Nhân cách khoa học của nhà nghiên cứu

Tạp chí Tia sáng số ra ngày 20. 5. 2009 có đăng tải bài “Chuyện” con người khoa học Việt Nam của tác giả Nguyễn Bỉnh Quân viết về một số tiêu cực và yếu kém trong nghiên cứu khoa học xã hội với dẫn chứng về một số vụ việc cụ thể. Đáng tiếc là do sơ suất, tác giả đã dẫn nhầm nhan đề công trình “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành “Công tác công đoàn cơ sở”, vả lại, với một bài báo ngắn như thế khó có thể phân tích một cách thấu đáo đủ mức cần thiết, nên dễ gây ngộ nhận và do đó cũng khiến bài viết ít nhiều chưa thuyết phục được người đọc. Tuy nhiên vấn đề nhân cách khoa học của người nghiên cứu mà bài viết nêu ra quả là một điểm nóng trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay, nên cũng cần được nhiều người cùng quan tâm để có thể giải quyết.

Nếu nhìn nhận hoạt động khoa học xã hội Việt Nam hiện nay bằng mô hình sản xuất chung nhất với ba khâu cơ bản là sản xuất – phân phối – tiêu dùng, thì hệ thống sản xuất đang có vấn đề trên phương diện tổ chức. Chưa nói tới chất lượng, chỉ riêng việc lực lượng nghiên cứu khoa học tập trung trong khu vực Nhà nước, nhưng bị rải ra trong nhiều hệ thống nghiên cứu riêng biệt từ Trung ương tới địa phương, mà không có cơ chế liên kết ngang mang tính pháp quy gây ra tình trạng trùng lặp phổ biến về đề tài nghiên cứu và cát cứ ít nhiều về tư liệu khoa học, cũng đã không hứa hẹn điều gì tốt đẹp cho một nền khoa học phát triển lành mạnh, vì nó xé lẻ một thị trường khoa học thống nhất có thể có ra thành nhiều mảnh mang tính chất cục bộ hay địa phương. Có lẽ cũng cần có sự phân định rạch ròi giữa hoạt động nghiên cứu với hoạt động khoa học, vì rất nhiều người có nhu cầu nghiên cứu và đều có thể thực hiện nhiều thao tác nghiên cứu hoặc lớn hoặc nhỏ, nhưng không phải bất cứ ai cũng có được tư duy, phương pháp luận và định hướng hoạt động khoa học. Bởi vì có nhiều vấn đề tuy rất cần nghiên cứu nhưng mang tính nhất thời, đơn lẻ hay thậm chí còn là ngẫu nhiên, tóm lại không thành hệ thống, không tồn tại một cách ổn định và lâu dài đủ để trở thành đối tượng của một ngành khoa học độc lập. Chẳng hạn ngay từ tên gọi thì công trình Một số vấn đề cấp bách…nói trên cũng cho thấy nó chỉ hướng tới tổng kết, lý giải một số vấn đề nhất thời đặt ra trong thực tiễn hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động vào lúc công trình ấy được tiến hành, không thể coi là một đề tài khoa học. Hơn thế nữa, một đề tài nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động do vị Chủ tịch Tổng Liên đoàn làm chủ nhiệm đề tài, do Hội đồng khoa học của Tổng Liên đoàn Lao động nghiệm thu, thì bất kể chất lượng thế nào cũng khó tránh được sự hiềm nghi về chuyện

Làng An Định – An Giang

“Mẹ hát con khen hay”. Còn nói sâu hơn thì việc chỉ ra những vấn đề cấp bách như thế vốn thuộc nhiệm vụ pháp quy của Tổng Liên đoàn Lao động mà trước hết là những người lãnh đạo, bộ máy ấy được tổ chức và trả lương vốn để làm việc ấy, tại sao lại biến nó thành một đề tài để lấy thêm kinh phí Nhà nước? Sở dĩ không ai coi các Nghị quyết Đại hội Đảng hay Nghị quyết các Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là những công trình khoa học chính vì điều đó, mặc dù những người soạn thảo ra các Nghị quyết ấy cũng phải dùng nhiều thao tác nghiên cứu để tổng kết, lý giải và dự báo các vấn đề có liên quan. Sự đánh đồng hoạt động nghiên cứu với hoạt động khoa học xã hội ngay từ tổ chức và hoạt động như thế đang gây trở ngại cho việc hoàn thiện nhân cách khoa học hiện đại vì nó cản trở giới khoa học Việt Nam bước vào quỹ đạo chuyên nghiệp hóa đồng thời nâng cao chất lượng nghiên cứu, còn trên khía cạnh tác động xã hội thì đây chính là tiền đề cho sự xuất hiện của nhiều “nhà khoa học xã hội” với các công trình tào lao. 

