cấp bậc thứ ba, Nhà nước luật pháp là Nhà nước trong đó người dân được bảo đảm những quyền và tự do một cách hữu hiệu. Quyền của con người và dân chủ trong chính trị là hậu quả của bảo đảm này. Quyền của con người bảo đảm cho người dân không bị chính quyền vi phạm; dân chủ bảo đảm cho đa số được nắm quyền và cho thiểu số đủ mọi tự do để trở thành đa số trong lần bầu cử kế tiếp. Ở đây, Nhà nước cũng bị giới hạn: giới hạn bởi quyền của công dân, trong đó có quyền thay đổi ý kiến về việc lựa chọn người cầm quyền. Rộng hơn, Nhà nước bị giới hạn vì một nguyên tắc chung: những gì không liên quan đến lĩnh vực công thì thuộc lĩnh vực tư; những gì không cần Nhà nước phải nhất thiết nắm, hãy để cho xã hội tự quản. Phân biệt giữa công / tư và Nhà nước / xã hội dân sự là đặc điểm của một xã hội tiến bộ, văn minh.

***
Trong ngôn ngữ của thế giới, sau Rechtsstaat, Etat de droit, Rule of Law, Việt Nam có “Nhà nước pháp quyền”. Tên gọi thật hay. Vừa “pháp”, nghĩa là luật pháp; vừa “quyền”, nghĩa là… quyền. Chưa biết quyền của ai, nhưng chắc chắn không phải là quyền của Nhà nước, vì Nhà nước cần gì phải đòi quyền – đòi một cái đã có. Thiện chí tôn trọng pháp luật của Chính phủ Việt Nam đã có từ 1991 và tiếp tục được phát huy cho đến nay, không ai chối cãi được. Nhà nước Việt Nam thừa biết: một nước đang phát triển mà luật pháp không được tôn trọng thực sự không thể nào tránh khỏi hỗn loạn, dẫn đến cái họa diệt vong. Trong lịch sử của bất cứ nước phát triển nào, dù ở phương Tây hay ở phương Nam, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, phát triển xã hội, phát triển chính trị, phát triển gì gì đi nữa, cũng phải dựa trên phát triển ý thức tôn trọng luật pháp, bắt đầu từ chính quyền để thấm vào người dân. Làm gì có ổn định xã hội nếu không có ổn định luật pháp? Làm gì có ổn định luật pháp nếu luật không được áp dụng nghiêm minh? Làm gì có áp dụng nghiêm minh luật nếu tòa án không độc lập? Nếu người xử án không có trình độ? Nếu người dân không tin tưởng ở công lý? Nếu chính quyền không tự mình nêu gương tôn trọng luật pháp trước tiên?

Nhà nước pháp quyền thì có gì lạ đâu với chúng ta! Đầu thế kỷ 20, Tôn Dật Tiên đã giương cao tiêu chí “Dân tộc – Dân quyền – Dân sinh”. Dân quyền là gì nếu không phải là hệ quả của tôn trọng luật pháp? Quyền của dân được xem như mục tiêu của Nhà nước từ 1911! Giữa thế kỷ 20, có một nước thuộc địa anh hùng vùng lên viết trên lịch sử dành độc lập của thế giới quật khởi ba chữ tiên phong: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Tự do là gì nếu không phải là quyền của người dân buộc chính quyền phải tôn trọng luật pháp? Hạnh phúc là gì nếu trước hết không phải là quyền của người dân không bị nhũng nhiễu quấy rầy? Nhà nước pháp quyền có lạ lùng gì đâu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh- người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?

Tác giả

(Visited 33 times, 1 visits today)