Quá trình tái cấu trúc xã hội trên cơ sở phát triển nền kinh tế hàng hóa hơn 20 năm qua còn chưa tạo ra được điều kiện cần thiết để san bằng khoảng cách giữa các cấu trúc xã hội rất khác nhau ấy, thực tế này cũng chi phối tính mục đích của nhiều người nghiên cứu trong việc hành xử các nhiệm vụ khoa học. Và khi tính mục đích không rõ ràng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với việc xây dựng một xã hội thống nhất.

Bên cạnh đó, một trong những nan đề của khoa học xã hội Việt Nam hiện nay là chưa có một hệ thống phân phối và tiêu dùng có thể kích thích hệ thống sản xuất. Lề lối tác nghiệp cổ điển ít nhiều lạc hậu đã khiến khoa học Việt Nam nói chung chỉ có một khách hàng lớn nhất là Nhà nước với khả năng mua còn rất có hạn, trong khi lối làm đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện với kinh phí Nhà nước thật ra chỉ là một hình thức tái bao cấp, đây là những lý do chủ yếu khiến thị trường khoa học quốc gia vẫn chưa hình thành và vì vậy cũng khiến khoa học xã hội Việt Nam hiện nay phát triển một cách rất không giống ai. Ai cũng biết trong hoạt động khoa học xã hội thì lao động không đồng nghĩa với sản xuất, mà lối cung cấp kinh phí theo đề tài như vậy thật ra là Nhà nước mua quá trình lao động chứ không phải mua kết quả sản xuất, và nếu kinh phí đổ ra càng lớn – có khi tới vài trăm triệu thì Hội đồng nghiệm thu càng khó kiên quyết trước việc quyết định điểm Không đạt cho công trình. Mặt khác không phải bất cứ người nghiên cứu có năng lực nào cũng có thể được nhận kinh phí ngoài tiền lương để thực hiện đề tài, khá đông vì vậy phải bán ở các thị trường khác để có thể mua ở thị trường chung, thứ nhân cách kinh tế lưỡng phân này đã tác động xấu tới nhân cách trong đó có lương tâm khoa học và ý thức xã hội của không ít người nghiên cứu.
Tuy nhiên trên đây chỉ là những yếu tố tổ chức và hoạt động tác động bất lợi tới nhân cách khoa học, có thể giải quyết bằng các biện pháp tổ chức, tài chính và kỹ thuật. Vấn đề nhân cách khoa học của người nghiên cứu xã hội còn bị chi phối bởi yếu tố định hướng phát triển, trong phạm vi hẹp là định hướng phát triển khoa học xã hội, trong phạm vi rộng là định hướng phát triển xã hội. Đây mới chính là vấn đề cốt tử đối với nhân cách khoa học của những người nghiên cứu khoa học hiện nay.

Vấn đề nhân cách khoa học của người nghiên cứu còn bị chi phối bởi yếu tố định hướng phát triển, trong phạm vi hẹp là định hướng phát triển khoa học, trong phạm vi rộng là định hướng phát triển xã hội. Đây mới chính là vấn đề cốt tử đối với nhân cách khoa học của những người nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay.

Nhìn vào kết cấu tổ chức – ý thức hệ của xã hội Việt Nam hiện nay, có thể thấy đó là một phức hợp đan xen nhiều cấu trúc xã hội. Bên cạnh những công dân tuy còn khiếm khuyết của xã hội dân chủ vẫn có những con người của xã hội quân chính, bên cạnh những con người của xã hội thị trường vẫn có những con người của xã hội bao cấp, bên cạnh những con người của xã hội hiện đại vẫn có những con người của xã hội phong kiến, tóm lại là sản phẩm của nhiều cấu trúc xã hội với những định chế rất khác nhau, thậm chí cả những con người vô Chính phủ cũng đã xuất hiện. Quá trình tái cấu trúc xã hội trên cơ sở phát triển nền kinh tế hàng hóa hơn 20 năm qua còn chưa tạo ra được điều kiện cần thiết để san bằng khoảng cách giữa các cấu trúc xã hội rất khác nhau ấy, thực tế này cũng chi phối tính mục đích của nhiều người nghiên cứu trong việc hành xử các nhiệm vụ khoa học. Một người nghiên cứu các môn Phong thủy, Dịch học, Tử vi thì trong thực tế y đã tái lập một mảnh của văn hóa và xã hội tiền tư bản, một người nghiên cứu làng xã thì trong thực tế y đã tái lập một mảnh của văn hóa và xã hội nông nghiệp cổ truyền, một người nghiên cứu Phật giáo thì trong thực tế y đã tái lập một mảnh của văn hóa và xã hội tôn giáo, một người nghiên cứu lịch sử Đàng Trong thì trong thực tế y đã tái lập một mảnh của văn hóa và xã hội Việt Nam dưới sự cát cứ của các chúa Nguyễn Đàng Trong. Chất lượng nghiên cứu càng cao thì sự tái lập ấy càng chính xác, nhưng tính mục đích không rõ ràng lại khiến điều đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với việc xây dựng một xã hội thống nhất. Không lạ gì mà nhiều người đi vào cái học Phong thủy, Tử vi đã trở thành những người tiên phong trong việc tuyên truyền cho tư tưởng mê tín dị đoan. Năm trước một nhà nghiên cứu từng làm xúc động dư luận với một công trình quy đồng nhiều yếu tố truyền thống của văn hóa Việt Nam vào mẫu số văn hóa Phật giáo, cách nhận định ấy dù đúng dù sai cũng khiến người ta phải lo ngại, vì trong thực tế nó có thể đưa tới những nhận thức lịch sử bất lợi cho việc xây dựng một xã hội hiện đại không bị chi phối bởi các tư tưởng tôn giáo ở Việt Nam. Tương tự, trong Hội thảo do Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT và Tạp chí Tia sáng tổ chức tháng 6.2008, có nhà nghiên cứu nêu ra việc phát triển văn hóa làng như một biện pháp xây dựng nông thôn mới, trong khi cái gọi là văn hóa làng ấy về cơ bản là tàn tích xã hội của nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông. Cũng không phải ngẫu nhiên mà sau Hội nghị về triều Nguyễn và các chúa Nguyễn Đàng Trong cuối năm trước ở Thanh Hóa, nhiều người đã bày tỏ sự lo ngại về lối thay đổi nhận thức kiểu quay ngoắt 180 độ về lịch sử, trước kia cái gì cũng chê bai lên án thì bây giờ cái gì cũng khen ngợi ca tụng. Bởi trong thực tế lối thay đổi ấy chỉ có một kết quả duy nhất là cản trở nếu không nói là phá hoại tiến trình tái cấu trúc xã hội về mặt nhận thức lịch sử và văn hóa dân tộc, một tiến trình mà mục tiêu chủ yếu là thống nhất cách nhìn về quá khứ để tiến tới sự đồng thuận trong cái nhìn về tương lai. Dĩ nhiên nạn nhân đầu tiên của những kết quả nghiên cứu ít có hiệu quả xã hội ấy chính là những người nghiên cứu, vì nếu bị chi phối bởi những không gian xã hội xưa cũ do chính mình tái tạo, họ sẽ ít nhiều tách rời với các nhu cầu nhận thức và định hướng thực tiễn của xã hội đương đại, thiếu tỉnh táo để nhận chân về các bước đi tiếp theo trên con đường khoa học của mình. Còn nếu nói thêm thì giống như một bầy kiến cùng khiêng một con sâu nhưng mỗi con đều ra sức kéo về một phía, một nền khoa học phát triển trên cơ sở những con người như thế có thể cũng sẽ về tới đích, nhưng phải theo một lộ trình quanh co không cần thiết và vì thế lại góp phần làm chậm lại tốc độ hiện đại hóa của xã hội Việt Nam. 
***
Sau cùng, tôi cũng muốn qua bài viết này tạ lỗi với Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Viện Nghiên cứu Hán Nôm, vì buổi nói chuyện vừa qua của tôi chắc chắn không đáp ứng được lòng mong muốn của các em. Bởi vì tôi khiếp sợ trước viễn cảnh một nền khoa học xã hội của quốc gia lại bị phân tán, chia rẽ về tính mục đích và động cơ nghiên cứu mà nhất thời tự thấy không sao trình bày một cách rõ ràng và chính xác. Nhưng một nhân cách khoa học lành mạnh thì phải có ý thức trách nhiệm với xã hội, tôi hy vọng được các em chia sẻ điều này. 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)